Thứ Tư, 14 tháng 11, 2007


TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP VÀ VIỆC ÁP DỤNG Ở VIỆT NAM
ThS. Bảo Trung
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế hiện nay, các doanh nghiệp muốn cạnh tranh để tồn tại và phát triển đòi hỏi phải có sự thay đổi cơ bản cách thức quản lý doanh nghiệp.
Ở các nước có nền kinh tế thị trường hoàn chỉnh, hầu hết doanh nghiệp đều thuộc sở hữu tư nhân nên mục tiêu hàng đầu của họ là thu được nhiều lợi nhuận. Để thu được nhiều lợi nhuận, họ luôn luôn tìm cách hợp lý hóa hoạt động sản xuất – kinh doanh của mình và từ đó phát triển nhiều phương thức quản lý mới phù hợp hơn và hiệu quả hơn. Từ xa xưa con người đã biết tổ chức, điều khiển và phối hợp người lao động theo nhóm để hoàn thành những công trình vĩ đại như Kim tự tháp, Vạn lý trường thành. Đây chính là hoạt động quản trị mà ngày nay chúng ta nói đến. Tuy nhiên những hoạt động này chỉ dựa trên kinh nghiệm, theo kiểu thuận tiện với kỹ thuật quản trị đơn giản. Trước cuộc cách mạng công nghiệp, Adam Smith đã quan sát và ghi nhận việc phân công lao động trong sản xuất. Tuy nhiên, ông vẫn cho rằng kỹ năng của các nhà quản trị trong doanh nghiệp là do trời ban, không thể đào tạo được. Hoạt động quản trị lúc đó phụ thuộc vào tài năng của các cấp quản trị trong doanh nghiệp. Giai đoạn này người ta xem là giai đoạn quản trị theo kiểu thuận tiện. Tuy nhiên đến cuối thế kỷ 19, công nghiệp đã phát triển mạnh và có nhiều vấn đề nảy sinh ngoài tầm kiểm soát của nhà quản trị. Điều này dẫn đến sự phát triển các kỹ thuật quản trị. Năm 1911, Frederick Winslow Taylor viết cuốn "Những nguyên tắc quản trị khoa học" mở đầu cho giai đoạn quản trị theo khoa học. Từ đó có nhiều trường phái quản trị xuất hiện trên thế giới và người ta chia thành những nhóm lớn như lý thuyết cổ điển (Frederick Winslow Taylor, Henry L. Gantt, Frank và Lilian Gilbreth), lý thuyết quản lý hành chính (Max Weber, Henry Fayol), lý thuyết tâm lý xã hội (Douglas McGregor, Elton Mayo, Abraham Maslow), lý thuyết định lượng (Herbert Simon) và lý thuyết Z của Nhật (William Ouchi). Đến thập niên 1950, người ta xem quản trị theo khoa học đã hoàn chỉnh. Những lý thuyết quản trị trong giai đoạn này đã lần lượt giảng dạy tại các trường Đại học và hình thành nên chuyên ngành quản trị kinh doanh. Hoạt động quản trị trước những năm 1950 chủ yếu tập trung vào hiệu quả sản xuất nhằm nâng cao năng suất thông qua việc phân chia công việc, xây dựng sơ đồ tổ chức, xây dựng bảng mô tả công việc cho công nhân,…nhưng sau đó nó tiếp tục lan qua nhiều hoạt động khác như tài chính, tiếp thị và hình thành nên hệ thống các kiến thức và kỹ năng quản trị doanh nghiệp toàn diện. Sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nhà quân sự của Hoa Kỳ đã nhận thức được rằng việc quản lý theo phương pháp khoa học không làm cho chất lượng sản phẩm tăng lên mà còn gây lãng phí lớn, đặc biệt đối với những sản phẩm của quốc phòng như máy bay, vũ khí không đạt chất lượng còn gây ra nhiều nguy hiểm cho xã hội. Chính vì vậy họ xây dựng các quy trình làm việc để sản xuất sản phẩm có chất lượng hơn và họ đặt tên Mil-Std 9858 (có nghĩa là tiêu chuẩn của quân đội). Đến năm 1979, Anh cũng đưa ra tiêu chuẩn quản lý áp dụng cho dân sự là BS 5750. Tuy nhiên, mãi đến năm 1987, thì phương pháp quản lý theo kiểu "làm đúng ngay từ đầu" hoặc "phòng ngừa" mới được áp dụng rộng rãi bằng sự ra đời của tiêu chuẩn ISO 9000:1987. Giai đoạn này người ta xem là giai đoạn quản lý tiên tiến. Sau thập niên 1990, tình hình thế giới có những biến đổi sâu sắc về mặt chính trị, kinh tế, xã hội làm cho sự cạnh tranh ngày càng diễn ra gay gắt buộc các doanh nghiệp phải tạo ra giá trị dành cho khách hàng ngày càng nhiều. Vì thế các doanh nghiệp đã tiến hành tái lập lại quá trình kinh doanh và cuốn sách "Tái lập công ty" ra đời đã được hưởng ứng rộng rãi. Cuối thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21, sự ra đời của hai cuốn sách bán chạy của Thomas Friedman là "Chiếc Lexus và cây Ô Liu" và "Thế giới phẳng" đã minh chứng cho giai đoạn toàn cầu hóa. Lúc này người ta nhận thức được các 3 yếu tố quyết định trong môi trường kinh doanh: thứ nhất, khách hàng là người quyết định; thứ hai, cạnh tranh quyết liệt hơn; và thứ ba, phải thay đổi. Do vậy các nhà quản trị đã chuyển từ tập trung vào bên trong quá trình sản xuất sang tập trung vào khách hàng bên ngoài và làm thế nào tạo ra giá trị tăng thêm cho khách hàng. Đây chính là quản trị doanh nghiệp hiện đại.
Quá trình phát triển quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam cũng đang tuần tự diễn ra theo xu hướng trên. Nếu xu hướng này cứ tiếp diễn thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ thất bại trong xu hướng cạnh tranh toàn cầu ngày nay. Kể từ khi Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường, phương thức quản lý ở các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể tuy nhiên chưa đạt được hiệu quả. Trước khi đổi mới hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp này có các những đặc điểm cơ bản như sau:
  • Nó phục vụ những mục tiêu xã hội và chính trị nhiều hơn là kinh doanh.
  • Làm theo kế hoạch từ trên giao xuống
  • Những người quản lý được bổ nhiệm theo sự tin tưởng nhiều hơn là tài năng.
  • Cơ cấu tổ chức phát triển theo sự thuận tiện.
  • Mô phỏng cách thức của cơ quan hành chính với quyền hành không được ủy quyền cho ai mà tập trung vào tay giám đốc.
Trong các đặc điểm trên thì việc xây dựng cơ cấu tổ chức ở các doanh nghiệp nhà nước đóng vai trò quyết định đến phương thức quản lý của các doanh nghiệp này. Hầu hết giám đốc doanh nghiệp nhà nước theo cơ chế cũ được bổ nhiệm vì chuyên môn hơn là vì kiến thức, kỹ năng quản lý. Kết quả của quá trình này là giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp là kỹ sư nông nghiệp; giám đốc nhà máy hóa chất là kỹ sư hóa; giám đốc công ty thương mại là kỹ sư hoặc cử nhân kinh tế thương nghiệp,… Từ khi lên làm giám đốc, ông tiến hành thành lập các bộ phận được gọi là cơ cấu tổ chức và cơ cấu tổ chức này được hình thành theo lối thuận tiện hơn là theo khoa học. Ở các doanh nghiệp Việt Nam chúng ta thấy có phòng tổ chức - hành chính bởi theo cách hiểu thông thường vấn đề tuyển dụng con người là do giám đốc quyết định nên phòng tổ chức chỉ còn làm công tác giấy tờ nên công tác hành chính phải thuộc phòng này. Một ví dụ khác là phòng kế hoạch – kinh doanh hoặc kế hoạch – vật tư cũng tương tự. Bắt đầu là phòng kế hoạch lo tính toán các kế hoạch sản lượng, rồi tính toán các nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất nên để thuận tiện giao luôn khâu mua vật tư cho phòng này là tốt nhất. Sau đó giám đốc thấy phòng kế hoạch – vật tư thường đi ra bên ngoài để mua vật tư nên việc bán hàng tốt nhất nên giao phòng này vì mua hoặc bán cũng như nhau nên hình thành phòng kế hoạch – kinh doanh chịu trách nhiệm mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm đầu ra. Việc hình thành cơ cấu tổ chức này hoàn toàn theo kiểu thuận tiện và điều đó tất nhiên là cách quản lý của các doanh nghiệp này hoàn toàn theo kiểu thuận tiện.
Từ thập niên 1990, khách hàng nước ngoài yêu cầu các doanh nghiệp Việt Nam phải có ISO 9000 thì mới mua hàng và chính yêu cầu bức bách này các doanh nghiệp bắt đầu tìm hiểu và quản lý theo kiểu ISO 9000. Tuy nhiên mô hình quản lý này không phải giúp cho các doanh nghiệp thành công mà còn rất nhiều trở ngại do chuyển từ quản lý thuận tiện sang quản lý tiên tiến theo ISO 9000 đòi hỏi thay đổi nhận thức rất lớn. Rất nhiều doanh nghiệp thuê tư vấn xây dựng hàng loạt các quy trình, chất đầy tủ nhưng chỉ thực hiện khi cần kiểm tra đánh giá để lấy chứng nhận, sau đó thì lãng quên đi vì thiếu sự cam kết của các cấp lãnh đạo. Các lãnh đạo trong doanh nghiệp hầu hết được bổ nhiệm do thuận tiện nên họ cảm thấy ISO 9000 là cái gì đó rắc rối, phức tạp, từ ngữ khó hiểu làm cho họ kém đi tính sáng tạo theo kiểu kinh nghiệm, thuận tiện.
Trước sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới cuối thập niên 1990 và đầu thế kỷ 21, nhiều giám đốc nhận thấy rằng rất cần đi học những kiến thức và kỹ năng mới để có thể thành công trong cạnh tranh và thậm chí họ cũng quan tâm đến quản lý hiện đại như "tái lập công ty". Sau khi tiếp cận với nhiều lý thuyết quản lý khác nhau, giám đốc các doanh nghiệp thấy cần thiết phải thay đổi quản lý, cần phải "tái lập công ty" nhưng chủ yếu là cần thay đổi "cơ cấu tổ chức". Tuy nhiên, khi bắt đầu áp dụng thì gặp quá nhiều trở ngại từ việc không biết bắt đầu tư đâu đến sự phản ứng của các cấp quản trị doanh nghiệp nên cuối cùng phải từ bỏ và chuyển về quản lý theo kiểu thuận tiện.
Vậy doanh nghiệp Việt Nam sẽ đi về đâu trong tình huống này. Điều quan trọng là doanh nghiệp cần phải đánh giá lại toàn diện hoạt động của doanh nghiệp mình và cũng không thể chỉ dừng lại ở giai đoạn quản lý theo khoa học hoặc quản lý tiên tiến mà phải áp dụng mô hình quản lý hiện đại. Vì nếu cứ theo tuần tự thì doanh nghiệp Việt Nam không thể cạnh tranh được trong môi trường toàn cầu ngày nay. Tuy nhiên, cách tiếp cận là quản lý hiện đại, nhưng tùy theo trình độ nhận thức, kiến thức và kỹ năng con người mà chúng ta phối hợp tất cả các phương thức quản lý trên thế giới cho phù hợp.
Tóm lại, để thành công trên thương trường thì việc thay đổi phương cách quản lý là điều hết sức cần thiết vì các doanh nghiệp nhà nước hiện nay sẽ không đủ sức cạnh tranh và quan trọng hơn nữa là trong thời gian tới các doanh nghiệp nhà nước phải chuyển đổi thành công ty cổ phần thì việc thay đổi phương thức quản lý là điều tất yếu.

Chân dung giám đốc doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa
TS.Bảo Trung

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế và toàn cầu hóa hiện nay, việc áp dụng phương pháp quản lý khoa học và hiện đại vào trong hoạt động kinh doanh sẽ quyết định thành công của doanh nghiệp. Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay quản lý theo kiểu "thuận tiện" và mối quan hệ trong doanh nghiệp theo kiểu gia đình cha-con, chú-cháu. Cách thức quản lý này sẽ không thể giúp doanh nghiệp cạnh tranh trong môi trường kinh doanh toàn cầu. Để thay đổi phương pháp quản lý theo hướng hiện đại thì vai trò của giám đốc doanh nghiệp rất quan trọng. Đối với phần lớn các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, việc bổ nhiệm một người làm giám đốc thường xuất phát từ trình độ chuyên môn hơn là trình độ quản lý. Một kỹ sư hóa chất tốt nghiệp ra trường về làm tại một công ty hóa chất, sau nhiều năm làm việc tại phòng kỹ thuật, anh ta có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, cải tiến sản phẩm. Anh ta sẽ được bổ nhiệm làm trưởng phòng, sau đó có thể trở thành phó giám đốc và thành giám đốc. Đối với các doanh nghiệp ngoài nhà nước thì thường là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đặc điểm của các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì ông chủ đồng thời kiêm luôn giám đốc doanh nghiệp. Việc quản lý này mang nặng tính chất gia đình. Với phương thức quản lý này nhiều giám đốc doanh nghiệp chưa nhận thấy đầy đủ sứ mệnh của mình và họ chưa trang bị đầy đủ những năng lực cần thiết để nắm giữ vị trí giám đốc doanh nghiệp. Người giám đốc doanh nghiệp hiện nay phải là người nắm được sứ mệnh mà doanh nghiệp, xã hội giao phó và đủ năng lực cần thiết để thực thi sứ mệnh của mình. Bài viết này tác giả xin giới thiệu sứ mệnh và năng lực cần thiết của người giám đốc doanh nghiệp trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.
1. Sứ mệnh của giám đốc doanh nghiệp
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng quyết liệt và môi trường kinh doanh thay đổi nhanh chóng, các nhà quản trị doanh nghiệp luôn luôn đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời cũng gặp nhiều cơ hội để đưa doanh nghiệp mình lên tầm cao mới. Gaius Julius Caesar, Hoàng đế La Mã đã từng nói rằng: "Ta đến, ta thấy, ta chinh phục" thì giám đốc doanh nghiệp cũng phải mang trên mình sứ mệnh thiêng liêng là đến, thấy và chinh phục những vùng đất mới để doanh nghiệp duy trì và phát triển. Vì vậy sứ mệnh của giám đốc doanh nghiệp như sau:
a) Sáng tạo ra giá trị dành cho khách hàngKhách hàng là người quyết định sự duy trì và phát triển của doanh nghiệp. Khách hàng chỉ mua hàng của doanh nghiệp khi họ biết rằng sản phẩm của doanh nghiệp có giá trị đối với họ. Giám đốc doanh nghiệp mang trên mình một sứ mệnh cao cả là phải sáng tạo ra giá trị dành cho khách hàng. Trong cuộc chiến trên thương trường, người thắng cuộc chính là người tạo ra nhiều giá trị dành cho khách hàng hơn. Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp hiện nay tập trung vào cạnh tranh giá trị dành cho khách hàng. Chính vì vậy, sứ mệnh đầu tiên mà giám đốc doanh nghiệp đảm nhận chính là sáng tạo ra giá trị dành cho khách hàng và đây cũng chính là nguồn gốc tạo ra giá trị doanh nghiệp.Theo Philips Kotler, giá trị dành cho khách hàng là khoảng chênh lệch giữa tổng giá trị mà khách hàng nhận được (Total customer value) và tổng chi phí mà khách hàng phải trả cho một sản phẩm/dịch vụ nào đó (Total customer cost). Các yếu tố quyết định giá trị dành cho khách hàng được biểu diễn theo sơ đồ sau []:
ổng giá trị của khách hàng
(Total customer value)
  • Giá trị về sản phẩm
  • Giá trị về dịch vụ
  • Giá trị về nhân sự
  • Giá trị về hình ảnh
Tổng chi phí của khách hàng
(Total cost value)
  • Chi phí bằng tiền
  • Chi phí về thời gian
  • Chi phí về công sức
  • Chi phí về tinh thần
Giá trị dành cho khách hàng
(Customer delivered value)
"Lợi nhuận" cho khách hàng

Tổng giá trị mà khách hàng nhận được là toàn bộ những lợi ích mà họ mong đợi ở một sản phẩm/dịch vụ. Nó bao gồm một tập hợp các giá trị thu được từ: chính bản thân sản phẩm/dịch vụ, các dịch vụ kèm theo, nguồn nhân lực và hình ảnh của công ty. Những giá trị gắn liền với bản thân sản phẩm/dịch vụ được phản ánh tập trung ở chất lượng của chúng và được thể hiện thông qua một loạt các thuộc tính như: độ bền, độ cứng, độ dẻo, độ tin cậy, tốc độ... Những giá trị gắn liền với dịch vụ kèm theo là một tập hợp các giá trị mang lại bởi việc: giao hàng, bán hàng, sửa chữa, cung cấp phụ tùng, hướng dẫn sử dụng, chăm sóc khách hàng… Giá trị về nhân sự được thể hiện ở trình độ hiểu biết, tinh thần trách nhiệm, sự tận tụy, ân cần của đội ngũ những người bán hàng, đội ngũ cán bộ công nhân viên của công ty đối với khách hàng. Cuối cùng, giá trị về hình ảnh được quan niệm là tổng hợp các ấn tượng về công ty trong tâm trí khách hàng.
Tổng chi phí mà khách hàng phải trả là toàn bộ những phí tổn mà khách hàng phải bỏ ra để nhận được những lợi ích mong muốn. Trong tổng chi phí này, những bộ phận chủ chốt thường bao gồm: giá tiền của sản phẩm/dịch vụ, phí tổn thời gian, phí tổn công sức và phí tổn tinh thần mà khách hàng đã bỏ ra trong quá trình mua hàng.
Như vậy, giá trị dành cho khách hàng không chỉ đơn thuần là những giá trị/lợi ích nằm trong bản thân sản phẩm/dịch vụ. Nó bao gồm tất thảy những giá trị hữu hình và vô hình, giá trị được sáng tạo ra trong sản xuất và giá trị nằm ngoài khâu sản xuất, miễn là những giá trị này mang lại lợi ích cho khách hàng.
b) Hoạch định chiến lượcSứ mệnh thứ hai của giám đốc doanh nghiệp là hoạch định chiến lược. Chiến lược chính là đáp án giúp cho người giám đốc lý giải được vấn đề như doanh nghiệp sẽ đi đến đâu?, trong hoàn cảnh nào?, chúng ta có thể làm được gì?, chúng ta cần gì?, và cần đạt mục tiêu như thế nào? Chiến lược là sự phối hợp những biện pháp về không gian và thời gian dựa trên việc phân tích môi trường và nguồn lực của tổ chức nhằm đạt được mục đích kinh doanh của doanh nghiệp phù hợp với xu hướng thị trường và điều kiện của doanh nghiệp. Mục đích của hoạch định chiến lược chính là nhằm mở rộng những ưu thế hiện có giành lấy nhiều cơ hội kinh doanh để mang lại nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp. Với tư cách là người hoạch định chiến lược, giám đốc doanh nghiệp cần phải vạch ra đường đi nước bước cho doanh nghiệp ngày càng tiến lên.
c) Thực hiện chiến lượcSứ mệnh thứ ba của giám đốc doanh nghiệp là chỉ đạo thực hiện chiến lược. Chiến lược dù có hoàn hảo đến đâu nếu không được vận dụng vào thực tế thì doanh nghiệp cũng không thể phát triển được. Giám đốc doanh nghiệp cần phải lựa chọn con đường nào ngắn nhất để đi đến mục tiêu và trên con đường đầy chông gai đó, người giám đốc doanh nghiệp phải biết lúc nào có hố sâu, rào cao để nhảy qua, lúc nào có bom mìn phải né tránh. Trong quá trình thực hiện chiến lược, giám đốc doanh nghiệp sẽ biết được con đường đi của mình đã vạch ra đúng hay chưa để có thể điều chỉnh bổ sung kịp thời. Và cũng trên con đường đó người giám đốc doanh nghiệp sẽ ra những quyết định phù hợp để doanh nghiệp phát triển.
d) Bảo hộ doanh nghiệpSứ mệnh thứ tư của người giám đốc doanh nghiệp là thần hộ mệnh bảo hộ doanh nghiệp tránh được những tai ương, mất mát trên con đường đi. Giám đốc doanh nghiệp phải bảo hộ doanh nghiệp trước sự tấn công của đối thủ cạnh tranh, tránh rủi ro tài chính và các rủi ro khác có thể xảy ra. Giám đốc doanh nghiệp phải hiểu biết tường tận đối thủ cạnh tranh để tránh được sự sát thương của họ và tìm con đường vượt lên trên họ bằng phương pháp tinh khôn nhất nhưng phù hợp với đạo đức của xã hội. Giám đốc doanh nghiệp còn phải đảm nhận trách nhiệm là tránh những rủi ro tài chính xảy ra. Nhiều doanh nghiệp thất bại, đi đến phá sản không phải chiến lược sai lầm mà chính là do không kiểm soát được tài chính dẫn đến chi tiêu quá mức, sử dụng đồng tiền không đúng mục đích và cuối cùng doanh nghiệp yếu đi, kiệt quệ và phá sản. Ngoài ra, giám đốc còn có trách nhiệm là đề phòng tất cả các rủi ro khác có thể xảy ra. Ý thức đề phòng tai họa là nguyên tắc quan trọng của giám đốc doanh nghiệp. Người ta thường nói: Sống là do biết đề phòng tai họa, chết là do an nhàn vô sự. Giám đốc phải là người phải lo trước cái lo của thiên hạ. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp ngày càng phải đương đầu với nhiều rủi ro từ bên trong và bên ngoài. Do đó giám đốc doanh nghiệp cần phải có nhiều biện pháp phòng ngửa để bảo hộ doanh nghiệp.
e) Khích lệ tập thểSứ mệnh thứ năm của giám đốc doanh nghiệp là khích lệ tập thể. Bất cứ tổ chức nào muốn thành công đều đòi hỏi sự hợp sức của nhiều người. Nếu tất cả mọi người đều cùng nhau xây dựng tổ chức thì tổ chức sẽ ngày càng lớn mạnh. Sứ mệnh của giám đốc doanh nghiệp là làm sao lôi kéo được mọi người đóng góp vì sự nghiệp chung. Giám đốc doanh nghiệp sẽ thất bại nhiều không khích lệ được tập thể để họ cùng chung lưng, đấu cật vì sự nghiệp phát triển doanh nghiệp.
2. Năng lực của giám đốc doanh nghiệp
Để hoàn thành sứ mệnh mà cổ đông, người lao động và xã hội giao cho mình, giám đốc doanh nghiệp đòi hỏi phải có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết để thực thi nhiệm vụ của mình.
a) Kiến thức của giám đốc doanh nghiệp
Sự hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, giám đốc doanh nghiệp khó có thể lèo lái con thuyền doanh nghiệp nếu họ không được trang bị đầy đủ các kiến thức cần thiết. Giám đốc doanh nghiệp đòi hỏi có những kiến thức như sau:
Thứ nhất, giám đốc doanh nghiệp phải có kiến thức cơ bản có hệ thống và toàn diện về quản trị kinh doanh. Giám đốc doanh nghiệp thường được bổ nhiệm từ các bộ phận chức năng nên có kiến thức chuyên môn sâu về chức năng mình đảm nhận trước đây. Tuy nhiên, với vai trò giám đốc doanh nghiệp, họ cần phải được trang bị kiến thức một cách có hệ thống và toàn diện về quản trị kinh doanh. Phần lớn giám đốc doanh nghiệp ở nước ngoài đều học qua chương trình Thạc sỹ quản trị kinh doanh (MBA). Chương trình này cung cấp cho họ kiến thức toàn diện về quản lý một doanh nghiệp. Nếu giám đốc doanh nghiệp thiếu những kiến thức nền tảng về quản trị kinh doanh tổng quát thì việc quản lý của họ chỉ mang tính tự nhiên và sự thành công hoặc thất bại chỉ mang tính may rủi. Kiến thức quản trị kinh doanh là nền tảng để tất cả kiến thức khác như ngoại ngữ, công nghệ thông tin và thông tin môi trường được sử dụng vào hoạt động doanh nghiệp. Các môn học của chương trình đào tạo thạc sỹ quản trị kinh doanh thường được chia thành 2 nhóm: bắt buộc và tự chọn. Các môn học bắt buộc thường bao gồm quản trị chiến lược, quản trị marketing, quản trị sản xuất, quản trị tài chính, kế toán quản trị, kỹ năng lãnh đạo, thương lượng,…Sau khi hoàn tất các môn bắt buộc thì học viên phải chọn lựa một số môn học chuyên sâu theo chuyên ngành chọn lựa. Ví dụ như chuyên ngành marketing thì học viên có thể lựa chọn học các môn như nghiên cứu thị trường, quảng cáo, quan hệ công chúng,….Phương pháp học tập của chương trình MBA chủ yếu là tự học và thảo luận những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn và cuối khóa học, học viên bắt buộc phải làm một luận văn liên quan đến chuyên ngành đã chọn lựa. Chương trình đào tạo MBA ở nước ngoài thường không yêu cầu người học phải tốt nghiệp đại học ngành kinh tế hoặc quản trị kinh doanh mà họ có thể tốt nghiệp đại học ở bất cứ ngành nào. Việc chọn lựa người học MBA chủ yếu dựa vào năng lực và tư duy quản lý chứ không phụ thuộc vào việc thi cử như ở Việt Nam.
Thứ hai, giám đốc doanh nghiệp phải có trình độ ngoại ngữ, đặc biệt là Tiếng Anh. Trong môi trường toàn cầu hóa, giám đốc doanh nghiệp cần phải được trang bị kiến thức tiếng Anh để có thể tiếp cận nguồn thông tin từ nước ngoài. Hầu hết các website trên thế giới đều viết bằng tiếng Anh, nên giám đốc doanh nghiệp cần phải biết tiếng Anh để có thể tự nghiên cứu học hỏi những thông tin vô cùng hữu ích này.
Thứ ba, giám đốc doanh nghiệp phải có trình độ công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin chiếm vị trí rất quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Hiện nay việc trao đổi thông tin thực hiện qua công nghệ thông tin đã dần dần thay đổi cách thông tin truyền thống vì vừa rẻ và vừa nhanh chóng. Chính vì vậy, điều tối thiểu là giám đốc doanh nghiệp cần phải biết sử dụng Email, mạng nội bộ để điều hành công việc của mình. Ngoài ra máy tính là một công cụ mà không thể tách rời giám đốc doanh nghiệp trong việc thực hiện nhiều công việc hành chính khác. Trước đây giám đốc doanh nghiệp đi đâu cũng cần có cô thư ký đi theo để thực hiện công việc viết lách, nhưng ngày nay giám đốc doanh nghiệp phải là người trực tiếp sử dụng máy tính để thảo văn bản và giám đốc doanh nghiệp chuyên nghiệp và hiện đại thì luôn mang bên mình máy vi tính xách tay.
Thứ tư, giám đốc doanh nghiệp phải có kiến thức môi trường kinh doanh toàn cầu. Hiện nay các quốc gia trên thế giới đều nằm trong vòng xoáy của các tác động mang tính toàn cầu. Doanh nghiệp có thể xuất khẩu hoặc không xuất khẩu nhưng đều chịu tác động của môi trường kinh doanh quốc tế. Do đó, hiểu rõ được môi trường kinh doanh toàn cầu giúp cho doanh nghiệp khai thác được cơ hội và phòng tránh được rủi ro để doanh nghiệp phát triển.
b) Kỹ năngQuản lý một doanh nghiệp ngoài những kiến thức đã được trang bị đầy đủ thì người giám đốc doanh nghiệp còn đòi hỏi một số kỹ năng cần thiết để thực thi sứ mệnh của mình:
Thứ nhất, giám đốc doanh nghiệp phải là người có kỹ năng tư duy sáng tạo. Đó là người dám đổi mới, có khả năng phát hiện ra những quy luật và hình thức tồn tại của sự vật hiện tượng xung quanh. Người giám đốc phải nắm được cá biệt rút ra kết luận chung, đồng thời vừa thấy được cục bộ lại nắm được toàn cục. Với tư duy sáng tạo, người giám đốc doanh nghiệp sẽ có tầm nhìn xa, trông rộng giúp cho doanh nghiệp vượt qua những thử thách của sự thay đổi môi trường kinh doanh. Đây là kỹ năng cần thiết mà người giám đốc cần phải có khi nắm giữ vai trò của mình.
Thứ hai, giám đốc phải có kỹ năng suy lý chặt chẽ. Giám đốc doanh nghiệp phải là người có tư duy lô gíc và biện chứng. Quyết định của giám đốc đóng vai trò thúc đẩy doanh nghiệp phát triển hoặc đưa doanh nghiệp đi đến thất bại. Nguyên tắc thứ 7 khi thực hiện quản lý theo hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000:2001 là "mọi quyết định đều phải dựa trên dữ liệu thực tế". Ngày nay, giám đốc doanh nghiệp không thể ra quyết định một cách cảm tính mà phải dựa trên những số liệu, dữ liệu khách quan và suy luận một cách khoa học có phương pháp. Điều này sẽ làm giảm thiểu những rủi ro mà doanh nghiệp phải gánh chịu do những quyết định sai lầm.
Thứ ba, giám đốc doanh nghiệp phải có kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề thấu đáo. Điều này đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp phải nắm chắc được các khái niệm, lý luận và phương pháp đã học để đối chiếu vào thực tế và đưa ra giải pháp phù hợp. Nhiều người nắm rất vững khoa học, khái niệm nhưng không thể vận dụng chúng vào thực tiễn thì không thể làm giám đốc doanh nghiệp được. Sự thành công hoặc thất bại của giám đốc doanh nghiệp chính là khả năng biến những kiến thức quản trị khoa học, tiên tiến, hiện đại vào thực tiễn quản lý doanh nghiệp. Giám đốc doanh nghiệp có vai trò quan trọng giúp khoảng cách giữa lý thuyết và thực tiễn ngày càng nhỏ lại mà điều này không có trường lớp nào có thể dạy được.
Thứ tư, giám đốc doanh nghiệp cần có kỹ năng tổng hợp. Đây là kỹ năng nhận thức và tổng hợp mọi khía cạnh của một công việc hoặc một vấn đề, nhận biết được mối tương quan giữa các khía cạnh, cũng như ảnh hưởng của nó. Giám đốc doanh nghiệp phải có tư duy hệ thống để nhìn vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau và tổng hợp lại thành những quyết định quan trọng. Giám đốc doanh nghiệp là người có thể nghe và nhận nhiều báo cáo khác nhau từ những bộ phận khác nhau trong doanh nghiệp nhưng cuối cùng phải tổng hợp lại để đưa ra quyết định cuối cùng. Giám đốc doanh nghiệp sẽ thất bại khi không có năng lực tổng hợp vì như vậy các quyết định chỉ có thể tốt ở khía cạnh này và không tốt ở khía cạnh khác, điều này có thể dẫn đến nguy cơ sự xung đột lợi ích rất lớn. Khi trong một doanh nghiệp mà quyết định của giám đốc làm lợi cho cá nhân, bộ phận này, nhưng không có lợi cho cá nhân, bộ phận khác thì doanh nghiệp đó sẽ bị rối loạn. Rối loạn trong tổ chức chính là nguồn gốc dẫn tổ chức đi đến phá sản.
Thứ năm, giám đốc doanh nghiệp phải có kỹ năng trình bày và đàm phán. Nhiều người chuyên môn rất giỏi, kiến thức rộng nhưng khi thực hiện vai trò quản lý thất bại vì họ không có kỹ năng trình bày và đàm phán. Hai kỹ năng này thường đi liền với nhau. Giám đốc doanh nghiệp phải là người có kỹ năng trình bày tốt, điều này có nghĩa là diễn đạt các vấn đề một cách rõ ràng và các giải pháp cụ thể để cho người nghe hiểu được đâu là mấu chốt của vấn đề. Giám đốc trình bày tốt thì mới có khả năng đàm phán tốt được. Trong công việc đàm phán đòi hỏi phải trình bày một cách thuyết phục trước người nghe để cho họ chuyển sang hành động. Ngày nay với công cụ máy tính phát triển mạnh, nhiều người nhầm tưởng trình bày tốt chính là sử dụng thành thạo các công cụ như chương trình Powerpoint. Thật ra đây chỉ là công cụ mà giúp cho một người tăng hiệu quả của trình bày chứ không có tính quyết định.
c) Thái độThái độ của người giám đốc doanh nghiệp cũng quyết định đến thành công hoặc thất bại. Trong môi trường kinh doanh ngày nay, ngoài kiến thức và kỹ năng cần thiết, giám đốc doanh nghiệp cần phải có một số thái độ như sau:
Thứ nhất, giám đốc phải có thái độ tốt về đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Henry Ford đã từng nói: "Một cuộc kinh doanh không mang lại gì cho xã hội mà chỉ mang lại tiền là cuộc kinh doanh tồi tệ". Cuộc chiến trên thương trường ngày nay là cuộc chiến mà cả hai cùng thắng (win-win). Chính vì vậy, giám đốc doanh nghiệp phải dẫn dắt công việc kinh doanh của doanh nghiệp mình đúng theo những nguyên tắc và giá trị, chuẩn mực của xã hội. Thêm vào đó, giám đốc doanh nghiệp phải có trách nhiệm với xã hội để tạo ra xã hội ngày càng tốt đẹp hơn. Những đóng góp mà giám đốc doanh nghiệp mang lại cho xã hội chính là nền tảng giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Yếu tố đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội là yếu tố giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Trong cơ chế thị trường có thể có nhiều doanh nghiệp vì chạy theo lợi nhuận đã bất chấp tất cả. Như các doanh nghiệp chế biến thực phẩm sẵn sàng sử dụng hóa chất để chế biến gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng. Điều này không thể chấp nhận trong môi trường kinh doanh ngày nay. Giám đốc doanh nghiệp phải luôn luôn đặt chuẩn mực đạo đức và trách nhiệm xã hội lên trên khi thực thi nhiệm vụ của mình.
Thứ hai, giám đốc doanh nghiệp phải không ngừng nâng cao trình độ của bản thân. Việc thường xuyên tu luyện kiến thức là điều quan trọng đối với giám đốc doanh nghiệp. Kiến thức này không đơn thuần là học rộng biết nhiều mà là sự vừa có hiểu biết, vừa biết ứng dụng sự hiểu biết, biết tùy cơ ứng biến. Giám đốc doanh nghiệp phải luôn luôn cập nhật những kiến thức quản lý kinh doanh và kiến thức liên quan đến ngành nghề kinh doanh của mình và vận dụng chúng vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp mình. Khoa học và công nghệ luôn luôn thay đổi, nếu giám đốc doanh nghiệp không chịu khó tu dưỡng bản thân thì dễ bị lạc hậu và đào thải. Việc tu dưỡng thường xuyên là yêu cầu quan trọng đối với các giám đốc doanh nghiệp hiện nay.
Thứ ba, giám đốc doanh nghiệp phải có tinh thần đồng đội. Tinh thần đồng đội chính là người giám đốc có thể vừa đóng vai trò lãnh đạo, vừa là thành viên của tổ chức. Điều này đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp phải biết quan sát, lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến của mọi người. Giám đốc doanh nghiệp phải sẵn sàng chấp nhận ý kiến đối nghịch thậm chí những ý kiến có vẻ điên rồ. Giám đốc doanh nghiệp cần phải hiểu được hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau của cán bộ nhân viên dưới quyền trực tiếp để khuyến khích họ hành động cùng một hướng do mình định ra. Với sức mạnh tổng hợp của mọi thành viên trong doanh nghiệp thì sức mạnh của doanh nghiệp sẽ tăng lên nhiều lần.
Tóm lại, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, giám đốc doanh nghiệp phải là một nghề có tính chuyên nghiệp cao. Điều này đòi hỏi giám đốc doanh nghiệp phải hiểu rõ được sứ mệnh của mình và giám đốc doanh nghiệp phải có kiến thức, kỹ năng và thái độ đúng đắn để hoàn thành sứ mệnh của mình.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM