Thứ Tư, 22 tháng 10, 2008

Đồng Tháp: Tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng



(DongThap Portal) – Ngày 20/10, UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị số 15 về việc tăng cường chỉ đạo tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nhằm gắn trách nhiệm giữa doanh nghiệp với người sản xuất, tạo điều kiện để nông dân tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, hàng hoá được tiêu thụ với giá hợp lý, thu nhập từng bước được nâng cao; đồng thời doanh nghiệp chủ động được nguyên liệu mở rộng quy mô sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh.


 

Theo đó, UBND các huyện, thị, thành phố phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch chung của tỉnh; bố trí cơ cấu sản xuất theo hướng hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung tạo ra sản phẩm đồng đều có chất lượng cao gắn với các nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ; đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp, đẩy mạnh việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng nguyên liệu trên cơ sở tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng; Hỗ trợ để củng cố và phát triển các Hợp tác xã, Tổ hợp tác, trang trại để làm tốt chức năng cầu nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh là điều kiện thuận lợi cho việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.
Các Hợp tác xã, Tổ hợp tác tập trung làm dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản hướng dẫn cho xã viên, nông dân ứng dụng khoa học công nghệ mới, chuyển đổi cơ cấu sản xuất liên doanh với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để mở rộng phương thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các vùng sản xuất trái cây (xoài, quít và nhãn) theo hướng VietGAP, vùng lúa gạo sản xuất theo hướng hữu cơ để đưa ra các thị trường khó tính, quan hệ các cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận VietGAP và tìm đối tác tiêu thụ; Thực hiện tốt công tác khuyến nông, khuyến ngư chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ cho vùng sản xuất hàng hoá; bảo quản, chế biến nông thuỷ sản trên cơ sở tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng;
Quy hoạch và quản lý vùng nuôi cá tra, diện tích nuôi năm 2009 khoảng 950 ha, tương đương với sản lượng là 240.000 tấn; Hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố lập quy hoạch chi tiết để thực hiện và quản lý có hiệu quả tránh tình trạng sản xuất dư thừa; Lập kế hoạch để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hộ nuôi cá tra thịt và các cơ sở sản xuất cá tra bột, cá tra giống, trình UBND tỉnh ban hành để triển khai thực hiện vào đầu năm 2009 để làm cơ sở đề nghị ngân hàng xét cho vay vốn và cân đối cung - cầu; đồng thời, tăng cường tập huấn kỹ thuật cho nông dân, kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, ứng dụng chế phẩm sinh học trong xử lý môi trường nước ao nuôi cá tra, sử dụng hóa chất, chế phẩm sinh học để phòng bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tăng hiệu quả trong nuôi cá tra xuất khẩu.
Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư cung cấp thông tin dự báo về thị trường cho người sản xuất; hình thành các mối liên kết, liên doanh về tiêu thụ sản phẩm cá tra, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng chất lượng và thương hiệu cá tra sạch của tỉnh để tiếp tục khẳng định chỗ đứng trên thị trường thế giới; triển khai các hoạt động hỗ trợ tiêu thụ nông sản theo hợp đồng.
Các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tiếp cận được nguồn vốn vay phát triển trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản có sản lượng hàng hoá lớn được kịp thời; xem xét tiêu chí về khách hàng truyền thống với ngành ngân hàng để cho vay; thực hiện phương án giải ngân "tay ba", - người dân bán cá cho bất kỳ doanh nghiệp chế biến nào sẽ được nhận tiền qua ngân hàng thay vì trước đây phải nhận tại doanh nghiệp - với cách thức này, người nông dân sẽ chủ động được nguồn vốn trong sản xuất.
Khải Trường


Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM