Tranh chấp giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến: Thử
nhìn từ lý thuyết mặc cả
VNECONOMY cập nhật: 30/09/2006
Tác giả: Trương Trí Vĩnh (TMTS - VASEP)
Đóng góp ngày càng lớn cho tăng trưởng xuất khẩu thủy sản, nhưng quá trình phát triển của ngành cá basa, cá tra đã nảy sinh những vấn đề nội tại, đặc biệt là quan niệm khác nhau giữa người nuôi và các doanh nghiệp chế biến trong việc thực hiện hợp đồng thu mua.
Phía doanh nghiệp than phiền rằng khi giá lên nông dân "kìm cá" không bán, hoặc "bẻ kèo" bán cho người khác, không chịu thực hiện hợp đồng. Phía người nuôi kêu ca doanh nghiệp ép giá, gây khó khăn khi giá xuống. Những lý giải một chiều hoặc tuân theo những định kiến sẽ không mang lại lợi
ích cho bất kỳ bên nào cũng như lợi ích chung, mà chỉ làm rạn nứt thêm mối liên kết vốn hàm chứa cả hai mặt hợp tác và cạnh tranh giữa hai khâu sản xuất nguyên liệu và chế biến.
Bài viết này muốn thử đưa ra một cách nhìn khách quan từ quan điểm của kinh tế học hiện đại nhằm phân tích bản chất sự tranh chấp này.
Mối quan hệ giữa người nuôi và nhà chế biến
Quan hệ giữa người nuôi và nhà chế biến mang sẵn trong nó hai mặt hợp tác và cạnh tranh. Đó là hai mắt xích chính trong "chuỗi giá trị" của thủy sản Việt Nam.
Một mặt, hai phía cùng tham gia vào quá trình sản xuất ra sản phẩm để bán ra thị trường (trong và ngoài nước), mối quan hệ này mang tính cộng sinh. Cả hai bên đều cần sự tồn tại của nhau và hiển nhiên sự tồn tại này chỉ có thể có khi cả hai bên đều có lãi. Mặt khác, đó là hai đối thủ cùng chia sẻ miếng bánh lợi nhuận thu được từ thị trường, và hoạt động theo nguyên tắc của thị trường là tối đa hoá lợi nhuận cho mình.
Để đơn giản, chúng ta xét mô hình sản xuất tối giản chỉ có người nuôi và nhà chế biến. Chẳng hạn, giả
thiết toàn bộ chi phí từ khi nuôi cho đến khi chế biến, đóng gói xong để có thể xuất khẩu một kg cá là
20.000 đồng, giá bán ra thị trường là 30.000 đồng. Vậy tổng lãi thu được của quá trình sản xuất là 30.000 - 20.000 = 10.000 đồng. Vấn đề là 10.000 đồng lãi này sẽ phân bổ cho người nuôi và nhà chế biến theo tỉ lệ nào. Lời giải cho bài toán này thuộc phạm vi nghiên cứu của lý thuyết mặc cả.
Theo lý thuyết mặc cả, không có một tỉ lệ phân phối lợi nhuận nào được coi là "hợp lý" hay "tự nhiên"
hơn cả cho tất cả các trường hợp. Tỉ lệ này hoàn toàn phụ thuộc vào lợi thế của mỗi bên trong quá trình mặc cả.
Trên thực tế, xung đột này không phải là riêng biệt ở Việt Nam và cũng không riêng trong ngành thủy sản. Đây là mâu thuẫn tương đối phổ biến giữa hai lực lượng sản xuất chia sẻ lợi nhuận trên cùng một chuỗi giá trị. Có thể so sánh với cuộc tranh cãi từng xảy ra những năm 80 giữa các nông dân ở miền Tây nước Úc và các nhà chế biến hoa quả đóng hộp. Cũng tương tự là những lời phàn nàn đôi khi xuất hiện từ các chủ trang trại cá da trơn với các nhà chế biến ở Mỹ. Cái khác là môi trường kinh doanh và cách ứng xử của các bên.
Lợi thế thuộc về ai?
Nói chung, cá tra có kích thước thương phẩm tốt nhất (loại 1) khoảng 1,0 - 1,1kg. Trong thời gian nuôi
cho cá lớn dần đến ngưỡng này người nuôi có ưu thế khi mà doanh nghiệp cần nguyên liệu để thực hiện đơn hàng, trong khi người nuôi có thể giữ lại tiếp tục nuôi hoặc bán cho doanh nghiệp khác.
Do vậy, trong giai đoạn này, người nuôi có thể mặc cả để đẩy giá lên cao. Tuy nhiên điều khó khăn là phải biết đâu là điểm nên dừng lại trong cuộc mặc cả. Đó là mức giá mà tại đó, doanh nghiệp chế biến vẫn còn có thể có lãi. Nếu vượt quá ngưỡng này, thì việc mua bán khó có thể diễn ra.
Tương quan này không được giữ nguyên trong quá trình mặc cả. Càng kéo dài thời gian, ưu thế của người nuôi cá càng mất đi, mà chuyển dần về phía doanh nghiệp chế biến. Người nông dân phải tiếp tục bỏ thêm chi phí nuôi cá trong khi giá bán lại không hơn. Không những thế, những con cá lớn thêm lên vượt quá kích cỡ của loại 1 lại còn bị giảm giá.
Ngoài ra, trên thực tế, vào thời điểm trong vụ thu hoạch trong các tháng hè, lượng cung cá nguyên liệu
cũng sẽ tăng, trong khi tại một số thị trường chính, lượng hàng xuất khẩu lại giảm xuống do trùng vào dịp nghỉ hè. Sự thay đổi tương quan cung-cầu cũng làm giảm ưu thế của người nông dân, góp phần làm giá giảm.
Cũng xin lưu ý rằng, chỉ cần cung tăng hay cầu giảm là có thể làm giá giảm mà không cần điều kiện cung vượt quá cầu. Cung vượt quá cầu là điều kiện làm cho giá thị trường thấp hơn giá thành sản xuất. Lúc này doanh nghiệp có nhiều lợi thế hơn trong việc mặc cả. Đây chính là thời điểm xảy ra tình trạng mà người nuôi gọi là "doanh nghiệp ép giá nông dân".
Một chiến lược hợp lý với người nuôi là khi đang có ưu thế, hãy cố gắng bán cá ra ngay khi có thể với
mức giá cao, khi mà doanh nghiệp còn có thể chấp nhận được nhằm thu lại lợi nhuận tối đa, chấp nhận
mức lợi nhuận thấp đi vào những thời điểm không còn ưu thế trong năm.
Ai thỏa mãn hơn?
Nếu đã không có một tỉ lệ chia lợi nhuận nào được coi là "hợp lý" thì điều gì quyết định sự thỏa mãn của mỗi bên?
Thực ra mức độ thỏa mãn khác nhau của hai phía quyết định từ mức độ bất đối xứng về thông tin. Giống như việc một người, sau khi mặc cả, mua một quả bưởi với giá 10.000 đồng. Người mua sẽ hài lòng nếu bằng một cách nào đó, anh ta biết rằng các hàng khác cũng bán với giá xấp xỉ vậy, mà không cần biết lợi nhuận của người bán bưởi là bao nhiêu.
Trên thực tế, người ta thường có xu hướng nhìn sang những hoạt động mua bán xung quanh mình để tìm kiếm sự hài lòng. Do vậy, nếu anh ta mua quả bưởi đó khi không có bất cứ thông tin nào để so sánh, anh ta sẽ luôn có cảm giác mình bị mua đắt. Cuộc mặc cả trong trường hợp này thường kéo dài và không mang lại sự thỏa mãn.
Điều này phần nào giải thích cho việc tại sao chúng ta thường ít thấy những lời than phiền từ phía doanh nghiệp như từ phía người nuôi trong cuộc tranh cãi này. So với người nông dân, nói chung doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận thông tin nhanh chóng và dễ dàng hơn nên cảm nhận về mặt bằng giá tốt hơn.
Trong trường hợp cá basa, cá tra tại vùng ĐBSCL, một lý do nữa gia tăng sự không thỏa mãn của người nông dân là do họ đã so sánh với mặt bằng giá cũ. Do thấy các hộ nuôi cá thu được siêu lợi nhuận với tỉ lệ lãi rất cao, một lượng lớn người đã tập trung vào nuôi dẫn đến lượng cung tăng vọt.
Hơn nữa thời điễm diễn ra cuộc tranh cãi là thời điểm vào vụ thu hoạch, khối lượng cung tăng vọt so với các tháng trước. Thiếu vắng thông tin dự báo, người nuôi có xu hướng so sánh với lợi nhuận thu được tại các thời điểm trước đó của mình và của các hộ nuôi khác. Điều này cũng làm nặng thêm tâm lý "thua thiệt" từ phía người nông dân.
Có hay không, thỏa thuận mua cá giá thấp giữa các doanh nghiệp chế biến?
Liệu việc các doanh nghiệp thỏa thuận để mua cá của nông dân với giá thấp có khả thi?
Trước hết, xin lưu ý rằng thị trường nguyên liệu thủy sản là thị trường có nhiều người mua và nhiều người bán, một yếu tố quan trọng để một thị trường được coi là "thị trường cạnh tranh", ở đó giá được quyết định theo các quy luật cung cầu. Trên thực tế bản thân các doanh nghiệp chế biến cũng có sự cạnh tranh rất gay gắt với nhau.
Nhắc lại ví dụ nổi tiếng của Nash về tình thế "tiến thoái lưỡng nan" của 2 nghi phạm (xin xem bên dưới).
Một tình huống tương tự như vậy với 2 doanh nghiệp - được giả thiết là có sự thỏa thuận để mua cá với giá thấp - cùng chia sẻ thị trường thu mua nguyên liệu. Khả năng rất lớn là cả 2 sẽ chọn phương án cân bằng là phá bỏ thỏa thuận - cho dù để ý rằng tổng lợi nhuận trong trường hợp này là thấp nhất theo nghĩa nếu duy trì sự thỏa thuận, có thể mua cá của nông dân với giá thấp hơn.
Mô hình trên đây thường được dùng để giải thích cho xu hướng phá vỡ liên kết giữa các doanh nghiệp.
Nói chung, mỗi doanh nghiệp, cho dù có thỏa thuận đi nữa, sẽ luôn có xu hướng phá bỏ cam kết và hưởng toàn bộ lợi nhuận có được từ sự chậm chân của các doanh nghiệp khác. Xu hướng này đặc biệt càng được thúc đẩy trong trường hợp số doanh nghiệp tham gia vào thị trường càng lớn.
Các nghiên cứu của kinh tế học hiện đại cũng đã chỉ ra rằng việc liên kết gần như không thể tồn tại được trong một thị trường cạnh tranh hoàn hảo, nơi có nhiều người bán và nhiều người mua cùng tham gia.
Vai trò của cơ quan quản lý nhà nước
Khoảng 10 năm trở lại đây, ngành công nghiệp cá tra, basa nói riêng và thủy sản nói chung của vùng
Đồng bằng sông Cửu Long đã mang lại một phần đáng kể cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy
nhiên sự phát triển quá nhanh không đi đôi với việc xây dựng môi trường kinh doanh tương xứng đã đặt ra những thách thức lớn.
Có thể thấy rằng mối quan hệ căng thẳng giữa người nuôi và nhà chế biến, hai lực lượng sản xuất luôn tồn tại cộng sinh, có nguyên nhân trực tiếp từ sự mở rộng quá nhanh của quy mô sản xuất không đồng bộ với việc trang bị hệ thống hỗ trợ tương ứng về kiến thức pháp luật hay các quy luật sản xuất và kinh doanh.
Trên thực tế, như đã phân tích ở trên, về bản chất, quan hệ giữa người nuôi cá và doanh nghiệp chế biến thuần tuý là quan hệ kinh doanh. Vai trò của các cơ quan quản lý, do vậy, không có tác động trực tiếp cũng như không mang vai trò làm "quan tòa" phân xử.
Những ý kiến chỉ đạo hay can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và người nuôi từ phía cơ quan chức năng do vậy rất cần thận trọng, nếu không muốn gây phản tác dụng. Điều này cần đặc biệt chú ý khi chúng ta đã gia nhập vào WTO, nếu không muốn bị coi là vi phạm các nguyên tắc của tổ chức này.
Tuy nhiên, đứng trên phương diện cơ quan Nhà nước mang chức năng điều tiết, có một vài việc có thể làm để cải thiện tình thế này.
Thứ nhất là mặc dù vấn đề giá nguyên liệu cá tra, basa xuất hiện không phải lần đầu tiên mà đã lặp lại từ một vài năm nay, nhưng trước khi xảy ra tranh chấp, chúng tôi không thấy sự có mặt, hoặc có nhưng không đủ mạnh, của những dự báo, khuyến cáo cần thiết đến người nuôi.
Thứ hai, việc cung cấp những thông tin tham khảo cần thiết, như đã nói ở trên, sẽ đóng vai trò rất lớn
trong việc giải quyết tâm lý bức xúc của người nuôi. Một dự báo về mặt bằng giá tại những thời điểm
nhạy cảm sẽ tạo cho cả hai phía mặc cả những "ngưỡng hợp lý" cho mình.
Thứ ba, việc phát triển quy mô sản xuất rất cần đi đôi với việc phát triển các yếu tố của một môi trường kinh doanh bền vững, các công cụ kiểm soát rủi ro, xử lý tranh chấp,... Việc này cần sự nỗ lực từ rất nhiều phía, trong đó các cơ quan quản lý chắc chắn sẽ đóng vai trò quan trọng.
Việc tìm kiếm một giải pháp triệt để cho những vấn đề nêu ra trong bài viết chắc chắn cần các nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng hơn nữa "chuỗi giá trị" của sản phẩm cá basa, cá tra từ nhiều góc độ khác
nhau. Đây là điều cần thiết để những tranh chấp như thế không lặp lại và tạo thành nguy cơ phá vỡ quan hệ giữa người nuôi và nhà chế biến, không chỉ với cá basa, cá tra mà với cả những mặt hàng thủy sản khác.
Để giải quyết xung đột giữa người nuôi và nhà chế biến, cốt yếu là cần đặt nó vào đúng trong mối quan hệ kinh doanh, chứ không nên tìm đến những lý do mang tính xã hội hay khía cạnh đạo đức.
Tình thế nan giải của 2 nghi phạm
Bài toán dưới đây là ví dụ nổi tiếng của John Nash về trò chơi bất hợp tác trong lý thuyết trò chơi. Mỗi
người chơi sáng suốt đều chọn phương án hợp lý nhất, nhưng tổng lợi ích thu được thấp nhất.
Có 2 nghi phạm bị bắt. Viên cảnh sát cho 2 người biết nếu cả 2 cùng im lặng, không tố cáo thì mỗi người bị giam một tháng. Nếu chỉ một trong 2 người tố cáo người còn lại thì người tố cáo được tha bổng, còn
người không tố cáo bị 9 tháng tù. Trường hợp cả 2 tố giác lẫn nhau thì mỗi người bị 6 tháng tù.
Bài toán có thể được biểu diễn bằng một song ma trận như dưới đây. Cặp số trong mỗi ô biểu thị số Nghi phạm 2 Không nói Tố giác Nghi phạm 1 Không nói -1, -1 9, 0 Tố giác 0, -9 -6, -6 Các đấu thủ sẽ có xu hướng chọn phương án tố giác, để loại trừ rủi ro do quyết định của đối phương.
tháng tù tương ứng cho tù nhân 1 và tù nhân 2 trong từng trường hợp tố giác hoặc không tố giác.
Trạng thái này đuợc gọi là một cân bằng Nash. Để ý rằng, trong trường hợp này, thiệt hại chung của cả 2 sẽ là lớn nhất ( 6+6 =12 tháng tù).
Trương Trí Vĩnh (TMTS - VASEP)