Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2007

Chính sách đất đai

MỘT SỐ GIẢI PHÁP VỀ CHÍNH SÁCH ĐẤT ĐAI NHẰM THÚC ĐẨY QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP
ThS. Bảo Trung

Đất đai là tư liệu sản xuất chủ yếu của sản xuất nông nghiệp. Để nông nghiệp có thể phát triển được đòi hỏi nhà nước cần có chính sách đất đai phù hợp. Nông nghiệp nước ta trong thời gian qua đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể tuy nhiên do đất đai phân tán manh mún và chính sách đất đai còn nhiều bất cập nên việc phát triển còn một số hạn chế. Ví dụ như sản xuất theo hợp đồng sẽ khó thực hiện nếu mỗi nông dân chỉ có mãnh đất nhỏ. Các nhà máy chế biến sẽ khó hoạt động khi không có vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa lớn… Chính vì vậy, để nông nghiệp phát triển, Việt nam cần phải thay đổi một số chính sách đất đai. Bài viết này đề xuất một số giải pháp về chính sách đất đai nhằm thúc đẩy nông nghiệp phát triển như sau:

1. Chính sách thúc đẩy quá trình tích tụ và tập trung đất đai.
Nhà nước cần xây dựng một chính sách đất đai hợp lý để đảm bảo người chủ trang trại đạt được 2 chỉ tiêu sử dụng đất là chỉ tiêu quy mô sử dụng đất đai tối ưu và chỉ tiêu quy mô đất đai có thể làm giàu được.
Đối với chỉ tiêu quy mô đất đai tối ưu, nhà nước cần có chính sách đảm bảo cho những người kinh doanh giỏi, có đủ điều kiện cơ sở vật chất sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai. Tuy nhiên điều này không có nghĩa quy mô càng lớn càng tốt. Theo nghiên cứu của Lau và Yotopoulos (1971), “họ đã so sánh hiệu quả sản xuất của nông trại nhỏ (dưới 10 mẫu Anh # 4 ha) với những nông trại quy mô lớn ở An Độ vào thời kỳ 1955-1957. Họ chứng minh rằng nông trại nhỏ đạt hiệu quả kinh tế hơn nông trại lớn nhưng có cùng hiệu quả phân phối như nhau. Vậy điều thuận lợi của nông trại nhỏ là hiệu quả kỹ thuật lớn hơn”[1]. Hiệu quả kỹ thuật lớn hơn có nghĩa là nông trại nhỏ sử dụng đầu vào tối ưu. Điều này cũng đúng với quan điểm quản lý hiện đại “Small is beautiful” (nhỏ thì đẹp).
Đối với chỉ tiêu quy mô đất đai có thể làm giàu của trang trại, nhà nước cần có chính sách hợp lý để các hộ nông dân với diện tích đất đai nhỏ có khả năng tích tụ ruộng đất đảm bảo đạt được quy mô tối thiểu. Nông dân Việt Nam còn nghèo chính là do đất đai quá ít. “Hiện nay, bình quân diện tích đất canh tác của một lao động nông nghiệp ở châu Au là 17 ha, châu Mỹ khoảng 45-50 ha, khu vực châu Á-Thái Bình Dương khoảng 4-4,5 ha, trong khi đó ở nước ta chỉ khoảng 0,3 ha”[2]. Với diện tích 0,3 ha/lao động, người nông dân không thể làm đủ ăn, chứ không nói đến chuyện là giàu được. Điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách đất đai nông nghiệp phải thay đổi nhận thức về vấn đề “người cày có ruộng”.
Để trang trại có thể đạt được hai chỉ tiêu nói trên, Nhà nước cần phải hoàn thiện chính sách đất đai nhằm thúc đẩy quá trình tập trung và tích tụ đất đai. Một số biện pháp cụ thể như sau:
Thứ nhất, tạo điều kiện cho thị trường đất đai được hoạt động thuận lợi. Thị trường đất đai là rất cần thiết. Nó giúp cho chủ trang trại vượt qua những khó khăn về sự phân tán đất đai và tối ưu hóa quy mô trang trại. Thực tiễn quá trình phát triển của nhiều nước trên thế giới bao giờ cũng diễn ra quá trình tập trung và tích tụ ruộng đất. Một số ý kiến cho rằng quá trình tích tụ và tập trung đất đai có thể dẫn đến tình trạng một số nông dân bị mất đất và nghèo đói, nhưng điều này không mấy thuyết phục. Theo nghiên cứu 6.000 hộ nông dân của Nicholas Minott và cộng sự năm 2003 chỉ ra rằng tỷ lệ diện tích đất nông nghiệp lại có quan hệ thuận với tỷ lệ nghèo đói. Kết quả này đã chứng tỏ rằng không phải tất cả nông dân không đất là nghèo. “Khoảng 20% số nông dân không đất ở ĐBSCL đã chủ động nhượng đất cho các hộ khác để đi làm thuê hày làm ngành nghề, dịch vụ phi nông nghiệp” [3]. Nếu thị trường đất đai nông nghiệp hoạt động thuận lợi thì số người bán đất để làm thuê hoặc sinh sống bằng nghề khác gia tăng. Điều này sẽ tạo điều kiện cho một số chủ trang trại giải quyết bài toán đất đai cho mình. Lúc này giá đất sẽ phản ánh đúng giá trị đất, người chủ trang trại buộc lòng phải sử dụng đất nông nghiệp làm sao mang lại hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, phải giải quyết bài toán nhập nhằng giữa “Giao đất không thu tiền sử dụng đất”, “Giao đất có thu tiền sử dụng đất” và “Cho thuê đất” (Điều 33, Điều 34, Điều 35, Luật Đất Đai năm 2004). Mặc dù chính sách này đã có nhiều tiến bộ hơn trước nhưng thực tế rất khó kiểm soát được sự rạch ròi giữa 3 hình thức này.

2. Xây dựng tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân được giao đất, thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và thừa kế đất nông nghiệp
Nhà nước cần xác định tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân đủ điều kiện được giao đất, cho thuê đất, chuyển quyền sử dụng đất và thừa kế đất đai nông nghiệp. Tiêu chuẩn này cần phải căn cứ vào năng lực của người được giao, thuê đất được nhận chuyển quyền sử dụng đất và thừa kế đất nông nghiệp. Người này phải có đủ kiến thức về kỹ thuật nông nghiệp và quản lý nông nghiệp. Trong trường hợp thừa kế đất đai nếu người được thừa kế không đủ tiêu chuẩn làm nông nghiệp thì tiến hành bán đấu giá đất nông nghiệp và sau khi nộp các khoản thuế và phí theo quy định, số tiền còn lại được giao lại cho người được thừa kế. Trong trường hợp các thành viên trong gia đình đều đủ điều kiện thừa kế đất đai nông nghiệp, nhưng do diện tích nếu chia ra sẽ thấp hơn quy mô đất đai có thể làm giàu của trang trại thì nhà nước có chính sách khuyến khích giao cho một người quản lý, còn những người khác nhà nước sẽ giao đất nơi khác để canh tác.
Nhà nước cần xây dựng chính sách khuyến khích những thanh niên trẻ có đủ năng lực nhận đất hoặc thuê đất để tổ chức sản xuất nông nghiệp. Nhà nước cần hạn chế dần việc giao đất, cho thuê đất đối với cán bộ về hưu, người lớn tuổi.
3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp phải xuất phát từ tín hiệu của thị trường
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp có vai trò rất quan trọng trong việc hoạch định chính sách quản lý sử dụng đất, là công cụ không thể thiếu trong công tác quản lý sử dụng đất nông nghiệp, bảo đảm cho quyền quản lý của Nhà nước không ảnh hưởng đến quyền tự chủ bố trí sản xuất của người sử dụng, tránh được tình trạng phát triển tự phát gây hậu quả xấu trong sử dụng đất, vừa khó khắc phục những thiệt hại lớn về kinh tế cho xã hội. Thời gian qua chúng ta quy hoạch rất nhiều vùng đất trồng lúa nhưng việc trồng lúa không mang lại hiệu quả cho người nông dân. Ở một số nơi HTX kiểu cũ phát triển khá mạnh trong giai đoạn trước như tỉnh Bình Định, Khánh Hòa (theo điều tra thực tế của tác giả năm 2003) việc lựa chọn cây trồng, vật nuôi thường do HTX hoặc phòng Nông nghiệp huyện quyết định để đạt được mục tiêu sản xuất do bên trên xác định. Điều này không kích thích nông dân và hạn chế nỗ lực của họ trong tối đa hóa mục tiêu của họ phù hợp với nhu cầu, khả năng kinh tế – xã hội và nhu cầu thị trường. Những lựa chọn cây trồng, vật nuôi do người ngoài quyết định sẽ có thể dẫn đến rủi ro về thị trường. Nếu nhà nước cứng nhắc trong việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì việc sử dụng đất đai sẽ không mang lại hiệu quả cho người chủ trang trại. Trong mục 2 và 3, điều 21 “Nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất” của Luật Đất Đai năm 2004 có nêu :
“Việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
2. … , quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp dưới phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên; kế hoạch sử dụng đất phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, xét duyệt;
3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp trên phải thể hiện nhu cầu sử dụng đất của cấp dưới;”
Hai mục nêu trên khi đưa vào thực tế có thể xảy ra tình trạng quy hoạch, kế hoạch của cấp trên làm trước, sau đó buộc cấp dưới phải cho rằng nó thể hiện nhu cầu của mình.
Ngoài ra trong Luật Đất Đai năm 2004, từ Điều 21 đến Điều 30, còn nêu các vấn đề khác như căn cứ, nội dung, kỳ hạn, điều chỉnh và việc phân cấp lập, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, nhưng vẫn chưa rõ xuất phát điểm của việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là từ tín hiệu thị trường. Vấn đề quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, đặc biệt đất nông nghiệp là vấn đề khó khăn, đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó có nông dân. Việc quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp chỉ nên mang tính định hướng, mang tính chiến lược và phải được làm từ dưới lên thay vì làm từ trên xuống.
Tóm lại, chính sách đất đai cần phải điều chỉnh cho phù hợp để thúc đẩy nông nghiệp phát triển. Chính sách này cần phải thúc đẩy được quá trình tích tụ và tập trung đất đai. Đất đai cần phải giao cho những người có khả năng khai thác hiệu quả nhất và việc quy hoạch đất đai phải xuất phát từ tín hiệu thị trường.



[1] David Colman và Trevor Young, Nguyên lý kinh tế nông nghiệp, Nhà Xuất bản Nông nghiệp, Hà Nội, 1994, trang 67
[2] PGS.TS Hoàng Việt, Vấn đề sở hữu ruộng đất trong nền kinh tế thị trường nhiều thành phần ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, 1999, trang 76.
[3] PGS. TS. Đỗ Kim Chung, Tài nguyên đất nông thôn và vấn đề nghèo đói ở Việt Nam, Hội thảo về Chính sách đất đai và Phát triển nông nghiệp Việt Nam, 25-26/2/2004.

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM