Thứ Năm, 1 tháng 5, 2008

TÓM TẮT ĐỀ TÀI: NGHIÊN CỨU CƠ SỞ KHOA HỌC CỦA VIỆC HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN THỂ CHẾ GIAO DỊCH NÔNG SẢN Ở VIỆT NAM


 


 

Nghiên cứu này nhằm xây dựng cơ sở khoa học hình thành và phát triển thể chế giao dịch nông sản ở Việt Nam. Nghiên cứu thể chế giao dịch nông sản bao gồm phân tích, đánh giá cấu trúc tổ chức, cơ chế hoạt động và điều kiện vật chất của các hình thức giao dịch nông sản ở Việt Nam. Các hình thức giao dịch nông sản được nghiên cứu chia thành 3 nhóm chính: giao dịch giao ngay, giao sau và sản xuất theo hợp đồng.

Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính để xây dựng cơ sở khoa học hình thành và phát triển thể chế giao dịch nông sản. Thông qua nghiên cứu thực địa (Field research) và nghiên cứu so sánh lịch sử (Historical comparative research), đề tài mô phỏng thế giới thực các hình thức giao dịch nông sản về mặt cấu trúc, cơ chế tương tác giữa các chủ thể tham gia vào quá trình giao dịch trong điều kiện vật chất cụ thể có tính lịch sử. Đề tài sử dụng lý thuyết kinh tế, quản trị, luật học và lý thuyết hệ thống (System theory) để phân tích so sánh các tình huống thực tế trong thế giới động nhằm hệ thống hóa, phân loại, tổng quát hóa vấn đề tìm ra bản chất, đặc trưng của các hình thức giao dịch nông sản. Việc nghiên cứu các hình thức giao dịch nông sản được thực hiện thông qua phỏng vấn sâu nông dân, người mua gom, HTX, doanh nghiệp và một số tổ chức nhà nước.

Đề tài nghiên cứu các văn bản pháp lý để đánh giá những chính sách quản lý vĩ mô tác động đến hoạt động giao dịch nông sản.

Đề tài sử dụng phương pháp nghiên cứu tình huống (case study) để nhận dạng và phân loại các hình thức giao dịch nông sản ở Việt Nam. Các tình huống chọn lựa mang tính chất phổ biến ở Việt Nam. Thông qua việc nghiên cứu tình huống, đề tài phân tích, đánh giá và đưa ra các vấn đề nảy sinh trong hoạt động giao dịch nông sản ở Việt Nam. Đây là cơ sở để hình thành và phát triển thể chế giao dịch nông sản.

Để hình thành và phát triển thể chế giao ngay, đề tài đã đề xuất cấu trúc, cơ chế và điều kiện vật chất, cùng với một số giải pháp: xây dựng hệ thống thông tin thị trường nông sản cả nước; phát triển thương mại điện tử; đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực; tổ chức hoạt động cho người mua gom trong hoạt động tiêu thụ nông sản; phát triển kết cấu hạ tầng; điều tiết cung cầu nông sản và tổ chức lưu thông hàng hóa.

Để hình thành và phát triển thể chế giao sau, đề tài đã đề xuất cấu trúc, cơ chế và điều kiện vật chất cho hợp đồng tiêu thụ sản phẩm và Sở giao dịch hàng hóa, cùng với một số giải pháp: hoàn thiện pháp luật liên quan đến giao dịch giao sau nông sản; xây dựng và thực hiện chương trình đào tạo cấp chứng chỉ hành nghề giao dịch hàng hóa.

Để hình thành và phát triển thể chế giao dịch sản xuất theo hợp đồng, đề tài đã đề xuất cấu trúc, cơ chế và điều kiện vật chất một số mô hình sản xuất theo hợp đồng và đề xuất một số giải pháp: sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn chất lượng; xây dựng và hoàn thiện chính sách đất đai nhằm thúc đẩy tích tụ và tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp; thành lập trung tâm xúc tiến sản xuất theo hợp đồng và giám sát thực thi hợp đồng thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT; phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội.

Đề tài cũng đề xuất một số kiến nghị đối với các Bộ, Ngành trung ương, UBND các tỉnh, thành phố và một số kiến nghị đối với doanh nghiệp để nhằm hoàn thiện thể chế giao dịch nông sản.

Từ khóa:

  • Tiếng Việt: giao dịch, thể chế, thị trường nông sản, giao dịch giao ngay, giao dịch triển hạn, giao dịch kỳ hạn, giao dịch quyền chọn, sản xuất theo hợp đồng, hợp đồng tiêu thụ, chợ đầu mối nông sản.

Tiếng Anh: transaction, institution, agricultural produce market, spot transaction, forward transaction, futures transaction, option transaction, contract farming, marketing contract, agricultural wholesale market.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM