Thể chế giao dịch nông sản
TS. Bảo Trung
Theo cuốn "Từ điển tiếng Việt" năm 2008 của Trung tâm từ điển học, "thể chế là những quy định, luật lệ của một chế độ xã hội, buộc mọi người phải tuân theo".
Khái niệm học thuật về thể chế (Institution) rất phong phú và đa dạng. Khái niệm thể chế đầu tiên do tác giả Thorstein Veblen (1914) đưa ra, thể chế là "tính quy chuẩn của hành vi hoặc các quy tắc xác định hành vi trong tình huống cụ thể, được các thành viên của một nhóm xã hội chấp thuận và tuân thủ".
Trong báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2002, cũng đưa ra khái niệm thể chế là "Những quy tắc và tổ chức, gồm cả các chuẩn mực không chính thức, phối hợp hành vi con người".
Theo các tác giả đề tài KX-01-06, "Thể chế là cách thức xã hội xác lập khung khổ, trật tự, trong đó diễn ra các quan hệ giữa con người và cơ chế, quy chế, quyền lực, quy tắc, luật lệ vận hành của trật tự xã hội đó".
Theo Douglas C. North (1994), thể chế được định nghĩa là "những giới hạn do con người đặt ra nhằm cơ cấu sự tương tác giữa con người với nhau. Đó là tổng hợp những giới hạn chính thức (như nguyên tắc, luật lệ, hiến pháp) và phi chính thức (ví dụ những quy phạm về hành vi, tục lệ, nguyên tắc đạo đức) và những đặc điểm cưỡng chế của chúng". Một nhánh kinh tế học đã xuất hiện đặt trọng tâm vào các thể chế, gọi là "Kinh tế học về thể chế mới (New Institutional Economics - NIE)". Theo NIE, thể chế là "những nguyên tắc của cuộc chơi" trong xã hội; không có chúng thì các thị trường không hoạt động được.
Thông qua nhiều khái niệm khác nhau về thể chế, thì phần lớn thống nhất ở các nội dung sau:
- Thứ nhất, "luật chơi" là những quy định chung ai ở vị trí nào, làm gì, tác động với người khác ra sao theo nguyên tắc nào;
- Thứ hai, các chủ thể tham gia "trò chơi", hoặc "người chơi" bao gồm những ai, hai người hay nhiều người;
- Thứ ba, cơ chế thực hiện luật chơi hoặc "cách chơi"; cơ chế là "cách thức tổ chức nội bộ và quy luật vận hành, biến hóa của một hiện tượng".
Như vậy, với các khái niệm trên thể chế bao gồm hai thành phần là cấu trúc (structures) và cơ chế (mechanism).
Tuy nhiên, các khái niệm này chỉ mới liên quan đến "phần mềm". Thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội nói chung, người ta nhận thấy rằng "phần mềm" có thể hoạt động tốt trong điều kiện vật chất này mà không hoạt động tốt trong điều kiện vật chất khác. Các điều kiện vật chất chính là "phần cứng". Chính vì vậy, thể chế phải bao gồm các điều kiện vật chất cụ thể tạo điều kiện để "phần mềm" vận hành. Đây chính là "sân chơi" mà các chủ thể tham gia. Các "luật chơi" và chủ thể tham gia "trò chơi" hình thành nên cấu trúc tổ chức của thể chế và cấu trúc này được vận hành theo một cơ chế nhất định, trong điều kiện vật chất nhất định. Như vậy, thể chế là cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của một hệ thống xã hội điều chỉnh hành vi của 2 hay nhiều chủ thể khác nhau phù hợp với những điều kiện vật chất cụ thể.
Trong một hệ thống xã hội, người ta chia thể chế thành nhiều bộ phận khác nhau như chính trị, kinh tế, gia đình, tôn giáo… Thể chế kinh tế (economic institution) là thể chế liên quan hệ thống kinh tế (economic system) của một xã hội. Như vậy, thể chế kinh tế là cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống kinh tế điều chỉnh hành vi của 2 hay nhiều chủ thể khác nhau phù hợp với điều kiện vật chất nhất định.
Thể chế kinh tế thị trường (market economic institution) hay còn gọi tắt là thể chế thị trường (market institution)
là thể chế kinh tế được hình thành và phát triển trong nền kinh tế thị trường. Nếu xét theo mức độ can thiệp của Nhà nước vào thị trường thì người ta chia thể chế thị trường thành 3 loại: thể chế thị trường tự do, thể chế thị trường xã hội và thể chế thị trường nhà nước phát triển. Nếu xét theo đối tượng tham gia thị trường, người ta chia thể chế thị trường thành 5 loại: thể chế thị trường hàng hóa và dịch vụ (goods and services market institution), thể chế thị trường bất động sản (real estate market institution), thể chế thị trường tài chính (financial market institution), thể chế thị trường sức lao động (labour market institution) và thể chế thị trường chuyển giao công nghệ (technology transfer market institution). Ở Việt Nam có khái niệm "Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (Socialism-oriented market economic institution)", đây là một khái niệm mới và việc luận giải khái niệm này khá phức tạp. Trong giới hạn phạm vi đề tài này, nhóm nghiên cứu không đi sâu phân tích khái niệm này.
Thể chế giao dịch nông sản nói đầy đủ là thể chế thị trường trong hoạt động giao dịch hàng hóa nông sản (market institution for agricultural commodities transaction) là một bộ phận cấu thành của thể chế thị trường hàng hóa và dịch vụ, trong đó hàng hóa và dịch vụ ở đây chính là hàng nông sản. Như đã trình bày, giao dịch nông sản liên quan đến hoạt động trao đổi hàng hóa nông sản từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Các hoạt động trao đổi này diễn ra trong hệ thống tiêu thụ nông sản (agricultural marketing system). Một hệ thống tiêu thụ nông sản bao gồm cấu trúc tổ chức, cơ chế vận hành và điều kiện vật chất. Cấu trúc tổ chức của hệ thống tiêu thụ nông sản liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của từng chủ thể tham gia vào quá trình chuyển giao quyền sở hữu nông sản hàng hóa từ người sản xuất đến người tiêu dùng. Cơ chế vận hành của hệ thống tiêu thụ nông sản là mối tương tác giữa các chủ thể khác nhau trong việc phân phối giá trị, rủi ro và quyền quyết định (Sykuta và Parcell (2003)). Đây chính là mối quan hệ hợp đồng giữa các chủ thể khác nhau trong trao đổi nông sản hàng hóa. Hợp đồng là thỏa thuận giữa hai bên liên quan các điều kiện trao đổi hàng hóa; hợp đồng có thể là hợp đồng miệng (verbal) hoặc hợp đồng bằng văn bản (written). Cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống tiêu thụ nông sản được biểu hiện thông qua các hình thức giao dịch nông sản. Hay nói khác đi thể chế giao dịch nông sản liên quan đến cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của các hình thức giao dịch nông sản. Cũng giống như thể chế và thể chế kinh tế, thể chế giao dịch nông sản cũng cần có những điều kiện vật chất nhất định như kết cấu hạ tầng thương mại, kết cấu hạ tầng giao thông, các phương tiện, công cụ và những điều kiện khác giúp cho các chủ thể có thể thực hiện được hoạt động giao dịch.
Tóm lại, thể chế giao dịch nông sản là cấu trúc tổ chức và cơ chế vận hành của các hình thức giao dịch nông sản giữa 2 hay nhiều chủ thể tham gia phù hợp với điều kiện vật chất nhất định. Như vậy, nghiên cứu cơ sở khoa học hình thành và phát triển thể chế giao dịch nông sản chính là nghiên cứu cấu trúc tổ chức, cơ chế vận hành và điều kiện vật chất cần thiết của hệ thống các hình thức giao dịch nông sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét