Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010

Loay hoay liên kết bốn nhà




Ngọc Hùng

Kinh tế Sài Gòn, Thứ Bảy,  24/4/2010, 11:44 (GMT+7)


 

(TBKTSG Online) – "Lâu nay, có đã có nhiều hội thảo bàn về giải pháp liên kết bốn nhà nhưng sau phát biểu của nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước thì nhà nào đi về nhà đó chứ việc làm sao để liên kết bốn nhà thì ..."
Đó là nhận xét của tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam tại hội thảo "Liên kết 4 nhà- Giải pháp cơ bản để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam" ngày 22-4, tại Tiền Giang.

Biết rồi khổ lắm nói mãi
Theo tiến sĩ Võ Mai, chuyện liên kết bốn nhà trong nông nghiệp đã được đề cập từ rất lâu nhưng nói thì nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu.
"Tại sao trong tất cả các báo cáo đều nhấn mạnh rằng, tiềm năng sản xuất rau quả Việt Nam rất lớn đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và sớm trở thành một cường quốc xuất khẩu rau củ quả nhiệt đới của thế giới nhưng người nông dân lại không thể làm giàu và cứ rơi vào điệp khúc được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa", bà Mai đặt câu hỏi. Thiếu sự liên kết giữa bốn nhà, tiềm năng nói trên khó mà biến thành hiện thực.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, nông sản của nước ta được mùa mất giá cũng là điều dễ hiểu vì hoạt động sản xuất nông nghiệp đi theo hướng kinh tế thị trường, theo quy luật cung cầu nên chuyện được mùa giá bán giảm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo ông Bửu để tránh trường hợp nói trên chỉ còn cách là phải tìm cách nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản. "Một ki-lô-gam trái cây tươi bán trên thị trường giá khoảng 20.000 đồng nhưng nếu được chế biến thì giá bán có thể cao gấp 5 lần", ông cho hay. Vấn đề là Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp phải làm sao giúp nông dân nâng cao được giá trị của nông sản.
Trong khi đó, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, bốn nhà chẳng những ít liên kết mà còn làm khó nhau. Ông Huỳnh Văn Đấu, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang cho biết, khó có thể kêu gọi sự hợp tác vì quyền lợi chung giữa bốn nhà được. Đơn giản vì ngay giữa các doanh nghiệp với nhau cũng có sự canh tranh làm giá để làm khó nhau.
Ông đưa ra ví dụ, để chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, công ty ông đã liên kết và ký kết hợp đồng đầu tư bán chịu giống cho nông dân và mua lại sản phẩm với giá cố định. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch thì một doanh nghiệp khác nhảy vào mua với giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với hợp đồng ký kết, nông dân bán ngay cho doanh nghiệp đó, khiến công ty ông vừa không mua được sản phẩm vừa mất luôn cả số tiền đầu tư ban đầu. "Khó có thể liên kết bốn nhà nếu còn tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay", ông Đẩu bức xúc.
Thep ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim để tránh tình trạng manh mún trong sản xuất và chủ động được số lượng trái cây xuất khẩu, nhiều nông dân liên kết thành hợp tác xã nhưng khi có hợp tác xã rồi những vấn đề mới lại phát sinh. "Về cơ bản hợp tác xã là sự liên kết nông dân với nông dân chứ không thể là một doanh nghiệp theo đúng nghĩa nhưng khi bán trái cây chúng tôi phải chịu thuế giá trị gia tăng 5% đầu ra và thuế thu nhập doanh nghiệp 25 %. Năm 2009, hợp tác xã bán ra thị trường 10 tấn vú sữa thì phải nộp 15 triệu đồng tiền thuế, trong khi đó, một chủ vựa trái cây bên cạnh chỉ mất 1,7 triệu đồng tiền thuế" ông Ngàn cho biết.
Thiếu kênh phân phối, thiếu vốn, thiếu cả uy tín...
Bà Võ Mai cho rằng, lâu nay chúng ta muốn nông dân đầu tư vào sản xuất "sản phẩm nông nghiệp an toàn" thường hô hào rằng sản phẩm an toàn sẽ có giá cao hơn từ 10% đến 30% so với sản phẩm thông thường. Song, khi sản phẩm an toàn ra đời lại không có kênh phân phối chính thức nên rau ,củ, quả an toàn phải bán chung với những sản phẩm sản xuất theo truyền thống. Nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn thường giải thể sau khi những dự án hỗ trợ hết hiệu lực.
"Nếu sản xuất rau củ quả an toàn thì chi phí đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón ít hơn nên giá bán phải rẻ hơn chứ không thể có giá cao hơn. Giá rẻ hơn thì người tiêu dùng sẽ mua nhiều hơn vì lợi ích về kinh tế lẫn sức khỏe. Nếu chúng ta tư duy như vậy, sản phẩm nông nghiệp an toàn mới có thể tồn tại trên thị trường" bà Mai cho hay.
Theo bà Lưu Nguyễn Trà Giang, Giám đốc công ty chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia, khi doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu thì ngoài việc tìm kiếm đủ số lượng hàng còn phải tìm kiếm nguồn vốn để mua hàng vì nông dân chỉ bán hàng khi được trả tiền ngay, trong khi đó, phía doanh nghiệp xuất hàng đi thì phải chờ 30-45 ngày mới được thanh toán. Muốn vậy, doanh nghiệp phải vay ngân hàng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng huy động vốn từ kênh ngân hàng.
Còn ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết, nguồn vốn của hợp tác xã chỉ có 120 triệu đồng từ đóng góp của 120 xã viên. Nếu dựa vào số vốn đó, hợp tác xã không thể mua đủ vú sữa để xuất khẩu nên bắt buộc phải vay nóng ở ngoài với lãi suất 20-30%/ tháng vì hợp tác xã không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng.
"Năm 2010 hợp tác xã có hơn 50 héc ta vúa sữa được chứng nhận GlobalGap, số lượng vú sữa có thể xuất khẩu vào khoảng 500 tấn. Vay nóng ở ngoài thị trường để xuất khẩu 10 tấn vú sữa như năm 2009 còn làm được chứ muốn xuất khẩu trên 100 tấn thì khó làm được vì thiếu vốn để mua vú sữa của bà con" ông Ngàn chia sẻ.
Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ, hợp tác xã là mô hình khá phù hợp cho sự liên kết nhà vườn có quy mô nhỏ và thích hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy vậy, quyền lợi và trách nhiệm của những người tham gia hợp tác xã không rõ ràng, khó khuyến khích được tính năng động, sáng tạo và dám quyết định của những người đứng đầu. Bên cạnh đó, hợp tác xã có thể làm tốt công việc của mình khi họ hầu như không đủ uy tín để các định chế tài chính cho vay vốn như một công ty.
Theo ông Đấu cho dù Nhà nước và nhà khoa học đã tạo cho doanh nghiệp và nông dân một chiếc thuyền (nhà nước giúp cơ chế, nhà khoa học giúp kỹ thuật) nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn nhiều bấp cập. Mối liên kết bốn nhà chỉ hình thành nếu tất cả đều cùng mong muốn đưa ngành trái cây Việt Nam đi lên, mọi người đều làm giàu từ ngành nông nghiệp.

 

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM