Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Hội thảo: “Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác”

Ngày 17/9/2011, tại Văn phòng Cơ quan phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Dự án cạnh tranh nông nghiệp tổ chức hội thảo: “Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác”. Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Đến dự hội thảo có đại diện các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, các hợp tác xã, các Viện, Trường, các Chi cục Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngành hàng.
Mục tiêu của hội thảo là thu thập ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất”. Dự thảo này dự kiến sẽ thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”
Về tính cấp thiết phải ban hành Quyết định thay thế Quyết định 80, hầu hết các đại biểu đều nhất trí và đề nghị cần phải ban hành sớm. Trong báo cáo đề dẫn của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã chỉ ra mặc dù Quyết định 80 trong thời gian đã có tác động hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản nguyên liệu gắn với chế biến; nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, Quyết định 80 cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ qua liên kết sản xuất – chế biến tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác còn thấp, chưa phát triển sâu rộng ở các địa phương, ngành hàng và sản phẩm. Nhiều mô hình liên kết còn thiếu tính bền vững, tình trạng phá vỡ hợp đồng khá phổ biến. Một số nông dân cố tình bán ra bên ngoài để lẫn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước. Nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích nông dân, không quan tâm vùng nguyên liệu, lợi dụng thế độc quyền ép giá, ép cấp,...Nói chung, Quyết định 80 chưa tạo được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở lợi ích. Trong báo cao đề dẫn và thảo luận của các đại biểu tham dự đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan về tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; trình độ kỹ năng nghề nghiệp của nông dân thấp; năng lực hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp. Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan từ cơ chế, chính sách và chỉ đạo của chính quyền địa phương hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, tư duy và nhận thức về vị trí, vai trò của các thể nhân, tác nhân trong liên kết kinh tế còn bất cập so với yêu cầu nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế
Thứ hai, một số cơ chế chính sách chưa hợp lý, thiếu đồng bộ hoặc chậm được điều chỉnh như:
- Thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lâu dài phát triển vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.
- Thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các hợp tác xã tham gia tổ chức dịch vụ chế biến, tiêu thụ nông sản cho xã viên.
- Các cơ quan, tổ chức khoa học hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, ít quan tâm tìm nguồn kinh phí qua liên kết với doanh nghiệp, nông dân.
- Thiếu chế tài hoặc chưa đủ mạnh để điều chỉnh giữa các bên tham gia quan hệ liên kết; thiếu lực lượng tư vấn pháp lý cho các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
- Thiếu các hiệp hội ngành hàng mạnh có khả năng tập hợp, phối hợp các doanh nghiệp, không điều hành được các doanh nghiệp thành viên hướng vào lợi ích chung.
- Thiếu các thể chế thị trường: chợ bán buôn, sàn giao dịch, hợp đồng giao sau, thanh toán qua ngân hàng.
Thứ ba, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém: công tác chỉ đạo sản xuất hiệu quả chưa cao, đặc biệt là công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, dồn điền đỗi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất. Chỉ đạo đổi mới hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; việc kiểm tra giám sát thực thi pháp luật, chính sách còn hạn chế.
Xuất phát từ các nguyên nhân nhân trên, các đại biểu thảo luận và đã có thống nhất bước đầu một số nội dung sau:
Thứ nhất, chính sách thúc đẩy liên kết không thực hiện tràn làn, nên tập trung vào 2 nhóm ngành hàng:
- Ngành hàng đặc biệt ưu tiên là ngành hàng chiến lược, phục vụ xuất khẩu hoặc có sản lượng hàng hóa lớn cho tiêu dùng nội địa đồng thời có giá trị gia tăng cao.
- Nhóm ngành hàng ưu tiên là nhóm ngành hàng có giá trị gia tăng cao đồng thời phục vụ xuất khẩu, có giá trị sản lượng hàng hóa lớn, có ý nghĩa nâng cao thu nhập và tạo việc làm.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách (ngoài các quy định trong Nghị định 61 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn và Nghị định 41 về tín dụng nông thôn và các chính sách khác đã ban hành), các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thảo luận một số chính sách cụ thể như sau:
Về pháp lý, quy định rõ chế tài trong Luật dân sự theo hướng xây dựng mức xử phạt vi phạm hợp đồng nhưng tối đa không qua 50% giá trị hợp hổng, hoặc tối đa 100% giá trị vật tư, vốn ứng trước của doanh nghiệp cho nông dân; bổ sung Luật trợ giúp pháp lý để nông dân được hưởng tư vấn pháp lý miễn phí khi tham gia các hộp đồng kiến kết kinh tế; mỗi xã có cán bộ tư vấn pháp lý cho nông dân.
Về chính sách bảo hộ đầu tư của doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, các đại biểu thảo luận và đề nghị bổ sung hướng dẫn luật đầu tư theo hướng: (i) Doanh nghiệp chế biến bắt buộc phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, (ii) cơ chế chống độc quyền và (iii) cần quy định khoảng cách giữa các nhà máy cùng sử dụng chung nguyên liệu nông sản.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, dự thảo cũng đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như (i) giao thông trục chính nội đồng, (ii) hệ thống tưới tiêu. Mức hỗ trợ tốt đa 20% tổng kinh phí công trình và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân nông nghiệp.
Về chính sách thuế, giảm tối đa 20% thuế cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân và miễm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã làm cầu nối tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, củng cố hiệp hội ngành hàng gồm hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ 10% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu, triển lãm hội chợ.
Về chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức khoa học tham gia phát triển liên kết sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu bao gồm hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã ký với doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác.
Một chính sách mới liên quan đến khuyến khích chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu như trích 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) thu được đối với nông sản để bổ sung ngân sách xã và 5% VAT cho ngân ách huyện và 1% lãi trước thuế của các doanh nghiệp trong vùng nguyên liệu để xây dựng Quỹ dự phòng chống rủi ro trong liên kết.
Phần lớn các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao các chính sách này. Các chính sách này tương đối cụ thể đủ sức thúc đẩy các thành phần tham gia liên kết. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu băn khoăn nhất là các chính sách không được thực thi trong thực tế. Ví dụ, trường hợp Nghị định 61 và Nghị định 41, đã có quy định về vay thế chấp để phát triển nông nghiệp nhưng hầu như các doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã đều không thể tiếp cận được ngân hàng để vay vốn. Do vậy, trong phần tổ chức thực hiện, các đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể để các Bộ, Ban ngành xây dựng hướng dẫn chi tiết và có cơ chế giám sát việc thực hiện Quyết định.
Tóm lại, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, làm thế nào xây dựng được cơ chế thực thi là đều hết sức khó khăn. Đây là vấn đề khó khăn nhất trọng thực tiễn phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM