Thứ Năm, 30 tháng 8, 2007

Xu hướng kinh tế thế giới


NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG KINH TẾ THẾ GIỚI VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ BỀN VỮNG CHO VIỆT NAM


  1. LỜI MỞ ĐẦU
Trong thời đại ngày nay có lẽ không có một quốc gia nào trên thế giới có thể phát triển độc lập, không có mối liên hệ nào với các quốc gia khác. Sự phát triển kinh tế của một quốc gia không những phụ thuộc nào chính sách kinh tế và phương thức điều hành kinh tế của chính phủ đó mà còn phụ thuộc rất lớn đến sự phát triển kinh tế của quốc gia khác. Đặc biệt là các nước đầu tàu nhập khẩu hàng hóa khắp nơi trên thế giới như Mỹ, Nhật và Châu Au. Ví dụ như mức tăng trưởng GDP của Singapore năm 2000 là 9,9 % nhưng đến tháng 4/2001 giảm còn 3,5 %; tháng 7 giảm 0,5%; và theo dự đoán của Golman Sachs thì nền kinh tế Singapore năm 2001 có thể suy thoái 0,3% (GDP = -0,3%). Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là do cơn sốt "dot.com" của thị trường Mỹ lụn tắt dẫn đến kim ngạch xuất khẩu điện tử của Singapore giảm mạnh.

Mục tiêu của hầu hết của các chính phủ là làm sao duy trì được nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững. Đối với những quốc gia đang phát triển hay những quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi như Việt Nam, Trung Quốc hay Đông Au, vấn đề tăng trưởng và ổn định là vấn đề sống còn của các quốc gia này. Việc tìm ra con đường để phát triển nhanh và bền vững là công việc đầy khó khăn và trắc trở đối với các nhà lãnh đạo mà những giải pháp này thường không thể thử nghiệm được. Chính vì vậy nếu không xem xét tỉ mỉ và thận trọng toàn bộ các vấn đề thì các chính sách và giải pháp đưa ra sẽ không giúp cho đất nước phát triển nhanh và bền vững mà có thể đưa quốc gia đi đến cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng.
Qua theo dõi nền kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam trong những năm cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, chúng tôi nhận định về một số xu hướng kinh tế thế giới và khu vực trong những năm sắp tới và đưa ra một số giải pháp phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam. Tuy nhiên những giải pháp này chỉ là suy nghĩ của cá nhân chắc chắn chưa thể đầy đủ và chính xác.
2. NHẬN ĐỊNH XU HƯỚNG KINH TẾ THẾ GIỚI
Theo đánh giá một số chuyên gia kinh tế thế giới thế kỷ 21, cục diện kinh tế thế giới sẽ thay đổi nhanh chóng và sâu sắc, khác với những gì đã diễn ra trong thế kỷ 20. Việc nhận định những xu hướng kinh tế thế giới nhằm nhận thức được viễn cảnh thách thức và cơ hội mới cho Việt Nam để có những giải pháp hữu hiệu đón đầu những thời cơ, tránh nguy cơ đưa đất nước thoát ra khỏi cảnh nghèo khó, hòa mình vào sự thịnh vượng chung của nền kinh tế toàn cầu. Sau đây, chúng tôi xin nêu nhận định một số xu hướng kinh tế như sau :
Xu hướng thứ nhất, nền kinh tế thế giới sẽ hoàn thiện việc hội nhập vào đầu thế kỷ 21.
Nhiều chuyên gia trên thế giới cho rằng xu hướng toàn cầu hoá là điều tất yếu trong thế kỷ 21. Chúng ta đang sống vào thời đại mà cục diện thế giới đã thay đổi nhanh chóng và sâu sắc theo xu hướng đa cực. Nền kinh tế thế giới hiện nay mang tính phụ thuộc, liên đới lẫn nhau rất mạnh mẽ. Ngày nay và tương lai một quốc gia không thể vận động một cách độc lập, không còn có những ốc đảo kinh tế biệt lập mà nền kinh tế mỗi quốc gia sẽ hoà nhập vào thể chế kinh tế toàn cầu, chịu ảnh hưởng và những tác động chung của nền kinh tế toàn cầu. Như chúng ta đã biết đồng Euro chính thức đi vào thị trường kể từ ngày 1-1-1999 bao trùm lên cả một khu vực kinh tế giàu có của thế giới hiện nay. Trong tương lai không xa nếu đồng tiền chung châu Au thành công sẽ cho phép chúng ta có thể nghĩ đến những đồng tiền chung như đồng tiền chung Đông Á, châu Á, châu phi, hay Mỹ La-tin, cũng có thể là đồng tiền chung toàn cầu. Dĩ nhiên tốc độ thiết lập sẽ nhanh chóng hơn và hoàn thiện hơn. Xu hướng toàn cầu hóa còn thể hiện qua sự liên kết thương mại khu vực, vùng đang hình thành khắp nơi trên thế giới như khu vực mậu dịch tự do các nước Asean (AFTA), hay khu vực Bắc Mỹ (NAFTA), diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) hay vào năm 1999, 48 nhà lãnh đạo EU và châu Mỹ La-tin đã ký hiệp ước liên kết xuyên đại Tây Dương (EU-Mercosur). Sự liên kết khu vực dần dần sẽ tiến tới loại bỏ sự hạn chế trong sự dịch chuyển hàng hoá, dịch vụ, tri thức, công nghệ....từng khu vực và lan tỏa ra phạm vi khắp toàn cầu. Toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu nhưng vẫn còn lắm chông gai trên con đường hoàn thiện. Liệu các vấn đề liên quan đến sắc tộc, tôn giáo hay chính trị có ngăn cản đà toàn cầu hóa không thì chưa thể xác định chắc chắn được nhưng sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và công nghệ có thể đè bẹp mọi thế lực gây cản trở xu hướng toàn cầu hóa và như vậy chúng ta có thể sống trong một môi trường kinh tế đồng nhất trên hành tinh.
Xu hướng thứ hai, sự bùng nổ kỹ thuật tin học, công nghệ thông tin, đặc biệt thương mại điện tử và Internet sẽ phá vỡ những lối kinh doanh truyền thống, giúp người tiêu dùng có thể tiếp cận dễ dàng với những sản phẩm mới, những tri thức và công nghệ mới một cách nhanh chóng với chi phí thấp nhất cho dù các công ty "dot.com" đang lâm vào tình trạng khó khăn hiện nay, nhưng xu hướng này là tất yếu.
Sự sáng tạo vĩ đại của một số nhà kỹ trị trên thế giới chính là tìm ra những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu tiềm năng trên thị trường. Trong thập niên 50-60, có lẽ không có ai nghĩ rằng máy tính sẽ được trang bị đến từng công ty, xí nghiệp, hộ gia đình như ngày nay. Ngay cả người sáng lập ra công ty IBM, Thomas J. Watson, Sr. cũng đã từng tiên đoán rằng nhu cầu máy tính xử lý số liệu sẽ không quá 50 chiếc và sau đó máy tính cá nhân cũng bị nhiều người đả phá, nhưng thực tế như thế nào thì ai cũng biết. Trường hợp khác là hãng Sony của Nhật đã phát minh ra máy Walkman và rất thành công trên khắp thế giới mặc dù trước đó chưa ai thấy được sản phẩm như vậy trên thị trường. Ở đây chúng tôi trình bày ví dụ này để nói lên một điều rằng người tiêu dùng có nhu cầu rất lớn những sản phẩm tiềm ẩn kỹ thuật mà chưa được phát hiện. Những sản phẩm này không thể thực hiện cuộc nghiên cứu thị trường khi mà người tiêu dùng chưa hề biết nó. Tuy nhiên sự sáng tạo của các nhà kỹ thuật không phải lúc nào cũng thành công mà họ phải sản xuất thử nghiệm nhiều cái thậm chí hàng trăm và hàng ngàn cái mới có một cái thành công. Ngày nay, nhờ công cụ máy tính chúng ta có thể nghiên cứu, thiết kế, mô phỏng và giới thiệu trước công chúng trên phương tiện máy vi tính nếu được chấp nhận thì có thể đưa vào sản xuất thử và như thế có thể giảm thiểu rất nhiều rủi ro và chi phí. Như vậy kỹ thuật tin học đã giúp tìm kiếm những sản phẩm mới nhanh chóng hơn, rẻ hơn và người tiêu dùng có thể biết được những sản phẩm nào sắp sửa được tung ra trên thị trường. Đối với vấn đề thông tin, ngày nay sự trở ngại ngôn ngữ không còn là vấn đề không thể khắc phục được. Nếu chịu khó thì bất cứ ai cũng có thể thuần thục một hay vài ngoại ngữ phổ biến trên thế giới, đặc biệt là tiếng Anh. Chưa kể đến tình trạng con người đa chủng tộc, đa văn hóa đang phát triển mạnh mẽ trong xu thế hội nhập toàn cầu. Một người sinh ra tại Hà Lan, sang Pháp học tiểu học, đi Mỹ học đại học, ra trường làm việc cho một công ty Mỹ có trụ sở tại Nam Phi, lấy chồng (lấy vợ) người Trung Quốc. Chính thời đại thông tin đã đưa mọi người tiến lại gần nhau. Cách thức tiếp cận thông tin từng địa điểm cụ thể đã bị phá vỡ bằng những ngân hàng dữ liệu, con người mua bán với nhau không cần gặp mặt nhau. Ở Việt Nam có thể nghiên cứu xem xét một sản phẩm nào đó trên thế giới qua mạng Internet. Công nghệ thông tin ngày nay đã giúp người ta giao thương toàn cầu mà không gặp trở ngại nào về không gian, thời gian. Xu hướng kinh tế trên mạng Internet sẽ trở thành hiện thực đối với bất cứ ai ở trên hành tinh này.
Xu hướng thứ ba, làn sóng sáp nhập và mua lại công ty tạo nên thế lực cạnh tranh mới trên thương trường quốc tế.
Kể từ năm 1996 đến nay chúng ta đã chứng kiến nhiều vụ sáp nhập và mua lại với trị giá hàng tỉ USD tạo nên những công ty khổng lồ trên khắp thế giới. Mua bán, sáp nhập đang trở thành một xu hướng tất yếu với qui mô ngày càng gia tăng, phạm vi ngày càng lớn. Năm 1996, trên toàn thế giới có 22.729 vụ sáp nhập với mức giao dịch là 1.140 tỉ USD tăng 32 % so năm 1995. Năm 1997, vụ sáp nhập lớn nhất trong lịch sử của 6 hãng hàng không quốc gia trên thế giới thành một công ty hàng không tên gọi là Star Alliance với tổng số máy bay 1.455 chiếc, vận chuyển 185,7 triệu hành khách mỗi năm. Năm 1998, làn sóng sáp nhập và mua lại ồ ạt giữa các tập đoàn công nghiệp, tài chính, ngân hàng hàng đầu trên thế giới như vụ sáp nhập giữa BP của Anh và Amoco của Mỹ với giá trị giao dịch 48,2 tỉ, tổng tài sản 110 tỉ USD; vụ sáp nhập giữa Chrysler của Mỹ với Daimler-Benz của Đức với giá trị giao dịch là 35 tỉ USD.... Cuộc cách mạng công nghệ thông tin hiện nay phá vỡ rào cản địa lý hành chính giữa các quốc gia với nhau, mọi người có thể tiếp cận được mọi thông tin về sản xuất kinh doanh trên qui mô toàn cầu. Thêm vào đó quá trình liên kết giữa các quốc gia giữa các vùng đã xóa bỏ những hàng rào ngăn cản sự xâm nhập hàng hoá, tư bản - vốn, tri thức, công nghệ... giữa các quốc gia với nhau tạo nên một thị trường với qui mô không còn là một quốc gia mà bao trùm nhiều quốc gia. Chính quá trình hội nhập vào xu thế toàn cầu đã góp phần thúc đẩy nhanh các công ty xích lại gần nhau. Làn sóng sáp nhập mua lại không còn phạm vi từng quốc gia mà trên phạm vi nhiều quốc gia, không còn từng ngành riêng lẻ mà có xu hướng đa ngành. Sự sáp nhập đã giúp các tập đoàn kinh tế giảm bớt chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ cung cấp sản phẩm cho khách hàng. Hiện tượng sáp nhập và mua lại không còn là đơn thuần là sự thôn tính lẫn nhau mà còn mang dáng dấp của một xu hướng liên kết hợp tác với nhau để sử dụng hiệu quả các nguồn lực của xã hội trên qui mô toàn cầu. Trong xu hướng toàn cầu hóa hiện nay, làn sóng sáp nhập và mua lại ngày càng phát triển mạnh mẽ đã làm thay đổi tương quan cạnh tranh buộc các công ty khác muốn đương đầu được với các công ty này cũng phải tìm cách liên kết với công ty để nâng cao sức mạnh cạnh tranh của mình. Tình hình này khiến cho việc cạnh tranh quốc tế ngày càng khốc liệt hơn.
Xu hướng thứ tư, sự lớn mạnh của nền kinh tế Trung Quốc và sự ủng hộ mạnh mẽ của mạng lưới kinh tế và tri thức của người Hoa ở hải ngoại sẽ đưa Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế mạnh trên thế giới, tạo thế cân bằng mới trong tương quan kinh tế Đông Tây.
Sự kiện tốc độ phát triển kinh tế cao của Trung Quốc sau công cuộc cải cách kinh tế được khởi xướng từ cuối thập niên 70 được xem là biến cố quan trọng nhất trên thế giới hiện nay. Trong sáu tháng đầu năm 2001, tổng thương vụ giữa Nhật và Trung Quốc đã lên đến 43,7 tỉ USD, tăng 13 % so năm 2000. Trong đó cán cân đã lệch hẳn về phía Trung Quốc với con số thâm thủng về phía Nhật lên đến 12,6 tỉ USD.
Với bản sắc dân tộc và ảnh hưởng của tư tưởng Khổng tử những người Hoa xa xứ cũng không quên cội nguồn của mình. Chính vì vậy, với cộng đồng hơn 50 triệu người Hoa sống rải rác khắp nơi trên thế giới cũng được lôi kéo về Trung Quốc. Sự thành công đáng ngạc nhiên của người Hoa ở khắp nơi trên thế giới sẽ là nguồn lực đáng kể đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế Trung Quốc. Người Hoa ở hải ngoại đã kiếm soát được hầu hết các ngành công nghiệp và dịch vụ như ở Malaysia cộng đồng người Hoa chiếm 30 % dân số, kiểm soát hơn phân nửa nền kinh tế nước này; Indonesia : 4 % dân số, kiểm soát 70 % nền kinh tế; Thái Lan : 3 % dân số, kiểm soát 60 % nền kinh tế, Philippines : 3 % dân số, kiểm soát 70 % nền kinh tế. Lực lượng người Hoa ở hải ngoại trở thành tỉ phú ngày càng nhiều, chưa kể đến Đài Loan còn đang tách rời khỏi Trung Quốc và một nước giàu có Singapore cũng có lực lượng người Hoa đông đảo. Tất cả nguồn lực lớn lao này hội tụ lại sẽ tạo ra một thế và lực mới trong sự tương quan cạnh tranh quốc tế. Từ cuối thế kỷ 19 đến nay sự thống trị của nền kinh tế phương Tây là nhờ nắm được hầu hết các công nghệ kỹ thuật tiên tiến. Nhưng ngày nay và trong tương lai có thể sẽ không còn như vậy nữa vì hiện nay phần lớn con cháu người Hoa đã và đang chiếm giữ những vị trí quan trọng trong lĩnh vực công nghệ kỹ thuật cao ở những nước phương Tây, đây cũng chính là mối đe dọa của các nước này. Bên cạnh đó hàng năm Trung Quốc còn bỏ ra một khối lượng tiền khổng lồ để đưa lực lượng tài năng của đất nước ra nước ngoài học tập và bỏ tiền ra mua tri thức công nghệ khắp nơi trên thế giới với sự góp sức chuyển giao công nghệ của người Hoa hải ngoại. Với sự liên kết mạnh mẽ mang tính chất toàn cầu của người Hoa hải ngoại và Trung Quốc có khả năng chuyển dịch cán cân tri thức - công nghệ về Trung Quốc và một "siêu cường kinh tế" mới hình thành là một thách thức to lớn đối với các nước trong cạnh tranh quốc tế cũng như cạnh tranh trong vùng.
3. MỘT SỐ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHO VIỆT NAM
Trong một bối cảnh kinh tế thế giới đang có những chuyển biến sâu sắc trên mọi lĩnh vực. Sức mạnh toàn cầu hoá kinh tế sẽ tạo những dòng chảy về vốn, công nghệ, quản lý ... một cách mạnh mẽ. Nếu chúng ta tiếp thu và vận dụng tốt thì nền kinh tế sẽ phát triển tốt nếu chúng ta không biết tiếp thu và vận dụng tốt thì dòng chảy này giống như cơn lũ sẽ cuốn chúng ta đi. Tình hình kinh tế thế giới từ sau cuộc khủng hoảng tài chính một số nước Châu Á năm 1997 đến nay đã giúp chúng ta có một cơ hội xem xét lại nền kinh tế Việt Nam một cách tỉ mỉ và thận trọng. Việt Nam cần phải phát triển nhanh và bền vững thì mới mong đuổi kịp nền kinh tế của các nước trong vùng. Đây chính là thách thức to lớn đối với chúng ta. Vậy chúng ta cần làm gì để tránh những nguy cơ khủng hoảng kinh tế - tài chính trong tương lai và duy trì nền kinh tế vĩ mô cân bằng ổn định và phát triển nhanh.
Giải phát thứ nhất, phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn.
Việt Nam với 75 % dân số sống ở nông thôn, 76,9 % số lao động xã hội; cung cấp sản phẩm thiết yếu (nông sản) cho xã hội; cung cấp lao động cho thành thị và công nghiệp; thị trường tiêu thụ sản phẩm thành thị và công nghiệp; chiếm tỷ trọng lớn trong GDP (24,3 % năm 2000). Chính vì vậy phát triển nông thôn nói chung và phát triển nông nghiệp nói riêng là vấn đề quan trọng giúp Việt Nam phát triển bền vững. Để phát triển nông nghiệp và nộng thôn chúng ta cần thực hiện những công việc sau :
Thứ nhất, đẩy mạnh tiến độ xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hợp tác hóa và dân chủ hóa mà Ban Kinh Tế Trung Ương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra vào tháng 4/2001. Việc xây dựng mô hình phát triển nông thôn mới là một quá trình chuyển đổi căn bản chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam từ hướng cung sang hướng vào nhu cầu thị trường và xã hội. Đồng thời đảm bảo sự tham gia tối đa của người dân vào quá trình phát triển theo phương châm "dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân quản lý thành quả và dân hưởng lợi". Đây là cơ sở để phát huy nội lực, hướng vào xây dựng tính bền vững cho việc phát triển.
Thứ hai, xây dựng một cơ chế phối hợp giữa các viện, trường, chính quyền, doanh nghiệp và nông dân nhằm đảm bảo cho quá trình chuyển giao tri thức công nghệ mới, thông tin thị trường, chính sách phát triển…thông suốt và hiệu quả.
Thứ ba, xây dựng một trung tâm thông tin dự báo quốc gia hữu hiệu và có tác động mạnh đến xu hướng đầu tư phát triển nông nghiệp. Hiện nay, Trung tâm thông tin và xúc tiến thị trường của Bộ Nông Nghiệp – Phát triển Nông nghiệp đã góp phần vào cung cấp thông tin nhưng chưa thực sự tác động đến xu hướng đầu tư trong nông nghiệp. Nên chăng có thể phối hợp giữa 2 Trường cán bộ quản lý nông nghiệp – phát triển nông thôn, Viện Kinh tế nông nghiệp và Trung tâm thông tin và xúc tiến thị trường của Bộ để đẩy mạnh công tác thông tin và xúc tiến thị trường.

Giải pháp thứ hai, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Doanh nghiệp có hoạt động hiệu quả thì nền kinh tế mới vững mạnh được. Nếu trong nền kinh tế toàn những công ty yếu kém sản xuất ra sản phẩm không tiêu thụ được, không đủ sức cạnh tranh thì trước sau gì cũng dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế do phá sản tăng, thất nghiệp tăng, tổng cầu giảm. Để nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp Việt Nam cần phải thực hiện những biện pháp sau :
Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện công cuộc cải cách doanh nghiệp nhà nước thông qua hình thức cổ phần hóa hay giao, bán, khoán cho thuê. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo đổi mới doanh nghiệp Trung ương, từ năm 1991 đến nay qua ba đợt đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp nhà nước số DNNN từ hơn 12.000 năm 1990 giảm còn 5.280 doanh nghiệp vào năm 2000. Tuy lượng thì giảm nhưng chất chưa tăng. Đặc biệt mô hình tổng công ty vẫn còn mang dáng dấp một liên hiệp xí nghiệp và làm ăn kém hiệu quả nhưng chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế (24 % tổng doanh nghiệp cả nước, 66% vốn và 61% về lao động). Chỉ tính riêng tổng công ty 91, trong 6 tháng đầu năm 2001, 12/17 tổng công ty 91 thua lỗ, trong đó TCT Cà phê 44/61 thành viên thua lỗ; TCT Lương thực Miền Nam 8 thua lỗ, 15 hòa vốn; TCT Lương thực Miền Bắc 5 thua lỗ, 7 hòa vốn….Chính vì vậy việc đa dạng hóa sở hữu và xây dựng cơ chế phù hợp gắn liền lợi ích của giám đốc vào hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có thể là con đường tạo nên sức mạnh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Thứ hai, nhanh chóng xây dựng Luật về chống độc quyền, chống thỏa thuận…nhằm tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh. Hiện nay Việt Nam đang cố gắng hình thành những công ty lớn để đủ sức cạnh tranh với các công ty nước ngoài. Mục tiêu rất đúng đắn nhưng cần phải xác định được hiệu quả của các tổng công ty và tránh độc quyền. Hiện nay tình trạng độc quyền của tổng công ty ở Việt Nam là biểu hiện có thực. Ngoài vấn đề độc quyền còn phải giải quyết nhiều vấn đề cạnh tranh không lành mạnh khác như đầu thầu xây dựng, mua máy móc thiết bị... Việc tạo ra môi trường pháp lý để cạnh tranh lành mạnh là điều hết sức cần thiết để Việt Nam có một nền kinh tế thị trường đích thực.
Thứ ba, tiếp tục phát huy vai trò và tác động của "Luật Doanh Nghiệp" nhằm khai thác tối đa nguồn lực của xã hội vào phát triển kinh tế đất nước, đừng vì lý do không quản lý được hay vì lý do nào khác mà đặt ra những rào cản mới làm chậm đi tiến trình phát triển xã hội.

Giải pháp thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư.
Môi trường đầu tư thông thoáng và hiệu quả đầu tư cao sẽ khuyến khích mọi người đẩy mạnh đầu tư giúp cho kinh tế đất nước tăng trưởng. Môi trường đầu tư thông thoáng không chỉ là những quyết định những luật lệ mà chính phủ ban hành mà vấn đề là phải thực thi chính sách đó như thế nào đặc biệt là cấp chính quyền địa phương. Các cơ quan nhà nước phải trở thành cơ quan cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp chứ không phải là cơ quan "hành" doanh nghiệp. Tâm lý của một số công chức nhà nước hiện nay là vấn đề đang quan tâm. Nếu cơ quan thuế cứ nghĩ rằng đã là doanh nghiệp thì phải trốn thuế và tìm cách xiết chặt hoạt động của họ thì chắc chắn chẳng ai dám làm ăn cả. Ngoài việc xây dựng cơ chế chính sách thông thoáng thì phải có một đội ngũ công chức nhà nước làm tròn trách nhiệm của mình thì mới tạo cho môi trường đầu tư tốt được. Ngày 25/7/2001, tại thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra cuộc họp sơ kết 6 tháng thực thi Luật Doanh Nghiệp, một vấn đề nổi cộm được đặt ra, đó là sự bất cập về tư duy quản lý. Luật doanh nghiệp tạo ra một bước ngoặt lịch sử trong thể chế kinh tế thế nhưng việc thi hành Luật đòi hỏi sự chuyển biến đồng bộ của toàn bộ bộ máy quản lý, từ cơ chế, chính sách đến con người công chức, thủ tục hành chính và nhất là kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành nhiệm vụ.
Hiệu quả đầu tư thể hiện tổng hợp bằng hệ số ICOR, nếu năm 1995, 1996 là 3,1 lần thì năm 1998 lên đến 4,7 lần, năm 1999 lến đến 5,5 lần. Năm 2000 giảm xuống còn 4 lần nhưng vẫn cao hơn thời kỳ 1995-1997. Giá thành cao, năng suất lao động thấp, chất lượng kém, mẫu mã chậm thay đổi nên sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam kém là vấn đề tồn tại lớn hiện nay. Chúng ta chưa thực sự đầu tư phát triển hướng vào thị trường nên hiện tượng đầu tư tràn lan vượt quá nhu cầu thị trường, bất chấp hiệu quả như xi măng, đường ….Chính vì vậy cần phải thiết lập một cơ quan tập hợp và liên kết với các chuyên gia nhiều ngành nghề khác nhau và đủ sức thẩm định và loại bỏ những dự án xấu, tránh tình trạng vì mục tiêu phi kinh tế đã đưa những dự án xấu vào xây dựng gây lãng phí lớn cho xã hội. Ngoài ra, cần phải gắn hiệu quả đầu tư với trách nhiệm của từng con người cụ thể từ chủ đầu tư đến cơ quan thẩm định đầu tư, hạn chế tối đa phát sinh tiêu cực.

Giải pháp thứ tư, phát huy nội lực tiếp tục tăng tích lũy và tiết kiệm tiêu dùng.
Thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực tăng tích lũy và giảm tiêu dùng. Nếu năm 1990, tỷ lệ tích lũy trong nước chỉ có 2,9 % thì năm 1995 lến đến 18,2 % và năm 1999 lên đến 24,6%. Đồng thời tỷ lệ tiêu dùng giảm liên tục : năm 1997 là 79,9 %, năm 1998 là 78,5 % và năm 1999 chỉ còn 75,4 %. Năm 2000, tỷ lệ tích lũy có tăng lên và tỷ lệ tiêu dùng có giảm xuống, tuy nhiên tỷ lệ tích lũy trong nước của Việt Nam vẫn chưa vượt qua mức 30 %. Với hệ số ICOR như năm 2000 là 4,0 lần thì nếu tổng tỷ lệ tích lũy nói chung và tỷ lệ tích lũy trong nước nói riêng chưa đạt mức 30% thì mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2001 là 7,5% khó đạt được. Muốn vậy thì đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ nhiều phía như ngân hàng thu hút tiền tiết kiệm, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp ngoài quốc doanh làm ăn hiệu quả dành vốn tích lũy cho đầu tư và cơ chế chính sách của nhà nước tạo cho nguồn vốn trong dân được khơi thông.
Tóm lại, phát triển nhanh và bền vững trong xu hướng kinh tế hiện nay là vấn đề sống còn của bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Trong bài viết này, chúng tôi chỉ mạn phép nhận định 4 xu hướng kinh tế đang diễn ra trên thế giới và đưa ra 4 giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế bền vững cho Việt Nam. Tuy nhiên do trình độ còn hạn chế cho nên có thể việc nhận định xu hướng kinh tế và giải pháp còn bất cập, thiếu chính xác.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM