Thứ Hai, 12 tháng 7, 2010

Vì sao Vicofa khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hạn chế phương thức kinh doanh trừ lùi chốt giá sau?


 


 

Trên báo Sài Gòn Giải Phóng ra ngày 1/3/2010, có đăng nội dung sau:

"…ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) phát biểu, ngành cà phê trong nước phải đối mặt với những biến động quá lớn, diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình này khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê theo phương thức trừ lùi thua lỗ rất nặng. Vì có những doanh nghiệp ký hợp đồng trừ lùi lên đến 90-100, thậm chí 120 USD/tấn lúc đầu vụ. Đầu tháng 11-2009, VICOFA một lần nữa khuyến cáo, các doanh nghiệp hạn chế bán cà phê theo hợp đồng trừ lùi, nhất là bán theo kỳ hạn quá xa. Do không làm chủ thị trường London, nếu bán kỳ hạn quá xa sẽ dễ bị nhà đầu cơ ép giá. Chỉ nên bán giao hàng trong 1-2 tháng kế tiếp. Sau đó, Câu lạc bộ những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cũng đã thống nhất, để tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và người trồng cà phê, cần hợp tác về phương thức thu mua và xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tập trung bán hàng theo phương thức giao ngay, kiên quyết không bán theo phương thức trừ lùi. Đây là bài học đắng cay mà VICOFA dù đã cảnh báo các doanh nghiệp mấy năm nay vẫn không tránh được".

Ở Việt Nam, trong thời gian qua, các doanh nghiệp áp dụng một trong hai phương thức ký kết hợp đồng xuất khẩu cà phê ra nước ngoài. Thứ nhất, đó là phương thức giao ngay, thuật ngữ tiếng Anh gọi là outright. Theo phương thức này hai bên mua và bán ký kết hợp đồng với giá cố định tại thời điểm hiện tại và thời gian giao hàng cố định. Họ không quan tâm đến giá tại thời điểm giao hàng cao hơn hay thấp hơn giá cố định. Thứ hai, phương thức differential hay price to be fixed, được gọi theo tiếng Việt là phương thức "trừ lùi, chốt giá sau". Phương thức bán hàng này được xem là một trong công cụ phòng chống rủi ro giá cả. Do vậy, kể từ đầu thập niên 1990 của thế kỷ 20 đến nay, đa phần các doanh nghiệp xuất khẩu áp dụng phương thức này mà không áp dụng phương thức outright. Vậy, tại sao từ tháng 10 năm 2008 đến nay, VICOFA thường xuyên khuyến cáo các doanh nghiệp không nên dùng. Trong khi đó, trước thời điểm đó, cũng chính VICOFA khuyến cáo nên dùng. Bài viết sau đây sẽ làm rõ bản chất của phương thức kinh doanh này để các doanh nghiệp hiểu và vận dụng phù hợp với thực tiễn.

Phương thức kinh doanh chốt giá sau (Price-to-be-fixed - PTBF) là hình thức cho phép người mua hoặc người bán "chốt giá" tại thời điểm nào đó trong tương lai, trước khi thực hiện giao, nhận hàng. Người mua và người bán sẽ thỏa thuận về số lượng, chủng loại, tháng giao hàng (delivery month). Riêng đối với điều khoản giá thì sẽ áp dụng một trong hai hình thức: thứ nhất, giá thanh toán là giá "trừ lùi" (minus) hoặc thứ hai, giá cộng thêm (plus) so với giá kỳ hạn (futures price). Giá kỳ hạn này thường căn cứ vào giá trên Sàn giao dịch hàng hóa London (Liffe). Nếu chất lượng hàng hóa của người bán thấp hơn tiêu chuẩn chất lượng quy định trong hợp đồng kỳ hạn sẽ sử dụng áp dụng "giá trừ lùi" (minus); nếu tốt hơn sử dụng " giá cộng thêm" (plus). Như vậy, bản chất của "giá cộng thêm" hoặc "giá trừ lùi" ở đây là so sánh chất lượng hàng hóa mà cụ thể ở đây là cà phê Robusta loại 2 với cà phê Robusta loại 2 đã được tiêu chuẩn hóa trên Sàn giao dịch kỳ hạn London.

Có hai loại hợp đồng chốt giá (Fixing price) sau:

Thứ nhất, hợp đồng người bán nắm quyền chốt giá (PBTF – Seller's call contracts). Đây là hợp đồng bằng văn bản cho phép người bán chốt giá bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể; Rủi ro giá cả do người mua chịu, nên người mua phải sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ rủi ro.

Thứ hai, hợp đồng người mua nắm quyền chốt giá (PBTF – Buyer's call contract). Đây là hợp đồng cho phép người mua chốt giá bất cứ thời điểm nào trong khoảng thời gian trước ngày thông báo giao hàng đầu tiên của một hợp đồng kỳ hạn cụ thể; Rủi ro giá cả do người bán chịu, nên người bán phải sử dụng hợp đồng kỳ hạn để bảo hộ rủi ro.

Để hiểu rõ hơn phương thức kinh doanh này, chúng ta xem ví dụ sau về cơ chế xác định giá hợp đồng xuất khẩu cà phê theo phương thức "trừ lùi chốt giá sau", người bán nắm quyền chốt giá:

Giả sử hôm nay ngày 01/06/2010, người bán (Việt Nam), người mua (nước ngoài) thỏa thuận mua bán như sau:

  • Số lượng: 100 tấn cà phê robusta loại 2;
  • Tháng giao hàng: tháng 1/2011;
  • Giá cả hai bên thỏa thuận trên hợp đồng ngoại thương thể hiện như sau: London Robusta January minus 100 USD/ton.
  • Người bán nắm quyền chốt giá (PTBF- Seller's contract)

Điều này có nghĩa là giá thanh toán (settlement price) sẽ được chốt theo giá kỳ hạn (futures price) của hợp đồng kỳ hạn cà phê robusta, giao hàng vào tháng 1/2011 của thị trường Luân Đôn (LIFFE). (Theo quy định của LIFFE, thời hạn giao hàng của hợp đồng kỳ hạn trong năm vào tháng 1, 3, 5, 7, 9 và 11)

Theo quy định về hợp đồng kỳ hạn cà phê Robusta của Luân Đôn, ngày thông báo giao hàng đầu tiên (first delivery notice day) là bất cứ ngày nào trong tháng giao hàng của hợp đồng kỳ hạn. Như vậy nhà xuất khẩu Việt Nam sẽ quyết định chốt giá bất cứ ngày nào sau khi ký hợp đồng cho đến ngày thông báo đầu tiên của tháng giao hàng của hợp đồng kỳ hạn (1/2011) trừ lùi 100 USD/tấn.

Sau khi ký hợp đồng, lúc nào giá thị trường trong nước xuống, nhà xuất khẩu tiến hành mua vào cho đủ 100 tấn; lúc nào giá LIFFE tăng sẽ chốt giá. Giả sử giá bình quân của lô hàng mua vào là 20.000 đ/kg. Ngày 01/11/2011, giá kỳ hạn của hợp đồng kỳ hạn giao hàng tháng 01/2011 của LIFFE là 1.300 USD/tấn thì giá thanh toán (settlement price) sẽ là 1.200 USD/tấn; tương đương 24.000 đ/kg (lấy tỷ giá 20.000 VND/USD). Như vậy nhà xuất khẩu tính toán thấy mức chênh lệch 4.000 VND/kg trừ thuế trừ phí lưu kho trừ lãi suất ngân hàng và trừ những khoản khác vẫn lời, nhà xuất khẩu quyết định gọi cho người mua chốt giá theo giá trên hợp đồng là 1.200 USD/tấn và đến 01/2011 giao hàng.

Như vậy, nhà xuất khẩu an tâm lô hàng này đã có lời. Vậy tại sao Vicfa khuyến cáo các doanh nghiệp không kinh doanh theo phương thức này vì sợ rủi ro. Ở đây có ba vấn đề nảy sinh trong thực tế.

  • Thứ nhất, tùy theo kinh nghiệm và khả năng đàm phán với người mua mà mức trừ lùi khác nhau. Qua khảo sát các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, "mức trừ lùi" của các doanh nghiệp có khác nhau. So sánh hợp đồng của Công ty Simexco Đăk Lăk và Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu Tây Nguyên (Vinacafe Buôn Ma Thuột) tại thời điểm ký kết hợp đồng tháng 1/2007 như sau:

Loại cà phê

Thời hạn giao hàng

Hợp đồng chốt giá

Mức trừ lùi (USD/tấn)

Simexco

Đăk Lăk

Vinacafe

Buôn Ma Thuột

R2 

Tháng 5/2007 

Kỳ hạn 5/2007

70 

120 

Như vậy, doanh nghiệp nào có mức trừ lùi cao có khả năng khó cạnh tranh mua cà phê nhân xuất khẩu với doanh nghiệp có mức trừ lùi thấp. Điều này có nghĩa doanh nghiệp bị trừ lùi cao bị thiệt hơn doanh nghiệp có mức trừ lùi thấp.

  • Thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn không đủ vốn mua hàng để tồn trữ nên họ thường thực hiện sai phương thức này dẫn đến thua lỗ. Đối với những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn thường mua hàng trước để dự trữ trong kho và theo dõi giá kỳ hạn khi thấy giá lên có lời họ sẽ "chốt giá". Điều này có nghĩa họ đã có lời. Tuy nhiên nhiều doanh nghiệp không đủ tiềm lực kinh tế (không có tiền mua dự trữ) và ngân hàng không cho vay trên hợp đồng chưa có giá cụ thể nên các doanh nghiệp này khi sắp đến ngày giao hàng tiến hành "chốt giá" để vay tiền ngân hàng mua hàng. Trong trường hợp này nếu giá cà phê nhân xuất khẩu trên nội địa thấp hơn giá trên hợp đồng thì doanh nghiệp có lời còn ngược lại thì thua lỗ. Tuy nhiên trong thực tế khi doanh nghiệp thực hiện mua vào để giao hàng thì giá cà phê nhân xuất khẩu trên thị trường nội địa có xu hướng tăng làm doanh nghiệp bị thua lỗ.
  • Thứ ba, giá cà phê trên thế giới từ khoảng tháng 10/2008 đến đầu năm 2010 có xu hướng tăng giảm bất thường và các doanh nghiệp Việt Nam thường "chốt giá" vào thời điểm giá xuống do "tâm lý sợ giá xuống nữa" nên dẫn đến thu nhập thấp hoặc thua lỗ.

Đây chính là nguyên nhân mà dẫn đến các doanh nghiệp thường thua lỗ. Tuy nhiên, điều này không phản ánh bản chất kinh doanh của phương thức này mà phản ánh trình độ vận dụng phương thức này của các doanh nghiệp còn hạn chế. Do vậy, việc khuyến cáo các doanh nghiệp kinh doanh cà phê xuất khẩu không áp dụng phương thức này là điều đi ngược lại xu hướng phát triển của thế giới. Nếu vậy các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể lớn mạnh và hội nhập vào nền kinh tế thế giới.

Thứ Bảy, 3 tháng 7, 2010

Nhập học lớp Giám đốc doanh nghiệp khóa 27


Giấy báo nhập học lớp đào tạo giám đốc Doanh nghiệp khóa 27 – Đợt 1



Căn cứ nhu cầu đào tạo bồi dưỡng cán bộ và danh sách học viên đăng ký tham gia dự lớp của các đơn vị, Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II xin thông báo đến Quý đơn vị và cá nhân lịch học lớp “Đào tạo giám đốc Doanh nghiệp - khóa 27”, đợt 1 như sau:


1. Thời gian và địa điểm:

- Đợt I: Từ ngày 26/07/2010 đến ngày 12/08/2010. Các đợt còn lại sẽ thông báo sau.
- Tại Trường Cán bộ quản lý Nông nghiệp và PTNT II, số 45 Đinh Tiên Hoàng (đối diện Đài Truyền hình), Quận 1, TP. Hồ Chí Minh.

Ngày 26/07/2010:

+ Từ 7h30 đến 9h00: Học viên làm thủ tục nhập học tại phòng Đào tạo.
+ 9h00 : Khai giảng

2. Nội dung:

Thời khóa biểu đính kèm.

3. Kinh phí học tập:

- Kinh phí học tập và tài liệu: 10.500.000đ/học viên
- Trường có Ký túc xá và nhà ăn phục vụ cho nhu cầu ăn nghỉ của học viên ở xa trong thời gian học tập tại trường.Toàn bộ kinh phí học tập, ăn nghỉ do đơn vị cử học viên đi học đài thọ.

Trân trọng kính chào.

Giáo viên chủ nhiệm lớp: Tiến sĩ Bảo Trung

Mọi học viên có nhu cầu đăng ký học lớp Đào tạo giám đốc Doanh nghiệp

vui lòng liên hệ Phòng Đào tạo theo địa chỉ sau:
Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II
45 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP.HCM
Email: daotao@cmard2.edu.vn
ĐT: (08) 39101423 Fax (08) 38231515

Website: http://www.cmard2.edu.vn/
Liên hệ Cán bộ QL Đào tạo (Cô Thảo: 0907760506)

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM