Thứ Sáu, 29 tháng 2, 2008

TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA THƯƠNG LÁI TRONG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ NÔNG SẢN

1. Khái niệm thương lái
Trong hoạt động buôn bán hàng hóa nông sản ở Việt Nam thì hoạt động thu gom hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng. Hoạt động này có vai trò kết nối người sản xuất, nông dân với thị trường. Tham gia trong hoạt động thu gom hàng hóa nông sản có nhiều chủ thể kinh doanh khác nhau, nhưng quan trọng nhất là thương lái. Thương lái là một thuật ngữ xuất phát từ từ "lái". "Lái" có nghĩa là người buôn bán một hàng hóa nhất định ví dụ như lái trâu. Liên quan đến thuật ngữ "lái", chúng ta có nhiều thuật ngữ khác nhau như "lái buôn" để chỉ hoạt động của những người mua hàng hóa nơi này đến nơi khác bán lại hoặc "lái vườn" để chỉ những người buôn bán trái cây. Thương lái là một thuật ngữ được sử dụng trong những năm gần đây khi nước ta chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá sang nền kinh tế thị trường và vai trò của người mua gom hàng hóa ngày càng được khẳng định. Trước đây lực lượng mua gom hàng hóa từ nông dân, chúng ta thường gọi là "tư thương" hoặc "tiểu thương". Thuật ngữ này có hàm ý tiêu cực để chỉ những người buôn bán nhỏ, làm trung gian môi giới giữa nông dân và thị trường. Họ bị xem là những người sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để mua rẻ bán đắt, chuyên ép giá nông dân và lũng đoạn thị trường.

Trong thực tế, những người mua gom hàng hóa có quy mô rất khác nhau từ nhỏ đến lớn. Có người chỉ mua gom hàng hóa trong phạm vi làng xã của mình, nhưng cũng có người mua gom hàng hóa cả vùng. Nước ta là nước nông nghiệp dựa trên lúa nước là chính, nên xuất hiện một thuật ngữ chỉ liên quan đến buôn bán lúa gạo, đó là "hàng xáo". "Hàng xáo" là người mua lúa của nông dân về giã hoặc xay xát để bán lại. Thuật ngữ "hàng xáo" xuất hiện từ lâu trong nên kinh tế nước ta. Tuy nhiên trong giai đoạn nền kinh tế nước ta là nền kinh tế kế hoạch hóa thì lực lượng này cũng bị đánh đồng với "tư thương".

Trong hoạt động thương mại nói chung, chúng ta có một thuật ngữ "thương nhân". "Thương nhân" là người buôn bán hàng hóa nói chung. Như vậy, thương lái hoặc hàng xáo cũng có xem như là thương nhân. Tuy nhiên, theo Điều 6, Luật Thương mại Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 14/6/2005 và có hiệu lực ngày 1/1/2006, có đưa ra khái niệm Thương nhân : "Thương nhân bao gồm tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, cá nhân hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên và có đăng ký kinh doanh." Như vậy, chỉ có những tổ chức hoặc cá nhân hoạt động thương mại thường xuyên và có đăng ký kinh doanh mới là thương nhân. Cách hiểu của Luật thương mại rất khác xa với thực tế cuộc sống vì khi nói đến thương nhân thì hầu hết những người Việt Nam đều hiểu rằng khái niệm đó đề cập đến chủ thể kinh doanh là cá nhân, chứ không đề cập đến chủ thể kinh doanh là một tổ chức. Theo cách giải thích của Luật Thương mại thì "thương lái" không phải là "thương nhân" vì những cá nhân này thường không đăng ký kinh doanh và một số hoạt động chuyên nghiệp, thường xuyên và một số hoạt động không chuyên nghiệp, không thường xuyên. Tuy nhiên, chúng ta cần phải hiểu thương lái là thương nhân vì họ chính là chủ thể tham gia hoạt động thương mại trong quá trình kinh doanh hàng hóa nông sản.

Như vậy, thương lái là thương nhân hoạt động thương mại trong lĩnh vực thu mua, chế biến và tiêu thụ hàng hóa nông sản. Họ là người thu gom hàng hóa từ nông dân, nhà sản xuất và bán lại cho nhà bán buôn hoặc nhà chế biến với tư cách là nhà bán buôn. Thương lái là người trung gian kết nối thị trường nông sản từ người sản xuất đến nhà bán buôn hoặc nhà chế biến.

2. Vai trò của thương lái trong thị trường nông sản
Thương lái đã xuất hiện trong nền kinh tế nước ta từ rất lâu và ngày nay vẫn còn tiếp tục phát triển. Hầu hết các hoạt động mua hàng hóa thu mua hàng hóa từ nông dân đều do thương lái đảm nhận. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, thương lái có những vai trò như sau:

2.1. Thương lái là chủ thể kinh doanh chính nằm trong chuỗi giá trị nông sản

Theo Hill và Ingersent (1977) mô tả tổng quá cơ cấu một chuỗi phân phối hàng hóa nông sản như sau:

[Hình 1]

Trong chuỗi giá trị sản xuất nông sản này bao gồm các chủ thể kinh doanh như sau:

  • Nhà sản xuất chủ yếu là nông dân, người trực tiếp làm ra sản phẩm. Mô hình này phù hợp với nền kinh tế chúng ta, với đặc điểm lực lượng sản xuất nhiều và phân tán rải rác khắp nơi.
  • Người thu gom là người tập hợp hàng thành những lô lớn để bán cho nhà bán buôn, lực lượng này cũng tương đối đông đảo.
  • Người bán buôn hoặc người chế biến: phần lớn lực lượng này là các doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp thương mại. số lượng các doanh nghiệp này ít hơn lực lượng thu gom và nhà sản xuất.
  • Người bán lẻ: là những người mua hàng từ nhà bán buốn để bán cho người tiêu dùng
  • Thứ năm, người tiêu dùng.

Hoạt động của thương lái trong hệ thống kênh tiêu thụ lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long
Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa lớn của cả nước với sản lượng lúa khoảng 18 triệu tấn. Để đưa một lượng lúa lớn này tham gia vào thị trường thì vai trò của thương lái rất quan trọng. Đặc điểm của sản xuất nông nghiệp nước ta là phần lớn sản phẩm được sản xuất ở quy mô nhỏ, đơn lẻ, dựa trên mô hình kinh tế hộ gia đình là chủ yếu, vì vậy số lượng sản phẩm thường không lớn và không có sự đồng nhất về chất lượng. Để có được nguyên liệu cho sản xuất, hầu hết các doanh nghiệp chế biến nông sản hiện nay phải tự tổ chức các hình thức thu mua, đặc biệt là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu ngành lúa gạo. Doanh nghiệp nào tổ chức công tác thu mua tốt thì có nguồn nguyên liệu ổn định, đảm bảo cho sản xuất không bị gián đọan, có thể nói công tác thu mua cũng là một trong những nguyên nhân quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trên thương trường. Trong nền kinh tế nước ta hiện nay có rất nhiều chủ thể tham gia vào quá trình kinh doanh lúa gạo. Trong đó thương lái mua khoảng 80% sản lượng lúa từ nông dân [hình 2].



Thương lái sử dụng kiến thức hiểu biết của mình về ngành hàng, cùng với vốn để tổ chức thu gom nguyên liệu từ các hộ sản xuất đơn lẻ, sau đó đem bán lại cho doanh nghiệp, hoặc các đại lý doanh nghêịp chế biến hoặc các cơ sở xay xát chế biếnnhỏ của tư nhân trong vùng. Căn cứ tình hình diễn biến của thị trường, các doanh nghiệp cung ứng gạo xuất khẩu/ doanh nghiệp xuất khẩu gạo xây dựng và công bố đơn giá cho nguyên liệu chuẩn, đơn giá này thường không cố định mà thay đổi theo thị trường. Khi thương lái mang nguyên liệu đến chào bán, doanh nghiệp sẽ căn cứ vào đơn giá chuẩn và chất lượng nguyên liệu của thương lái để cùng đàm phán thương thảo giá mua cụ thể cho từng loại nguyên liệu.

Ưu điểm

  • Nguyên liệu mua của lực lượng thương lái nhìn chung rất đa dạng, nhiều phẩm cấp, một phần đáp ứng được nhu cầu đa dạng về sản phẩm của khách hàng.
  • Giá cả thu mua linh hoạt và thường rẻ hơn các phương thức thu mua khác.
  • Đây là lực lượng nhà cung cấp chính, có vai trò khá quan trọng, là cầu nối giữa người sản xuất và doanh nghiệp chế biến.

Hạn chế

  • Chất lượng nguyên liệu không đồng đều, cái mà họ quan tâm nhiều là tìm mua được nguyên liệu từ người sản xuất với giá rẻ và bán có lợi nhuận cao.
  • Giữa doanh nghiệp và thương lái chưa có sự gắn kết và ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm cũng như quyền lợi. Thương lái ở địa phương nào thì thường giao dịch và thu gom cung cấp nguyên liệu cho doanh nghiệp ở địa phương đó.

Tóm lại, qua khảo sát hoạt động của thương lái ở Đồng bằng sông Cửu Long trong ngành kinh doanh lúa gạo, chúng ta có thể nhận thấy rằng thương lái chiếm vị trí rất quan trọng trong chuỗi ngành hàng từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Nếu không có lực lượng thương lái đi thu gom hàng hóa từ nông dân thì hàng hóa khó lưu thông được hoặc nếu được thì chi phí giao dịch cao hơn. Việc nông dân bán hàng hóa chủ yếu cho thương lái phù hợp với điều kiện và tập quán sản xuất và kinh doanh lúa gạo ở nước ta hiện nay.

Hoạt động của thương lái trong hệ thống kênh tiêu thụ cà phê Tây Nguyên


[Hình 3]

Cà phê là một loại nông sản chính của người dân vùng Tây Nguyên và là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam. Việt Nam là quốcgia sản cà phê nhiều nhưng mức độ sử dụng cà phê tương đối thấp, hầu hết sản phẩm cà phê đều xuất khẩu và chủ yếu là xuất khẩu dưới dạng cà phê nhân. Qua khảo sát của nhiều tổ chức quốc tế thì lượng cà phê từ người sản xuất thì đến 93% lượng cà phê đã qua phơi khô và xay xát thành cà phê nhân hoặc cà phê tươi đều bán qua thương lái. Hiện nay, do lượng cà phê của người dân tương đối nhiều nên xu hướng chung người trồng cà phê là họ thích bán cà phê tươi. Chính vì vậy thương lái là đầu mối quan trọng để nối liền người trồng cà phê với thị trường.

Hoạt động của thương lái trong hệ thống tiêu thụ rau quả Cần Thơ

[Hình 4]

Nguồn: Phân tích ngành rau củ Cần Thơ,

Trong chuỗi giá trị của rau củ cần thơ, chúng ta thấy rằng nguồn thương lái thu mua 75% hàng hóa từ nông dân. Trong khi đó bán trực tiếp cho người bán sỉ là 15%; bán lẻ/siêu thị là 5% và bán trực tiếp cho người tiêu dùng là 5%. Chính vì vậy, thương lái cũng là chủ thể kinh doanh chính trong quá trình tiêu thụ nông sản.

2.2. Thương lái điều tiết cung cầu thị trường làm cho lưu thông hàng hóa được thông suốt.
Thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung, môi trường kinh tế - xã hội khuyến khích công thương hạn chế tư thương, Nhà nước hỗ trợ chủ trương phát triển mạng lưới mậu dịch quốc doanh và hợp tác xã mua bán, quản lý chặt hoạt động của thị trường tự do. Chính vì vậy hầu hết hoạt động của thương lái đều được xem bất hợp pháp. "Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 10 (tháng 12/1964) về thương nghiệp và giá cả xác định: chợ nông thôn là bộ phận của thị trường xã hội chủ nghĩa thống nhất. Cần phải tăng cường công tác tổ chức và quản lý, tiến tới làm cho chợ thực sự là nơi trao đổi trực tiếp giữa người sản xuất và người tiêu dùng, không có thương nhân tham gia". Trong quá trình phát triển những năm sau đó, chúng ta đã loại dần thương lái ra khỏi quá trình lưu thông hàng hóa vì thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã mua bán là lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ thu gom hàng hóa từ nông dân. Việc mua bán hàng hóa thời kỳ này chủ yếu dựa đến định suất và hàng hóa bị khan hiếm nghiêm trọng nên đã xuất hiện một lực lượng thương lái nhanh nhạy với thị trường tìm cách đáp ứng nhu cầu hàng hóa đang bị thiếu hụt. Việc kinh doanh của những người này bị xem là bất hợp pháp và từ đó xuất hiện từ "tư thương" để gán ghép cho lực lượng này. Sau năm 1986, Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường, thị trường nông sản hàng hóa bắt đầu phát triển và cùng lúc đó lực lượng thương lái phát triển. Quá trình tham gia vào hoạt động của thị trường, lực lượng thương lái ngày càng phát triển mạnh. Họ nhanh nhạy với thị trường và biết tạo ra các mối quan hệ không chỉ trong làng xã mình mà họ còn vươn ra bên ngoài, đến những tỉnh thành khác. Trong môi trường hội nhập kinh tế, nhiều thương lái còn mở rộng giao thương với nước ngoài như nhiều thương lái thu mua trái cây và bán sang Trung Quốc hoặc trong quý 4 năm 2006, giá lúa gạo Việt Nam tăng vọt thì chính lực lượng thương lái đã mang ghe sang tận Campuchia để thu gom hàng hóa về bán lại cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Lực lượng thương lái ở Việt Nam ngày càng đông đảo. Ví dụ như tỉnh An Giang: "Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của ngành nông nghiệp tỉnh An Giang, toàn tỉnh hiện có trên 900 hộ thương lái mua bán vừa và lớn, gần 3.000 bạn hàng xáo, hoạt động hầu hết trên sông nước, kênh rạch, nhiều khi họ sang cả các tỉnh lân cận trong khu vực để thu mua nông sản." Trong điều kiện nền kinh tế nước ta hiện nay, hầu hết nông dân đều sản xuất nhỏ. Theo thống kê, khoảng 95% nông dân sản xuất nhỏ có từ vài 1-2 ha trở lại. Số nông dân có quy mô sản xuất lớn chiếm tỷ trọng rất thấp. Thêm vào đó hầu hết nông dân chủ yếu chỉ quan tâm đến việc trồng trọt hoặc chăn nuôi mà không quan tâm nhiều đến thị trường tiêu thụ. Để tập hợp được một lượng hàng hóa lớn để phục vụ cho công tác chế biến thì các doanh nghiệp chế biến cần phải thu gom hoặc ký hợp đồng với hàng ngàn hoặc hàng vạn hộ nông dân. Ví dụ năm 2003 Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang – Antesco ký hợp đồng mua bắp non với hơn 11.000 hộ nông dân. Điều này cho chúng ta thấy rằng việc ký hợp đồng với quá nhiều hộ nông dân như vậy, chắc chắn chi phí giao dịch sẽ tăng cao và hiệu quả kinh tế mang lại thấp. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp thu mua trực tiếp từ nông dân không có nhiều. Trong khi lực lượng thương lái đến tận đồng thu gom và vận chuyển đến từng trạm thu mua của doanh nghiệp để bán lại. Chính vì vậy, vai trò của thương lái là không thể thiếu. Nếu vắng họ, cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ bị "nghẽn", quan hệ cung cầu sẽ không được điều tiết tốt.
Lực lượng thương lái hầu hết xuất phát từ nông dân, nhờ biết cách kinh doanh buôn bán mà trở thành lực lượng thương lái và ngày càng phát triển mạnh. "Ở Hội An (thuộc huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), ai cũng thán phục chuyện làm thương lái mà đổi đời của vợ chồng Bảy Nghiệp. 5 năm trước vợ chồng Bảy Nghiệp nghèo rớt mồng tơi, thấy người ta làm lái bắp, lái khoai, lái kiệu… sống khỏe ru, Bảy Nghiệp đâm ham những không không có tiền làm vốn. Vợ chồng vừa làm thuê vừa tích lũy. Ban đầu Bảy Nghiệp khởi sự bằng cách mua vài ký dưa leo, chút ít cà chua, đậu đũa… chở xe đạp chạy bán dọc đường. Sau mang rau màu ra chợ xã rồi lên chợ huyện. "Góp gió thành bão", lần hồi đưa rau màu sang tận chợ Long Xuyên, xuống Cần Thơ, Vĩnh Long… mối mang làm ăn ngày càng nhiều, công việc thuận lợi. Chẳng bao lâu vợ chồng Bảy Nghiệp trở thành "lái lớn" hồi nào hổng hay, mỗi ngày thu mua hàng tấn rau màu các loại cung ứng cho các đại lý khắp vùng.". Hầu hết thương lái có vốn ít, số thương lái có từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, còn thương lái có từ 15-50 triệu đồng là phổ biến. Chính vì vậy họ khó có thể đầu cơ để lũng đoạn thị trường vì vốn ít chắc chắn họ phải tranh thủ xoay vòng vốn nhanh.

2.3. Thương lái người tạo ra môi trường để người sản xuất điều chỉnh hành vi kinh tế và phát triển sản xuất theo hướng đến thị trường.
Thương lái là người nhanh nhạy, nắm bắt thị trường tiêu thụ. Họ am hiểu địa bàn, hiểu tâm lý nông dân và doanh nghiệp. Do đó họ dễ dàng thuyết phục người nông dân sản xuất theo thị trường. Chúng ta đã chủ trương sản xuất 1 triệu ha lúa chất lượng cao nhưng không thành công vì doanh nghiệp không thể nào ký kết hợp đồng với nông dân, còn thương lái đang nắm hệ thống tiêu thụ nông sản. "Ông Nguyễn Văn Xuyên, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang cho biết: "Tỉnh đang tiến hành xây dựng vùng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu qui mô 100.000 ha. Theo đề án qui hoạch thì sản lượng lúa trên diện tích này sẽ được bao tiêu trước nhất. Đầu năm 2004 đã triển khai kế hoạch bao tiêu 30.000 ha, chúng tôi mời các doanh nghiệp ngồi lại cùng bàn bạc, phân công, chia chỉ tiêu cụ thể, nhưng cuối cùng chẳng có doanh nghiệp nào tham gia hợp đồng bao tiêu được. Một vấn đề bất hợp lý nữa là sức chứa lúa thật sự của 3 doanh nghiệp lớn trong tỉnh hiện tại chỉ đạt tối đa 70.000 tấn. Nếu thu mua hết diện tích 100.000 ha lúa chất lượng cao thì không tài nào có kho dự trữ đủ". Đặc điểm của thương lái họ chỉ kinh doanh những gì thị trường cần và luôn đặt chữ tín lên hàng đầu. Do đó họ sẵn sàng cung ứng vốn cho nông dân sản xuất và thu mua lại hàng hóa khi thu hoạch. Đối với mặt hàng nào dư thừa và khó tiêu thụ họ sẽ không mua cho nên sẽ không khuyến khích nông dân sản xuất. Chúng ta thường ca thán rằng: "được mùa, mất giá và mất mùa, được giá. Tuy nhiên nếu nhìn lại việc tổ chức sản xuất của chúng ta đang có nhiều khiếm khuyết dẫn đến tình trạng nhiều mặt hàng cung vượt cầu và nhiều mặt hàng thì cầu vượt cung. Trong hoạt động kinh doanh, nhiều thương lái đã tác động đến hành vi sản xuất của nông dân. Ví mục tiêu là tối đa hóa lợi nhuận cho nên họ hoạt động tuân thủ theo quy luật cung cầu. Họ sẽ mua giá thấp khi hàng hóa dư thừa và họ mua giá cao khi hàng hóa thiếu hụt. Chính điều này tạo động lực cho người sản xuất phải điều chỉnh hành vi kinh doanh của mình. Hiện nay việc tổ chức sản xuất hàng hóa chất lượng cao ở Việt Nam không thể thực hiện được là do bản thân doanh nghiệp không thể ký hợp đồng trực tiếp tiêu thụ nông sản cho nông dân còn nông dân thì chỉ muốn bán cho các thương lái và việc mua bán với thương lái dễ dàng dàng hơn. Do đó thương lái đã điều chỉnh hoạt động sản xuất của người nông dân. Ví dụ, người nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên ít sử dụng thường chỉ sử dụng phương pháp chế biến khô để sản xuất ra cà phê nhân vì thương lái mua cà phê chế biến ướt và chế biến khô không có sự chênh lệch lớn trong khi đó chi phí chế biến ướt cao hơn chi phí chế biến khô. Tương tự ở Đồng bằng sông Cửu Long, thường nông dân cũng chỉ bán lúa cho thương lái nên người nông dân cũng không quan tâm đến vấn đề chế biến vì nếu chế biến tốt như sấy lúa đạt độ ẩm thay vì phơi ngoài đồng thì giá cả thương lái mua cũng không cao hơn bao nhiêu. Chính điều này Việt Nam sản xuất hàng chất lượng cao gặp nhiều khó khăn.

Tóm lại, chính thương lái là người điều chỉnh hành vi sản xuất của nông dân trong chuỗi kinh doanh nông sản hiện nay.

2.4. Thương lái là người làm giảm chi phí giao dịch trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn phân tán, manh mún.
Sản xuất hàng hóa nhỏ lẻ, phân tán và manh mún là đặc điểm cơ bản của nền sản xuất nông nghiệp nước ta hiện nay. Mọi hoạt động kinh tế thường phải trải qua ba giai đoạn: sản xuất, phân phối và tiêu dùng. Mỗi giai đoạn đều có tầm quan trọng nhất định và có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, trong đó phân phối còn được gọi là giao dịch hàng hóa, là trung tâm của hoạt động kinh tế. Mỗi phương thức tổ chức sản xuất quy định bối cảnh và phương thức tổ chức hoạt động trao đổi tương ứng với nó. Phương thức tổ chức sản xuất của nền nông nghiệp Việt Nam chủ yếu dựa theo nghề lúa nước có tính thời vụ và theo công đoạn sản xuất kém phát triển tự cấp tự túc, tự sản tự tiêu quy mô hộ gia đình là chính. Mỗi hộ gia đình chỉ có một vài công ruộng. Sản xuất được vài chục đến vài trăm giạ lúa. Với phương thức sản xuất này, các doanh nghiệp khó có thể tiếp cận người nông dân với chi phí thấp được. Theo thống kê của tỉnh An Giang, các thương lái, bạn hàng xáo thu lãi từ 20 - 30 đồng/kg lúa; lúa gia công chế biến thành gạo lãi 50 - 100 đồng/kg; rau dưa các loại lãi 120 - 150 đồng/kg; cá tra, cá basa lãi 150 - 200 đồng/kg... Khoản lãi này thật sự chưa cao trong khi chưa tính đến tỷ lệ hao hụt qua cân và chi phí bảo quản. Với chi phí này thì các doanh nghiệp không thể nào cạnh tranh được với thương lái do bộ máy tổ chức cồng kềnh, trong khi đó thương lái "lấy công làm lời" là chính.

Trong hoạt động kinh doanh nông sản hiện nay, qua khảo sát thì hầu hết nông dân đều biết giá cả thị trường từng thời điểm do các phương tiện thông tin đại chúng như radio, truyền hình, điện thoại di động phát triển mạnh. Nhiều nông dân ở vùng cà phê Tây Nguyên còn nắm rõ thông tin thì trường cà phê thế giới. Hiện nay không có rào cản nào về mặt thông tin. Bên cạnh đó với lực lượng thương lái đông đảo và cạnh tranh nhau quyết liệt. Chính điều này sẽ làm cho chi phí tìm kiếm thông tin và bán sản phẩm tương đối thấp.

Tóm lại, với sự phát triển mạnh mẽ của lực lượng thương lái đã làm giảm chi phí giao dịch, giúp nông dân dễ dàng đưa nông sản ra thị trường với chi phí thấp hơn.

3. Những vấn đề còn tồn tại của tổ chức hoạt động thương lái
Mặc dù thương lái tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong hoạt động giao dịch nông sản ở nước ta hiện nay, tuy nhiên hoạt động của thương lái còn tồn tại những khiếm khuyết sau:
- Hành vi ứng xử của thương lái hoàn toàn theo tín hiệu của thị trường nên dẫn đến tình trạng "được mùa mất giá và mất mùa được giá".
- Một số thương lái xuất thân từ nông dân nên việc kinh doanh chưa mang tính chất chuyên nghiệp và rủi ro cao. Thậm chí một số thương lái không cạnh tranh được trên thị trường làm ăn thua lỗ và họ chuyển rủi ro này cho người nông dân hoặc doanh nghiệp phải gánh chịu.
- Nhiều thương lái không quan tâm đến chất lượng hàng hóa nên mua tất cả dù chất lượng tốt hay xâu. Điều này làm cho người sản xuất cũng không quan tâm đến chất lượng.

4. Tổ chức hoạt động của thương lái trong thị trường tiêu thụ nông sản
Vận động thương lái tham gia vào hiệp hội các nhà buôn hoặc hợp tác xã
Trước những hạn chế của hoạt động của thương lái trong thị trường tiêu thụ nông sản thì việc tổ chức cho thương lái hoạt động là điều hết sức quan trọng. Việc tổ chức cho thương lái hoạt động trong các hiệp hội hoặc trong HTX là được xem là giải pháp phát triển bền vững của thị trường tiêu thụ nông sản. Việc vận động thương lái tham gia vào HTX hoặc hiệp hội là điều không phải dễ dàng. Quá trình phát triển hợp tác, liên kết với nhau là đòi hỏi phải có thời gian. Đặc biệt, người ta chỉ hợp tác với nhau khi thấy cùng chung lợi ích. Để thương lái có thể tham gia vào hợp tác xã hoặc than2h lập hiệp hội thì vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chính quyền địa phương ở cấp xã, huyện phải vận độn, thuyết phục thương lái thành lập các hiệp hội và bảo vệ quyền lợi cho họ. Hiện nay, chúng ta xây dựng nhiều hiệp hội và hợp tác xã nhưng thương lái chưa được tham gia nhiều vì còn tình trạng đố kỵ, xem họ là người mua gian, bán lận.
Tổ chức thương lái thành lực lượng mua hàng của doanh nghiệp
Thương lái đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu mua hàng nông sản. Để phát huy tính tích cực và hạn chế tính tiêu cực của thương lái thì việc tổ chức lại hoạt động của thương lái sẽ giúp ổn định thị trường nông sản. Thương lái phải là chủ thể tham gia vào chuỗi cung cấp hàng hóa cho doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì thương lái có khả năng len lõi vào vùng sâu, vùng xa giúp cho doanh nghiệp giảm bớt chi phí giao dịch.


Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM