Thứ Tư, 22 tháng 10, 2008

Lợi ích của mối liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hợp đồng



 

CN.Nguyễn Thị Bích Hồng- Viện kinh tế TP.HCM
1- Một số vấn đề chung về tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hợp đồng.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng. Quyết định này đưa ra nội dung chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất và trách nhiệm của các ngành và tổ chức có liên quan chủ yếu gồm: nhà nông (người sản xuất), nhà doanh nghiệp (người tiêu thụ nông sản hàng hóa), Nhà nước và nhà khoa học (người nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật công nghệ); Vì thế mà chúng ta thường nói quyết định 80 với việc liên kết 4 nhà là vậy. Nội dung chủ yếu thể hiện qua liên kết 4 nhà như sau:
      Nhà nông (người sản xuất): có trách nhiệm cung ứng nông sản phẩm hàng hóa theo tiêu chuẩn đã được cam kết trong hợp đồng.
      Nhà doanh nghiệp (người tiêu thụ nông sản hàng hóa): có trách nhiệm tổ chức tiêu thụ hàng hóa đã được cam kết trong hợp đồng.
      Nhà nước: Cơ quan quản lý giá hướng dẫn nguyên tắc định giá sàn nông sản phẩm hàng hóa đảm bảo người sản xuất có lợi, doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; Hàng năm ngân sách dành khoản kinh phí để hỗ trợ doanh nghiệp và người sản xuất áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, đầu tư cơ sở hạ tầng với vùng sản xuất nguyên liệu tập trung và hỗ trợ hàng sản xuất, chế biến khẩu.
      Nhà khoa học: Thực hiện các hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất.
Quyết định 80 và và việc liên kết 4 nhà là một chủ trương chính sách đúng nhằm thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, là thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tiến tới nền sản xuất hàng hoá quy mô lớn, hiện đại.
Thực hiện quyết định "Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá ký giữa các doanh nghiệp với người sản xuất theo các hình thức:
      Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá;
      Bán vật tư mua lại nông sản hàng hóa;
      Trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hóa;
      Liên kết sản xuất; Hộ nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê đất, sau đó nông dân được sản xuất trên đất đã góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê và bán lại nông sản cho doanh nghiệp, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp" (Điều 2 của Quyết định số 80/2002/QĐ/TTg ngày 24/6/2002).
Thực hiện quyết định này đã có nhiều hợp đồng được ký kết trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Kết quả thực hiện nhiều hợp đồng qua báo chí cho thấy có nhiều hợp đồng đạt kết quả tốt, cụ thể là doanh nghiệp, nhà hàng, trường học… thu mua được sản phẩm có chất lượng tốt, nguồn cung cấp cho tiêu thụ ổn định nhất là cho các xí nghiệp chế biến phát huy được sử dụng máy móc thiết bị; về phía người sản xuất đã tiêu thụ được nông sản với giá cả hợp lý, yên tâm sản xuất và thu nhập từng bước được cải thiện. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản hàng hóa được ký kết hợp đồng tiêu thụ chưa phải là cao và cũng không ít hợp đồng bị phá vỡ không thực hiện được như:
      Hợp đồng mía với nhà máy đường Hiệp Hòa tỉnh Long An của các nông trường Phạm Văn Hai, Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) do khi đến vụ thu hoạch nông trường không huy động được lực lượng lao động thu hoạch mía vì giá công thu hoạch mía thấp hơn so với lương công nhân khoán theo thời gian trong các doanh nghiệp công nghiệp ở khu công nghiệp của huyện. Mặt khác, do giá mía thị trường thấp hơn giá mía ký hợp đồng và bị ép hạ giá thấp xuống qua việc đánh giá của nhân viên nhà máy về trữ lượng đường thấp.
      Hợp đồng với một số nhà máy chế biến dứa qua, lá cây nha đam với nông trường Lê Minh Xuân, Phạm Văn Hai (huyện Bình Chánh) do kết quả thu hoạch không đạt được loại I theo quy định trong hợp đồng phải bán giá thấp dưới giá thành, nông dân bị lỗ và bán sản phẩm ra ngoài. Bên cạnh đó cũng có trường hợp khi thu hoạch giá thị trường cao hơn giá hợp đồng và nông dân đã sẵn sàng bán cho tư thương phá vỡ hợp đồng.
      V.v…
Việc xử lý vi phạm hợp đồng xảy ra hiện nay rất khó khăn và chưa có giải pháp hữu hiệu vì phần lớn các hợp đồng ký kết hiện nay chưa phải là hợp đồng kinh tế, có những ràng buộc chặt chẽ và nghiêng về thực hiện chủ trương chính sách; Trong thực tế, nhiều sản phẩm thực hiện hợp đồng theo sự chỉ đạo của nhà nước về mức giá sàn nhằm bảo vệ quyền lợi cho người nông dân. Điều này khiến các doanh nghiệp thực hiện ký hợp đồng phải chịu sức ép về 2 phía:
- Doanh nghiệp thực hiện hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ chính trị xã hội bằng các chính sách bảo hộ cho nông dân (ví dụ giá muối ở Cần Giờ).

- Người nông dân, người sản xuất o ép doanh nghiệp khi sản phẩm hợp đồng khan hiếm, giá thị trường cao hơn hợp đồng. Như vậy có thể nói việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm còn mang nhiều sắc thái của giải quyết chính sách xã hội, chưa phải là một đòn bẩy kinh tế trong kinh tế thị trường bởi lẽ kết quả hợp đồng bị chi phối nhiều qua diễn tiến của thị trường. Đó là chưa kể đến chuyện "hình thức" của hợp đồng mà chúng ta chưa quản lý được như doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản để hưởng một số chính sách "ưu đãi" của nhà nước: "Đối với dự án đầu tư chế biến nông sản, tiêu thụ nông sản hàng hoá được vay từ quỹ hỗ trợ phát triển với mức lãi suất 3% năm. Trường hợp dự án do doanh nghiệp Nhà nước thực hiện thì khi dự án đi vào hoạt động, ngân sách Nhà nước cấp đủ 30% vốn lưu động" (Điều 3 của Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002).

2- Giải pháp để tăng tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng.
Đối chiếu hợp đồng tiêu thụ nông sản hiện nay với pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989 cho thấy: Hợp đồng kinh tế chủ thể chủ yếu là các tổ chức kinh doanh có tư cách pháp nhân kinh doanh còn bên kia có thể là pháp nhân kinh doanh hay
nhân có đăng ký kinh doanh
. Điều đáng lưu ý là hai bên tham gia đều phải ký kết hợp đồng kinh tế trong phạm vi nghề nghiệp
của mình đã đăng ký còn nếu hai bên có đăng ký kinh doanh hợp pháp nhưng hợp đồng việc ngoài phạm vi nghề nghiệp của mình thì không được coi là hợp đồng kinh tế mà là hợp đồng dân sự. Hợp đồng tiêu thụ nông sản ký giữa doanh nghiệp với hộ nông dân cá thể, theo Điều 42-43 Pháp lệnh này thì các hộ này cũng được xem là chủ thể của hợp đồng kinh tế.

Như vậy, tại sao hợp đồng kinh tế về tiêu thụ nông sản lại khó giải quyết ở TP.HCM nói riêng, trên diện rộng cả nước nói chung trong thời gian qua đặt ra là: các ràng buộc chặt chẽ trách nhiệm trong hợp đồng chưa được tính toán đầy đủ như đã nêu trên; điều quan trọng là các hợp đồng này có quan hệ với hộ nông dân với một quy mô chủ thể quá rộng mà quy mô sản phẩm thì lại manh mún quá nhỏ (ví dụ doanh nghiệp ký hợp đồng cho 1.000 ha đậu phộng thì phải ký với khoảng 1.500 hộ dân). Như thế khi có sự cố hợp đồng xảy ra rất khó đàm phán thương lượng với chủ thể nông dân đông như vậy. Mặt khác với một tín hiệu nào đó (như tín hiệu giá cả thị trường) thì tạo ra sự lan truyền trong số đông rất nhanh và dễ dẫn đến áp lực cho chủ thể doanh nghiệp thực hiện ký kết hợp đồng.
Có thể khái quát 3 vấn đề chính ảnh hưởng đến thành công của tiêu thụ nông sản qua hợp đồng:
Một là: Chưa có quy định mối quan hệ rõ ràng và chặt chẽ giữa các bên trong hợp đồng, đó là quan hệ hợp tác mà các bên cùng có lợi và có các ưu đãi trong hợp đồng giành cho nhau; đồng thời rủi ro do phải được chia sẻ công bằng.
Hai là: Nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng với một quy mô nhỏ, manh mún, chưa thông qua
một tổ chức đại diện có tư cách pháp nhân, cụ thể là:


      Tổ chức đại diện có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh và ký kết hợp đồng trong phạm vi nghề nghiệp kinh doanh của mình (Pháp lệnh hợp đồng kinh tế ngày 25/9/1989).

      Tổ chức đại diện có thể đạt được quy mô sản xuất ký kết "đủ lớn" có ý nghĩa để xem xét, xử lý hợp đồng.
Nếu theo tính chất, nguyên tắc nêu trên thì mô hình đề nghị để tăng thực hiện tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng là:
- Mô hình hợp tác xã (HTX): Tổ chức sản xuất nông nghiệp nông thôn phổ biến hiện nay là kinh doanh hộ cá thể; Về chủ trương, chúng ta hướng đến phát triển HTX, và ưu thế của HTX đã được khẳng định trong Luật HTX sửa đổi năm 2003 sẽ thúc đẩy HTX phát triển mạnh hơn. Tại hội thảo quốc gia về chiến lược tăng cường các HTX nông nghiệp tại Việt Nam có sự tham dự nhiều giám đốc văn phòng khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của liên minh HTX quốc tế thì Việt Nam cùng với Thái Lan và Lào là những nước Đông Nam Á được chọn làm mô hình phát triển HTX trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Do đó để tăng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp qua hợp đồng thì nhất thiết phải phát triển HTX, phải xây dựng các HTX thực sự vững mạnh. Chính các HTX là nơi gặp gỡ và tổ chức ký kết hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp, đồng thời cũng là nơi thực hiện hợp đồng; HTX có thể được xem là tổ chức sản xuất đạt đến một quy mô sản phẩm nhất định để thực hiện nhiều tác động – hỗ trợ về khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, về vốn và nhất là dễ dàng trong việc đàm phán, xử lý hợp đồng theo các quy định hiện nay. Để hợp đồng thuận lợi, điều quan trọng là cần gắn HTX với doanh nghiệp trong lợi ích chung lãi cùng hưởng, lỗ
cùng chịu
; khi đó nông dân và doanh nghiệp sẽ phải quan tâm thực sự đến hợp đồng, coi đó là lợi ích của mình.

- Mô hình kinh tế trang trại: Trước hết kinh tế trang trại đạt được một quy mô sản phẩm nào đó, chủ thể của nó có tiềm lực nhất định và chủ thể này tham gia vào ký kết hợp đồng kinh tế không trái với pháp lệnh hợp đồng kinh tế hiện hành. Kinh tế trang trại cũng là mô hình mà chúng ta đang quan tâm, hỗ trợ và sản xuất có kết quả.
Ba là: Sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng không phải là mô hình phù hợp cho tất cả các loại sản phẩm mà tập trung thành công vào một số sản phẩm có tính chất:
      Sản phẩm có tính đặc thù, ít tiêu dùng phổ thông trên thị trường, người sản xuất khó tiêu thụ nơi khác nên việc tuân thủ hợp đồng cao.
      Sản phẩm đòi hỏi đạt được những tiêu chuẩn, quy cách nhất định, thậm chí phải tuân thủ yêu cầu quy trình sản xuất bắt buộc.
Thành phố Hồ Chí Minh đang thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, con nuôi, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Hoa cảnh được xác định là loại cây sản xuất đặc thù của nông nghiệp đô thị, có thể mang lại thu nhập cao, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Thực tế nhu cầu hoa cây cảnh để trang trí ngày càng trở lên phổ biến trong các nhà hàng, khách sạn, văn phòng, … và trong nhiều gia đình có mức sống khá.
Việc tiêu thụ hoa cây cảnh có đặc trưng là theo thời điểm, tập trung vào Tết nguyên đán, vào các dịp lễ, các ngày kỷ niệm; Do đó thời vụ có vai trò rất quan trọng trong tổ chức trồng hoa cây cảnh. Mặt khác, vào các thời điểm tiêu thụ cũng nổi trội một số chủng loại hoa theo thói quen sử dụng như: hoa hồng, hoa lan vào ngày 20/11; hoa huệ vào ngày vu lan; hoa mai vào dịp tết nguyên đán; …
Hoa cây cảnh được xem là sản phẩm có tính đặc thù và phải tuân thủ quy trình sản xuất, kỹ thuật nghiêm ngặt rất cần tổ chức sản xuất qua hợp đồng, trong đó vai trò của nhà sản xuất và nhà khoa học đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra sản phẩm tập trung vào các thời điểm đảm bảo quy cách sản phẩm. Ngoài ra, một yêu cầu không kém phần quan trọng trong tiêu thụ hoa cây cảnh là vấn đề bao bì bảo quản và tổ chức vận chuyển tiêu thụ là chi phí đáng kể cần tính đến trong hợp đồng.
Tiêu thụ hoa cây cảnh như nêu trên là các đối tượng nhà hàng, khách sạn, văn phòng, … và trong nhiều gia đình có mức sống khá thì quy mô sản phẩm tiêu thụ chưa phải là lớn và tổ chức sản xuất hoa cây cảnh nhỏ lẻ hiện nay vẫn có thể đáp ứng được, phù hợp. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là quy mô nhỏ lẻ này không đủ trang trải chi phí để có thể hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật chuyển giao về giống, về… ; Vì thế rất cần thiết sự liên kết các nhà sản xuất trong một tổ chức, tổ chức này có thể được tốt nhất là tổ chức có tư cách pháp nhân trong ký kết các hợp đồng nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả sản xuất hoa cây cảnh./.

Đồng Tháp: Tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng



(DongThap Portal) – Ngày 20/10, UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 15 về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhằm gắn trách nhiệm giữa doanh nghiệp với người sản xuất, tạo điều kiện để nông dân tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hàng hoá được tiêu thụ với giá hợp lý, thu nhập từng bước được nâng cao; đồng thời doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh.


 

Theo đó, UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch chung của tỉnh; bố trí cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung tạo ra sản phẩm đồng đều có chất lượng cao gắn với các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nguyên liệu trên cơ sở tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Hỗ trợ để củng cố và phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, trang trại để làm tốt chức năng cầu nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tập trung làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản hướng dẫn cho xã viên, nông dân ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng phương thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các vùng sản xuất trái cây (xoài, quít và nhãn) theo hướng VietGAP, vùng lúa gạo sản xuất theo hướng hữu cơ để đưa ra các thị trường khó tính, quan hệ các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP và tìm đối tác tiêu thụ; Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho vùng sản xuất hàng hoá; bảo quản, chế biến nông thuỷ sản trên cơ sở tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng;
Quy hoạch và quản lý vùng nuôi cá tra, diện tích nuôi năm 2009 khoảng 950 ha, tương đương với sản lượng là 240.000 tấn; Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch chi tiết để thực hiện và quản lý có hiệu quả tránh tình trạng sản xuất dư thừa; Lập kế hoạch để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hộ nuôi cá tra thịt và các cơ sở sản xuất cá tra bột, cá tra giống, trình UBND tỉnh ban hành để triển khai thực hiện vào đầu năm 2009 để làm cơ sở đề nghị ngân hàng xét cho vay vốn và cân đối cung - cầu; đồng thời, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước ao nuôi cá tra, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học để phòng bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả trong nuôi cá tra xuất khẩu.
Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư cung cấp thông tin dự báo về thị trường cho người sản xuất; hình thành các mối liên kết, liên doanh về tiêu thụ sản phẩm cá tra, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng chất lượng và thương hiệu cá tra sạch của tỉnh để tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới; triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hợp đồng.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản có sản lượng hàng hoá lớn được kịp thời; xem xét tiêu chí về khách hàng truyền thống với ngành ngân hàng để cho vay; thực hiện phương án giải ngân "tay ba", - người dân bán cá cho bất kỳ doanh nghiệp chế biến nào sẽ được nhận tiền qua ngân hàng thay vì trước đây phải nhận tại doanh nghiệp - với cách thức này, người nông dân sẽ chủ động được nguồn vốn trong sản xuất.
Khải Trường


Thứ Ba, 7 tháng 10, 2008

GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU TRÁI CÂY ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

TS. Hồ Tiến Dũng
Trưởng khoa Quản trị kinh doanh - Đại học kinh tế TP.HCM

Là trung tâm kinh tế nông nghiệp lớn nhất nước, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng đầu về sản xuất nông nghiệp, đặc biệt gạo, thủy sản và trái cây. Ngoài gạo và thủy sản là mặt hai mặt hàng sản xuất và xuất khẩu lớn nhất nước, bên cạnh đó trái cây ĐBSCL cũng chiếm một lượng lớn về sản xuất và xuất khẩu trong tổng sản lượng trái cây của cả nước, đặc biệt là dứa, sầu riêng, nhãn, xoài, cam xành, chuối, thanh long, vú sửa, bưởi…. Tuy nhiên sản lượng trái cây xuất khẩu ĐBSCL chỉ chiếm khoảng 10% - 15% tổng sản lượng sản xuất của cả vùng, trong khi đó nhu cầu trái cây của thế giới còn rất lớn, đây là tiềm năng, cơ hội cũng như thách thức đối với trái cây của ĐBSCL trong thời gian tới. Chính vì vậy, đã đến lúc phải quan tâm đến việc xuất khẩu trái cây ở vùng ĐBSCL, không thể mạnh ai nấy làm, nhà vườn không thể đứng riêng một mình tự sản xuất, tự bảo quản, tự chế biến, tự giải quyết được đầu ra cho sản phẩm trái cây của mình, mà phải liên kết và chỉ có thể giải quyết được khi có một tổ chức liên kết đồng bộ các khâu trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ để có thể đáp ứng được yêu cầu trái cây sạch, an toàn và chất lượng của thế giới.

Từ năm 2004 đến nay, kim ngạch xuất khẩu trái cây ĐBSCL có xu hướng tăng, ước tính đạt 169,6 triệu USD năm 2007, chiếm khoảng 50% giá trị xuất khẩu trái cây của cả nước, tuy nhiên giá trị xuất khẩu này còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của vùng và còn thấp so với năm 2001.

Bảng 1: Giá trị kim ngạch xuất khẩu trái cây từ năm 2001-2007

Đơn vị Tính: triệu USD

Chỉ tiêu 2001 2002 2003 2004 2005 2006 Ước 2007
Tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây 344,2 221,2 151,5 178,8 235 250,7 300
Kim ngạch xuất khẩu trái cây ĐBSCL 197 120,6 91,5 107 138 145,2 169,6

(Nguồn: tổng hợp từ VnEconomy, Vnnanet)

Tính đến cuối năm 2006, thị trường xuất khẩu của trái cây ĐBSCL lên đến 50 quốc gia. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Hà Lan, Nga, Indonesia, Singapore, Lào, Hồng Kông, Pháp, Italia, Malaysia, Đức …

Bảng 2: Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trái cây ĐBSCL sang các thị trường chính (Tính bình quân từ 2001– 2007)

Thị trường Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu trái cây (%)
Trung Quốc 38,4
Đài Loan 10,8
Nhật 12,9
Hàn Quốc 6,5
Nga 4,3
Mỹ 7
Hà Lan 5,7
Một số nước khác 14,4

(Nguồn tổng hợp của Vinanet và thông tin thương mại)

Nhìn chung, giá cả xuất khẩu trái cây của ĐBSCL thường thấp hơn giá cả trái cây xuất khẩu cùng loại của các quốc gia khác, đặc biệt là Thái Lan. Nguyên nhân chính là do chất lượng sản phẩm của ĐBSCL không thể cạnh tranh được với sản phẩm của các quốc gia này.

Bảng 3: Giá xuất khẩu một số loại trái cây chủ yếu tháng 4 năm 2008

Loại trái cây Giá xuất khẩu bình quân của ĐBSCL ( USD/Kg) Giá xuất khẩu bình quân của Thái Lan( USD/Kg)
Dứa 1 1,21
Xoài 1,88 2,12
Cam xành 2,28 3,26
Bưởi 0,437 0,89

(Nguồn: Vinanet)

Hiện nay sản xuất và xuất khẩu trái cây ĐBSCL có những thuận lợi như: ĐBSCL là nơi có điều kiện thiên nhiên ưu đãi cho việc phát triển nghề trồng trọt; có đội ngũ lao động nông thôn dồi dào, cần cù, sáng tạo, chịu khó; nước ta đã hội nhập vào nền kinh tế thế giới và khu vực, có điều kiện để tranh thủ sự giúp đỡ và học tập kinh nghiệm từ các nước đi trước; Nhà nước có nhiều chính sách quan tâm đến lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và xuất khẩu nông sản. Tuy nhiên, sản xuất và xuất khẩu trái cây ĐBSCL đang đối đầu với những thách thức như:

- Nền nông nghiệp ở ĐBSCL còn lạc hậu nên năng lực cạnh tranh chưa cao so với một số nước trong khu vực như : Thái Lan, Trung Quốc…

- Sản xuất trái cây ở ĐBSCL còn mang tính tự phát, với qui mô nhỏ, chưa có sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp tập trung một cách hợp lý. Chính vì vậy, các nhà kinh doanh xuất khẩu gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu, sản phẩm đầu vào, dẫn đến hoạt động kinh doanh kém hiệu quả.

- Chưa có vùng cây ăn trái chuyên canh với diện tích lớn đủ đảm bảo số lượng, chất lượng ổn định cho chế biến và xuất khẩu.

- Trình độ sản xuất, quản lý, kinh doanh của đa cố các doanh nghiệp và nhà vườn ĐBSCL còn bị hạn chế. Đặc biệt, những kiến thức về kinh tế thị trường, về quản lý kinh doanh còn rất yếu.

- Các doanh nghiệp, nhà vườn không thoát khỏi vòng lẩn quẩn: vốn ít dẫn đến không có năng lực đổi mới công nghệ dẫn đến giá thành cao, dẫn đến cạnh tranh kém.

- ĐBSCL chưa được sự hỗ trợ thật sự của các ngành công nghiệp hoá chất, phân bón, cơ khí, điện tử…. Phân bón, hoá chất thường xuyên tăng giá, làm cho chi phí sản xuất đầu vào tăng kéo theo giá thành sản xuất cũng tăng. Máy móc, thiết bị chưa thật sự đáp ứng được yêu cầu sản xuất, sản phẩm có chất lượng và vệ sinh an toàn cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch còn lạc hậu.

- Thông tin thị trường rất hạn chế, do đó nhà vườn cũng như các doanh nghiệp thường gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ. Do đó, các doanh nghiệp thường bị dẫn đến gặp thua lỗ trong kinh doanh.

- Mặc dù trong thời gian qua, Nhà nước có nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ cho ngành nông nghiệp như: xây dựng đường xá, giao đất sản xuất, hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế, tăng cường hợp tác quốc tế …. Tuy nhiên, các chính sách này không được thực hiện một cách đồng bộ và mang lại hiệu quả cao như mong đợi. Vì vậy, chưa thật sự làm cho người dân yên tâm sản xuất và xuất khẩu.

Tiềm năng phát triển và xuất khẩu trái cây của ĐBSCL là rất lớn. Tuy nhiên, để đẩy mạnh xuất khẩu trái cây của ĐBSCL trong thời gian sắp đến, chúng ta cần phải thực hiện bốn giải pháp chủ yếu sau đây:

Một là: Hoàn thiện quy hoạch tổng thể vùng trái cây có lợi thế cạnh tranh.

Điểm yếu của trái cây ĐBSCL là chưa có vùng nguyên liệu tập trung đủ lớn để cung ứng những đơn hàng số lượng nhiều và có chất lượng đồng nhất và an toàn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Để khắc phục điểm yếu này, ngành trái cây cần thực hiện các biện pháp sau:

- Nghiên cứu, quy hoạch, chuyển đổi cơ cấu và đầu tư các vùng cây ăn trái có lợi thế cạnh tranh của từng địa phương để từ đó phát huy thế mạnh của nó. Ngành trái cây cần nhanh chóng hình thành, xây dựng các vùng trái cây chuyên canh có lợi thế như : xoài cát Hoà Lộc (Cái Bè), bưởi da xanh (Bến Tre), bưởi năm roi (Bình Minh), nhãn tiêu da bò, nhãn xuồng cơm vàng (Vĩnh Long), chôm chôm, thanh long, dứa, sầu riêng Chín Hoá, vú sữa Vĩnh Kim (Tiền Giang), cam sành Vĩnh Long …có diện tích từ 5.000 - 7.000 ha trở lên mới đủ sức xuất khẩu.

- Đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các trang trại, hợp tác xã,hỗ trợ các địa phương quy hoạch vùng trồng cây có diện tích và qui mô lớn, như thế mới có điều kiện áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến.

- Cần phải tăng cường mối liên kết 4 nhà: (1) nhà sản xuất cây ăn trái gồm có nhà vườn, hợp tác xã, nông trường, doanh nghiệp; (2) nhà kinh doanh trái cây: thu mua, đóng gói, bảo quản, xuất nhập khẩu, vận chuyển, ngân hàng, hợp tác xã tiêu thụ; (3) cơ quan khoa học ngành nông nghiệp và (4) đại diện nhà nước ngành nông nghiệp … để đáp ứng yêu cầu đảm bảo số lượng, trái cây chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm… để xuất khẩu theo yêu cầu thị trường.

Hai là: Chọn lọc và tạo giống có chất lượng tốt.

Mặc dù, chúng ta đã có Viện Nghiên cứu Trái cây, nhiều trung tâm giống trái cây, tuy nhiên giống tốt sạch bệnh của ta chưa nhiều, chỉ chiếm khoảng 10% -20% giống cây trồng. Mặt khác, giá bán cây giống lại cao nên các nhà vườn rất khó tìm mua được giống tốt nên dẫn đến chất lượng vườn cây ăn quả đặc sản còn thấp. Do đó sản lượng sản xuất trái cây đảm bảo chất lượng không nhiều và chất lượng không đồng đều, đây là một trong những vấn đề mà nhà sản xuất cũng như chính quyền cần chú ý quan tâm. Để có nhiều giống cây trồng tốt trong tương lai phục vụ cho sản xuất trái cây hàng hoá xuất khẩu, chúng ta phải chú trọng đến một số các biện pháp sau đây:

- Trước hết, cần phải chia các mặt hàng trái cây hàng hoá thành 3 nhóm: nhóm những mặt hàng trái cây có lợi thế cạnh tranh cao: dứa, dừa, thanh long; nhóm những mặt hàng trái cây có mức cạnh tranh trung bình, nhưng có triển vọng phát triển trong những năm tới: nhãn, xoài; và nhóm những mặt hàng có sức cạnh tranh yếu hoặc sản lượng hàng hoá còn ít: cam, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, chuối, vú sữa. Đồng thời phải tính đến thị trường đầu ra trước rồi mới đi vào sản xuất, vì thực tế hiện nay vùng ĐBSCL vẫn chưa hình thành được thị trường tiêu thụ ổn định, tình trạng "được mùa rớt giá" vẫn luôn xảy ra. Để từ đó vùng ĐBSCL sẽ có chọn lọc các giống cây cho phù hợp với điều kiện sản xuất hiện tại, để tránh tình trạng các nhà vườn trồng cây chỉ được vài năm đã phải đốn bỏ trồng lại vì cây sạch bệnh bị tái nhiễm.

- Viện Nghiên cứu Trái cây, các trung tâm giống trái cây cần phải tăng cường đầu tư, nghiên cứu các giống cây có lợi thế cạnh tranh, sạch bệnh, có chất lượng tốt để từ đó xây dựng lại hệ thống nhân giống và cung ứng giống tốt cho nhà sản xuất.

- Các nhà sản xuất, các nhà vườn cần phải hiểu được chính sách của Nhà nước về sản xuất và lưu thông phân phối cây giống, để từ đó mới có sự chọn lựa cây giống đúng, phù hợp với điều kiện sản xuất của mình.

- Nhà nước cần phải có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn nữa đối với các trung tâm giống cây trồng, để tránh tình trạng nhân các giống cây không sạch bệnh, thiếu chất lượng vì mục đích lợi nhuận.

- Tập trung phát triển các trung tâm chuyên về các cây giống có lợi thế cạnh tranh để cung cấp cho các vùng cây ăn trái chuyên canh, để đảm bảo cây giống tốt, rẽ cho nông dân.

Ba là: Phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ.

Hiện nay tổn thất sau thu hoạch trái cây ở ĐBSCL rất cao, chiếm từ 15% -25%. Nguyên nhân chính là do chúng ta không có bao bì; phương tiện vận chuyển, bốc dỡ phù hợp. Chính vì vậy, để giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 15%, chúng ta cần phải thực hiện các biện pháp sau:

- Khuyến khích phát triển ngành nhựa công nghiệp, sản xuất các dụng cụ (gỗ nhựa, khay nhựa, bao nylon…) chuyên dùng để vận chuyển và bảo quản trái cây xuất khẩu như nhãn, chôm chôm, bưởi, cam ….

- Khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, máy móc để sản xuất các dụng cụ, máy móc nông nghiệp phù hợp với vùng phục vụ cho sản xuất, chế biến, bảo quản trái cây như: dụng cụ hái trái, máy bơm - tưới nước, máy phun xịt thuốc trừ sâu bệnh.

- Phát triển ngành công nghiệp vận tải: xe, ghe, xuồng … phục vụ tốt cho quá trình vận chuyển và bảo quản trái cây.

- Xây dựng các nhà máy hoá chất, phân bón thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là phục vụ cho cây trồng.

Bốn là: Hoàn thiện hệ thống phân phối, bảo quản.

Nếu như hệ thống rau quả ở Mỹ có sự điều phối theo ngành dọc với sự kết hợp nhuần nhuyễn từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu ngay từ những năm 80, thì ở VN, hệ thống phân phối rau quả hiện vẫn rất manh mún và tự phát.

Trong thời gian qua ĐBSCL đã đang xây dựng một chương trình thành lập chuỗi giá trị cho mặt hàng rau quả từ 2004 đến năm 2010. Theo đó, chuỗi giá trị sẽ tăng cường các mối quan hệ hợp tác trong hệ thống, và có sự phân công rõ ràng từ khâu sản xuất đến lưu thông. Người đóng vai trò chủ đạo trong chuỗi giá trị này sẽ chính là các doanh nghiệp, bởi họ mới là người nắm rõ nhất thị trường đang "khát" mặt hàng gì để tập trung phát triển. Doanh nghiệp cũng là người có thể mời các nhà khoa học vào nghiên cứu, và vay tiền của ngân hàng một cách thuận lợi hơn. Tuy nhiên, thành lập được một chuỗi giá trị như trên còn rất nhiều khó khăn, bởi nó đòi hỏi sự tham gia của nhiều bên liên quan, từ nông dân, doanh nghiệp, đến các nhà khoa học, những nhà phân phối.

Để thực hiện được một chuỗi giá trị hệ thống phân phối nhuần nhuyễn giữa các khâu, từ khâu sản xuất đến xuất khẩu ĐBSCL cần phải thực hiện một số giải pháp sau:

- Tăng cường tạo sự kết hợp nhuần nhuyễn từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, xuất khẩu bằng cách tạo mối liên kết 4 nhà: nhà sản xuất, nhà kinh doanh, nhà khoa học và nhà nước. Để từ đó giúp quá trình vận chuyển hàng hoá ngắn hơn, nhanh hơn, ít tốn kém và hao hụt hơn, đáp ứng kịp thời cho mục tiêu xuất khẩu.

- Chính quyền địa phương và ngành trái cây cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng các trang trại, hợp tác xã,hỗ trợ các địa phương quy hoạch vùng trồng trái cây lớn … có như vậy mới giảm được các chi phí vận chuyển, bốc dỡ, hao hụt sản phẩm.

- Áp dụng phương pháp logic trong khâu bốc dỡ vận chuyển tiêu thụ: áp dụng các phương pháp công cụ hiện đại để nâng cao hiệu quả bốc dỡ hàng hoá, kết hợp vận chuyển hàng hoá 2 chiều để giảm chi phí.

- Đầu tư mua sắm, cải thiện các thiết bị công nghệ bảo quản tiến bộ để giảm tối đa tỷ lệ hao hụt sản phẩm trái cây.

Tóm lại, xuất khẩu trái cây là một giải pháp cứu cánh khơi dậy tiềm năng lợi thế sẵn có của vùng kinh tế ĐBSCL. Xuất khẩu là giải pháp hữu hiệu nhất cho việc phát triển kinh tế của vùng, cải thiện đời sống vật chất nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để các chính sách, giải pháp trên đạt được hiệu quả thì các cơ quan ban ngành, các doanh nghiệp, nhà sản xuất phải có sự phối hợp đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Nhà sản xuất và các doanh nghiệp cần phải thắt chặt hơn nữa mối liên kết chặt chẽ với nhau, hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất cũng như tiêu thụ xuất khẩu, xây dựng thương hiệu ….phát huy lợi thế trái cây VN nói chung và của ĐBSCL nói riêng.

Tài liệu tham khảo

1. Tôn Thất Nguyễn Thiêm (2004), Thị trường, chiến lược, cơ cấu: Cạnh tranh về giá trị gia tăng và phát triển doanh nghiệp, NXB TP.HCM.

2. Thông tin trên Internet. Các websites:http://www.agroviet.gov.vn; http://www.mot.gov.vn; http://www.fao.vn; http://www.ppd.gov.vn; http://www.vneconomy.com.vn.vn ; http://www.vinanet.com.vn.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM