Thứ Bảy, 23 tháng 4, 2011

GIỚI THIỆU TỔNG QUAN TẠP CHÍ CHIẾN LƯỢC KINH DOANH

VÀ NỘI DUNG CHÍNH CỦA SỐ 2/2011, TẬP 32

TS. Bảo Trung


 

  1. Giới thiệu tổng quan tạp chí chiến lược kinh doanh (JBS- Journal of Business Strategy)

Tạp chí Chiến lược kinh doanh xuất bản định kỳ 2 tháng 1 lần với các bài báo có tính thực tiễn cao để giúp cho doanh nghiệp phát triển chiến lược kinh doanh thành công. Các bài báo đề cập đến những vấn đề mới hoặc những quan điểm khác nhau về nhận thức đối với chiến lược kinh doanh. Tạp chí này không những hướng đến các nhà quản lý cấp cao (CEO) mà còn hướng tới các nhà quản lý cấp trung và cao cấp tại các công ty thuộc mọi quy mô và loại hình, cũng như các chuyên gia tư vấn và các học giả, những người muốn phát triển chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp theo những cách mới.

Tạp chí chiến lược kinh doanh là một trong số ít các tạp chí dành riêng cho chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, JBS định nghĩa chiến lược trong ý nghĩa rộng nhất và do đó bao gồm nhiều chủ đề rất đa dạng như chiến lược tiếp thị, đổi mới, phát triển trong nền kinh tế toàn cầu, sáp nhập và mua lại hội nhập và nguồn nhân lực.

  1. Nội dung chính của số 2/2011, tập 32

Số 2/2011, tập 32 của Tạp chí Chiến lược kinh doanh phát hành vào đầu tháng 4/2011 bao gồm 7 bài chính với hai nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, có hai bài nghiên cứu chủ đề về thương hiệu nổi tiếng và hàng giả mạo. Các bài báo này lý giải vì sao người tiêu dùng hàng năm vẫn tiếp tục bỏ ra hàng tỷ USD để mua các sản phẩm giả các thương hiệu nổi tiếng như quần áo của Gucci, giày thể thao của Nike, Addidas,… Theo số liệu thống kê, thị trường hàng giả mạo các thương hiệu nổi tiếng thế giới tăng trường bình quân 12%/năm. Stephen A. Stumpf và cộng sự đã nghiên cứu so sánh về hành vi tiêu dùng giữa người Mỹ và người Brazin đối với hàng giả mạo. Nhóm nghiên cứu này đã đưa ra nhận xét không có sự khác biệt nhiều giữa thị trường hàng giả mạo ở Hoa Kỳ và ở Brazin mặc dù ở Hoa Kỳ luật pháp chống hàng giả mạo chặt chẽ hơn và xử lý nghiêm hơn. Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra 4 lý do người tiêu dùng chọn hàng giả mạo: thứ nhất, thuộc tính của sản phẩm có thể chấp nhận được; thứ hai, dễ dàng mua hàng hóa trên thị trường; thứ ba, thu nhập thấp và trình độ tiêu dùng thấp; thứ tư, quan điểm của xã hội về việc đồng lõa với hàng giả mạo có thể chấp nhận được. Kết quả của các nghiên cứu này cũng chứng minh rằng quan điểm từ trước đến nay của các nhà quản lý thường cho rằng đặt giá hàng hóa cao để khẳng định rằng hàng của mình là hàng thật là một công cụ này không hiệu quả. Thứ nhất, người sản xuất hàng giả mạo cũng sẵn sàng đặt giá cao; thứ hai, người tiêu dùng biết rằng đó là hàng giả mạo nhưng họ vẫn mua vì thu nhập thấp hoặc trình độ tiêu dùng thấp. Người có thu thập thấp họ chấp nhận sử dụng hàng giả vì cho rằng những thuộc tính của sản phẩm có thể chấp nhận được. Ngoài ra số đông người tiêu dùng có trình độ tiêu dùng trung bình nên họ không thể phân biệt được sự khác nhau giữa hàng thật và hàng giả mạo vì phần lớn các mặt hàng giả mạo trên thị trường đều là hàng rất dễ dàng bắt chước. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra sự khác biệt giá quá lớn so với giá trị mà khách hàng cảm nhận được chính là nguyên nhân thúc đẩy người tiêu dùng đồng lõa với hàng giả mạo thương hiệu nổi tiếng. Do vậy, các nhà sản xuất cần thiết phải giảm khoảng cách này bằng cách tăng thêm giá trị cảm nhận của khách hàng về hàng hóa của mình hoặc giảm giá mạnh để người tiêu dùng có thể chấp nhận được.

Thứ hai, có 5 bài báo nghiên cứu mối liện hệ giữa văn hóa doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các bài báo đã khẳng định văn hóa doanh nghiệp được xem là nguồn lực tạo ra lợi thế cạnh tranh. Tuy nhiên trong nhiều năm, văn hóa doanh nghiệp bao gồm giao tiếp không được đo lường và chứng minh mối liên hệ nhân quả giữa văn hóa doanh nghiệp và hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Các nhà nghiên cứu hiện nay đang điều tra các liên kết giữa một số loại chiến lược của công ty với văn hóa và kết quả hoạt động doanh nghiệp. Nói chung, văn hóa mở và linh hoạt thúc đẩy sự đổi mới và dẫn đến kết quả hoạt động hiệu quả hơn. Nhiều nhà quản trị doanh nghiệp muốn thay đổi nền văn hóa hiện có của doanh nghiệp họ và phát huy nền văn hóa có khả năng mang lại kết quả mong muốn. Tuy nhiên, họ thấy rằng cải tạo văn hóa trong môi trường doanh nghiệp gần như là khó khăn giống như cải tạo văn hóa trong xã hội. Văn hóa dựa trên các giá trị và hành vi, thường sâu ăn sâu và dệt thành nhiều khía cạnh của cuộc sống và làm việc. Do đó, thay đổi văn hóa doanh nghiệp có thể mất nhiều tháng, nhiều năm nhưng nhiều khi chỉ dẫn đến kết quả đáng thất vọng. Các bài báo tập trung xây dựng mô hình để giúp cho các nhà quản trị có thể chuyển đổi văn hóa của doanh nghiệp. Một trong các mô hình đó có một mô hình được đánh giá cao là mô hình của "Change Track Research" (CTRE), một công ty tư vấn quản lý có trụ sở tại Syney, Úc. Chi tiết mô hình này có thể đọc từ bài báo "Drivers of change: a comtemporary model" (Động lực sự thay đổi: mô hình đương đại) Christina Kirsch, John Chelliah và Warren Parry.

Tóm lại, Tạp chí Chiến lược kinh doanh, tập 32, số 2/2011 rất hữu ích cho các quản trị doanh nghiệp, cũng như các nhà nghiên cứu. Các bài báo số này gồm hai chủ đề: một liên quan đến lĩnh vực marketing; một liên quan lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực. Do vậy, đây là tài liệu tham khảo tốt cho các nhà quản trị marketing và quản trị nguồn nhân lực.

Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Hợp tác thương hiệu - Cobranding

Trong “thế giới phẳng”, hoạt động kinh doanh đã có nhiều thay đổi căn bản. Sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày nay đã chuyển từ cạnh tranh kẻ thắng, người thua sang cạnh tranh mà cả hai đều thắng (win-win). Điều này có nghĩa là sự cạnh tranh và hợp tác luôn đồng hành với nhau. Về khía cạnh này, hai doanh nghiệp có thể là đối thủ lẫn nhau, nhưng về khía cạnh khác thì hai doanh nghiệp là đối tác với nhau. Đây chính là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp cùng chia sẻ trái tim và khối óc trong hợp tác phát triển. Trong việc phát triển thương hiệu, các nhà quản trị doanh nghiệp cũng tìm kiếm cơ hội để hợp tác phát triển thương hiệu. Đầu tháng 9/2004, Công ty Pepsico Việt Nam và Công ty cổ phần Kinh Đô đã ký với nhau chương trình hợp tác kinh doanh, gồm các nội dung: tung ra các chương trình khuyến mãi phối hợp; cùng đầu tư cho sự phát triển của hai thương hiệu; Pepsi và Kinh Đô được sử dụng chung hệ thống phân phối của nhau, sự liên kết này cho phép cả hai bên tận dụng được cả hai kênh bán hàng để mở rộng thị phần. Điều này cũng đồng nghĩa với việc: thương hiệu của cả hai sẽ gắn chặt với nhau, và sự phát triển của thương hiệu này sẽ kéo theo sự phát triển của thương hiệu kia, hoặc ngược lại. Đây chính là hình thức hợp tác thương hiệu đang được nhiều doanh nghiệp trên thế giới sử dụng. Hợp tác thương hiệu là một công cụ hiện đại trong hoạt động marketing của doanh nghiệp.
Cobranding là thuật ngữ tiếng Anh, tạm hiểu theo tiếng Việt là hợp tác thương hiệu. Hợp tác thương hiệu là hai hoặc nhiều thương hiệu cùng nhau xây dựng thương hiệu. Các bên sở hữu thương hiệu có thể cùng nhau xây dựng chung một thương hiệu; cùng nhau xây dựng hệ thống phân phối; cùng nhau khuyến mãi, cùng nhau quảng cáo; hoặc cùng nhau hoạt động truyền thông.
Căn cứ vào chủ thể sở hữu thương hiệu, người ta chia thành ba hình thức hợp tác thương hiệu:
- Hợp tác thương hiệu của cùng chủ sở hữu: đây là hình thức hai hoặc nhiều thương hiệu khác nhau của một chủ sở hữu và chủ sở hữu thương hiệu xây dựng chiến lược chung quảng bá cùng lúc các thương hiệu khác nhau. Ví dụ, Công ty Unilever thực hiện quảng cáo có hai thương hiệu kem đánh răng là P/S và Close up cùng với nhau.
- Hợp tác thương hiệu giữa các chủ sở hữu khác nhau: đây là hình thức liên doanh hợp tác xây dựng thương hiệu. Hai hoặc ba công ty thành lập liên minh chiến lược để thực hiện chào bán sản phẩm đến cùng khách hàng mục tiêu. Ví dụ hãng British Airways và Ngân hàng Citibank cùng phối hợp bán thẻ tín dụng, người nào có thẻ tín dụng của Citibank thì tự động trở thành thành viên câu lạc nhà quản trị British Airways (British Airways’ Executive Club).
- Hợp tác thương hiệu của hai chủ sở hữu khác nhau hình thành một thương hiệu thuộc sở hữu chung: đây là hình thức hai hoặc nhiều thương hiệu khác nhau của các chủ sở hữu khác nhau cùng hợp tác tạo ra sản phẩm chung và ghép các thương hiệu khác nhau lại hình thành nên thương hiệu thuộc sở hữu chung của hai bên. Ví dụ như thương hiệu Sony và thương hiệu Ericsson cùng hợp tác sản xuất sản phẩm điện thoại di động và xây dựng thương hiệu chung là SonyEricsson.
Căn cứ vào nội dung của hợp tác, người ta chia thành ba hình thức hợp tác thương hiệu:
- Hợp tác thương hiệu trong việc quảng bá thương hiệu: hai hoặc nhiều thương hiệu khác nhau cùng nhau hợp tác trong hoạt động marketing như quảng cáo, đưa sản phẩm ra thị trường và xây dựng hệ thống phân phối. Thương hiệu này sẽ hỗ trợ thương hiệu kia để cùng nhau phát triển. Ví dụ, trường hợp hợp tác PepsiCola và Kinh Đô trong xây dựng thương hiệu.
- Hợp tác thương hiệu với sự hỗ trợ đa năng (Multiple sponsor cobranding): hai hoặc nhiều doanh nghiệp liên minh chiến lược trong công nghệ, phân phối, xúc tiến bán hàng. Ví dụ, Taligent là liên minh công nghệ giữa Apple, IBM và Motorola.
- Hợp tác thương hiệu thành phần (Ingredient Cobranding): nhà chế tạo sản xuất ra một bộ phận cấu thành của một sản phẩm cuối cùng và quảng bá thương hiệu của họ dưới sản phẩm của người khác. Ví dụ, Intel sản xuất ra CPU gắn vào máy tính của các hãng sản xuất máy tính khác.
Hợp tác thương hiệu sẽ mang lại lợi ích, cũng như rủi ro cho các doanh nghiệp. Hợp tác thương hiệu sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí xây dựng thương hiệu, đặc biệt khi tham gia vào thị trường mới, thị trường nước ngoài. Khi đưa sản phẩm vào thị trường nước ngoài thì hợp tác thương hiệu với các thương hiệu địa phương thì việc đầu tư quảng bá thương hiệu sẽ ít tốn kém hơn. Hợp tác thương hiệu với các thương hiệu nổi tiếng sẽ giúp cho khách hàng dễ nhận biết thương hiệu của mình hơn. Tuy nhiên, hợp tác thương hiệu cũng có rủi ro khi đối tác trong hợp tác thương hiệu gặp sự cố phá sản hoặc mất niềm tin từ khách hàng sẽ làm cho thương hiệu của minh cũng bị ảnh hưởng. Chính vì vậy, để hợp tác thương hiệu thành công thì đòi hỏi phải lựa chọn được đối tác thích hợp. Ngoài ra việc hợp tác thương hiệu với các thương hiệu nổi tiếng là điều không dễ dàng vì các thương hiệu nổi tiếng luôn bảo vệ uy tín của mình nên họ thường không thích hợp tác với thương hiệu khác.

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2011

Vận dụng lý thuyết giao dịch

LÝ THUYẾT CHI PHÍ GIAO DỊCH: ÁP DỤNG VÀO NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG VÀ SỰ LIÊN KẾT DỌC GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN
TS. Bảo Trung

Lý thuyết chi phí giao dịch (Transaction Cost Economics) của doanh nghiệp được Ronald Harry Coase đưa ra lần đầu tiên trong bài báo với nhan đề “Bản chất của Hãng (Nature of Firms)” vào năm 1937 và được O.E. Williamson cùng những người khác tiếp tục phát triển cho đến nay. Mục đích chính của lý thuyết là giải thích mức độ hội nhập hàng dọc tối ưu; nghĩa là giải thích lý do tại sao một số hoạt động được đưa vào trong nội bộ doanh nghiệp và tại sao một số hoạt động được để lại bên ngoài thị trường. Yếu tố phân biệt là mức chi phí giao dịch.

Khi chi phí giao dịch thấp, các bên có thể soạn thảo văn bản hợp đồng về những tình huống phát sinh để bảo vệ kết cấu chặt chẽ của các giao dịch của họ. Vì thế, các giao dịch có thể được giao cho thị trường, và thị trường sẽ cung ứng cho các bên những động cơ mạnh mẽ, không bằng nhau, khuyến khích hành vi tối đa hoá sự hợp tác. Ngoài ra, các bên có thể dựa vào thông tin thị trường để ước lượng giá trị tài sản và chi phí cơ hội. Trước tình trạng thông tin cân xứng đối với các bên, tiềm tăng xảy ra chủ nghĩa cơ hội sẽ giảm xuống và tính đáng tin cậy của sự cưỡng chế thi hành của bên thứ ba (tòa án) sẽ tăng lên (nếu điều đó tỏ ra là cần thiết).

Khi chi phí giao dịch cao, các mối quan hệ được đưa vào bên trong doanh nghiệp, ở đó các mối quan hệ này được quản lý bằng cơ cấu quản trị theo tôn ti thứ bậc trong nội bộ doanh nghiệp. Nhìn từ góc độ lý thuyết chi phí giao dịch, quyết định đưa các mối quan hệ vào bên trong doanh nghiệp chỉ là quyết định chọn lựa cơ cấu quản trị trong nội bộ công ty hơn là cơ cấu quản lý của thị trường. Giao dịch có chi phí cao là những giao dịch liên quan đến những tài sản có tính chuyên biệt cao (Asset Specificity); giao dịch thường xuyên trong một thời gian kéo dài; sự phát triển công việc theo thời gian; và sản lượng kết hợp giữa nhiều bên tham gia. Tính chất chuyên biệt của tài sản là đặc điểm trọng tâm vì nó thường xác định cường độ của những yếu tố khác. Trong một chừng mực đáng kể, khả năng phát đạt của doanh nghiệp trong các thị trường cạnh tranh phụ thuộc vào năng suất của những tài sản chuyên biệt của doanh nghiệp. Vì những công ty khác có thể tái sản xuất những tài sản tổng quát (General Asset), họ không thể tạo ra một lợi thế cạnh tranh bền vững. Hệ quả là tài sản càng có tính chuyên biệt đối với một giao dịch cụ thể, khả năng giao dịch đó được mang vào bên trong doanh nghiệp càng lớn.

Trọng tâm của phương pháp chi phí giao dịch là việc sử dụng hệ thống tôn ti thứ bậc trong công ty như một cơ cấu tổ chức để chỉ đạo hoạt động chung của những thành phần khác nhau được mang vào bên trong doanh nghiệp, trong đó có người lao động. Hệ thống tôn ti thứ bậc chỉ đạo hoạt động của doanh nghiệp bằng những qui tắc và tiêu chuẩn tự cưỡng chế. Chính công cụ này sẽ thay thế cho thị trường để làm cơ chế tổ chức giao dịch.

Lý thuyết chi phí giao dịch đặc biệt liên quan đến phân tích thị trường nông sản ở các nước đang phát triển và sự thay đổi khu vực nông nghiệp nói chung. Khi khu vực nông nghiệp hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu thì nhiều quy định bị bãi bỏ, do đó chí phí giao dịch trở thành một công cụ quyết định. Điều này có nghĩa là lý thuyết chi phí giao dịch được xem là hữu ích trong phân tích chính sách nông nghiệp. Trong bối cảnh đòi hỏi sự phối hợp lớn hơn, vai trò của chi phí giao dịch, niềm tin và mối quan hệ, hợp đồng chính thức và phi chính thức, liên kết dọc, sự bất đối xứng về thông tin và liên minh chiến lược trở nên quan trọng. Vấn đề đặt ra làm thế nào nông dân sản xuất nhỏ tiếp cận tham gia vào thị trường xuất khẩu. Ơ đây chúng ta cần hiểu vai trò của hợp đồng và nó được bắt đầu như thế nào. Khung lý thuyết chi phí giao dịch có thể đóng góp trong việc giải thích sự lựa chọn hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp.

Sản xuất theo hợp đồng (Contract farming) và liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông dân (Vertical Coordination) được xem như là cầu nối giữa nông dân sản xuất nhỏ với thị trường ở nước ta hiện nay. Hợp đồng sản xuất được ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân với một mức giá xác định. Hai bên thỏa thuận một mức giá cố định trước khi tiến hành sản xuất. Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về công nghệ, dịch vụ khuyến nông và một số yếu tố đầu vào cho sản xuất. Liên kết dọc là sự liên kết toàn bộ quá trình từ cung cấp nguyên liệu đến sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường. Doanh nghiệp lựa chọn chiến lược liên kết dọc sẽ tìm cách tự sản xuất lấy các nguồn lực đầu vào hoặc lo liệu các đầu ra của mình. Tùy theo chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp sẽ quyết định mức độ liên kết với nông dân. Sản xuất theo hợp đồng và liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ giảm được rủi ro về thị trường và sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất, chế biến tiêu thụ; nông dân có thể tiêu thụ được sản phẩm. Tuy nhiên, chương trình sản xuất theo hợp đồng thường bị thất bại do nhiều lý do như hợp đồng không được thực hiện, quyền lực thương lượng không công bằng giữa nông dân và doanh nghiệp và hành vi độc quyền của doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nông dân sản xuất nhỏ thì chi phí cho việc ký kết hợp đồng này tương đối cao. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân còn yếu trong việc đáp ứng những yêu cầu về chất lượng hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ dẫn đến xu thế là các doanh nghiệp không muốn ký hợp đồng với nông dân sản xuất nhỏ, lúc này người nông dân sản xuất nhỏ bị loại khỏi chương trình sản xuất theo hợp đồng. Trong khi đó, đây là lực lượng chủ yếu trong nền sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay.

Việc nghiên cứu lý thuyết chi phí giao dịch và thực tiễn sản xuất theo hợp đồng và liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ cung cấp một nền tảng cơ bản để đánh giá việc sản xuất theo hợp đồng và sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân ở nước ta hiện nay. Sản xuất theo hợp đồng và sự liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp không phải là công cụ giải quyết được việc tiêu thụ tất cả các sản phẩm nông nghiệp. Tuỳ theo đặc điểm của từng loại sản phẩm khác nhau và tùy theo từng vùng khác nhau sẽ tác động đến sự thất bại hay thành công của chương trình sản xuất theo hợp đồng. Việc vận dụng lý thuyết chi phí giao dịch rất hữu ích cho phân tích mối quan hệ giữa nông dân và doanh nghiệp, khi những quyết định về mức độ hội nhập dọc và tiêu chuẩn hợp đồng có liên quan có thể ảnh hưởng đến trạng thái và hiệu quả tài chính của cả hai bên. Trong phạm vi sản xuất theo hợp đồng, lý thuyết chi phí giao dịch có thể sử dụng phân tích và giải quyết các vấn đề khó khăn có thể thúc ép hoặc dẫn đến phá vỡ mối quan hệ hợp đồng. Việc nghiên cứu vận dụng lý thuyết chi phí giao dịch giúp cho chúng ta xác định được những ngành hàng nào chi phí giao dịch thấp và ngành hàng nào có chi phí giao dịch cao. Từ đó, chúng ta có thể đề xuất những chính sách khuyến khích sản xuất theo hợp đồng và sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phù hợp.

Tóm lại, việc vận dụng lý thuyết chi phí giao dịch vào nghiên cứu thực tiễn sản xuất theo hợp đồng và sự liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ giúp cho các nhà hoạch định chính sách đề xuất những chính sách khuyến khích sản xuất theo hợp đồng và chính sách khuyến khích liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phù hợp với từng ngành hàng và từng vùng khác nhau vì chi phí giao dịch của từng ngành hàng và từng vùng sẽ khác nhau. Điều này có nghĩa là khó có chính sách khuyến khích chung cho việc sản xuất theo hợp đồng và liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân.


Co-branding can produce marriage made in heaven

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM