Thứ Tư, 7 tháng 11, 2007

Phương pháp xác định hiệu quả kinh tế


PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH HIỆU QUẢ KINH TẾ (HQKT)

CỦA CÁC MÔ HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

TS. Phạm Xuân Giang


1. Sự lúng túng của học viên trong việc xác định HQKT của các mô hình sản xuất nông nghiệp ( và cả mô hình VAC)

Gần đây có khá nhiều học viên thực hiện đề tài tốt nghiệp với nội dung xác định HQKT của các mô hình sản xuất nông nghiệp (và cả mô hình VAC). Mục đích chính của loại đề tài này là làm sao xác định được một vài mô hình có hiệu quả cao cho từng vùng sinh thái cụ thể để từ đó khuyến cáo người dân áp dụng. Điều tự nhiên khi thực hiện đề tài là học viên phải biết có bao nhiêu mô hình trong vùng nghiên cứu. Sau đó, họ phải thu thập được số liệu để tính các chỉ tiêu phản ánh HQKT của từng mô hình. Các công việc này đã được học viên thực hiện khá tốt. Tuy vậy, học viên lại rất lúng túng trong việc đánh giá HQKT của các mô hình. Bởi, để đánh giá HQKT của các mô hình phải sử dụng một hệ thống chỉ tiêu và phải so sánh lần lượt từng chỉ tiêu của các mô hình với nhau. Điều đó chắc chắn dẫn đến việc là mô hình này có chỉ tiêu tốt hơn lại có chỉ tiêu xấu hơn mô hình kia. Và như vậy, học viên sẽ không có căn cứ để cho rằng mô hình nào là tốt hơn. Chẳng hạn, có thí dụ về cách tính HQKT các mô hình sản xuất nông nghiệp của một học viên:



Mô hình

Công lao động/ha

Chi phí vật chất/ha

(tr,đồng)

Lãi/ha

(tr.đồng)

Tỷsuất

LN/Vốn

(%)

1. 3 vụ lúa

410

15,037

29.963

60,8

2. 2 lúa + 1 cá

380

16.700

30.660

68,1

3. 2 lúa + 1 vụ dưa

450

25.033

28.967

73,5

4. 2 lúa + 2 rau

500

29.500

38.600

72,9

Mô hình tối ưu

380 (2)

15.037 (1)

38.600 (4)

73,5 (3)


Với kết quả ở bảng trên, học viên này rất khó để cho rằng: mô hình nào từ 4 mô hình trên là có hiệu quả nhất. Nếu căn cứ vào chỉ tiêu thứ nhất thì mô hình 2 là có hiệu quả nhất; căn cứ vào chỉ tiêu thứ hai thì mô hình 1; căn cứ vào chỉ tiêu thứ ba thì mô hình 4; còn nếu căn cứ vào chỉ tiêu thứ tư thì mô hình 3 lại là mô hình có hiệu quả nhất. Chỉ tiêu Tỷ suất lợi nhuận/vốn là một chỉ tiêu cơ bản để đánh giá HQKT, nhưng nó vẫn chưa phải là một chỉ tiêu toàn diện. Chính vì vậy, phần sau của bài viết sẽ trình bày hai cách đánh giá HQKT của các mô hình sản xuất nông nghiệp.

2. Đánh giá HQKT của các mô hình sản xuất nông nghiệp bằng cách tính chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp

HQKT của các tiến bộ kỹ thuật, các phương án sản xuất hoặc các mô hình kinh tế (gọi tắt là các mô hình) … được biểu hiện bằng nhiều chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này chịu tác động của những nhân tố khác nhau và với những cường lực không giống nhau. Thậm chí cùng một loại nhân tố nhưng thời kỳ này tác động mạnh, thời kỳ khác lại có thể yếu hơn. Mặt khác, có loại chỉ tiêu trị số càng lớn càng tốt (được gọi là chỉ tiêu thuận), lại có chỉ tiêu trị số càng nhỏ càng tốt (được gọi là chỉ tiêu nghịch). Trong đánh giá HQKT không thể sử dụng một chỉ tiêu mà phải sử dụng một hệ thống chỉ tiêu. Các chỉ tiêu này lại không trực tiếp cọng lại được với nhau và mỗi chỉ tiêu biểu hiện HQKT ở một khía cạnh riêng biệt, do đó cũng không thể sử dụng một chỉ tiêu làm đại diện để so sánh. Bởi vậy, người ta đã đưa ra cách tính chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp. Chỉ tiêu này có tác dụng tổng hợp được các chỉ tiêu bộ phận để biểu hiện thành một chỉ tiêu chung nhất phản ánh HQKT của từng mô hình. Cách tính được tiến hành qua bốn bước:

- Bước 1:Tính các chỉ tiêu bộ phận phản ánh HQKT của từng mô hình

- Bước 2: Chọn ra các chỉ tiêu HQKT tốt nhất từ những mô hình nói trên và mô hình lý tưởng bao gồm những chỉ tiêu này được coi là mô hình tối ưu.

- Bước 3: Tính chỉ tiêu hiệu quả thành phần bằng cách lấy trị số của các chỉ tiêu
thuận chia cho trị số của chỉ tiêu tương ứng trong mô hình tối ưu. Các chỉ tiêu nghịch thì làm ngược lại, tức là lấy trị số của chỉ tiêu nghịch trong mô hình tối ưu chia lần lượt cho trị số của chỉ tiêu tương ứng trong các mô hình cụ thể. Kết quả tính ra đều có kết quả nhỏ hơn hoặc bằng 1.

- Bước 4: Tính chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp bằng cách cộng trị số của các chỉ tiêu hiệu quả thành phần. Mô hình nào có chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp lớn nhất chứng tỏ HQKT của mô hình đó là cao nhất và ngược lại.

Chúng ta có thể ứng dụng cách tính chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp vào thí dụ trên và kết quả được thể hiện trong bảng sau:


Mô hình

Công lao động

Chi phí

Vật chất

Lãi

Tỷ suất

LN/vốn

Chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp

1. 3 vụ lúa

0,93

1,00

0,78

0,83

3.54

2. 2 lúa + 1 cá

1,00

0,90

0,79

0,93

3,62

3. 2 lúa + 1 vụ dưa

0,84

0,60

0,75

1,00

3,19

4. 2 lúa + 2 rau

0,76

0,51

1,00.

0,99

3,26

Mô hình tối ưu

1,00

1,00

1,00

1,00

4,00

Các số liệu của cột cuối cùng trong bảng trên cho thấy: Mô hình 2 có hiệu quả nhất, sau đó là mô hình 1, rồi đến mô hình 4 và cuối cùng là mô hình 3. Như vậy phương pháp này đã quy đổi được các chỉ tiêu hiệu quả bộ phận thành một chỉ tiêu chung, qua đó tạo sự dễ dàng cho việc đánh giá hiệu quả của các mô hình sản xuất nông nghiệp.


3. Đánh giá HQKTcủa các mô hình sản xuất nông nghiệp trong điều kiện các nguồn lực (đầu vào) bị hạn chế

Theo chúng tôi, sử dụng chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp để đánh giá HQKT của các mô hình đã được trình bày trên đây chỉ có ý nghĩa trong điều kiện có đủ các nguồn lực, như: vốn, lao động , vật tư… Tuy vậy, trong sản xuất nông nghiệp nói chung và sản xuất nông nghiệp trong các hộ nói riêng, một số yếu tố đầu vào thường bị giới hạn. Mức độ giới hạn phụ thuộc trực tiếp vào nguồn lực sẵn có trong hộ và sự gúp đỡ của các tổ chức kinh tế - xã hội, như: ngân hàng, HTX, chính quyền… Có thể nói yếu tố nguồn lực thiếu thốn nhất đối sản xuất của các hộ nông dân trước hết là vốn bằng tiền, sau đó là lao động. . .Thực ra, lao động nông nghiệp ở nước ta trước đây không thiếu, thậm chí là dư thừa. Nhưng thời gian gần đây, do quá trình đô thị hoá nhanh, nên một bộ phận lao động nông nghiệp đã chuyển hẳn sang làm công nghiệp và dịch vụ. Kết quả là lao động trong khu vực nông nghiệp, nhất là nông nghiệp ngoại thành thiếu lao động trầm trọng. Sự thiếu thốn nguồn lực dẫn đến việc là cho dù một mô hình nào đó có lãi cao, doanh thu lớn… thì người dân cũng không thể áp dụng được. Bởi vì những mô hình có lãi cao, doanh thu lớn … cũng thường là những mô hình đòi hỏi đầu tư nguồn lưc lớn. Trong điều kiện đó người dân không thể căn cứ vào chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp hoặc chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận/vốn . . . để chọn mô hình áp dụng. Ngược lại, họ phải chọn mô hình nào mà đòi hỏi ít nguồn lực nhất (mà họ đang thiếu) để thực hiện. Nói khác đi là họ phải căn cứ vào một trong các chỉ tiêu nghịch để chọn mô hình sản xuất cho mình. Chẳng hạn theo thí dụ trên, nếu thiếu lao động trực tiếp thì nên chọn mô hình 2 (là mô hình cần ít công lao động nhất); nếu thiếu vốn thì chọn mô hình 1 (là mô hình có chi phí thấp nhất). . .


Tóm lại: Đánh giá HQKT của các mô hình sản xuất nông nghiệp trong điều kiện còn nghèo của nước ta phải xuất phát từ yếu tố nguồn lực. Nghĩa là nếu có đủ nguồn lực thì đánh giá bằng chỉ tiêu hiệu quả tổng hợp, còn nếu nguồn lực bị hạn chế thì chọn chỉ tiêu nào mà sử dụng nguồn lực hạn chế nhất để đánh giá.



HẾT

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

hay quá

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM