Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2012

Thị trường lúa gạo tiếp tục “đóng băng”

Dù Thái Lan quyết định duy trì chính sách mua lúa với giá cao cho nông dân nước này thành không thời hạn, thay vì đến tháng 2/2012, nhưng giá lúa gạo đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu của Việt Nam vẫn tiếp tục lao dốc, lúa gạo cấp thấp thì gần như “đóng băng” do thương lái gần như không dám mua vào.
Đó là những diễn biến của thị trường lúa gạo nội địa ở những ngày trước trong và sau tết Nhâm Thìn năm nay.
So với mức giá kỷ lục được xác lập cách đây không lâu, từ 7.600 - 7.700 đồng/kg lúa hàng hóa và 10.000 - 10.500 đồng/kg đối với gạo nguyên liệu (gạo lức), thì hiện mỗi kg gạo rớt giá rất nhiều và chỉ còn từ 7.500-7.600 đồng/kg, tức tương đương mỗi kg lúa hàng hóa lúc đạt mức giá kỷ lục.
Giá lúa gạo rớt thê thảm
Nếu như trong những tháng từ giữa đến cuối năm 2011, thương lái lẫn doanh nghiệp thu mua lúa gạo ra sức tìm nguồn cung để mua chế biến phục vụ xuất khẩu thì từ cuối năm 2011 đến nay, thị trường lúa gạo nội địa lẫn xuất khẩu gần như “chết đứng” vì gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu. Đặc biệt, là thời điểm trước, trong và những ngày sau Tết Nguyên đán này, thị trường lúa gạo nội địa càng bế tắc.
Ông Dương Văn Mến, thương lái mua lúa tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp cho biết, hiện chỉ mới có lác đác vài doanh nghiệp hoạt động trở lại, nhưng họ chào mua gạo với mức giá “cho có”, chỉ 7.500 - 7.600 đồng/kg, tức tương đương với 1 kg lúa hàng hóa lúc ở mức giá cao trước đây.
Thông tin từ cánh thương lái chuyên thu mua lúa tại chợ đầu mối lương thực Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang, hiện lúa đạt tiêu chuẩn chế biến xuất khẩu (gồm các giống lúa như OM 4218, OM 4900, OM 5451…), chỉ còn dao động quanh mức 5.500-5.600 đồng/kg đối với lúa khô và từ 5.000 đồng/kg trở xuống đối với lúa tươi được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, dù nguồn lúa hàng hóa loại này vẫn chưa có dấu hiệu tăng cao.
Riêng đối với lúa IR 50404 cấp thấp thì gần như “chết đứng” vì thương lái gần như không dám “vung tiền” gom loại lúa này do những tín hiệu bất lợi từ thị trường.
Bà Ba Ánh (Nguyễn Phúc Ánh), Giám đốc doanh nghiệp Tấn Tài III, chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang nói: “Thị trường xuất khẩu gặp khó do bị Ấn Độ cạnh tranh ở loại gạo phẩm cấp thấp, cộng thêm hiện các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo vẫn đang ở giai đoạn nghỉ tết nên không ai dám thu loại gạo này cũng la điều dễ hiểu thôi”.
Hiện lúa đông xuân 2011-2012 của bà con khu vực ĐBSCL đang phát triển rất tốt, hứa hẹn cho một vụ mùa bội thu. Các địa phương xuống giống lúa đông xuân sớm như Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tiền Giang…., cũng bắt đầu thu hoạch nhưng với tâm trạng lo lắng sẽ lặp lại điệp khúc “trúng mùa, rớt giá”.
“Liều thuốc” mang tên Thái Lan?
Theo thông tin trên báo chí, Bộ trưởng Thương mại Thái Lan cho biết chính phủ nước này sẽ tiếp tục duy trì chính sách mua lúa với giá cao cho nông dân nước này thành không thời hạn, thay vì sẽ được kết thúc vào tháng 2/2012 nhằm làm tăng giá lúa gạo và tăng thu nhập cho nông dân nước này.
Theo đánh giá của các chuyên gia ngành lúa gạo, việc Thái Lan tiếp tục duy trì chính sách trợ giá là một “liều thuốc” cực mạnh chặn đà suy giảm của giá lúa gạo ở Thái Lan thời gian qua. Đồng thời, nó sẽ giúp duy trì và dẫn dắt giá lúa gạo thị trường Châu Á cũng như thị trường thế giới tiếp tục khôi phục và tăng cao trở lại.
Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng, giá lúa gạo thị trường Châu Á sẽ khó có thể khôi phục lại được nhiều khi mà Ấn Độ vẫn tiếp tục cho xuất khẩu gạo cấp thấp giá rẻ như hiện nay, bổ sung một lượng lớn cho nguồn cung vào thị trường gạo thế giới.
(Theo Trung Chánh - TBKTSG Online)

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM