Tiến sĩ Kinh tế ngành QTKD, Giảng viên cơ hữu Đại học Tài chính - Marketing và Giảng viên thỉnh giảng các trường Đại học phía Nam
Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2010
Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2010
Ký gửi cà phê: rủi ro đeo bám nông dân
Hồng Văn
Thứ Năm, 4/2/2010, 15:30 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – Gần 100 hộ nông dân trồng cà phê ở thị xã Buôn Hồ, Dak Lak đang đứng ngồi không yên vì hàng trăm tấn cà phê mà họ ký gửi cho đại lý có nguy cơ mất trắng khi đại lý tuyên bố vỡ nợ.
Điều nguy hiểm là trong tình hình cà phê rớt giá như hiện nay, nguy cơ vỡ nợ dây chuyền hay đại lý nhận gửi cà phê vì thua lỗ quá nặng có thể bỏ trốn như đã từng xảy ra trong vài năm trước.
Gửi nhầm
Theo thông tin từ một số công ty kinh doanh cà phê ở Dak Lak thì có khoảng 80 hộ nông dân trồng cà phê ở xã Bình Thuận, thị xã Buôn Hồ đã ký gửi cho đại lý cà phê Tám Loan chừng 190-200 tấn, tính theo thời giá hiện nay khoảng 5,5 tỉ đồng. Tuy nhiên, không chỉ ký gửi, các hộ nông dân ở đây còn cho đại lý cà phê này vay hơn 18 tỉ đồng theo cách mà họ thường làm là khi thu hoạch cà phê thì mang tới kho của đại lý để ký gửi, khi chốt giá bán có dư dả tiền bạc thì cho đại lý vay.
Trên nguyên tắc, sau khi nông dân ký gửi cà phê vào kho của đại lý, đại lý không được kinh doanh lượng cà phê này để khi cần tiền hoặc thấy giá cà phê chấp nhận được, nông dân sẽ chốt giá bán cho đại lý bất kỳ lúc nào. Nhưng hơn một tuần nay, khi cần tiền để đầu tư tưới cà phê và tiêu, nông dân đến đại lý để rút tiền thì chỉ nhận được lời hứa suông và có dấu hiệu đại lý chạy nợ, không chịu trả tiền cho người bán. Hiện công an xã Bình Thuận đã nhận được 60 đơn thưa kiện của nông dân.
Ký gửi cà phê là hình thức mua bán cà phê giữa nông dân và các đại lý cà phê ở xã, huyện các tỉnh Tây Nguyên, xuất hiện cách nay chục năm và được xem là phương thức mua bán hay hơn hẳn so với phương thức truyền thống "tiền trao cháo múc" khiến nông dân luôn ở thế yếu khi thu hoạch và bán cà phê.
Ký gửi được xem là "hiện đại" hơn cách mua bán cũ vì các đại lý kinh doanh cà phê cũng lớn dần lên, xây dựng được kho chứa, có vốn lớn để khi cần thì mua một lúc cà phê của nhiều hộ nông dân. Còn nông dân, thay vì thu hoạch và bán ngay cho đại lý như trước với bất kỳ mức giá nào của ngày hôm đó, thì phương thức này cho phép nông dân đưa cà phê tới kho của đại lý, như hình thức tạm trữ và lựa chọn thời gian với giá bán tốt nhất.
Các công ty kinh doanh cà phê có mạng lưới đại lý chân rết ở các huyện, xã cho biết phần lớn nông dân trồng cà phê bài bản, có đầu tư lớn, diện tích nhiều, đều đã thực hiện phương thức ký gửi vì họ không cần kíp phải bán ngay cà phê sau khi thu hoạch như những nông dân nghèo khác.
Chuyện đại lý cà phê vỡ nợ, phải bỏ trốn gây thiệt hại cho nông dân đã từng xảy ra. Năm 2008, hàng chục đại lý kinh doanh cà phê ở Dak Lak vỡ nợ đã bỏ trốn do giá cà phê dù vẫn đang ở mức cao, trên 30.000 đồng/kg song lên xuống thất thường khiến các đại lý nhận gửi cà phê bị lỗ nặng, gây thiệt hại cho nông dân hàng chục tỉ đồng, thậm chí cơ quan pháp luật phải vào cuộc.
Điều đáng quan tâm là khi giá cà phê xuống thấp như hiện nay, đại lý vỡ nợ đã đành thì khi giá lên cao như năm 2008, họ cũng vỡ nợ, bởi hám lời, bán trước cà phê của nông dân ký gửi với giá thấp cho nhà xuất khẩu, tới khi giá lên, nông dân chốt giá bán, đại lý thua lỗ, vỡ nợ.
Trước đó nữa, vào năm 2006 do các đại lý kinh doanh cà phê thật nhưng tham gia chơi cà phê giấy (mua bán cà phê qua mạng với sàn giao dịch London) bị thua lỗ, cũng kéo theo vỡ nợ dây chuyền cho cà phê ký gửi của nông dân.
Nhà nước ra tay
"Các doanh nghiệp đang bắt đầu xúc tiến việc đăng ký tạm trữ cà phê nhằm được vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, việc đăng ký năm nay không nhộn nhịp và có vẻ như các nhà tạm trữ ít được lợi trong đợt này bởi giá lúc này rất khó chịu, cũng không khác việc nông dân gửi kho là mấy. Chưa thấy các tác động tích cực do việc tạm trữ này mang lại". Đây là bình luận của ông Nguyễn Vỹ, nhà phân tích giá cà phê trên trang web www.giacaphe.com
Không phải bây giờ mà nhiều năm trước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng Hiệp hội cà phê Việt Nam (Vicofa) từng có nhiều cuộc họp bàn khắc phục những rủi ro từ phương thức ký gửi cà phê cho đại lý của nông dân, bằng cách doanh nghiệp xuất khẩu nhận ký gửi kết hợp với tạm trữ khi giá cà phê xuống thấp.
Thế nhưng, dường như các doanh nghiệp xuất khẩu hội viên của Vicofa không mấy mặn mà với việc nhận ký gửi, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng có kho tàng, nhân lực hay mạng lưới thu mua cà phê xuống tới huyện xã.
"Làm sao chúng tôi nhận ký gửi trực tiếp của nông dân khi mà công ty có hệ thống đại lý, khi cần hàng chục container xuất khẩu thì gom vài đại lý là có ngay, còn gom cà phê lẻ mẻ của nông dân thì biết chừng nào mới đủ", một doanh nghiệp cà phê ở Buôn Ma Thuột nói.
Cũng tương tự như xuất khẩu gạo, phần lớn các nhà xuất khẩu cà phê hiện nay chỉ là nhà thương mại đơn thuần, tìm khách hàng nhập khẩu, ký hợp đồng và đưa xe container tới đại lý cà phê "đóng hàng'; có nghĩa là các đại lý đảm nhận luôn cả khâu sơ chế, phân loại cà phê theo từng tiêu chuẩn riêng của nhà xuất khẩu.
Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC) ra đời hơn 2 năm nay, trong đó có chức năng nhận cà phê ký gửi và xác nhận để nông dân ký gửi được vay vốn ngân hàng trong thời gian gửi kho. Tuy vậy, trong những tháng đầu niên vụ cà phê 2009-2010, hàng ngày nông dân, đại lý chỉ ký gửi vài chục tấn, chẳng thấm là bao so với hàng trăm ngàn tấn cà phê nhân ở Dak Lak.
Một đại lý kinh doanh cà phê là thành viên của BCEC cho rằng trung tâm này có hệ thống kho lớn nhưng nông dân thu hoạch mỗi lần vài tấn cà phê ở các huyện, xã cách xa trung tâm hàng chục cây số phải thuê xe chở về trung tâm, làm phát sinh chi phí. Thế nên, nông dân gửi cà phê cho đại lý trong thôn, xã vẫn thuận tiện hơn.
Do giá cà phê xuống thấp nên Chính phủ đã đồng ý cho các nhà xuất khẩu cà phê có kho tàng bắt đầu đăng ký tạm trữ 200.000 tấn cà phê nhân vào ngày mai, 5-2 bằng vay vốn có lãi suất ưu đãi, tức 20% sản lượng cà phê thu hoạch trong vụ. Tuy nhiên, chính những doanh nghiệp có khả năng tạm trữ (một hình thức ký gửi) lại công nhận rằng họ chỉ có khả năng tạm trữ cà phê bằng cách gom từ các đại lý lớn của mình, chứ không thể gom cà phê trực tiếp của nông dân.
Vậy là nông dân tiếp tục ký gửi cà phê cho đại lý cùng với những nỗi lo...
-
TS. Bảo Trung 1. Khái niệm giá trị cảm nhận của khách hàng Từ những năm cuối thế kỷ 20 khái niệm “giá trị cảm nhận” đã được các...
-
LÝ THUYẾT CHI PHÍ GIAO DỊCH: ÁP DỤNG VÀO NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG VÀ SỰ LIÊN KẾT DỌC GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN TS. Bảo Trung Lý...
-
LUẬN CỨ KHOA HỌC SẢN XUẤT NÔNG SẢN THEO HỢP ĐỒNG TS. Bảo Trung 1. GIỚI THIỆU Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng ngày càng đóng vai ...