Thứ Bảy, 21 tháng 6, 2008

Khai giảng lớp Đào tạo Giám đốc doanh nghiệp


Ngày 20 tháng 6 năm 2008, tại Công ty Cổ phần Cao su Đồng Phú, Trường cán bộ quản lý nông nghiệp và PTNT II làm lễ khai giảng lớp Đào tạo Giám đốc doanh nghiệp khóa 21.

Thứ Ba, 10 tháng 6, 2008

Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Sàn giao dịch" cà phê

Trần Ngọc Quyền (thực hiện)- Báo Thanh Niên ngày 08/06/2008


 

Sau hai năm chuẩn bị, Trung tâm Giao dịch (TTGD) cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoạt động vào đầu vụ cà phê 2008-2009 sắp tới. Ông Nguyễn Tuấn Hà (ảnh), Phó giám đốc Sở Công thương Đắk Lắk, Giám đốc TTGD cà phê Buôn Ma Thuột, nhận định đây là dấu mốc lịch sử trong hoạt động xuất khẩu cà phê của Đắk Lắk và của ngành cà phê Việt Nam.

* Lần đầu tiên, một TTGD về cà phê được hình thành ở Việt Nam. Trung tâm này sẽ tác động như thế nào đối với hoạt động mua bán, xuất khẩu cà phê?

- Cà phê là mặt hàng xuất khẩu chiến lược, kim ngạch hiện nay đã đạt hơn 1 tỉ USD mỗi năm. Tuy nhiên, dù là một cường quốc xuất khẩu cà phê nhưng cà phê Việt Nam lại thiếu một chỗ đứng ổn định trên thị trường thế giới. Các đơn vị xuất khẩu không dự báo chính xác nhu cầu của thị trường, chiều hướng biến động giá, cũng không chủ động được nguồn hàng, vốn thu mua, thường xảy ra tình trạng cạnh tranh, ép giá, chiếm dụng vốn lẫn nhau. Các cơ quan quản lý nhà nước thì không kiểm soát được thị trường. Ngoài ra, hiện nay đang nổi lên việc buôn bán cà phê qua mạng, giao dịch trên thị trường London (LIFFE), New York (NYBOT) thông qua những nhà môi giới mà người ta gọi là buôn bán "hàng giấy", dùng giao dịch kỳ hạn không phải như một công cụ phòng chống rủi ro. Điều này dẫn đến sự thiếu lành mạnh trong kinh doanh, khiến cho thị trường cà phê càng thêm phức tạp, khó quản lý, kiểm soát.


 

TTGD cà phê Buôn Ma Thuột ra đời nhằm thiết lập một thị trường giao dịch đấu giá tập trung, công khai cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh, chế biến, tiêu thụ cà phê trong nước và quốc tế. Trên cơ sở đó tăng cường sự quản lý của Nhà nước, xây dựng thương hiệu cho cà phê VN, gắn kết sản xuất với thị trường, khắc phục những hạn chế trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu truyền thống.

* TTGD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ hoạt động theo cơ chế nào?

- TTGD cà phê Buôn Ma Thuột là thị trường giao dịch mua bán giao ngay và mua bán giao sau theo kỳ hạn. Mua bán giao ngay là giao dịch mua bán thông thường theo thông lệ "tiền trao cháo múc", việc giao dịch, ký kết và thực hiện hợp đồng diễn ra một cách liên tục trong một khoảng thời gian ngắn, tính theo ngày. Còn đối với thị trường mua bán giao sau, hợp đồng mua bán được ký kết hôm nay, nhưng việc giao hàng và trả tiền được thực hiện sau đó theo các kỳ hạn.

TTGD cà phê Buôn Ma Thuột vừa là thị trường sơ cấp, vừa là thị trường thứ cấp. Ở thị trường sơ cấp, những giao dịch mua bán sản phẩm của người sản xuất lần đầu tiên được đưa vào giao dịch, hình thành hợp đồng nguyên thủy. Đối với thị trường thứ cấp (dành riêng cho giao dịch kỳ hạn), những giao dịch có thể mua bán lại quyền mua từ hợp đồng nguyên thủy (bên mua bán lại hợp đồng cho người khác). Nghĩa là TTGD cà phê Buôn Ma Thuột phục vụ cho cả người sản xuất và người kinh doanh, tiêu thụ.

* Để tham gia mua bán tại TTGD, các tổ chức, cá nhân phải đạt tiêu chuẩn gì? 

- Theo quy chế thành viên thì các tổ chức kinh doanh xuất nhập khẩu cà phê trong nước và nước ngoài, các nông trường, chủ trang trại, hộ gia đình, tổ chức chế biến, tiêu thụ cà phê là những chủ thể có thể tham gia mua bán cà phê tại TTGD. Nhưng chỉ có các thành viên của TTGD cà phê Buôn Ma Thuột mới được trực tiếp thực hiện giao dịch mua bán tại đây. Các tổ chức, cá nhân không thành viên có thể thực hiện giao dịch mua bán thông qua một tổ chức môi giới thành viên.

Các tổ chức tài chính tham gia thị trường với vai trò là trung gian môi giới giao dịch mua bán và tư vấn cho các tổ chức không thành viên để hưởng phí giao dịch, phí môi giới. TTGD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ có 2 tổ chức ủy thác: ngân hàng (Techcombank) ủy thác thanh toán, thanh toán bù trừ các khoản vốn, ký quỹ theo kết quả giao dịch tại trung tâm; tổ chức kiểm định chất lượng sản phẩm (Cafécontrol), thực hiện việc xác định chất lượng sản phẩm trong quá trình chuyển giao khi thực hiện hợp đồng.

* Hoạt động của TTGD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ đem lại lợi ích thế nào cho doanh nghiệp và người sản xuất?

- Việc chuẩn bị cho TTGD đi vào hoạt động đang trong giai đoạn nước rút. Hoạt động của TTGD cà phê chưa diễn ra nên chưa thể nói ngay là lời lãi cụ thể của các doanh nghiệp tham gia. Nhưng có thể thấy cái lợi cho các nhà kinh doanh khi thực hiện giao dịch tại đây, nhất là giao dịch sơ cấp, là tính thanh khoản cao (bởi hàng có sẵn trong kho), được cung cấp thông tin, tư vấn và các dịch vụ tiện ích, các thủ tục cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu. Qua nhiều hội thảo, chúng tôi đã nhận được nhiều ý kiến ủng hộ của người nông dân. Nhất là khi họ biết rằng có thể ký gửi hàng hóa tại kho của TTGD, có thể dùng chứng thư hàng ký gửi vay vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng trong hệ thống của TTGD với sự bảo đảm chắc chắn, không phải lo "xù nợ" như diễn ra ở nhiều nơi bên ngoài.

Chuẩn bị cho nghị quyết mới của Trung ương về "nông nghiệp – nông thôn – nông dân" Việt Nam


 

Nông nghiệp Việt Nam đóng vai trò to lớn trong phát triển kinh tế nông thôn, xoá đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho dân cư nông thôn. Nông nghiệp đã trở thành ngành sản xuất hàng hoá quan trọng, tham gia ngày càng sâu sắc vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Nền nông nghiệp của Việt Nam đã và đang chuyển mạnh từ sản xuất theo mục tiêu số lượng sang hiệu quả và chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bền vững. Phát triển nông nghiệp nông thôn luôn là vấn đề trọng tâm mà Đảng và Chính phủ quan tâm và đã được thể hiện bằng nhiều chủ trương, chính sách như Chỉ thị 100 của Ban Bí thư (khoá IV), Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị (khoá VI) được triển khai cùng các chỉ thị, nghị quyết khác của các Đại hội và Hội nghị Trung ương của các khoá V, VI, VII đã đưa đến những thành tựu to lớn trong nông nghiệp, nông thôn nước ta

Đề án này tập trung vào giải quyết hài hoà các mối quan hệ: phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ mang tính chiến lược đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đây vừa là mục đích, vừa là giải pháp đảm bảo ổn định chính trị, xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước thành công. Phát triển nông nghiệp nông thôn phải hài hoà và phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn phải gắn với xây dựng đời sống văn hoá và bảo vệ, cải tạo môi trường. Công nghiệp và dịch vụ phải tham gia tích cực thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống của nông dân. Trung ương tới đây cần phải phân tích cho đúng tình hình để đề ra được nghị quyết với những chính sách mới nhằm thực hiện được đúng chủ trương hài hoà các mối quan hệ này.

 Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nông dân là nhiệm vụ mang tính chiến lược đặc biệt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Để chuẩn bị cho việc đánh giá 5 năm triển khai thực hiện nghị quyết TW 5, Trung ương tới đây sẽ thực hiện phân tích tình hình để đề ra được nghị quyết với những chính sách mới nhằm thực hiện hài hoà các mối quan hệ giữa "nông nghiệp – nông thôn – nông dân". Tuy nhiên, lâu nay hầu hết các hội thảo đều tập trung vào nông nghiệp và nông thôn, chưa chú ý đến "nông dân", chưa xem xét các khía cạnh liên quan đến xã hội, văn hoá nông thôn.

 Vì vậy, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn đã phối hợp với Báo Tia sáng tổ chức hội thảo "Người dân nông thôn miền nam Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa: Vấn đề và Giải pháp".  Hội thảo được tổ chức vào ngày 09/06/2008 tại trường cán bộ quản lý nông nghiệp trung ương 2, qui tụ khoảng 50 các nhà khoa học và quản lý trong lĩnh vực nông nghiệp cũng như lĩnh vực khoa học xã hội có liên quan có uy tín và kinh nghiệm thực tiễn để trao đổi các vấn đề mà người nông dân cũng như của ngành nông nghiệp và nông thôn miền nam Việt Nam đang phải đối mặt, tìm ra những giải pháp có hiệu quả để giải quyết các trở ngại cho công cuộc phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho nông dân cũng như phát triển nông thôn theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên.

 Hội thảo tập trung thảo luận và làm rõ một số vấn đề sau: Nguyên nhân chính gây cản trở cho phát triển nông nghiệp nông thôn, gây cản trở cho việc huy động lực lượng của nông dân? Đề xuất các giải pháp chính sách có liên quan như: chính sách thương mại thị trường, chính sách quản lý tài nguyên (Đất đai, lao động), chính sách tài chính, chính sách thu hút đầu tư phát triển doanh nghiệp ngành nghề nông thôn, chính sách phát triển cộng đồng thể chế nông thôn,chính sách cải cách hành chính và dịch vụ công, chính sách quy hoạch nông thôn, chính sách xóa đói giảm nghèo, phúc lợi xã hội, phòng chống rủi ro cho xã hội và các chính sách ưu tiên khác. Ngoài ra khuyến khích các ý tưởng đề xuất về mô hình nông thôn mới, nông nghiệp mới cho từng vùng.

 Với các chuyên đề nhìn thẳng vào thực trang và những vấn đề mà nông nghiệp – nông thôn  - nông dân miền nam Việt Nam đang đối mặt như: Những ảnh hưởng của kinh tế vĩ mô đến nông nghiệp nông dân Nam bộ, Vai trò của nông dân trong phát triển nông nghiệp nông thôn đồng bằng sông Cửu Long, Đời sống của người nông dân An Giang và Đồng bằng Sông Cửu Long, Tri thức, quản lý tri thức và phương pháp tham vấn cộng đồng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển nông thôn Nam Bộ, Tham gia "4 nhà" trong phát triển nông thôn nông nghiệp nông dân đồng bằng sông Cửu Long, Phải tránh một kịch bản xấu về nông thôn và nông dân trong thời gian tới, Động lực cho người dân nông thôn Nam Bộ trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hoá … do các nhà khoa học và quản lý với nhiều góc nhìn khác nhau. Hội thảo đã cung cấp nhiều thông tin mang tính thực tiễn và đề xuất nhiều giải pháp để thúc đẩy quá trình đổi mới và công nghiệp hóa – hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn miền nam nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới, xu hướng hội nhập WTO và phù hợp với sự mong đợi của người nông dân.

 Hội thảo là một trong chuỗi các cuộc hội thảo, tọa đàm do Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn phối hợp với nhiều cơ quan thông tin hoặc các tổ chức trong nước nhằm thu nhận ý kiến đóng góp ở nhiều khía cạnh khác nhau có liên quan đến  nông nghiệp – nông thôn – nông dân Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế thế giới của nước ta.


Nguồn: Từ Minh Thiện – Giám đốc Trung tâm tư vấn và hỗ trợ nông nghiệp Tp.HCM.

http://www.tuvannongnghiep.com.vn/

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM