Tiến sĩ Kinh tế ngành QTKD, Giảng viên cơ hữu Đại học Tài chính - Marketing và Giảng viên thỉnh giảng các trường Đại học phía Nam
Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010
Doanh nghiệp và hàng xáo: "liên" nhưng chưa "kết"
Hồ Hùng
Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thứ Năm, 23/9/2010, 10:05 (GMT+7)
(TBKTSG) - Vai trò của hàng xáo đã được nhìn nhận, nhưng để họ phát huy tốt vai trò và đảm bảo tính liên kết với doanh nghiệp, vẫn còn nhiều chuyện phải làm.
Doanh nghiệp bắt tay hàng xáo
"Chúng tôi đã hơi mát dạ vì đã được "tôn vinh". Chứ trước đây, khi tiêu thụ thuận lợi thì không ai nhắc gì đến, nhưng hễ giá xuống là lại râm ran nói do hàng xáo ép giá", ông Đoàn Hữu Gặp, một hàng xáo ở tỉnh Tiền Giang, nói vậy tại cuộc họp sơ kết "Tổ chức thí điểm mô hình tổ chức hàng xáo liên kết với doanh nghiệp kinh doanh lương thực", do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại An Giang đầu tuần này.
Ông Gặp nói: "Thực ra hàng xáo làm sao ép giá! Thông tin giờ đây đầy khắp, giá lên buổi sáng thì trễ lắm buổi trưa nông dân đã hay. Chỉ có tụi tui bị "bẻ chỉa" thì có". Và ông kể, không ít lần đi mua lúa, đến tận nhà nông dân bỏ tiền đặt cọc, nhưng ngay sau đó giá nhóng lên thì nông dân làm eo liền, thậm chí không bán. "Họ nói, vợ tui không chịu rồi chú ơi! Nhà kế bên mới bán lúa cao hơn 50 đồng/ki lô gam kìa. Chú làm ơn nhận tiền đặt cọc lại dùm. Nghe vậy, đành thua!", ông Gặp dẫn chứng.
Một hàng xáo khác ở An Giang cũng thừa nhận, chuyện bị nông dân bẻ kèo xảy ra như cơm bữa. Đó cũng là lời giải thích không phải hàng xáo nào cũng cố tình ém lúa gạo, khi nhiều doanh nghiệp tổ chức thí điểm mô hình liên kết với hàng xáo đã ca thán khi giá lúa lên thì hàng xáo không giao hoặc giao không đủ số lượng lúa, gạo theo thỏa thuận, nhằm chờ giá nhóng tiếp.
Từ tháng 3-2010 đến nay, đã có 15 doanh nghiệp thành viên của VFA tổ chức thí điểm việc liên kết với hàng xáo và nhà máy xay xát. Theo đó, đã có tổng cộng 1.426 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tham gia ký kết biên bản thỏa thuận mua bán lúa gạo cho doanh nghiệp.
Phía doanh nghiệp cung cấp thông tin thị trường, giá cả và chủng loại, phẩm chất, thời gian giao hàng, còn hàng xáo có trách nhiệm cung ứng theo hình thức mua đứt bán đoạn, giao hàng đến đâu trả tiền đến đó. Ngoài ra, để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, hàng xáo cũng phải có bảng kê mua lúa của nông dân để doanh nghiệp có thể kiểm tra giá mua khi cần thiết.
Đại diện một số doanh nghiệp tham gia thí điểm thừa nhận, khi bắt tay với hàng xáo thì nguồn nguyên liệu chủ động hơn, chất lượng lúa gạo có cải thiện nhờ hàng xáo làm thay nông dân việc gom trữ và sấy, đồng thời thông tin mùa vụ, giống lúa cũng được cập nhật nhanh nhờ hàng xáo... Do doanh nghiệp cam kết giữ giá mua từ 3-7 ngày dù giá có hạ, còn nếu giá tăng thì sẽ nâng theo, nên phía hàng xáo cũng được đảm bảo lợi nhuận, thoát cảnh hồi hộp ngóng giá như trước đây.
Như vậy, nhiều hàng xáo đã tránh được những ánh mắt thiếu thiện cảm thời gian qua, thậm chí có ý kiến đòi dẹp bỏ lực lượng này để doanh nghiệp tự mua trực tiếp của nông dân. Chính ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cũng thừa nhận: "Các nước như Thái Lan, Pakistan... cũng sử dụng hàng xáo làm vệ tinh mua lúa gạo. Ở Thái Lan, hiện 80% lúa gạo mua được của nông dân là nhờ hàng xáo". Còn tại Việt Nam, vai trò quan trọng và cần thiết của hàng xáo trong lưu thông phân phối lúa gạo cũng đã được nhìn nhận, khi ước tính khoảng 90% sản lượng lúa hàng hóa của nông dân tiêu thụ được là nhờ họ.
Nên tính chuyện lâu dài
Tuy vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, thời gian thực hiện thí điểm đã cho thấy mối gắn kết này còn nhiều lỏng lẻo. Giá mua của nông dân, doanh nghiệp khó kiểm tra bởi không có chức năng, không có chứng từ với nông dân và cự ly mua lúa tại nhiều ruộng cũng khác nhau nên rất khó hạch toán. Nhiều hàng xáo không tôn trọng thỏa thuận, nhất là khi giá lên, mục đích chính là ghim hàng hoặc giao nhiều nơi để hưởng chênh lệch, khiến doanh nghiệp nhiều phen lúng túng.
"Do tính pháp lý của biên bản thỏa thuận và phiếu đăng ký không chặt chẽ như các hợp đồng kinh tế thông thường nên không thể chế tài...", ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Sông Hậu, phân tích.
Nhưng theo ông Trượng, nếu triển khai ký hợp đồng lại khó khả thi. Bởi hợp đồng phải có số liệu hàng hóa cụ thể, giá tiền... và tất nhiên hàng xáo sẽ phải nộp thuế. "Nếu hàng xáo không nộp thuế, buộc doanh nghiệp phải đóng nên cả hai phía đều e dè với chuyện hợp đồng", ông nói.
Ngoài ra, quy định khi thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp phải chuyển khoản cho hàng xáo, vốn ít ai có tài khoản ngân hàng, cũng là một trở ngại. "Tụi tui ở suốt ngoài đồng, chẳng lẽ phải chạy ra Cao Lãnh (Đồng Tháp) rút tiền? Lúc có tiền trở về, lúa có còn không mà mua?", ông Gặp nói.
Và theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó phòng Kế hoạch kinh doanh-Xuất nhập khẩu, Công ty Lương thực Tiền Giang, nếu chuyển khoản thì hàng xáo buộc phải có hóa đơn, tức phải nộp 5% thuế giá trị gia tăng. "Tụi tui đâu có điểm kinh doanh mà "nước sông gạo chợ" là chính. Vậy làm sao có hóa đơn? Còn nếu đến cơ quan thuế liên hệ xin hóa đơn, phải chịu 5% thuế, sẽ đẩy giá thành lên", ông Gặp nói thêm.
Do đó, VFA kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ điều chỉnh việc thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với hàng xáo cũng như hình thức thanh toán sao cho tiện lợi. Bởi nếu duy trì những quy định hiện nay, cả hai phía khó lòng ngồi với nhau ký kết hợp đồng với những điều khoản, chế tài cụ thể, nhằm tránh tình trạng "bẻ kèo" vẫn xảy ra trong thời gian qua. Phía doanh nghiệp, do chỉ với hợp đồng "miệng", nên cũng không cách nào ứng vốn cho hàng xáo, dù biết họ chỉ lấy công làm lời, vốn ít, không thể đáp ứng mỗi khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về lúa, gạo.
Ông Trượng đề xuất thêm, nên nghiên cứu áp dụng hình thức mỗi hàng xáo chỉ giao dịch với một doanh nghiệp và phân chia địa bàn cụ thể, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng. Bởi thị trường lúa gạo luôn biến động, giá cả bất ổn, khi giá xuống doanh nghiệp vẫn chấp nhận rủi ro để giữ giá mua cho hàng xáo, nhưng nếu giá lên thì không cách nào "kìm" hàng xáo bán hàng cho mình.
Nhưng đây cũng là một trở ngại chưa có cách giải quyết, vì như vậy khó tránh tình trạng doanh nghiệp ép lại chính hàng xáo. Như đại diện Công ty Nông súc sản An Giang thừa nhận rằng, việc hàng xáo phá vỡ cam kết trong thời gian qua một phần cũng do chính doanh nghiệp, khi mỗi doanh nghiệp quy định khác nhau về ẩm độ, tỷ lệ tấm, thời gian thanh toán... nên khó trách hàng xáo đem nơi khác bán để có lợi hơn.
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)
-
TS. Bảo Trung 1. Khái niệm giá trị cảm nhận của khách hàng Từ những năm cuối thế kỷ 20 khái niệm “giá trị cảm nhận” đã được các...
-
LÝ THUYẾT CHI PHÍ GIAO DỊCH: ÁP DỤNG VÀO NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG VÀ SỰ LIÊN KẾT DỌC GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN TS. Bảo Trung Lý...
-
LUẬN CỨ KHOA HỌC SẢN XUẤT NÔNG SẢN THEO HỢP ĐỒNG TS. Bảo Trung 1. GIỚI THIỆU Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng ngày càng đóng vai ...