Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Để có lớp trí thức xứng đáng

Bài viết rất hay và đầy tâm huyết về nền giáo dục nước nhà của GS.Hoàng Tụy

Sàn không dành cho nông dân

Thứ Hai,  22/12/2008, 21:07 (GMT+7)


 

LTS:     Sau bài viết "Nông dân lên sàn giao dịch cà phê" của tác giả Hồng Văn, tòa soạn đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi từ bạn đọc. Tiếp theo ý kiến "Nông dân lên sàn không dễ!" của bạn đọc Phan Hồng Vinh (Buôn Ma Thuột), mới đây bạn đọc Phan Dũng cũng đã gửi ý kiến với bức xúc tương tự. Tòa soạn xin giới thiệu ý kiến này:

Khi có tin sàn giao dịch cà phê bắt đầu hoạt động tôi cũng có tìm hiểu nhiều thông tin về sàn này ở Việt Nam và các nước trên thế giới thông qua các bài báo của Thời báo Kinh tế Sài Gòn và các báo khác với mục đích muốn được tự mình lên sàn để giao dịch.

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu mọi thông tin thì tôi thấy sàn này không thiết thực với người dân chúng tôi mà có thể nó thiết thực với các doanh nghiệp, tiểu thương nhiều hơn, vì những nguyên nhân sau:

1. Nông dân Việt Nam khác với nông dân các nước, số người có diện tích trồng cà phê lớn rất ít, không đủ tiêu chuẩn tham gia sàn là 3 héc ta như bài báo đã đề cập.

2. Hầu hết người ở quê chúng tôi sử dụng máy tính còn chưa rành rọt, không biết cách tìm kiếm thông tin, so với người dân các nước thì kém xa, trong khi sự hoạt động của sàn giao dịch cà phê mang tầm và chuẩn quốc tế, chúng tôi không thể nào bắt kịp. Đó là chưa kể đến việc đọc tài liệu thì không hiểu, mà muốn đi lên sàn hỏi thêm thì phải đi cả 50km đường.

3. Chúng tôi suốt ngày phải đi làm ngoài đồng cà phê, hết vụ lại đi làm lúa, nhiều người phải đi buôn bán hoặc làm phụ hồ để lo thêm cho gia đình, nhất là gia đình có con đi học. Vậy, thời gian đâu để chúng tôi theo dõi thông tin biến động trên thị trường, để hiểu các thuật ngữ. Nên, nếu chúng tôi mà có được "lên sàn" đi nữa thì cũng như chơi xổ số, vì có biết gì đâu về diễn biến thị trường mà tính toán.

4. Sự thiếu thiết thực như bài báo đã nói, chúng tôi nhiều khi cần tiền nên phải "bán nhón" từng ít từng ít một. Vả lại, làm gì có điều kiện đi về cả mấy chục cây số, lại còn mở tài khoản rồi nhiều thứ khác, nên, khi cần tiền liền thì lại không có được. Chưa kể lúc bán rồi đi lấy tiền còn là một khoảng cách xa vời vợi, cộng với tiền máy tính, internet, tiền đi lên sàn, và thời gian thì quả là khó có thể áp dụng được với nông dân.

Từ đó tôi thấy sàn giao dịch cà phê có thể vô tình hay cố ý đã nhắm sai đối tượng là người nông dân chúng tôi thay vì các tiểu thương, doanh nghiệp... Còn nói nếu thật sự sàn này dành cho người dân chúng tôi thì ít ra cũng phải có hướng dẫn, tư vấn và hỗ trợ người dân tiếp cận với sàn. Để sau một vài năm chúng tôi hoặc con cháu chúng tôi có đủ kiến thức và "dũng cảm" để lên sàn. 

PHAN DŨNG (Đăk Lăk)

Nông dân lên sàn không dễ

Chủ Nhật,  21/12/2008, 11:19 (GMT+7)

Nông dân lên sàn không dễ


 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gõ chiêng cho phiên giao dịch đầu tiên của sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột -Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) - Là người nông dân trồng 3 héc ta cà phê ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, tôi tự hào khi văn hóa cà phê được vinh danh ở Festival cà phê, mà trong đó một sự kiện của lễ hội mà nông dân chúng tôi quan tâm nhất chính là sàn giao dịch cà phê đi vào hoạt động.

Tôi đọc bài báo "Nông dân lên sàn giao dịch cà phê", đăng ngày 11-12, đã mô tả khá chi tiết cách thức mà nông dân chúng tôi có thể lên sàn mua bán cà phê hiện đại, thay vì bán trực tiếp hay gửi cho các đại lý thu mua như lâu nay.

Lâu nay, cứ tới mùa thu hoạch, hoặc là tôi (hàng xóm ai cũng vậy) bán hết cho đại lý lấy tiền một cục trả nợ phân, thuốc, công cán thuê thu hái, trả tiền vay ngân hàng; hoặc gửi cả cho đại lý theo kiểu khi nào cần bán thì chốt giá. Gia đình tôi chọn phương cách này, cứ con đi học thì chốt giá bán nửa hay một tấn, nhà có giỗ quải, ma chay, cưới xin thì chốt giá bán tiếp. Cứ như vậy dù phương pháp mua bán không hiện đại nếu so với sàn giao dịch nhưng lại tiện cho nông dân như tôi.

Nhưng liệu rồi đây nông dân trồng cà phê nhưng tôi ở Tây Nguyên, trong đó có đồng bào dân tộc ít người, liệu có đủ hiểu biết và quy mô đủ 3 héc ta để bước chân vào sàn này không khi mà sàn quy định nông dân muốn đăng ký giao dịch tối thiểu phải chứng minh mình có 3 héc ta trồng cà phê và mỗi lô giao dịch là 5 tấn cà phê nhân. Nhà tôi trồng 2 héc ta, thu mỗi mùa 6-8 tấn nếu tính theo diện tích thì tôi không đủ điều kiện giao dịch. Thôi cứ cho là tôi góp chung diện tích với ông bạn hàng xóm để đủ tiêu chuẩn 3 héc ta thì 6-8 tấn cà phê của tôi lại hơn một lô nhưng lại không đủ 2 lô cho giao dịch.

Dù trong bài báo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc sàn, có cho biết là quy định nói trên cũng là cách giúp nông dân như tôi và những hàng xóm nhà tôi liên kết với nhau trong giao dịch mua bán nhưng ngay cả khi tôi và ông bạn hàng xóm đã liên kết với nhau thì liệu rằng những cách thức giao dịch quá hiện đại, mua bán khớp lệnh, những thuật ngữ bước nhảy giá, biên độ giao dịch, T+1, T+ 3…  thì có bao nhiêu nông dân như tôi đủ khả năng đăng ký tham gia, hay đó chỉ là sân chơi cho doanh nghiệp, các đại lý thu mua?

Ngay cả việc dùng máy vi tính với nông dân cũng đã khó huống hồ sử dụng vi tính vào những việc khác như mua bán cà phê ở sàn giao dịch. Tôi có may mắn là có mấy đứa con rành vi tính chỉ vẽ mấy năm nay nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm nông dân nhà có máy vi tính, có nối mạng internet?

Liệu rằng rồi đây có bao nhiêu nông dân ở huyện, xã chân lấm tay bùn, mang dép lê, chạy xe công nông như tôi "dám" bước chân hay mang xe công nông vào sàn, khi nền gạch men bóng lộn cùng với những người mặc đồng phục, máy vi tính nối mạng hiện đại bên trong?

Phan Hồng Vinh (Buôn Ma Thuột)

Nông dân lên sàn giao dịch cà phê

Thứ Năm,  11/12/2008, 21:48 (GMT+7)


(TBKTSG Online) - Khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào sáng ngày 11-12 với 10 doanh nghiệp và 2 hộ nông dân, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột rồi đây sẽ là điểm hẹn chung của nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk và cả Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Đình Đối, một nông dân ở nội thành Buôn Ma Thuột có trồng 2 héc ta cà phê ở ngoại thành, rất muốn đăng ký tham gia sàn giao dịch nhưng theo quy định hiện nay của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), nông dân muốn đăng ký làm thành viên giao dịch của BCEC phải có tối thiểu 3 héc ta cà phê.

"Tiếc quá, tôi sẽ rủ mấy ông bạn trồng cà phê chung nhau đăng ký 1 thành viên", ông nói sau khi tham quan cách thức giao dịch cà phê qua sàn và hỏi tỉ mỉ nhân viên của sàn về cách giao dịch.

Một chặng đường dài  

Hiếm có dự án chợ, trung tâm thương mại hay sàn giao dịch nào ở Việt Nam trải qua một chặng đường dài như BCEC. Trung tâm được phê duyệt vào giữa năm 2003 nhưng mãi tới gần cuối năm 2006 mới khởi công xây dựng vì phải trải qua nhiều lần điều chỉnh quy mô diện tích, vốn đầu tư...

Không chỉ chính quyền Đắk Lắk mà cả các bộ ngành trung ương cũng đặt nhiều kỳ vọng vào BCEC khi xác định trung tâm này là nơi đầu tiên của Việt Nam làm thí điểm xây dựng và vận hành một sàn giao dịch hàng hóa, cụ thể ở đây là cà phê. Nơi đây, nông dân và doanh nghiệp không chỉ ở Tây Nguyên mà cả nước có thể trực tiếp đến chợ hoặc thông qua mạng Internet để đặt mua, đặt bán cà phê, mang cà phê đến đây giới thiệu ở showroom, tổ chức các phiên đấu giá cà phê, với sự trợ giúp của ngân hàng ủy thác thanh toán đặt tại sàn, hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, kho chứa hàng, nhà máy chế biến tại chỗ.

Mục tiêu là tránh thiệt hại về giá cho nông dân và doanh nghiệp do mọi thông tin giá cả, sản lượng đều công khai, rõ ràng như mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.  

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc BCEC, kể lại là trong lúc các nhà thầu đang xây dựng sàn thì ông cùng nhân viên của sàn lặn lội xuống TPHCM quan sát cách thức hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán, thậm chí nhờ các chuyên gia chứng khoán tư vấn kỹ thuật như tòa nhà trung tâm dành ra mặt bằng làm sàn giao dịch, bảng điện tử thể hiện diễn biến giao dịch ra sao…

Mô hình sàn giao dịch này còn học hỏi kinh nghiệm sàn giao dịch nông sản của Trung Quốc, Brazil, cả thị trường kỳ hạn cà phê London. Trong lúc trung tâm đang lúng túng thì Quỹ hỗ trợ phát triển của Pháp (AFD) đồng ý tài trợ hơn 800.000 euro chủ yếu cho trang bị các phần mềm kỹ thuật và đưa nhân viên của sàn đi đào tạo cách thức giao dịch hiện đại ở nước ngoài.

Vậy là mất gần 6 năm, sàn giao dịch cà phê mới hình thành. Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc xây dựng và vận hành một sàn giao dịch nông sản hiện đại ở Việt Nam cũng khó khăn, dò dẫm từng bước tương tự như quá trình tập dần cho nông dân từ bỏ dần phương thức mua bán truyền thống sang mua bán, giao dịch hiện đại.

Chứng khoán… cà phê  


 

Bây giờ bước chân vào sàn giao dịch cà phê không ai nghĩ rằng nó dành để giao dịch… cà phê, vì tòa nhà 2 tầng quá hiện đại.

Tầng một là sàn giao dịch, có hơn chục máy vi tính cá nhân để tra cứu thông tin, đặt lệnh mua, bán cho nông dân và doanh nghiệp, kèm theo một màn hình LCD loại lớn để những người tham gia giao dịch có thể xem thông tin sản lượng, giá cả cà phê thế giới, trong nước làm cơ sở lựa chọn giá đặt mua, bán của mình.

Còn tầng hai có hội trường lớn để tập huấn cách thức giao dịch, phổ biến thông tin đến nông dân, doanh nghiệp và cũng là nơi đặt Cafecontrol, tổ chức được BCEC ủy thác kiểm tra chất lượng cà phê giao dịch và Techcombank, ngân hàng được ủy thác thanh toán.

Phía sau sàn là hệ thống 4 kho chứa có công suất chứa lên tới 30.000-35.000 tấn cà phê nhân của Công ty cổ phần cà phê An Giang cùng với 1 xưởng chế biến cà phê nhân, để nông dân có nhu cầu đưa cà phê tươi vào BCEC chế biến ra nhân và mang ra giao dịch ngay.

Cũng tương tự như sàn giao dịch ở các công ty chứng khoán ở TPHCM, những thông tin giá cả cà phê trong nước, thế giới được in thành bản tin khổ giấy A4 phát cho "nhà đầu tư".

Phía trong tầng 1 là "quả tim" của sàn giao dịch, ở đó có những nhân viên làm công việc cập nhật thông tin giao dịch như Sở giao dịch chứng khoán TPHCM. Trước mặt họ là 3 màn hình điện tử cỡ lớn, một bảng thể hiện thông tin thị trường giao dịch cà phê thế giới ở London, New York, một bảng thể hiện diễn biến của giao dịch như mã thành viên nào mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, khớp lệnh ra sao. Bảng còn lại mang tính tổng kết chỉ số VNCOFFEE-INDEX, chẳng khác gì chỉ số chứng khoán.

Khác với chứng khoán, cà phê là hàng hóa thật nên giao dịch được tính theo lô, mỗi lô 5 tấn cà phê. Ông Hà cho biết, loại cà phê giao dịch trên sàn trước mắt là cà phê vối (Robusta) và nông dân có thể đặt một lệnh bán nhiều lô trong một lần giao dịch; thành viên giao dịch mua phải ký quỹ với mức ký quỹ bằng 10% giá trị khối lượng hàng hóa.

Giao dịch được thực hiện bằng tiền đồng, còn bước nhảy giá (ticksize) là 50 đồng/kg. Biên độ dao động giá không vượt quá 10% giá tham chiếu.

Sau khi khớp lệnh và có kết quả giao dịch, các thành viên giao dịch nộp hoặc chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng ủy thác của BCEC hiện nay là Techcombank. Thời gian chậm nhất là một ngày làm việc (gọi là T+1) kể từ sau ngày có kết quả giao dịch.

Bên bán sẽ thực hiện hợp đồng và xác nhận chuyển giao quyền sở hữu lô hàng cà phê tại hệ thống kho hàng của BCEC. Còn việc chuyển giao sản phẩm sẽ được hoàn tất trong ba ngày làm việc (gọi là T+3) kể từ sau ngày có kết quả giao dịch.

Với cách thức giao dịch như trên, nông dân trồng cà phê và doanh nghiệp kinh doanh cà phê ban đầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, ông Hà cho biết trước khi sàn đi vào hoạt động, BCEC đã tổ chức tập huấn, giới thiệu cách thức giao dịch cho hơn 200 hộ nông dân trồng cà phê lớn trên địa bàn tỉnh và khoảng chục doanh nghiệp cà phê. "Dần dà rồi cũng sẽ quen", ông nói.

Theo ông Hà, việc yêu cầu nông dân đăng ký tham gia giao dịch phải có tối thiểu 3 héc ta cà phê trở lên (có giấy chứng nhận sử dụng đất và xác nhận của địa phương là trồng cà phê) cũng nhằm khuyến khích nông dân liên kết với nhau trong mua bán, để nhiều người "chung" diện tích rồi đứng tên một người đăng ký, như trường hợp ông Đối nêu ở trên.

HỒNG VĂN

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM