Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2011

Sản xuất theo hợp đồng

LUẬN CỨ KHOA HỌC SẢN XUẤT NÔNG SẢN THEO HỢP ĐỒNG

TS. Bảo Trung

1. GIỚI THIỆU

Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn nước ta. Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng ở nước ta đã được xuất hiện từ lâu, nhưng chỉ phát triển nhanh chóng kể từ khi Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng” ngày 24/6/2002. Theo Quyết định này, Việt Nam phấn đấu đến năm 2005, phương thức ký hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa chiếm 30% và năm 2010 là 50% sản lượng hàng hóa của một ngành sản xuất hàng hóa lơn. Bên cạnh Quyết định 80/2002/QĐ-TTg, các bộ ngành cũng đã có nhiều thông tư hướng dẫn nhằm đẩy mạnh phương thức này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc thực hiện hợp đồng bao tiêu nông sản cho nông dân còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hiện tượng phá vỡ hợp đồng hay lạm dụng hợp đồng vẫn xảy ra. Một số doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân khi nông dân không thực hiện hợp đồng và ngược lại. Chính vì vậy, cả nông dân và doanh nghiệp không mặn mà lắm đối với phương thức ký hợp đồng tiêu thụ nông sản. Nhiều hội nghị, hội thảo cũng đã bàn đến nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thất bại của phương thức ký hợp đồng bao tiêu nông sản. Việc sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng là xu hướng tất yếu và là định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, nhưng việc tổ chức thực hiện phương thức này có phần chủ quan và duy ý chí. Chúng ta đang chạy theo số lượng hợp đồng được ký kết hơn là đi vào chất lượng của việc thực hiện hợp đồng. Theo số liệu của Bộ Nông Nghiệp Mỹ, tại Mỹ, năm 1969, 12 % giá trị nông sản được sản xuất và tiêu thụ qua hợp đồng; năm 1991 tăng lên 28% và năm 2004 là 36%. Các số liệu, tuy chưa đủ để đánh giá nguyên nhân và đề ra giải pháp để đẩy nhanh sản xuất và tiêu thụ nông sản qua hợp đồng, nhưng đủ để minh chứng một điều chúng ta chưa nhận thức đầy đủ luận cứ khoa học về sản xuất và tiêu thụ theo hợp đồng, mà theo các triết gia cho rằng nếu nắm được luận cứ khoa học thì nhân loại sẽ tránh được ít nhất một nửa lầm lạc. Một trong những luận cứ khoa học quan trọng mà bài viết này muốn trình bày là chúng ta cần hiểu rõ các khái niệm liên quan đến tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản mà sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng là một hình thức. Vì chỉ hiểu rõ các khái niệm này thì chúng ta mới có bước đi phù hợp để thị trường nông sản vận hành được tốt.

2. SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ NÔNG SẢN THEO HỢP ĐỒNG LÀ GÌ ?

Trong sản xuất nông nghiệp, người nông dân có thể ký kết một số hợp đồng với người cung cấp để mua các yếu tố đầu vào sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu hay nước tưới v.v… Bên cạnh đó, để tiêu thụ nông sản hàng hóa, người nông dân có thể ký kết hợp đồng với người mua. Người mua có thể là nhà bán buôn, bán lẻ, nhà chế biến ….Ngày nay, việc mua và bán của nông dân theo phương thức ký kết hợp đồng tương đối phổ biến. Tuy nhiên, những hợp đồng mua và bán này không phải tất cả đều có nghĩa là “Sản xuất theo hợp đồng” (Contract farming) hay còn gọi là hợp đồng sản xuất (Production contracts).

Để tiêu thụ nông sản hàng hóa, giữa người nông dân và người mua có 4 phương thức giao dịch như sau:

2.1 Thị trường giao ngay (Spot market)
Thị trường giao ngay là phương thức giao dịch hàng hóa truyền thống. Nông dân có thể bán nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng với người mua hoặc bán trực tiếp đến người mua tại chợ hoặc sàn đấu giá. Việc mua bán này được thực hiện ngay tại thời điểm diễn ra giao dịch, theo giá cả của thị trường hiện tại. Nông dân kiểm soát và quyết định toàn bộ quá trình sản xuất như sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu như thế nào, cũng như họ phải tự bỏ vốn đầu tư cho hoạt động của mình. Sau khi thu hoạch thì người nông dân phải tự tìm kiếm thị trường và thương lượng với người mua để bán nông sản mình sản xuất ra. Trong trường hợp này nếu giá cả thị trường tại thời điểm giao dịch cao hơn chi phí mà người nông dân bỏ ra để sản xuất thì nông dân có lời và ngược lại thì nông dân thua lỗ. Phương thức này tương đối đơn giản vì người mua và người bán nắm được thông tin về giá cả và chất lượng sản phẩm tại thời điểm giao dịch.

2.2 Hợp đồng sản xuất (Production contracts)

“Sản xuất theo hợp đồng” (Contract farming) hoặc hợp đồng sản xuất (Production contracts) là hợp đồng giữa nông dân và người mua theo những thoả thuận triển hạn (Forward Agreements). Đây là phương thức giao dịch của thị trường giao sau khác với thị trường giao ngay. Hợp đồng sản xuất được ký kết trước khi người nông dân tiến hành sản xuất. Hợp đồng này quy định chi tiết về trách nhiệm của nông dân và người ký kết hợp đồng. Trong loại hợp đồng này, người nông dân ít có quyền quyết định vấn đề sản xuất mặc dù họ là vẫn là người trực tiếp sản xuất. Người ký kết hợp đồng với nông dân sẽ quy định cụ thể về các yếu tố đầu vào cần sử dụng và phương thức canh tác, kể cả người ký hợp đồng chịu trách nhiệm công tác hướng dẫn kỹ thuật canh tác và thường xuyên kiểm tra thực tế trên đồng ruộng. Hợp đồng sản xuất thường xuất hiện dưới hai hình thức. Thứ nhất, hợp đồng gia công, điều này có nghĩa người mua đầu tư toàn bộ từ cơ sở vật chất đến các yếu tố đầu vào và nhận lại toàn bộ sản phẩm. Trong trường hợp này người nông dân được trả công chăm sóc và một số chi phí khác được thoả thuận trong hợp đồng. Hình thức hợp đồng này đang được Công ty CP Việt Nam áp dụng. Thứ hai, người mua đầu tư ứng trước vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật và cũng thu lại toàn bộ sản phẩm theo giá đã được thoả thuận tại thời điểm ký kết hợp đồng. Hình thức hợp đồng này đang được áp dụng tại Công ty Bông Việt Nam. Trong hợp đồng sản xuất, thì nông sản do người sản xuất ra thuộc quyền sở hữu của người đầu tư, là người ký kết hợp đồng với nông dân.

2.3 Hợp đồng tiêu thụ (Marketing contracts)

Đây cũng là hình thức hợp đồng triển hạn (Forward contract). Người sản xuất và người mua đồng ý ký kết hợp đồng mua một số lượng hàng hóa nhất định với giá cả được quy định trước trong thời gian trước khi nông sản được thu hoạch. Người sản xuất hoàn toàn kiểm soát vấn đế sản xuất nông sản của mình và phải đảm bảo việc giao hàng đúng số lượng, chất lượng và giá cả theo hợp đồng. Trong trường hợp đến khi thu hoạch, do rủi ro về thới tiết hay các yếu tố khác người sản xuất không đủ hàng giao cho người mua thì họ có trách nhiệm đi thương lượng với nông trại khác để đảm bảo cung cấp đủ hàng cho người mua. Việc giao dịch này giúp cho người sản xuất định hướng được thị trường, nắm bắt được giá cả và triển vọng tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, trách nhiệm cam kết chưa cao, việc chế tài giữa các bên gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, ở các nước người ta nâng cấp thành hợp đồng kỳ hạn (Future contract) và được giao dịch thông qua Sở giao dịch hàng hóa, như Sở giao dịch hàng hóa Luân Đôn hoặc NewYork. Về sau người ta gọi thị trường tiêu thụ nông sản qua sở giao dịch hàng hóa là thị trường kỳ hạn. Thị trường kỳ hạn đã giải quyết được vấn để tiêu thụ hàng hóa trước khi thu hoạch một cách ổn định và vững chắc. Tuy nhiên, thị trường nông sản đầy biến động, rủi ro lớn, nên với các hợp đồng kỳ hạn, giá hàng hóa vẫn còn bấp bênh, chênh lệch lớn với giá thực tế. Vì vậy xuất hiện một nghiệp vụ thị trường mới là hợp đồng quyền chọn (Option Contract). Hợp đồng quyền chọn trong đó người mua mua của người bán một cái quyền được mua hay quyền được bán nông sản trong thời gian nhất định với mức giá thỏa thuận. Người mua phải trả cho người bán một số tiền gọi là phí hay tiền cược (premium) là giá quyền chọn. Có hai loại quyền là quyền tự chọn mua (Short sales) và quyền tự chọn bán (long sales). Quyền này có thời hạn, nếu hết thời hạn hợp đồng người mua không tiến hành mua hoặc bán thì quyền tự chọn không còn hiệu lực. Trong thực tế, các nhà chế biến lo sợ giá cả nguyên liệu tăng nên thường mua quyền chọn mua để bảo hiểm giá nguyên liệu. Người sản xuất lo sợ giá sản phẩm sẽ giảm mạnh nên mua quyền tự chọn bán để bảo hiểm cho việc tiêu thụ nông sản. Các hợp đồng quyền chọn, việc mua bán quyền chọn đều diễn ra tại sàn giao dịch của Sở giao dịch hàng hóa.

Thị trường giao sau lúc đầu chỉ thực hiện giữa người sản xuất và người bán và hình thành nên thị trường sơ cấp. Sau đó thị trường này trở nên nhộn nhịp khi xuất hiện hình thức mua đi bán lại các hợp đồng này. Phương thức này đã hình thành thị trường giao dịch thứ cấp và trở nên phổ biến ngày này. Thị trường kỳ hạn hay thị trường quyền chọn chỉ được thực hiện tại Sở giao dịch hàng hóa, tuân theo những quy định chặt chẽ và dưới sự giám sát của Uy ban hàng hóa kỳ hạn của Nhà nước.

2.4 Hội nhập dọc (Vertical integration)

Hội nhập dọc là hình thức liên kết giữa nông trại và người sử dụng. Người sử dụng ở đây thường là các nhà máy chế biến. Đối với hình thức này, các nhà máy chế biến tự đầu tư nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy mình thông qua việc mua đất hoặc thuê đất để tự sản xuất. Người nông dân chỉ là người làm thuê cho nhà máy chế biến. Một cách khác người chế biến và nông dân cùng tham gia góp vốn dưới dạng cổ đông để hình thành mối liên kết giữa sản xuất và chế biến. Nông dân có thể góp vốn vào nhà máy chế biến bằng quyền sử dụng đất của mình và nhà máy chế biến có thể tham gia góp vốn với nông dân trong đầu tư vùng nguyên liệu. Người nông dân và người chế biến cùng chia sẻ rủi ro trong sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ nông sản đã qua chế biến. Ngoài ra, trong hội nhập dọc còn có một hình thức khá phổ biến ở Việt Nam là “Sự tái lập trang trại gia đình trong lòng doanh nghiệp nông nghiệp nhà nước”. Hình thức này có hai chủ thể kinh doanh, người mua nông sản là chủ thể kinh doanh thứ nhất đồng thời là chủ thể pháp lý; người sản xuất là chủ thể kinh doanh thứ hai, nông dân nhận khoán đất để tự tổ chức sản xuất và bán lại nông sản cho chủ thể kinh doanh thứ nhất theo hợp đồng ký kết. Điển hình ở Việt Nam cho phương thức giao dịch này là “Nông Trường Sông Hậu”.

3. NHỮNG VẤN ĐỀ CẦN GIẢI QUYẾT TRONG VIỆC THỰC HIỆN SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG

Xuất phát từ khái niệm vừa trình bày ở trên, chúng ta thấy rằng có sự khác biệt giữa 4 phương thức giao dịch trong thị trường nông sản hàng hóa. Ngoài phương thức thứ nhất là thị trường giao ngay, 3 phương thức còn lại chỉ có thể vận hành tốt trong những điều kiện nhất định. Chính vì vậy, chúng ta cần giải quyết một số vấn đề sau:

- Thứ nhất, các bên tham gia vào thị trường nông sản hàng hóa và Nhà nước cần phải nhận thức đầy đủ các khái niệm trên để có thể hành xử đúng theo cơ chế thị trường.
- Thứ hai, đối với thị trường giao ngay thì đây vẫn còn là phương thức hiệu quả trong quá trình sản xuất và tiêu thụ nông sản vì người mua và người bán có đủ thông tin thị trường và trên thực tế, người mua như các doanh nghiệp hay thương nhân thường chỉ muốn hàng có sẵn trên thị trường.
- Thứ ba, sản xuất theo hợp đồng đang có xu hướng phát triển. Tuy nhiên, để việc sản xuất theo hợp đồng vận hành được tốt đòi hỏi phải có điều kiện tiên quyết là người mua và nông dân đều nhận thấy có lợi nhuận trong tương lai và mang tính chất ổn định lâu dài. Ngoài ra phương thức này đòi hỏi cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước. Theo một số nhà khoa học thì phương thức này chỉ phát triển trong 4 điều kiện sau: thứ nhất, nhu cầu về sản phẩm riêng biệt đáp ứng nhu cầu của khách hàng cụ thể; thứ hai, áp lực của của việc truy xét nguồn gốc (traceability) sản phẩm; thứ ba, áp lực về quản lý chặt chẽ hệ thống sản xuất để bảo vệ môi trường; và thứ tư, nông trại có quy mô lớn chiếm tỷ trọng cao.
- Thứ tư, đối với phương thức hợp đồng tiêu thụ, đòi hỏi phải có Sở giao dịch hàng hóa.
- Thứ năm, đối với phương thức hội nhập dọc, đòi hỏi phải thiết lập mối liên kết chặt chẽ giữa người mua và nguời sản xuất trên cơ sở cùng chia sẻ rủi ro trong kinh doanh.

Tóm lại, sản xuất theo hợp đồng là phương thức sản xuất tiến tiến nhưng để phương thức này vận hành được tốt chúng ta cần nghiên cứu tổng kết lý luận và thực tiễn để từ đó có những bước đi phù hợp trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM