Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010

BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM VỀ SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG VÀ LIÊN KẾT "4 NHÀ"


Kinh nghiệm sản xuất theo hợp đồng và liên kết "4 nhà" ở một số nước
  1. Kinh nghiệm ở Thái Lan

    Mô hình sản xuất theo hợp đồng đầu tiên ở Thái Lan do Tập đoàn CP (Charoen Pokphand) thực hiện. CP bắt đầu ký hợp đồng với nông dân để chăn nuôi gà gia công vào đầu thập niên 1970. Đây là mô hình thành công và được nhân rộng khắp Thái Lan. Đến cuối thập niên 1990, gần 100% hộ chăn nuôi gà ở Thái Lan đều sản xuất gia công cho các doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, CP cũng triển khai nhiều mô hình khác nhưng đều thất bại như giữa thập niên 1980, được sự hỗ trợ của Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp (Bank of Agriculture and Agricultural Cooperatives – BAAC), CP ký hợp đồng nuôi tôm và sản xuất lúa nhưng đều thất bại do nông dân không chấp nhận giá cố định do CP đưa ra. Ngoài ra, các tổ chức của chính phủ, các ngân hàng, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hỗ trợ tích cực việc thực hiện sản xuất theo hợp đồng, nên mô hình sản xuất theo hợp đồng đã lan tỏa sang nhiều sản phẩm khác như đường, rau quả. Hiện nay, sản xuất rau an toàn theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để xuất khẩu sang Hà Lan và Nhật Bản đều dưới hình thức sản xuất theo hợp đồng [6].
    Việc sản xuất theo hợp đồng ở Thái Lan phần lớn xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp chế biến. Cấu trúc sản xuất theo hợp đồng của Thái Lan chủ yếu theo mô hình tập trung, giữa một bên là doanh nghiệp chế biến và một bên là các trang trại. Trong mô hình này người nông dân chủ yếu sản xuất gia công cho doanh nghiệp chế biến. Các doanh nghiệp chế biến đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, cung cấp đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và kiểm soát chất lượng. Mô hình này được Công ty CP áp dụng đầu tiên ở Thái Lan. Năm 1985 Công ty Frito-lay International Co., Ltd. (một công ty con của Pepsi Cola) mở rộng thị trường khoai tây chiên (Potato chips) ở Thái Lan nên họ cũng đẩy mạnh việc sản xuất khoai tây theo hợp đồng. Công ty Frito-lay cũng cung cấp giống, kỹ thuật, đầu vào và nhận lại sản phẩm từ nông dân. Hiện nay 4 nhà chế biến khoai tây chiên lớn ở Thái Lan (Frito-lay, Testo, Kob và Pringle) đều thực hiện sản xuất theo hợp đồng với nông dân.
    Năm 1995, Frito-Lay mua lại Công ty TNHH Trang trại NS (NS Farm Co., Ltd) của Tập đoàn United Foods ở San Sai. Họ tiếp nhận các nhóm nông dân của NS Farm và thành lập thêm nhóm nông dân khác để thực hiện sản xuất theo hợp đồng dưới mô hình trang trại hạt nhân [8]. Mô hình trang trại hạt nhân cũng phổ biến ở các doanh nghiệp kinh doanh trang trại ở Thái Lan như Công ty CP trong sản xuất giống lúa và bắp; Euro Asian Seeds Co. Ltd., Saha Farm Co. Ltd. [1], [8].
    Hợp đồng miệng giữa nông dân và người mua gom, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp ở địa phương cũng khá phổ biến ở Thái Lan. Nông dân trồng rau, hoa ở Đông Bắc Thái Lan chủ yếu dựa trên thỏa thuận miệng với người mua để thực hiện sản xuất.
    Đối với mô hình trung gian, hai công ty chế biến rau quả ở Miền Bắc Thái Lan ký hợp đồng trực tiếp với người mua gom và mỗi người mua gom chịu trách nhiệm giám sát 200-250 nông dân và được hưởng hoa hồng [2].
    Để phát triển hình thức sản xuất theo hợp đồng, nhiều tổ chức của nhà nước đã tham gia vào xúc tiến việc sản xuất theo hợp đồng như Ủy ban Đầu tư (BOI- Board of Investment), Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDB – National Economic and Social Development Board),… Tuy nhiên, có hai tổ chức hỗ trợ phát triển mạnh sản xuất theo hợp đồng là Cục khuyến nông (DOAE – Department of Agricultural Extension) thuộc Bộ Nông nghiệp và HTX và BAAC thuộc Bộ Tài chính. Hai cơ quan này xúc tiến phát triển mô hình lồng ghép giữa mô hình đa chủ thể, mô hình trung gian và mô hình phi chính thức. Để đảm bảo công bằng cho các bên, năm 1999, Cục Nội thương đã ban hành quy định về các điều khoản trong thỏa thuận sản xuất theo hợp đồng.
    Theo kinh nghiệm của Thái Lan, sản xuất theo hợp đồng – mô hình tập trung chỉ thực hiện đối với sản phẩm có yêu cầu về chất lượng cao và sản phẩm có tính độc quyền của người mua. Mô hình trang trại hạt nhân cũng giống như mô hình tập trung. Mô hình phi chính thức, mô hình đa chủ thể và mô hình trung gian là những mô hình phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp phân tán, lạc hậu; việc kinh doanh những sản phẩm này không có tính chuyên biệt hóa. Đối với mô hình đa thành phần, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, phối hợp, tín dụng và khuyến nông.
  2. Kinh nghiệm ở Trung Quốc

    Sản xuất theo hợp đồng là hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản khá mới ở Trung Quốc. Trong chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích sản xuất theo hợp đồng nhằm mục đích giúp cho ngành sản xuất nông nghiệp thu được nhiều lợi nhuận và có sức cạnh tranh. Sản xuất theo hợp đồng được xem là hình thức hiệu quả để liên kết nông dân sản xuất nhỏ với các doanh nghiệp chế biến lớn. Chính quyền địa phương cũng nhận thấy tiềm năng của sản xuất theo hợp đồng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho trang trại. Do đó, chính quyền địa phương thực hiện nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế nếu thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, diện tích trồng trọt thực hiện sản xuất theo hợp đồng năm 2001 là 18,6 triệu ha, tăng 40% so năm 2000 [3].
    Sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc theo các hình thức: hợp đồng trực tiếp giữa nông dân và "doanh nghiệp đầu rồng" (Dragon-head-firms)(), giữa nông dân và người mua gom; giữa nông dân và chính quyền địa phương và một số hình thức khác.
    Bảng 1: Tỷ lệ sản xuất theo hợp đồng theo các hình thức tổ chức ở Trung Quốc năm 1996, 1998 và 2000
    STT
    Hình thức tổ chức
    1996
    1998
    2000
    1
    Doanh nghiệp đầu rồng
    45,51
    49,83
    41,0
    2
    Người mua gom trung gian
    28,62
    26,44
    33,0
    3
    Chính quyền địa phương
    12,26
    15,88
    12,0
    4
    Khác
    13,61
    7,85
    14,0
    Nguồn: Guo Hongdong, Jolly Robert W., Zhu Jianhua (2005) [3].
    Để thúc đẩy sản xuất theo hợp đồng, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn và chỉ định các doanh nghiệp trung ương hoặc địa phương có tiềm lực kinh tế, quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân. Ủy ban phối hợp phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp quốc gia (The National Agricultural Industrialisation Development Joint Committee) đưa ra tiêu chuẩn và giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp này. Nhờ đó việc sản xuất theo hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, hình thức hợp đồng giữa nông dân và người mua gom trung gian cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Các hình thức khác là tổ chức hợp tác của nông dân (Village cooperative organization) và HTX.
    Sản xuất theo hợp đồng giữa nông dân với người mua gom trung gian, chính quyền địa phương, tổ chức hợp tác và HTX chủ yếu là hợp đồng miệng. Giá cả thỏa thuận có 3 hình thức: giá cố định, giá sàn và giá theo thị trường. Các ngành hàng thực hiện sản xuất theo hợp đồng là chế biến rau, chế biến thịt, nuôi trồng thủy sản, chế biến dầu ăn, tơ tằm, bông vải, nấm và sữa. Tuy nhiên tỷ lệ ký hợp đồng nhiều nhất là ngành chế biến thịt, nuôi trồng thủy sản và chế biến sữa [5].
    Nhìn chung, sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc thực hiện nhờ vào chính sách công nghiệp hóa nông nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng sản xuất theo hợp đồng nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia sản xuất theo hợp đồng. Sản xuất theo hợp đồng thành công còn tùy thuộc vào loại sản phẩm. Các sản phẩm đòi hỏi chế biến ngay và yêu cầu vệ sinh thực phẩm dễ dàng thực hiện sản xuất theo hợp đồng hơn những sản phẩm khác.
    1. Kinh nghiệm Hoa Kỳ

    Sản xuất theo hợp đồng xuất hiện ở Hoa Kỳ từ rất sớm và đây cũng là nền tảng phát triển giao dịch giao sau. Trước khi hình thành Sở giao dịch hàng hóa Chicago thì những nông dân ở Chicago đã áp dụng sản xuất theo hợp đồng đối với mặt hàng lúa mỳ và bắp. Sản xuất theo hợp đồng (contract farming/production contract) ngày càng phổ biến ở Hoa Kỳ. Năm 1969, sản xuất theo hợp đồng chỉ chiếm 11% tổng giá trị sản xuất; năm 1991, 28%; năm 2001, 36% và đến năm 2003 tăng lên 39% [4]. Sản xuất theo hợp đồng chủ yếu là hợp đồng trực tiếp giữa trang trại và nhà chế biến (processor). Ở Hoa Kỳ cũng có mô hình hợp đồng giữa trang trại và HTX, nhưng HTX của Hoa Kỳ thực hiện chức năng chế biến và tiêu thụ trực tiếp, không phải là chủ thể trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân. HTX đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản. Năm 1998, HTX tiêu thụ 86% giá trị sản xuất của trang trại đối với sản phẩm sữa; 41% bông vải; 40% ngũ cốc và hạt có dầu và 20% rau quả [7]. Đối với trang trại lớn sản xuất hàng hóa thì tỷ trọng trang trại ký hợp đồng trên tổng số trang trại năm 2001 chiếm 41,7% và năm 2003 chiếm 46,7%. Đối với trang trại có quy mô doanh số hơn 1 triệu USD, tỷ trọng trang trại ký hợp đồng là 64,2% (2003) và giá trị sản xuất 53,4% (2003). Tỷ trọng giá trị sản xuất theo loại hợp đồng và loại hàng hóa có khác nhau. Ví dụ, ngành chăn nuôi gia cầm và trứng, giá trị sản phẩm được sản xuất theo hợp đồng chiếm 87,2% (2003) trong tổng giá trị sản xuất của ngành, nhưng ngành rau củ thấp nhất chỉ chiếm 1,1% (2003).
    Khác với nhiều quốc gia đang phát triển, việc sản xuất theo hợp đồng đều do người mua và người bán quyết định theo cơ chế thị trường. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ để người mua và người bán ký kết hợp đồng.
    Mặc dù thị trường nông sản dựa trên giao dịch giao ngay còn chiếm tỷ lệ đáng kể khoảng 50% giá trị sản xuất nông nghiệp nhưng xu hướng sản xuất theo hợp đồng ở Hoa Kỳ đang tăng lên. Kết cấu hạ tầng giao thông đã quyết định sự thay đổi của hệ thống phân phối thúc đẩy chuyển giao dịch giao ngay sang sản xuất theo hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm. Các tập đoàn bán lẻ xây dựng các "siêu trung tâm" (supercenter) cũng thúc đẩy việc sản xuất theo hợp đồng. Ngoài ra, quy mô trang trại và nhà máy chế biến lớn nên các nhà sản xuất và chế biến phải thực hiện sản xuất theo hợp đồng để đảm bảo nông sản sản xuất ra tiêu thụ được và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến.
  3. Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

    Bài học thứ nhất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân quyết định sự thành công của hình thức sản xuất theo hợp đồng.
    Do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nên dù trang trại lớn như Hoa Kỳ thì nông sản cũng do rất nhiều chủ thể sản xuất để cung ứng cho một chủ thể chế biến, tiêu thụ. Kinh nghiệm các nước cho chúng ta thấy sản xuất theo hợp đồng chỉ có thể thành công khi các doanh nghiệp đủ khả năng tiêu thụ hết nông sản cho nông dân. Họ đóng vai trò hạt nhân trong mối quan hệ với nhà nước, các tổ chức tín dụng, nhà khoa học và nhà sản xuất. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản nên họ định hướng cho người sản xuất quyết định sản xuất nông sản nào, chất lượng ra sao và sản xuất như thế nào để có hiệu quả.
    Bài học thứ hai, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy trong nền sản xuất nông nghiệp phân tán, lạc hậu.
    Ở các nước đang phát triển vai trò nhà nước quan trọng hơn các nước phát triển. Ở Hoa Kỳ, pháp luật về hợp đồng hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng. Nhà nước không có bất kỳ chính sách nào khuyến khích hoặc hỗ trợ để trang trại hoặc doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Đạo luật nông nghiệp năm 2002 của Hoa Kỳ chỉ quy định hợp đồng với chính phủ nhằm bảo hộ cho người sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hình thức sản xuất theo hợp đồng cũng được phát triển ở Hoa Kỳ và việc sản xuất theo hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện giữa nông dân và doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì các trang trại sản xuất hàng hóa lớn cần phải có người tiêu thụ ổn định và doanh nghiệp chế biến cần có nguồn nguyên liệu ổn định. Do đó vì lợi ích hai bên mà sản xuất theo hợp đồng phát triển. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và Thái Lan, vai trò nhà nước rất quan trọng trong việc sản xuất theo hợp đồng. Ở Thái Lan nhà nước hỗ trợ cho nông dân về tín dụng và khuyến nông và hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn kém phát triển, nông dân sản xuất hàng hóa chưa nhiều nên họ dễ dàng bán trên thị trường, còn doanh nghiệp nếu ký kết từng hộ nông dân sản xuất nhỏ thì sẽ làm chi phí giao dịch gia tăng nên không hấp dẫn họ thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Trường hợp ở Trung Quốc, chính mô hình "Dragon-head firms" do chính phủ khởi xướng đã thúc đẩy mô hình sản xuất theo hợp đồng.
    Ở Việt Nam, nền sản xuất nông nghiệp phân tán lạc hậu hơn cả Thái Lan và Trung Quốc thì đây là bài học mà chúng ta cần vận dụng để thực hiện sản xuất theo hợp đồng.
    Bài học thứ ba, sự thành công của các mô hình sản xuất theo hợp đồng tùy thuộc vào những điều kiện vật chất nhất định và đặc điểm của chủng loại hàng hóa.
    Không có mô hình sản xuất theo hợp đồng nào phù hợp cho tất cả. Kinh nghiệm sản xuất theo hợp đồng của Tập đoàn CP là một bài học có giá trị. CP rất thành công trong mô hình chăn nuôi gia công, nhưng thất bại khi áp dụng cho lúa và tôm. Nguyên nhân ở đây là do CP có đủ tiềm lực trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chế biến và xuất khẩu gia cầm nhưng không đủ tiềm lực để cho lúa và tôm. Đối với các ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi heo thường mức độ sản xuất theo hợp đồng thành công hơn. Ví dụ, ở Hoa Kỳ trừ những trang trại có cơ sở giết mổ, chế biến còn lại gần như 100% các trang trại chăn nuôi heo đều sản xuất theo hợp đồng [5]. Điều này cũng dễ hiểu là vì đầu tư cho trang trại chăn nuôi heo đòi hỏi vốn lớn cho nên để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ được, các trang trại ở Hoa Kỳ phải tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến để thỏa thuận hợp đồng trước. Các mô hình tập trung của hình thức sản xuất theo hợp đồng vừa nêu chỉ thành công khi quan hệ hợp đồng có liên quan đến "tính đặc thù về tài sản" (asset specificity).
    Sản xuất theo hợp đồng – mô hình trung gian, kết hợp quan hệ hợp đồng chính thức và phi chính thức như ở Thái Lan và Trung Quốc là mô hình phù hợp trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phân tán, lạc hậu. Những người trung gian như HTX, người mua gom, ngay cả doanh nghiệp thương mại ở địa phương chính là lực lượng quan trọng làm cầu nối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Mối quan hệ hợp đồng giữa người trung gian và nông dân chỉ là hợp đồng miệng vì trình độ của nông dân thấp và sản xuất ở quy mô nhỏ. Người trung gian làm đại lý cho doanh nghiệp trong việc mua gom nông sản từ nông dân và hưởng hoa hồng cho công việc do doanh nghiệp ủy thác. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì mô hình này là bài học kinh nghiệm để vận dụng.
    Tài liệu tham khảo
    1. Delforge, Isabelle (2007), Contract Farming in Thailand: A view from the farm, Global South CUSRI, Chulalongkorn University, Thailand.
    2. Eaton, Charles and Andrew W. Shepherd (2001), Contract Farming Parnership for Growth, FAO Agricultural Services Bullentin 145.
    3. Guo, Hongdong, Robert W. Jolly and Jianhua Zhu (2005), "Contract Farming in China: Supply Chain or Ball and Chain?", Presented at Minnesota International Economic Development Conference, University of Minnesota, April 29-30, 2005, [www.ifama.org/conferences/2005Conference/Papers&Discussions/1151_Paper_Final.pdf].
    4. McDonald, James và Penni Korb (2003), Agricultural contracting update contracts in 2003, USDA.
    5. Pan, Chenjun and Jean Kinsey (2002), The supply chain of pork : U.S. and China, The Food Industry Center, University of Minnesota, USA.
    6. Singh, Sukhpal (2005), "Role of State in Contract Farming in Thailand – Experience and Lessons", ASEAN Economic Bullentin 22 (2).
    7. Warman, Marc and L. Kennedy Tracey (1998), "Agricultural marketing Cooperatives", Rural business cooperative service, USDA, [www.rurdev.usda.gov/rbs/pub/cir4515.pdf].
    8. Wimonkan Kosumas (2006), "Thailand's potato industry: highlights on contract farming", Workshop on promoting the participation of SMEs from the Greater Mekong Subregion in global and regional potato value chains, Union of Myanmar, July 5, 2006.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM