Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN TẠP CHÍ CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

VÀ NỘI DUNG CHÍNH CỦA SỐ 2/2011, TẬP 32

TS. Bảo Trung


 

  1. Giới thiệu tổng quan tạp chí chiến lược kinh doanh (JBS- Journal of Business Strategy)

Tạp chí Chiến lược kinh doanh xuất bản định kỳ 2 tháng 1 lần với các bài báo có tính thực tiễn cao để giúp cho doanh nghiệp phát triển chiến lược kinh doanh thành công. Các bài báo đề cập đến những vấn đề mới hoặc những quan điểm khác nhau về nhận thức đối với chiến lược kinh doanh. Tạp chí này không những hướng đến các nhà quản lý cấp cao (CEO) mà còn hướng tới các nhà quản lý cấp trung và cao cấp tại các công ty thuộc mọi quy mô và loại hình, cũng như các chuyên gia tư vấn và các học giả, những người muốn phát triển chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp theo những cách mới.

Tạp chí chiến lược kinh doanh là một trong số ít các tạp chí dành riêng cho chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, JBS định nghĩa chiến lược trong ý nghĩa rộng nhất và do đó bao gồm nhiều chủ đề rất đa dạng như chiến lược tiếp thị, đổi mới, phát triển trong nền kinh tế toàn cầu, sáp nhập và mua lại hội nhập và nguồn nhân lực.

  1. Nội dung chính của số 2/2011, tập 32

Số 2/2011, tập 32 của Tạp chí Chiến lược kinh doanh phát hành vào đầu tháng 4/2011 bao gồm 7 bài chính với hai nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, có hai bài nghiên cứu chủ đề về thương hiệu nổi tiếng và hàng giả mạo. Các bài báo này lý giải vì sao người tiêu dùng hàng năm vẫn tiếp tục bỏ ra hàng tỷ USD để mua các sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng như quần áo của Gucci, giày thể thao của Nike, Addidas,… Theo số liệu thống kê, thị trường hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới tăng trường bình quân 12%/năm. Stephen A. Stumpf và cộng sự đã nghiên cứu so sánh về hành vi tiêu dùng giữa người Mỹ và người Brazin đối với hàng giả mạo. Nhóm nghiên cứu này đã đưa ra nhận xét không có sự khác biệt nhiều giữa thị trường hàng giả mạo ở Hoa Kỳ và ở Brazin mặc dù ở Hoa Kỳ luật pháp chống hàng giả mạo chặt chẽ hơn và xử lý nghiêm hơn. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 4 lý do người tiêu dùng chọn hàng giả mạo: thứ nhất, thuộc tính của sản phẩm có thể chấp nhận được; thứ hai, dễ dàng mua hàng hóa trên thị trường; thứ ba, thu nhập thấp và trình độ tiêu dùng thấp; thứ tư, quan điểm của xã hội về việc đồng lõa với hàng giả mạo có thể chấp nhận được. Kết quả của các nghiên cứu này cũng chứng minh rằng quan điểm từ trước đến nay của các nhà quản lý thường cho rằng đặt giá hàng hóa cao để khẳng định rằng hàng của mình là hàng thật là một công cụ này không hiệu quả. Thứ nhất, người sản xuất hàng giả mạo cũng sẵn sàng đặt giá cao; thứ hai, người tiêu dùng biết rằng đó là hàng giả mạo nhưng họ vẫn mua vì thu nhập thấp hoặc trình độ tiêu dùng thấp. Người có thu thập thấp họ chấp nhận sử dụng hàng giả vì cho rằng những thuộc tính của sản phẩm có thể chấp nhận được. Ngoài ra số đông người tiêu dùng có trình độ tiêu dùng trung bình nên họ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả mạo vì phần lớn các mặt hàng giả mạo trên thị trường đều là hàng rất dễ dàng bắt chước. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giá quá lớn so với giá trị mà khách hàng cảm nhận được chính là nguyên nhân thúc đẩy người tiêu dùng đồng lõa với hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Do vậy, các nhà sản xuất cần thiết phải giảm khoảng cách này bằng cách tăng thêm giá trị cảm nhận của khách hàng về hàng hóa của mình hoặc giảm giá mạnh để người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Thứ hai, có 5 bài báo nghiên cứu mối liện hệ giữa văn hóa doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các bài báo đã khẳng định văn hóa doanh nghiệp được xem là nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên trong nhiều năm, văn hóa doanh nghiệp bao gồm giao tiếp không được đo lường và chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa văn hóa doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu hiện nay đang điều tra các liên kết giữa một số loại chiến lược của công ty với văn hóa và kết quả hoạt động doanh nghiệp. Nói chung, văn hóa mở và linh hoạt thúc đẩy sự đổi mới và dẫn đến kết quả hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều nhà quản trị doanh nghiệp muốn thay đổi nền văn hóa hiện có của doanh nghiệp họ và phát huy nền văn hóa có khả năng mang lại kết quả mong muốn. Tuy nhiên, họ thấy rằng cải tạo văn hóa trong môi trường doanh nghiệp gần như là khó khăn giống như cải tạo văn hóa trong xã hội. Văn hóa dựa trên các giá trị và hành vi, thường sâu ăn sâu và dệt thành nhiều khía cạnh của cuộc sống và làm việc. Do đó, thay đổi văn hóa doanh nghiệp có thể mất nhiều tháng, nhiều năm nhưng nhiều khi chỉ dẫn đến kết quả đáng thất vọng. Các bài báo tập trung xây dựng mô hình để giúp cho các nhà quản trị có thể chuyển đổi văn hóa của doanh nghiệp. Một trong các mô hình đó có một mô hình được đánh giá cao là mô hình của "Change Track Research" (CTRE), một công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Syney, Úc. Chi tiết mô hình này có thể đọc từ bài báo "Drivers of change: a comtemporary model" (Động lực sự thay đổi: mô hình đương đại) Christina Kirsch, John Chelliah và Warren Parry.

Tóm lại, Tạp chí Chiến lược kinh doanh, tập 32, số 2/2011 rất hữu ích cho các quản trị doanh nghiệp, cũng như các nhà nghiên cứu. Các bài báo số này gồm hai chủ đề: một liên quan đến lĩnh vực marketing; một liên quan lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực. Do vậy, đây là tài liệu tham khảo tốt cho các nhà quản trị marketing và quản trị nguồn nhân lực.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM