Chuỗi giá trị lúa gạo
Hữu Đức - Báo Nông nghiệp Việt Nam (24/11/2010 10:20)
ĐBSCL sắp kết thúc các vụ lúa chính trong năm. Thêm một năm làm lúa vất vả đi qua, nông dân trúng mùa. Tuy nhiên, lại vẫn là niềm vui chưa trọn vẹn.
Thị trường lúa gạo trong nước còn biến đổi bất thường. Sau 21 năm từ khi Việt Nam tham gia XK gạo trở lại và vươn lên thành cường quốc mạnh về lúa gạo, nông dân vựa lúa đã chủ động khâu sản xuất và tạo được sản lượng hàng hóa lớn. Điệp khúc trúng mùa rớt giá, tồn đọng vẫn tái diễn trầm kha. Mỗi lần như vậy nông dân là đối tượng bị động nhất, thiệt thòi nhất trong chuỗi hoạt động SXKD và XK lúa gạo. Qua nhiều năm, một câu hỏi đặt ra: Vì sao lúa gạo VN vẫn chưa có được vị thế chủ động?
Giá cả bất thường
Bước qua đầu tháng 11/2010, mùa giáp hạt. Ở ĐBSCL lúa bắt đầu lên giá không ngừng và lập đỉnh cao nhất trong năm. Dân thương lái cầm điện thoại di động liên hồi gọi bạn hàng. Họ cho ghe rảo quanh vùng lúa thu đông vừa mới gặt. Anh Hiểu, dân chạy hàng lúa gạo cung ứng cho các DNXK gạo ở Thốt Nốt, Ô Môn (Cần Thơ) quay sang nói với tôi, giọng đăm chiêu: "Mấy DN báo giá gạo XK 5% đã vượt mức 475 USD/tấn khi Indonesia có hợp đồng mới. Khó khăn hiện thời là lúa vùng Ô Môn, Cờ Đỏ hay miệt đồng Hậu Giang dẫu còn cũng không nhiều. Tới lúc giá lên dữ quá, lúa xay gạo lứt giao hàng 7.800đ/kg, lúa thường mon men lên theo 5.600-5.800đ/kg tính ra lời quá meo. Hơn nữa gặp lúc gạo lên giá lúa lên theo như lúc này càng khó mua hơn một phần do nông dân đã bán lúa gần hết rồi, bán ngay từ khi mới gặt. Phần còn lại một số ít nhà ví bồ giữ lại, dẫu số lượng không nhiều, họ cũng nán chờ giá. Muốn có lúa phải chờ thêm mươi ngày nữa vùng Chợ Mới (An Giang) và Đồng Tháp… lúa vụ 3 vào mùa gặt".
Giá lúa lên xuống bất thường gần như là điều hiển nhiên không lạ gì với nông dân miền Tây. Lúa vào mùa đong ken thường xuống giá. Tới khi lúa sắp cạn đồng, nông dân cần tiền trang trải nợ nần đã bán hết thì giá lúa lại lên. Đa số nông dân đều biết vậy nhưng khó tránh được. Với thị trường nước ngoài, nơi nào thiếu gạo, cần gạo ra sao chỉ có cơ quan điều hành XK, các DN và giới mua bán kinh doanh biết rõ hơn hết. Nhiều nông dân còn nhớ vào lúc trước vụ lúa đông xuân (ĐX) hồi đầu năm sắp thu hoạch, giá lúa lên cao ai cũng mừng. Dự báo của Tổ chức nông lương LHQ (FAO) và cơ quan điều hành XK gạo nhận định nhu cầu gạo thế giới tăng. Thế nhưng tới khi lúa vào mùa gặt giá bỗng dưng sựng lại rồi giảm dần. Đến vụ HT lúa rớt giá trầm trọng thêm. DNXK phải nhờ sự hỗ trợ lãi suất của Chính phủ để thu mua tạm trữ.
Ông Bảy Nhị (Nguyễn Minh Nhị), nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho tới bây giờ vẫn đau đáu với tình cảnh hạt lúa miền Tây, ông bộc trực nói thẳng: "Xin nói ngay rằng tại tổ chức sản xuất, kinh doanh chưa tốt nên nông dân nghèo bị xô ra ngoài cuộc chơi đầy khốc liệt của kinh tế thị trường. Giữa vụ HT vừa rồi, nhiều nông dân bán lúa IR 50404 giá chỉ 2.700đ/kg". Nhưng sau đó không lâu ông Bảy Nhị gặp một người quen ở huyện Chợ Mới, nông dân này còn 3.000 giạ lúa (60 tấn) mà giá lúa đã lên 6.000đ/kg vẫn chưa bán. Như vậy theo ông, bài giải về giữ lúa giá cao cho nông dân là tính được.
Nông dân luôn bị động
Lúa là một trong những mặt hàng nông sản có thế mạnh nhất ở ĐBSCL. Đất đai màu mỡ, nông dân làm ra hạt lúa không khó, nhưng họ vẫn nghèo. Vì sao? Trong vùng chiếm số đông là nông hộ làm ăn qui mô nhỏ. Một gia đình 4-5 miệng ăn và mức bình quân 5 công ruộng thì dẫu có căng sức cày 3 vụ lúa trong năm cũng chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu đời sống.
Chúng tôi gặp một nông dân làm ruộng hạng trung, anh Nguyễn Minh Trí, ở xã Định Môn, huyện Thới Lai (Cần Thơ). Gia đình anh có 6 khẩu gồm hai vợ chồng, 2 con và nuôi cha mẹ già, với phần thừa kế đất ruộng hơn 2ha. Anh Trí có kiến thức trồng trọt, làm nông bài bản, tính toán căn cơ. Làm xong 3 vụ lúa trong năm, anh Trí thú thiệt: "Làm lúa trúng nhưng tiền lời không đủ chi xài. Tính chi li hết cả năm còn thâm vốn".
Đa số nông dân đều biết bị động nhất là vụ lúa HT, làm mùa mưa cực nhọc, lúa thường rớt giá. Nhưng có ruộng không làm lúa thì trồng gì hiệu quả hơn? "Vụ HT chi phí nặng, có lời chừng 30% là may. Sang vụ lúa TĐ mới đây bán trúng giá 5.600-5.700đ/kg. Dù vậy, hình dung xem một vụ lúa trong hơn 3 tháng, tới cuối vụ nông dân bán lúa thu tiền một lần, một "cục tiền" tưởng nhiều. Thực ra gia đình nông thôn có quá nhiều thứ chi xài đều trông cậy vào lúa. Tất cả chi phí ăn mặc, học hành cho con, ốm đau thuốc thang cho cha mẹ… Làm lúa thuần với qui mô nhỏ khó tích lũy. Ngay như vật tư nông nghiệp cho mùa sau hầu như nông dân vùng này phần lớn đều phải mua nợ. Hơn nữa nông dân khó biết trước giá lúa mà chủ động tính toán", anh Trí thở dài.
Ông Tư Quận, chủ NM xay xát khu vực Cái Răng lý lẽ như thế này: "Thời buổi thông tin từng phút, từng giờ nên thương lái thời nay chủ động nắm sát giá cả lên xuống từ các đầu mối mua bán. Nông dân cũng không phải mù tịt thông tin. Lúa đang lên, nông dân thường có tâm lý chờ lên thêm. Nhưng nông dân bị áp lực cần tiền sau mùa vụ và không có phương tiện vận chuyển nên buộc phải bán qua thương lái".
"Dù sao đi nữa hàng xáo đi lại cũng không bằng người ngồi một chỗ. Chủ NM xay lúa kiêm luôn khâu cung ứng gạo lứt nguyên liệu cho DN, ký hợp đồng với DN, giá cả biết trước và còn lãi thêm khâu xay xát, phụ phẩm cám, trấu. DNXK có kho, chủ động thông tin dự đoán thị trường, cân đối giá cả đầu vào đầu ra hạch toán kinh doanh có lãi mới ký hợp đồng và ít khi gặp rủi ro", ông Tư Quận nói. Như vậy ai hưởng lợi nhiều nhất, ai thiệt thòi nhất trong chuỗi sản xuất lúa gạo hiện nay đã tương đối rõ.
Nông dân luôn... nghèo nhất Hữu Đức-Thanh Sơn (25/11/2010 10:16)
Tại hội thảo đánh giá hợp tác nghiên cứu an ninh lương thực và chuỗi giá trị lúa gạo vào giữa tháng 10/2010 vừa qua, TS Võ Thị Thanh Lộc, trưởng nhóm tác giả của Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (MDI) – Trường ĐH Cần Thơ đã phân tích chuỗi giá trị lúa gạo ở ĐBSCL.
Theo đó, chuỗi giá trị bắt đầu từ nguồn cung đầu vào (giống lúa, phân, thuốc) → nông dân, tổ hợp tác, câu lạc bộ → thu gom (thương lái) → nhà máy xay xát → nhà máy lau bóng → công ty (DN) → XK hoặc theo kênh bán vào siêu thị, bán sỉ/lẻ tiêu dùng nội địa.
Nhà nông lợi nhất?
Theo nhóm nghiên cứu MDI, tổng giá thành SX lúa của nông dân trong năm vừa qua (2009) là 3.650đ/kg (giá lúa qui ra gạo x 1,28 là 4.672đ/kg). Tính đầy đủ các khoản chi phí tính trên 1kg lúa: giống, phân, thuốc 1.548đ (chiếm 42,4%), lao động nhà 752đ (20,6%), lao động thuê 350đ (9,6%), khấu hao và dụng cụ 102đ (2,8%), chi phí lưu thông (mua đầu vào) 60đ (1,6%), chi phí "cò lúa", ăn uống, xuống giống 120đ (3,3%), chi phí thủy lợi 90đ (2,5%), trả lãi vay đầu vào 102đ (2,8%), trả lãi vay ngân hàng 526đ (14,4%).
Từ đó tính kinh tế chuỗi giá trị gia tăng gạo theo kênh thị trường (đã qui ra giá gạo cho toàn bộ tác nhân tham gia), với thị trường gạo nội địa, lấy giá bán trừ tổng chi phí (chi phí đầu vào, chi phí tăng thêm) thì giá trị gia tăng thuần của nông dân thu được là 540đ/kg (chiếm 27%), thương lái 39đ/kg (2%), nhà máy xay xát 123đ/kg (6,3%), nhà máy lau bóng 50đ/kg (2,6%), DN (28,7%), buôn bán sỉ/lẻ 632đ/kg (32,6%).
Tuy nhiên nếu tính chuỗi giá trị gạo XK, giá trị gia tăng thuần của nông dân vẫn ở mức 340đ/kg (chiếm 36,5%), các tác nhân thương lái 280đ/kg (18,9%), nhà máy xay xát 186 đ/kg (12,3%), nhà máy lau bóng 50đ/kg (3,4%) và còn lại DN XK gạo là 422 đ/kg, chiếm 28,9%.
Trong 2 đối tượng nông dân và DN được xem là chiếm tỉ lệ giá trị gia tăng cao nhất nhì trong chuỗi, kết quả nghiên cứu cho thấy cả hai đều có những mặt thuận lợi lẫn khó khăn. Nông dân làm lúa có lợi thế lớn nhất là kinh nghiệm và kỹ thuật canh tác; điều kiện thủy lợi nội đồng, lựa chọn đầu vào dễ dàng, được vay vốn, cơ giới hóa, tiêu thụ dễ dàng qua thương lái và quản lý SX theo nông hộ. Nhưng cái khó của nông dân là đầu ra không ổn định.
Thương lái không mua đúng giá sàn do Nhà nước qui định. Dịch bệnh trong SX, chi phí đầu vào cao, không kiểm soát được chất lượng đầu vào, thiếu vốn SX, thiếu công nghệ, thiếu kho dự trữ, sân phơi… Còn đối với DN có kinh nghiệm kinh doanh, chủ động nguồn đầu vào, hậu cần tương đối tốt, được hỗ trợ của Chính phủ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA); được ưu đãi vốn vay. Song DN không thể quản lý giá sàn đối với thương lái, luôn đối mặt với giá cả không ổn định, thiếu vốn, chất lượng gạo lẫn giống, bị cạnh tranh cao và thường bị động trong XK.
Trong một nghiên cứu khảo sát khác từ thực tế mua bán lúa gạo trong năm 2009, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc chi nhánh Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Cần Thơ nêu cụ thể trong chuỗi giá trị lúa gạo, từ sản xuất cho tới khi cặp mạn tàu, tính trên giá trị mỗi kg lúa, nông dân đạt lợi nhuận cao nhất tới 1.000 đồng, thương lái lãi 100 đồng, nhà máy xay xát lãi 50 đồng, nhà máy lau bóng lãi 100 đồng, DN cung ứng gạo thành phẩm (nếu không vay ngân hàng) lãi 100 đồng.
Nhưng nghèo nhất
Một thành viên trong nhóm nghiên cứu lý MDI cho biết: Nhìn trên dãy số trong chuỗi giá trị gạo XK cho thấy nông dân chiếm giá trị thuần cao nhất. Tuy nhiên số lượng lúa của mỗi hộ nông dân không nhiều, một vụ lúa kéo dài hơn 3 tháng. Trong khi DNXK tuy chiếm tỉ lệ giá trị gia tăng đứng thứ 2 trong chuỗi giá trị, nhưng DN kinh doanh tập trung số lượng gạo hàng hóa lớn, vòng xoay vốn kinh doanh ngắn, lợi nhuận chung thu được nhiều hơn.
Theo TS Võ Hùng Dũng, chu kỳ sản xuất của nông dân kéo dài tới 3 tháng, nông dân lại bị giới hạn bởi diện tích, năng suất, nên khoản lợi nhuận từ hạt lúa đem chia cho cả chu kỳ sản xuất là không nhiều, vì thế nông dân vẫn là người nghèo nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo. Trong khi đó, sản phẩm lúa gạo từ khi được đưa vào lưu thông (bán tại ruộng) cho tới khi cặp mạn tàu, hết 45 ngày.
GS.TS Peter Timmer, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Hội nhập toàn cầu Hoa Kỳ:
Người hưởng lợi nhất trong cuộc Cách mạng xanh trên thế giới 40 năm qua là người tiêu dùng chứ không phải người trồng lúa. Nông dân quy mô nhỏ không được hưởng lợi nhiều khi giá lúa gạo tăng cao. Nông dân không thể làm giàu được nhờ trồng lúa.
|
Tính ra chu kỳ kinh doanh của thương lái và DN cung ứng gạo thành phẩm, ngắn hơn nhiều so với chu kỳ sản xuất của nông dân, lượng lúa gạo mà họ mua bán lớn hơn rất nhiều so với sản lượng lúa gạo mỗi hộ nông dân làm ra. Do đó, trong mỗi chu kỳ kinh doanh, mức lợi nhuận của những thành phần này lớn hơn nhiều so với lợi nhuận của nông dân.
Sau cùng, TS Võ Hùng Dũng nhận định: Nông dân trồng lúa là những người bị thiệt thòi nhiều nhất. Nguyên nhân: nông dân là người xa nhất với người tiêu dùng cuối cùng; Khó nắm bắt thông tin và sự thay đổi thị trường; Trình độ học vấn thấp, đông con; Thói quen sản xuất theo kinh nghiệm; Thiếu vốn, tài sản, khó tiếp cận được tín dụng; Chịu tác động mạnh nhất của yếu tố đầu vào; SX nông nghiệp lệ thuộc thời tiết, mưa bão; Thiếu hệ thống bảo hiểm rủi ro; Giao thông đi lại khó khăn; Chi phí giao dịch cao; Hệ thống an sinh xã hội ở nông thôn yếu kém; Thiếu kênh cung cấp thông tin.
Có một điểm chung qua nhiều ý kiến chuyên gia kinh tế đồng thuận rằng: Điểm yếu của ngành hàng lúa gạo nước ta chủ yếu là do SX nhỏ, manh mún, không có kế hoạch chung, bán qua nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi ngành hàng. Mặt khác, chất lượng lúa còn thấp không ổn định, thiếu lượng gạo đặc sản trong phân khúc thị trường. Bên cạnh đó giá VTNN cao, không ổn định và chưa kiểm soát được chất lượng. Thị trường có quá nhiều giống lúa; thủy lợi, giao thông nội đồng chưa hoàn chỉnh ảnh hưởng tới điều tiết nước và cơ giới hóa nông nghiệp. Chính sách tiêu thụ còn nghiêng về ưu tiên cho DN quốc doanh; chưa quản lý chặc chẽ giá XK giữa DNNN và tư nhân.
Phải tính cho nông dân trước Hữu Đức (26/11/2010 10:21)
"Muốn phát triển SX lúa gạo bền vững, phải bắt đầu từ nông dân, tính cho nông dân có lợi trước"- đó là quan điểm của ông Huỳnh Văn Thòn, Giám đốc Cty CP BVTV An Giang. Mặc dù, theo ông Thòn, đây có vẻ là quy trình ngược trong thời điểm hiện nay.
Lợi trên đồng
Chương trình cùng nông dân ra đồng (NDRĐ) của Cty CP BVTV An Giang khởi sự từ vụ lúa ĐX 2006-2007, hình thành lực lượng bạn nhà nông FF (Farmer Friend) có 12 nhân viên thực hiện 3 mô hình trên 146 điểm với 109ha. Tiếp tục duy trì đến vụ ĐX 2009-2010 lực lượng FF có tới 251 nhân viên tỏa xuống địa bàn khắp 3 miền Bắc - Trung - Nam nhân rộng lên 39 mô hình, với 1.701 điểm trình diễn trên tổng diện tích 3.200ha.
Đây là mô hình thực tiễn sát cánh cùng nông dân bắt đầu trên đồng ruộng, thực hiện theo mô hình liên kết 4 nhà, có nhà khoa học, nhà quản lý cùng tham gia. Những nhân viên FF là những kỹ sư trẻ xuống địa bàn cùng với cơ quan quản lý chuyên ngành, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật mới trong canh tác lúa, cung cấp cho bà con một giải pháp quản lý ruộng đồng theo hướng "Hiệu quả, an tòan, bền vững". Mục tiêu trước tiên của chương trình nay là giúp nông dân tăng năng suất, phẩm chất và lợi nhuận.
Đúc kết một chặng đường, chương trình cùng NDRĐ đã giúp bà con tự tin áp dụng các tiến bộ mới trong canh tác lúa; có kỹ năng phát hiện chính xác dịch hại trên ruộng lúa; có khả năng đưa ra các biện pháp để quản lý đồng ruộng hiệu quả. Nông dân sẽ tham gia chuyển giao TBKT ở địa phương, biết ghi chép tính toán hiệu quả kinh tế, giảm giá thành, tăng năng suất, lợi nhuận.
Kết quả vụ ĐX 2009-2010 vừa qua tại tỉnh Long An, tính chi phí chi tiết hết các khâu giống, làm đất, bơm nước, chăm sóc, thu hoạch, phân bón, thuốc BVTV, tổng chi trong điểm thực hiện mô hình là 11.453.372 đồng/ha; nông dân sản xuất bên ngoài điểm chi 12.656.320đ/ha nên phần chênh lệch đã giảm hơn 1,2 triệu đồng.
Trong khi đó năng suất trong mô hình đạt 7,563 tấn/ha thì ruộng bên ngoài đạt 6,858 tấn/ha, chênh lệch 705kg. Tính ra giá thành 1kg lúa trong mô hình 1.514 đ/kg; ruộng bên ngoài là 1.846 đ/kg. Tổng thu trên một ha ruộng trong điểm mô hình là 32.985.120đ/ha; ruộng ngoài điểm 29.913.142 đ/ha. Lợi nhuận chênh lệch giữa ruộng thực hiện điểm mô hình và ruộng bên ngoài hơn 4,2 triệu đồng.
Tuy nhiên cái lợi của người làm lúa có được ngay trên đồng ruộng tổng kết qua các vụ lúa, giá thành bình quân qua thực hiện chương trình là 2.200đ/kg lúa, còn ruộng bên ngoài là 3.105 đ/kg. Tuy nhiên mặt lợi hơn nhiều là qua thực hiện chương trình đã giảm được lượng lúa giống gieo sạ còn 120kg/ha, giảm 60kg/ha so với lượng giống ngoài điểm mô hình. Thêm đó, phân bón cũng giảm 50kg/ha, giảm bớt 2-3 lần phun thuốc BVTV trong mỗi vụ lúa.
Mở rộng hợp tác, bao tiêu
Ông Huỳnh Văn Thòn ấp ủ một dự án đầu tư và bao tiêu lúa cho nông dân, làm sao cho nông dân an tâm sản xuất, biết trước làm là có lời. Ông Thòn nói: "Chúng tôi muốn làm "bảo hiểm" cho nông dân mang tính trọn gói, như người mua và người bán bảo hiểm đều an tâm chớ không phải là chuyện may rủi. Chúng tôi có cơ sở thực tế. Qua làm việc với bà con, 1 kỹ sư FF có khả năng giao tiếp với 20 nông dân. Tuy nhiên cách tính của Cty CP BVTV An Giang là mô hình phân phối tính trước cho bà con có lợi. Trong khi thông thường DN không tính trước, cắt phân lợi nhuận trong đàm phán rồi mới tính ra lợi nhuận cho bà con. Chúng tôi làm ngược lại, trước tiên là làm sao cho người làm lúa sống được".
+ Theo nhóm nghiên cứu MDI, bình quân nông hộ ở ĐBSCL có diện tích lúa 2,6ha/hộ, lớn nhất là Kiên Giang 5,8ha/hộ, An Giang 2,6ha, Sóc Trăng 1,3ha và thấp nhất là Long An 0,89ha. Phần lớn đất đai nông hộ có nhiều thì không liền thửa, ruộng bị chia cắt. Năng suất trồng lúa khá cao và ổn định. Lợi nhuận trồng lúa nhiều nhất là vụ ĐX với bình quân 11,4 triệu đồng/ha, kế đến là vụ TĐ 11 triệu đồng/ha và sau cùng là vụ HT với 3,6 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trên 1kg lúa sản xuất so với chi phí đầu tư là 43%, vụ HT chỉ 17%.
+ PGS TS Nguyễn Văn Huỳnh – Trường ĐH Cần Thơ: "Cty BVTV An Giang thực hiện chương trình cùng NDRĐ. Mỗi kỹ sư bám sát địa bàn, giám sát qui trình sản xuất, từ giống lúa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV…trên một cánh đồng. Đó là một cách làm có phương pháp quản lý qui trình sản xuất dễ tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, muốn nông dân nâng cao giá trị hạt lúa cần có sự liên kết chặt chẽ với DN, có ký kết thu mua sản phẩm đạt chất lượng".
|
Cũng theo ông Thòn thì DN làm ăn với nông dân còn là đạo lý. Từ hai năm trước ông Thòn đã nghĩ nhiều về vấn đề này. Đến nay ông cho rằng đã đến lúc cần làm. Dù khó DN cũng phải chịu tốn tiền để làm. Để thực hiện chuỗi giá trị lúa gạo và chuỗi dịch vụ, chỉ cần làm sao giúp nông dân quản lý đồng ruộng tốt, sâu bệnh ít, môi trường ruộng đồng tốt, giá thành lúa rẻ và nhất là lợi nhuận phân chia hợp lý thì sản xuất lúa mới bền vững.
Theo lộ trình, Cty CP BVTV An Giang đang xây dựng vùng dự án, vùng nguyên liệu và cụm dịch vụ nông nghiệp (DVNN) trên địa bàn 5 tỉnh Hậu Giang, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp và Long An. Mục tiêu làm lúa trong vùng nguyên liệu này là sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; hạn chế dư lượng thuốc BVTV; xây dựng qui trình sản xuất chế biến theo VietGap, HACCP.
Các giống lúa chất lượng cao đưa vào sản xuất như: Jasmine, VD 20, VND 95-20, BN, OM 4900, KDM và giống lúa đặc sản địa phương. Trong năm 2011-2012 liên kết cùng nông dân xây dựng vùng sản xuất lúa 18.000ha với 19 cụm DVNN. Đến năm 2020 dự kiến qui mô tăng lên hơn 100.000ha và 100 cụm DVNN, trong đó có hơn 100.000 nông hộ tham gia sản xuất lúa. Công ty tuyển dụng lực lượng FF từ bậc trung cấp nông nghiệp và đào tạo kỹ sư thực hành làm việc lâu dài. Trong đó kế họach "bảo hiểm" thu mua lúa cho nông dân 3 vụ/năm. Trước mắt trong năm nay và năm tới BVTV An Giang tiêu thụ 150.000 tấn lúa với những hộ có nhu cầu.
Khép kín từ SX đến XK Hữu Đức-Thanh Sơn (29/11/2010 10:38)
Hiện các DN trong ngành lúa gạo chủ yếu kinh doanh thương mại. Lối kinh doanh theo kiểu "cắt ngọn" này, về lâu dài không bền vững. Nhận thức được điều này, một số DN bắt đầu hướng vào đầu tư sản xuất, liên kết với nông dân để tạo ra chuỗi khép kín từ SX tới XK.
Mô hình của Angimex
Nhiều năm qua, với một lợi thế đứng chân trên tỉnh nhiều lúa bậc nhất ĐBSCL, Cty CP XNK An Giang (Angimex) tập trung kinh doanh XK mặt hàng lúa gạo và tiêu thụ nội địa, trong đó doanh số hàng năm từ gạo chiếm tới 80%. Angimex đã nhận ra trong chuỗi giá trị lúa gạo, nông dân là người thiệt thòi nhất. Đó cũng là nguyên do Angimex muốn liên kết với nông dân thực hiện mô hình đầu tư khép kín thông qua hợp đồng bao tiêu sản phẩm, ổn định giá cả, tìm cách nâng cao giá trị hạt gạo để mang lại lợi ích cho nông dân.
Hiện tại, Angimex đã liên kết với các tổ sản xuất lúa giống ở các xã trong huyện Thoại Sơn để sản xuất thử nghiệm lúa giống và bán cho nông dân trong vùng nguyên liệu mà Cty đầu tư. Song song đó, Cty cử cán bộ kỹ thuật hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân sản xuất lúa theo hướng an toàn.
Mô hình Angimex thực hiện qua 4 bước. Đầu tiên, Cty ký hợp đồng đầu tư trực tiếp với nông dân theo kế hoạch gieo trồng thông qua chính quyền địa phương và Ban Nông nghiệp xã, sau phổ biến cho nông dân giá thu mua. Bước hai, Cty sẽ đầu tư cho nông dân theo thỏa thuận trả chậm, trả vào cuối vụ hay trả tiền mặt bao gồm các khoản giống xác nhận, phân bón ... Bước ba, nhân viên kỹ thuật của Cty bám sát địa bàn, nắm tình hình sản xuất của nông hộ, kịp thời tư vấn các vấn đề liên quan kỹ thuật gieo trồng, thu hoạch để sản phẩm đạt chất lượng. Bước cuối cùng, Cty tổ chức thu mua lúa của tất cả nông dân đã ký hợp đồng đầu tư.
Tuy nhiên nếu nông dân làm lúa không đảm bảo chất lượng yêu cầu, Cty sẽ thỏa thuận lại giá cả với nông dân hoặc thanh lý hợp đồng. Nếu không thỏa thuận được giá cả, nông dân phải thanh toán lại tiền giống và vật tư nông nghiệp đã mua trả chậm. Bà Võ Thị Thanh Tuyết, Trưởng phòng Phát triển chiến lược Angimex cho biết, Cty đầu tư công nghệ sau thu hoạch với kho chứa lúa 6.000 tấn tương ứng với 1.000ha/vụ.
Có thể nói rằng với mô hình này, cả Angimex và nông dân đã tham gia hầu hết các công đoạn trong chuỗi giá trị lúa gạo. Các thành quả và lợi ích của việc bán sản phẩm cuối cùng được chia sẻ một cách hợp lý: Cty có sản phẩm chất lượng tốt, giá cả mang tính cạnh tranh cao trên thị trường nhờ nguồn nguyên liệu đầu vào với chất lượng ổn định, đồng đều. Lợi nhuận từ đó cũng được cải thiện. Cty trích từ nguồn lợi nhuận này để đầu tư vào phát triển công nghệ sản xuất, công nghệ sau quy hoạch phục vụ vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm.
Đối với nông dân sản xuất với năng suất cao, chất lượng tốt, sẽ tránh được thất thoát trong sản xuất cũng như thiệt thòi khi mua bán qua nhiều tầng lớp trung gian, từ đó nâng thêm thu nhập. Theo mô hình này mối quan hệ trong chuỗi được xây dựng dựa trên các mối quan hệ mật thiết theo dạng đối tác và gắn kết chặt chẽ dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau. Các chủ thể gắn chặt với lợi ích toàn bộ chuỗi nên sẽ gắng hết sức để làm tốt nhất cho mình và đối tác, kết quả là các bên cùng có lợi.
Theo Angimex, hiện nay với hệ thống kho có sức chứa gạo 70.000 tấn, sang giai đoạn 2010-2012, Cty tập trung ổn định vùng nguyên liệu tại các huyện trọng điểm cùng với việc đầu tư mở rộng kho chứa lúa với các thiết bị sấy và bóc vỏ. Với năng lực đầu tư và công nghệ, Angimex đang hướng tới xây dựng mô hình đầu tư khép kín, đảm bảo chất lượng ổn định với quy trình sản xuất chuyên nghiệp và xây dựng thương hiệu hạt gạo Việt Nam.
Khi "đại gia" vào cuộc
Sau nhiều năm chỉ thuần tuý làm thương mại, bắt đầu từ năm nay, TCty Lương thực Miền Nam đã quyết định đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao. Theo chương trình này, TCty sẽ hợp tác với Cục Trồng trọt liên kết với 6 tỉnh ĐBSCL thực hiện thí điểm các vùng lúa chất lượng cao, mỗi tỉnh 1 vùng, diện tích mỗi vùng từ 500-1.000 ha, và chỉ sử dụng 1-3 giống lúa do TCty đặt hàng với các cơ sở sản xuất giống địa phương. Các vật tư đầu vào khác như phân bón, thuốc trừ sâu cũng được TCty đặt hàng từ những nhà sản xuất có uy tín và cung cấp cho nông dân.
Nông dân sẽ được ngành nông nghiệp địa phương tập huấn canh tác theo "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", xuống giống né rầy, có sổ tay sản xuất, chỉ dùng từ 1-3 giống lúa với mật độ sạ từ 80-100 kg/ha, tỷ lệ cơ giới hoá đạt 60-80% diện tích. TCty và các DN thành viên đứng chân ở các địa phương sẽ thoả thuận và ký hợp đồng bao tiêu với giá tốt cho nông dân ngay từ đầu vụ.
TCty Lương thực Miền Nam là đơn vị XK gạo lớn nhất nước, đồng thời cũng là một trong những DNXK gạo lớn nhất thế giới. Vì thế, trong năm nay, việc TCty quyết định bắt tay vào xây dựng vùng nguyên liệu, đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các địa phương cũng như người nông dân. Liên tiếp trong các cuộc họp bàn về sản xuất lúa ở ĐBSCL trong nửa cuối năm nay, đại diện ngành nông nghiệp ở các tỉnh đều lên tiếng thúc giục TCty Lương thực Miền Nam và Cục Trồng trọt thúc đẩy nhanh việc thực hiện chương trình này.