Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2010

Hợp đồng tiêu thụ nông sản

Theo cách hiểu thông thường, hợp đồng là “sự thỏa thuận, giao ước giữa hai hay nhiều bên quy định các quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia” [21]. Trong lĩnh vực nông nghiệp, người nông dân có thể thỏa thuận với người “chủ đất” để thuê đất sản xuất; có thể thỏa thuận với người cung ứng vật tư để mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi; hoặc thỏa thuận với người mua để bán nông sản. Các thỏa thuận này có thể được thiết lập thành văn bản, hoặc chỉ bằng lời nói. Do vậy, hợp đồng được thể hiện dưới 2 hình thức là bằng lời nói hoặc bằng văn bản. Trong Luật Thương mại năm 2005, điều 24 về hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quy định: “Hợp đồng mua bán hàng hóa được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc được xác lập bằng hành vi cụ thể” [22]. Tuy nhiên, trong thực tiễn các hình thức hợp đồng bằng lời nói hoặc bằng hành vi rất khó khảo sát, nghiên cứu vì không có bằng chứng cụ thể. Do vậy, trong nghiên cứu này, tác giả chỉ nghiên cứu hình thức hợp đồng bằng văn bản. Điều này có nghĩa thuật ngữ “hợp đồng” trong đề tài này để chỉ những hợp đồng đã được xác lập bằng văn bản.

Trong kinh doanh nông sản, nông dân ký hợp đồng để mua các nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất, hoặc ký hợp đồng thuê các dịch vụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp, hoặc ký hợp đồng tiêu thụ nông sản. Agricultural contracts là thuật ngữ tiếng Anh “liên quan đến những hợp đồng mà người nông dân sử dụng để chuyển giao nông sản từ trang trại cho người mua như nhà máy chế biến, người bán buôn, người bán lẻ hoặc trang trại khác” [7]. Do vậy, thuật ngữ “Agricultural contracts” trong đề tài này được hiểu là “hợp đồng tiêu thụ nông sản”. Hợp đồng tiêu thụ nông sản được hiểu là thỏa thuận giữa người nông dân và người chế biến để sản xuất và cung ứng các sản phẩm nông nghiệp với khối lượn, chất lượng và mức giá định trước. Chức năng chính của họp đồng là tạo cơ sở để xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa nông dân và người chế biến. Hợp đồng là cơ sở cho hai bên cùng tham gia quyết định, chia sẻ rủi ro và lợi ích trong quá trình sản xuất nông nghiệp [24].

Căn cứ vào hoạt động giao dịch mà thông qua đó người nông dân có thể chuyển giao nông sản cho người mua, James MacDonald (2004) đưa ra 4 hình thức giao dịch như sau:

Thứ nhất, thị trường giao ngay (spot markets)

Đây là cách thức truyền thống mà người nông dân sử dụng để tiêu thụ sản phẩm. Thị trường giao ngay là thị trường mà ở đó người mua và người bán “thỏa thuận mua hay bán hàng hóa theo giá cả của thị trường tại thời điểm thỏa thuận và việc giao nhận hàng, thanh toán ngay lập tức hay tại một thời điểm nào đó trong tương lai” [23]. Thuật ngữ “giao ngay” chưa phản ánh rõ bản chất của giao dịch này vì “giao ngay” nhưng hàng hóa mà người bán giao cho người mua có thể sau vài ngày, vài tuần, thậm chí vài tháng. Bản chất của giao dịch này là quá trình thương lượng trực tiếp giữa người bán và người mua hoặc qua trung gian nhưng các bên tham gia giao dịch đều có thông tin tương đối đầy đủ về các nội dung liên quan đến hoạt động giao dịch như số lượng, chất lượng nông sản, giá cả. Điều này có nghĩa hai bên trực tiếp thương lượng căn cứ vào tình hình thực tế diễn ra ở hiện tại, người mua và người bán đều được xác định và sự tách biệt về thời gian, không gian của hoạt động giao dịch không lớn. Trong giao dịch giao ngay, giá cả được hình thành dựa trên cung cầu của thị trường hiện tại. Ở đây, người sản xuất nông sản kiểm soát và quyết định toàn bộ quá trình sản xuất như sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào, cũng như họ phải tự bỏ vốn đầu tư cho hoạt động của mình. Sau khi thu hoạch thì người sản xuất nông sản phải tự tìm kiếm thị trường và thương lượng với người mua để bán nông sản do mình sản xuất ra. Trong trường hợp này nếu giá cả thị trường tại thời điểm giao dịch cao hơn chi phí mà người sản xuất nông sản bỏ ra để sản xuất thì họ có lời và ngược lại thì họ thua lỗ.

Thứ hai, hợp đồng sản xuất (production contracts)

Hợp đồng sản xuất quy định cụ thể trách nhiệm của người mua và nông dân trong việc cung cấp đầu vào và việc thực hành sản xuất, cũng như cơ chế thanh toán. Trong hợp đồng chăn nuôi, trách nhiệm của nông dân cung cấp công lao động, chuồng trại, điện nước và cơ sở vật chất khác trong trang trại. Người mua cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thú y và dịch vụ vận chuyển gia cầm, gia súc đến và đi khỏi trang trại. Hợp đồng sản xuất thường quy định cụ thể vật tư đầu vào sử dụng, cách thức sản xuất và người mua cung cấp hướng dẫn kỹ thuật và thường xuyên theo dõi đồng ruộng. Người nông dân ít có quyền kiểm soát việc lựa chọn đầu vào sản xuất. Người nông dân được thanh toán đầu vào do nông dân cung cấp thêm và số lượng sản phẩm sản xuất. Người mua thường là người có quyền sở hữu nông sản trong suốt quá trình sản xuất. Hợp đồng này thường được ký ngay trước khi bắt đầu sản xuất.

Thứ ba, hợp đồng bao tiêu sản phẩm (Marketing contract).

Hợp đồng bao tiêu sản phẩm quy định cụ thể về giá, hoặc cơ chế giá và số lượng hàng hóa tiêu thụ dưới thỏa thuận được thiết lập trước khi thu hoạch. Cơ chế giá thường giới hạn độ rộng của dao động giá cả và hợp đồng thường quy định cụ thể số lượng sản phẩm và thời hạn giao hàng. Nông dân sở hữu hàng hóa trong quá trình sản xuất và quyết định các vấn đề sản xuất chủ yếu, quyết định của người mua có giới hạn [7].

Thứ tư, Liên kết dọc (Vertical integration).

Liên kết dọc là hình thức kết hợp giữa nông dân và người mua có cùng quyền sở hữu, như doanh nghiệp tự sản xuất nguyên liệu phục vụ chế biến. Sản phẩm không được chuyển giao thông qua hợp đồng hoặc trên thị trường giao ngay mà do quyết định nội bộ. Nông dân sản xuất trong trang trại được trả lương như người công nhân.

Bảng sau tóm tắt các hình thức giao dịch giữa người nông dân và người mua.

Bảng 11: Các hình thức trao đổi sản phẩm giữa nông dân và người mua

Hình thức

Ai kiểm soát quyết định sản xuất

Người sản xuất được trả như thế nào

Thị trường giao ngay

(Spot market)

Người sản xuất kiểm soát tài sản và quyết định sản xuất trong trang trại

Nông dân được thanh toán tiền giá được thương lượng tại thời điểm bán hàng ngay trước khi giao hàng

Hợp đồng bao tiêu

Nông dân kiểm soát tài sản và các quyết định sản xuất trong trang trại. Hợp đồng quy định cụ thể về kết quả đầu ra, số lượng và thời gian giao hàng

Nông dân nhận được giá trị sản lượng theo giá được thỏa thuận trước hoặc trong quá trình sản xuất

Hợp đồng sản xuất

(Production contracts)

Người mua thực hiện việc kiểm soát các quyết định sản xuất hoặc tài sản của trang trại. Hợp đồng quy định cụ thể loại sản phẩm, số lượng và thời gian giao hàng

Nông dân được trả công cho việc thực hiện sản xuất ra nông sản

Liên kết dọc

(Vertical integration)

Người mua kiểm soát toàn bộ tài sản và các quyết định sản xuất kể cả sản xuất nông nghiệp và chế biến

Nông dân được trả tiền công cho kỹ năng và thời gian làm việc

Nguồn: James MacDonald và cộng sự (2004), [7].

Tóm lại, để tiêu thụ nông sản hàng hóa nông dân có thể sử dụng một trong 4 hình thức hoặc sử dụng kết hợp 4 hình thức: thứ nhất, bán trực tiếp trên thị trường giao ngay; thứ hai, ký hợp sản xuất với người mua; thứ ba, ký hợp đồng bao tiêu với với người mua; và thứ tư, liên kết với người mua.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM