Thứ Bảy, 10 tháng 1, 2009

PHÂN TÍCH CÁC MÔ HÌNH TIÊU THỤ TRÁI CÂY THEO HỢP ĐỒNG TRONG NÔNG THÔN Ở VIỆT NAM


 

  1. Các mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng trong nông thôn hiện nay

  2. Kết quả khảo sát việc thực hiện tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của 95 trang trại sản xuất trái cây ở tỉnh Đồng Nai

Đồng Nai là tỉnh thuộc miền đông Nam bộ, có diện tích 5.903,940 km2, chiếm 1,76% diện tích tự nhiên cả nước và chiếm 25,5% diện tích tự nhiên của vùng Đông Nam Bộ. Diện tích đất nông nghiệp của tỉnh hiện nay là 302.845 ha. Đồng Nai có quỹ đất phong phú và phì nhiêu phù hợp với nhiều loại cây ăn trái. Đồng Nai hiện có khoảng 50.000 ha cây ăn trái các loại như chôm chôm, sầu riêng, măng cụt, xoài, nhãn, bưởi, cam, quýt..., là vùng có diện tích cây ăn trái lớn nhất khu vực miền đông Nam bộ với sản lượng khoảng hơn 300.000 tấn/năm, mang lại giá trị gần 1.000 tỷ đồng, chiếm gần 20% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Việc phát triển cây ăn trái ở Đồng Nai vẫn còn manh mún, tự phát, chạy theo phong trào nên hiệu quả chưa cao. Mặt khác, do đầu ra không ổn định đang là nỗi ám ảnh của các nhà vườn ở Đồng Nai từ nhiều năm nay. Sản xuất manh mún và đầu ra không ổn định bắt nguồn từ việc thiếu liên kết giữa các trang trại với nhau và hầu hết các trang trại chưa ký được hợp đồng tiêu thụ trái cây.

Qua khảo sát 95 trang trại sản xuất cây ăn trái ở tỉnh Đồng Nai năm 2008, với tổng diện tích cây ăn trái 152,6 ha; bình quân 1,6 ha/trang trại (Diện tích này không bao gồm các diện tích sử dụng cho các cây trồng khác). Trong đó, trang trại có diện tích trái cây lớn nhất là 9 ha (Trang trại của Nguyễn Thị Kim Mai, ấp 1, xã Phú Ngọc, Định Quán, Đồng Nai). Các cây trồng chính của các trang trại khảo sát là sầu riêng, chôm chôm, bưởi và xoài. Hình thức tiêu thụ trái cây chủ yếu của các trang trại là bán qua thương lái. Theo kết quả khảo sát, trên 80% trang trại đều có hợp đồng miệng với thương lái. Thương lái thường thỏa thuận với trang trại thu mua cả vườn và đến ngày thu hoạch thương lái sẽ trực tiếp thu hoạch và thanh toán nhà vườn theo giá cả thị trường tại thời điểm thu hoạch. Một số thương lái đặt cọc trước cho các trang trại. Trong trường hợp này nếu thương lái không mua hàng sẽ bị mất cọc. Tuy nhiên, hình thức này chỉ áp dụng đối với sản phẩm có xu hướng khan hiếm hàng như trường hợp bưởi phục vụ cho nhu cầu tết nguyên đán hoặc chỉ áp dụng với thương lái mới mua lần đầu.

Qua kết quả phỏng vấn sâu các trang trại trái cây ở tỉnh Đồng Nai, hầu hết các trang trại đều cho không biết có Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Điều này chứng tỏ việc triển khai quyết định 80 của tỉnh Đồng Nai chưa đến được với người sản xuất. Các trang trại này cũng cho rằng hiện nay chưa thấy có doanh nghiệp nào đề cập đến việc ký hợp đồng tiêu thụ trái cây.

Qua khảo sát thì có 14/95 trang trại (chiếm 14,7%) có hiểu biết và đang thực hiện việc ký hợp đồng trong tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, các trang trại này chủ yếu đang ký hợp đồng nuôi gà cho công ty CP.

Tóm lại, phần lớn các trang trại sản xuất trái cây ở tỉnh Đồng Nai chưa thực hiện tiêu thụ trái cây theo hợp đồng. Mặc dù Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ra đời từ năm 2002 nhưng đến nay quyết định này còn rất xa lạ với các trang trại. Các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trái cây trong vùng chưa thiết lập mối quan hệ hợp đồng tiêu thụ trái cây với các trang trại. Đây là hạn chế cần phải khắc phục.


 

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của trang trại Thanh Thủy, Bình Dương

Trang trại Thanh Thủy nằm ở số 74 ấp 7, xã Long Nguyên, Bến Cát, Bình Dương. Trang trại do bà Nguyễn Thanh Thủy ở TP.HCM thành lập năm 1999. Hiện nay, qui mô diện tích của trang trại 13 ha. Trang trại chuyên trồng các loại cây ăn trái như bưởi da xanh, măng cụt, sầu riêng và chanh không hạt. Lao động thường xuyên của trang trại là 32 người trong đó 7 lao động gia đình. Ngoài ra trang trại còn thuê 1 kỹ sư nông nghiệp chuyên về cây ăn quả để theo dõi dịch bệnh. Tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng. Lợi nhuận bình quân hiện nay hơn 1 tỷ đồng/năm (năm 2007).

Từ năm 2006, trang trại Thanh Thủy trở thành nhà cung cấp chính thức cho Metro. Trang trại và công ty Metro ký hợp đồng nguyên tắc thỏa thuận các điều khoản chung về chất lượng, phương thức thanh toán, phương thức giao nhận hàng. Ngoài ra, Metro còn hỗ trợ cho trang trại về mặt kỹ thuật trồng, chăm sóc, đóng gói và bảo quản trái cây. Từ hợp đồng nguyên tắc, cứ 6 tháng 1 lần hai bên thỏa thuận hợp đồng mua bán. Nội dung hợp đồng mua bán chủ yếu xác định giá cả, thời gian giao hàng. Giá cả trên hợp đồng là giá cố định dựa vào thị trường hiện tại và dự báo trong thời gian 6 tháng tới. Ví dụ tại thời điểm ký kết hợp đồng tháng 6/2007, giá bưởi da xanh của thương lái mua tại vườn chỉ khoảng 13.000-14.000 đồng/kg loại 1 (trên 1,4kg/trái). Tại chợ đầu mối TP.HCM khoảng 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên tháng 6 chưa đến thời điểm thu hoạch nên 2 bên đã thống nhất giá 16.000 đồng/kg đối với loại 1 và hợp đồng có giá trị đến tháng 12/2007. Đến thời điểm cuối tháng 12/2007 giá tại chợ đầu mối TP.HCM chỉ còn 12.000 đồng đối với loại đặc biệt và 10.000 đồng đối với loại 1. Tuy nhiên Metro vẫn mua của trang trại với giá 16.000 đồng/kg. Theo thỏa thuận này thì thời gian đầu, trang trại bị thiệt do giá thấp hơn giá thị trường nhưng về sau thì giá cao hơn thị trường và với mức giá 16.000 đồng/kg đã đảm bảo cho trang trại có mức lợi nhuận hợp lý. Chính vì mối quan hệ cùng chia sẻ nhau trong rủi ro giá cả này mà giữa trang trại và Metro đã tạo nên sự liên kết bền vững.

Đây là một dạng gần giống hình thức sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung. Chủ thể tham gia hợp đồng chỉ bao gồm doanh nghiệp và trang trại. Doanh nghiệp đặt hàng trang trại cung cấp trái cây theo lịch trình định sẵn, giá cả cố định, phương thức thanh toán, chất lượng…Ở đây, đất đai thuộc quyền quản lý của trang trại và mức độ can thiệp của doanh nghiệp vào trang trại ở mức thấp. Sở dĩ trang trại chấp nhận ký hợp đồng ở mức giá thấp hơn thì trường vì diện tích trang trại tương đối lớn, sản phẩm nhiều nên trang trại muốn có đầu ra ổn định. Về phía doanh nghiệp, Metro là doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế mạnh, có thị trường tiêu thụ nên họ chấp nhận mua hàng và thời điểm giá thị trường xuống thấp vì họ muốn duy trì sản phẩm có số lượng và chất lượng ổn định. Hợp đồng tiêu thụ trái cây giữa trang trại Thanh Thủy và Metro là hoàn toàn tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu của hai bên.


 

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của trang trại Anh Mỹ, Bình Dương

Trang trại Anh Mỹ của anh Phạm Thế Hoàng được thành lập từ năm 1999, nằm ở ấp Chánh Hưng, xã Hiếu Liêm, Tân Uyên, Bình Dương. Năm 1999, anh Hoàng thuê 10 ha để trồng bưởi năm roi, quýt và cam sành. Năm 2001, trang trại phát triển thêm 15 ha và đến năm 2005 tiếp tục phát triển 27 ha. Đến nay anh Hoàng đã phát triển hoàn chỉnh trang trại chuyên canh cây có múi với diện tích 52 ha. Lao động thường xuyên của trang trại 35 người, lao động thời vụ khoảng 80 người.

Trang trại Anh Mỹ được xem là một trong những trang trại lớn ở miền Đông Nam Bộ. Để tiêu thụ sản phẩm của trang trại, anh Hoàng đã thỏa thuận hợp đồng với các chủ vựa chợ đầu mối trái cây ở TP.HCM và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Hợp đồng được ký hàng năm với giá cố định trọn gói. Năm 2007, trang trại ký bán đối với cam sành 300-350 triệu đồng/ha/năm và bưởi năm roi + quýt đường 300 triệu đồng/ha/năm.

Cũng giống như trang trại Thanh Thủy, hợp đồng tiêu thụ trái cây giữa trang trại Anh Mỹ với người mua là hình thức sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung. Tuy nhiên, ở đây người mua hoàn toàn không can thiệp vào quá trình sản xuất của trang trại. Việc thực hiện hợp đồng chủ yếu dựa trên chữ "tín". Mô hình này còn tồn tại khá nhiều rủi ro vì giữa trang trại và người mua không có cam kết chắc chắn như trang trại Thanh Thủy vừa nêu trên. Bản chất của hợp đồng này là hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm chứ chưa thật sự là sản xuất theo hợp đồng. Hợp đồng bao tiêu sản phẩm chỉ có thể phát triển được khi có sự đảm bảo của bên thứ ba hoặc pháp luật hợp đồng chặt chẽ, việc xử phạt vi phạm hợp đồng được thực hiện nghiêm minh.


 

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của Câu lạc bộ dịch vụ sản xuất trái cây thuộc Nông trường Sông Hậu

Thực hiện chủ trương tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng, ngày 18 tháng 04 năm 2005, Nông trường Sông Hậu ban hành Quyết định số 201/2005/QĐ-NTSH thành lập Câu lạc bộ dịch vụ sản xuất trái cây. Mục tiêu của Câu lạc bộ (CLB) là liên kết các thương lái và nông dân trong vùng tạo ra lượng hàng hóa lớn, đáp ứng nhu cầu của các chợ đầu mối và đủ sức thương lượng với các chủ vựa. CLB qui tụ 100 nông trường viên sản xuất giỏi tham gia. CLB thực hiện hỗ trợ kỹ thuật sản xuất xoài hàng hóa, ứng dụng công nghệ sau thu hoạch tạo ra trái xoài theo qui cách to, đẹp, giữ tươi được lâu trong thời gian bảo quản. Nông trường sông Hậu đã cấp cho CLB 200 triệu đồng dùng để hỗ trợ tín dụng cho các thành viên nâng cao năng lực chăm bón xoài theo phương pháp khoa học. Tại nông trường hiện có 1.875 hộ trồng khoảng 150.000 cây xoài cát Hòa Lộc, trong đó có 80.000 cây đang cho trái với sản lượng 10.000 tấn/năm. Một phần trong số này đã được nông trường bao tiêu, chế biến đóng hộp với thương hiệu Sohafarm để xuất khẩu. Ngoài ra CLB cũng tiến hành xây dựng thương hiệu "Xoài cát Hòa Lộc Sông Hậu" phục vụ cho xuất khẩu. Bên cạnh đó, nông trường thực hiện dự án nâng cao chất lượng trái xoài cát Hòa Lộc với sự hỗ trợ của nhiều nhà khoa học thuộc Sở Khoa học - Công nghệ Cần Thơ, Khoa Nông nghiệp (Trường Đại học Cần Thơ), Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Các nhà khoa học đã thí nghiệm, ứng dụng từng khâu kỹ thuật tiền thu hoạch như: bơm tưới, tỉa cành, tạo tán, áp dụng chế độ dinh dưỡng mới cho cây… Hàng loạt thí nghiệm về ảnh hưởng hoá chất kháng sâu bệnh, bảo quản trong nhiệt độ thấp để ức chế quá trình chín… được thực hiện theo qui trình khép kín. Kết quả cho thấy, thời gian tươi của trái sau khi rời cây kéo dài đến bốn tuần lễ.

Hình thức mua bán:

CLB làm trung gian kết nối giữa nông dân sản xuất trái cây hoặc thương lái với các chủ vựa ở chợ đầu mối ở TP.HCM hoặc các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Sản phẩm kinh doanh của CLB chủ yếu là xoài. CLB trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý mua xoài cho các chủ vựa hoặc các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Người mua trả hoa hồng cho CLB 3% doanh số bán của khách hàng. CLB trực tiếp ký hợp đồng với nông dân hoặc thương lái để tập trung hàng hóa giao cho khách hàng. CLB trích lại 1 % tiền hoa hồng cho nông dân và thương lái ký hợp đồng qua CLB. CLB đã tiêu thụ bình quân 3000 tấn/vụ thu hoạch. CLB cho nông dân và thương lái có ký hợp đồng tiêu thụ mượn vốn kinh doanh và CLB thực hiện dịch vụ thanh toán cho người mua và người bán.

Trách nhiệm của câu lạc bộ:

  • Chịu trách nhiệm tiếp nhận sản phẩm xoài do bên B mang về CLB để đi bán ở các điểm đầu mối.
  • Có trách nhiệm nhận và chi trả số tiền hàng bán được cho Bên B từ chợ đầu mối.
  • Có trách nhiệm trích thưởng cho bên B 1% giá trị hàng hóa tính trên doanh số bán được ở chợ.
  • Có trách nhiệm tạo mọi điều kiện thuận lợi cho Bên B trong quá trình thu gom, phân loại đóng hàng, vận chuyển, cho ứng trước tiền mua hàng, giúp Bên B kiểm tra giải quyết các sự cố hao hụt thất thoát trong quá trình vận chuyển mua bán.

    Trách nhiệm của nông dân và thương lái

  • Có trách nhiệm đăng ký trước các yêu cầu cần được CLB hỗ trợ như: nhu cầu mượn tiền, bến bãi, xe vận chuyển, phương tiện thu hoạch, bao bì, nhãn hiệu để phục vụ công việc thu gom xoài.
  • Có trách nhiệm cung cấp cho CLB các thông tin hàng hóa giao nhận rõ ràng chính xác.
  • Có trách nhiệm hoàn trả cho CLB số tiền đã ứng, mượn trước khi nhận được tiền bán hàng.
  • Có trách nhiệm tuân thủ các qui định và chi trả các dịch vụ mà CLB tổ chức theo yêu cầu của nông dân và thương lái.
  1. Đây là mô hình trung gian sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản. CLB đứng ra làm vai trò trung gian giữa người mua và người bán để nhận hoa hồng. Qua nghiên cứu mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của CLB dịch vụ sản xuất trái cây thuộc Nông trường Sông Hậu, chúng ta có nhận xét sau:
  • CLB đã gắn kết giữa nông dân và thương lái với các đầu mối tiêu thụ. Điều này giúp cho người bán bán được giá cao hơn nhờ vào khả năng thương lượng của CLB.
  • CLB đã giúp cho người mua tiếp cận được nơi sản xuất trái cây với số lượng lớn.
  • Người mua và người bán đều có lợi nhờ vào dịch vụ mà CLB cung cấp.


     

  1. Trường hợp tiêu thụ dứa Cayene theo hợp đồng ở TP.HCM

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, TP.HCM lựa chọn cây dứa Cayene để phát triển trong chương trình 2 cây và 2 con. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học thì đất đai ngoại thành TP.HCM rất phù hợp với trồng dứa.

Tính đến tháng 10/2004, Tp.HCM có 375,05 ha trồng dứa, trong đó có 73,7 ha chuyên sản xuất giống và 144 ha dứa Cayene thương phẩm. Diện tích này chủ yếu ở Nông trường Lê Minh Xuân và Phạm Văn Hai thuộc huyện Bình Chánh. Hộ nông dân trồng dứa không nhiều.

Để phát triển cây dứa trên địa bàn TP.HCM và thực hiện quyết định 80/2002/QĐ-TTg, UBND huyện Bình Chánh tổ chức triển khai mô hình liên kết giữa các đơn vị cung cấp giống, đơn vị bao tiêu sản phẩm và nông dân trồng dứa. Công ty cây trồng Thành phố (nay là công ty TNHH một thành viên cây trồng Thành phố) là đơn vị chủ lực được giao sản xuất chồi giống dứa Cayene và nhân giống bán cho nông dân. Trung tâm khuyến nông của Thành phố phối hợp với Trạm khuyến nông của huyện chịu trách nhiệm xây dựng mô hình trình diễn, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dứa cho nông dân. Công ty Tân Hoàng Phát, Công ty xuất nhập khẩu ngũ cốc (Grainco), Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Tân Bình chịu trách nhiệm tiêu thụ dứa cho nông dân. Cty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Tân Bình đã kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm với 2 nông trường trong thời hạn 3-5 năm. Công ty Tân Hoàng Phát tổ chức kí hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho người trồng theo phương thức trả trước 30% trị giá hom giống dứa được cung cấp từ Công ty giống cây Thành phố. Ngoài ra công ty cây trồng Thành phố cũng tham gia tiêu thụ dứa cho nông dân với vai trò trung gian.

Để thực hiện chương trình 2 cây và 2 con, Thành phố ban hành Công văn 419/CV-CNN ngày 5/2/2002 về việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn trồng dứa. Theo quyết định của UBND TP.HCM số 3186/QĐ-UB ngày 30/6/2004 về việc phê duyệt đề án hỗ trợ cho vay trồng dứa. Theo đề án Thành phố sẽ hỗ trợ 607.000 chồi dứa cho 18 hộ với tổng vốn vay là 516 triệu đồng. Tuy nhiên, thực tế chỉ có 8 hộ vay với tổng mức vay 128 triệu đồng, thời hạn vay 42 tháng. TP.HCM hỗ trợ suất cho người trồng dứa bằng cách TP.HCM trích ngân sách trả lãi suất cho người vay, người vay chỉ phải trả tiền vốn.

Đây là mô hình đa chủ thể sản xuất theo hợp đồng, chủ thể tham gia bao gồm doanh nghiệp, người sản xuất, nhà khoa học, ngân hàng và nhà nước. Tuy nhiên, trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào hợp đồng tiêu thụ dứa không rõ ràng. Mối quan hệ giữa các bên không chặt chẽ. Các chủ thể tham gia trong hợp đồng không cùng nhau phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Công ty cây trồng Thành phố chủ yếu tập trung bán cây giống, còn hướng dẫn kỹ thuật do ngành khuyến nông thực hiện. Doanh nghiệp chế biến tiêu thụ chỉ thu mua sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu. Mô hình này không có người "nhạc trưởng" chịu trách nhiệm phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Mọi rủi ro trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đều do nông dân gánh chịu. Chính vì vậy, sau 2 năm triển khai mô hình này hoàn toàn thất bại.


 

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của doanh nghiệp tư nhân chế biến và xuất khẩu trái cây Hoàng Gia

Doanh nghiệp tư nhân chế biến và xuất khẩu trái cây Hoàng Gia thành lập năm 2002, nằm ở số 2A/1, thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Đây là vùng chuyên canh bưởi năm roi lớn nhất cả nước. Hiện nay, diện tích bưởi năm roi ở huyện Bình Minh trên 4000 ha trong đó 3000 ha đã thu hoạch. Doanh nghiệp hiện có gần 40 nhân viên, trong đó có 17 người ký hợp đồng lao động dài hạn, còn lại là hợp đồng thời vụ.

Khách hàng của doanh nghiệp là các nhà phân phối bán lẻ như Saigon Coopmart, Metro và các doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp Hoàng Gia ký hợp đồng trực tiếp với nhà phân phối, các doanh nghiệp xuất khẩu, nước ngoài cam kết về số lượng, chủng loại sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng.

Để đáp ứng yêu cầu khắt khe của khách hàng, doanh nghiệp đã thực hiện tiêu thụ trái cây theo hợp đồng với chủ nhà vườn. Doanh nghiệp thực hiện thỏa thuận với chủ vườn bằng hợp đồng văn bản hoặc bằng miệng. Doanh nghiệp thực hiện 2 hình thức thu mua: thứ nhất, mua nguyên vườn (mua xô); thứ hai, mua theo phân loại với giá định sẵn. Doanh nghiệp đảm bảo mua cao hơn giá thị trường 300-500 đồng/kg.

Theo thỏa thuận, doanh nghiệp cam kết hỗ trợ vốn và kỹ thuật cho các chủ vườn. Doanh nghiệp không cho nông dân liên kết sản xuất bưởi với mình vay vốn bằng tiền mặt. Vốn đầu tư cho các hộ trồng bưởi được doanh nghiệp đầu tư vào kỹ thuật khuyến nông, vào khâu giống đảm bảo vườn bưởi cho trái đồng đều, sản lượng cao, không sâu bệnh. Để giám sát và hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ tham gia ký kết hợp đồng, doanh nghiệp đã hợp đồng với Trung tâm khuyến nông của tỉnh. Trung tâm khuyến nông chịu trách nhiệm cùng với nhân viên của doanh nghiệp thường xuyên theo dõi vườn bưởi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, hướng dẫn thu hái, bảo quản. Doanh nghiệp còn cấp các túi bao trái để đảm bảo trái bưởi đạt chuẩn về mẫu mã hình dáng. Doanh nghiệp cũng quy định chặt chẽ các hộ ký hợp đồng với doanh nghiệp bắt buộc phải thực hiện đúng quy trình sản xuất.

Doanh nghiệp cũng ký hợp đồng với các nhà khoa học đầu ngành về cây có múi để xây dựng vườn ươm giống đầu dòng cung cấp cho các nhà vườn nhằm đảm bảo chất lượng bưởi đồng đều.

Về hình thức giao nhận hàng, doanh nghiệp áp dụng 2 hình thức: thứ nhất doanh nghiệp trực tiếp tổ chức thu hoạch và vận chuyển sản phẩm về kho; thứ hai, doanh nghiệp nhận sản phẩm tại kho của doanh nghiệp. Tuy nhiên việc phân loại hoàn toàn do doanh nghiệp đảm nhận. Hiện nay, các chủ vườn chủ yếu bán cho doanh nghiệp dưới hình thức bán nguyên vườn, doanh nghiệp tự thu hoạch và vận chuyển về kho. Với hình thức này, doanh nghiệp đã giải quyết được bài toán mà lâu nay các chủ vườn thường gặp phải khi mua bán với thương lái. Đó là trước đây thương lái chủ yếu lựa loại ngon (loại 1, loại 2), còn loại xấu (loại 3, loại 4) nhà vườn không biết bán cho ai.

Mặc dù vậy, nhiều nông dân vẫn không muốn ký hợp đồng bằng văn bản với doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp áp dụng hình thức thỏa thuận miệng dựa trên sự tin cậy lẫn nhau. Đây là hình thức được xem là phù hợp với tập quán buôn bán ở địa phương.

Hình thức liên kết tiêu thụ trái cây ở doanh nghiệp Hoàng Gia dù có bằng văn bản hay không bằng văn bản thì thỏa thuận này chứa đựng đầy đủ các yêu tố của sản xuất theo hợp đồng. Hình thức này chính là sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung và mô hình phi chính thức. Hợp đồng tiêu thụ trái cây được hình thành xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Ở đây doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân trong tiêu thụ nông sản. Doanh nghiệp Hoàng Gia có đủ tiềm lực kinh tế mạnh và thị trường tiêu thụ. Xét về mặt phân bổ 3 yếu tố lợi ích, rủi ro và quyền quyết định thì cả doanh nghiệp và nông dân đều cùng chia sẻ. Nông dân bán được sản phẩm với giá cả hợp lý, chất lượng ngày càng tốt hơn; doanh nghiệp mua được sản phẩm với số lượng nhiều hơn, chất lượng ổn định, đồng đều.

Khó khăn hiện nay là trình độ nhận thức, kiến thức về thị trường, về pháp luật của các chủ vườn còn thấp. Nông dân xem hợp đồng bằng văn bản là không đáng tin cậy, là không tin tưởng nhau. Do đó, mối liên kết của doanh nghiệp với nông dân chủ yếu dựa trên chữ tín. Đây là khó khăn đối doanh nghiệp khi xử lý vi phạm hợp đồng. Điều này cũng thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp trong kinh doanh đối với khách hàng nước ngoài. Ngày nay giao dịch buôn bán trái cây với các khách hàng nước ngoài họ thường yêu cầu về việc truy xét nguồn gốc. Nếu không có hợp đồng với nông dân thì việc truy xét nguồn gốc gặp nhiều khó khăn do không đủ tài liệu chứng minh. Điều này làm cho khách hàng không tin tưởng vào doanh nghiệp.

Khó khăn thứ hai do sản xuất của nông dân manh mún, phân tán nhưng HTX chưa phát triển. Do đó, doanh nghiệp phải thỏa thuận hợp đồng với từng chủ vườn. Hàng tháng doanh nghiệp phải chi một khoản tiền khá lớn để thuê người tới tận các vườn bưởi, cùng giúp họ thu hoạch, phân loại, bao gói. Điều này đã làm tăng chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Tóm lại, sự thành công mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của doanh nghiệp Hoàng Gia một lần nữa khẳng định không phải bất kỳ doanh nghiệp nào, sản phẩm nào và nông dân nơi đâu cũng có thể liên kết tiêu thụ nông sản bền vững. Chỉ có những doanh nghiệp có năng lực tổ chức, có tiềm lực kinh tế mạnh và hợp đồng phải khiến cả 2 bên cùng hài lòng, cùng có lợi mới có thể đem đến thành công cho một sản xuất theo hợp đồng.


 

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của Công ty cổ phần thương mại Vinamit

Công ty cổ phần thương mại Vinamit, tiền thân là công ty TNHH Đức Thành được thành lập năm 1991. Năm 1994 đổi tên thành Công ty Delta Food; năm 2004 đổi tên thành công ty TNHH Vinamit; và năm 2007 chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ công ty TNHH thành Công ty cổ phần.

Sản phẩm của Vinamit bao gồm các loại rau quả sấy khô như mít, chuối, khoai lang, dứa, khoai môn, bí, …. Hiện nay công ty có một nhà máy đang hoạt động với trên 500 công nhân thường xuyên và trên 3.000 công nhân vào những lúc thời vụ và hai nhà máy đang xây dựng ở Bình Phước và Đăk Lăk. Công ty còn có 200 ha đất nhân giống mít đại trà cung cấp cho khoảng 4.000 hộ trồng trọt bao tiêu theo hợp đồng 8 năm.

Vinamit đã xây dựng các vùng nguyên liệu rộng trên 40.000 hecta được phân bổ tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk-lắk, Tây Ninh Đồng Nai, Cà Mau Vĩnh Long Kiên Giang... Vinamit có thể tự chủ trên 50% nguồn nguyên liệu.

Công ty áp dụng hình thức hợp đồng tiêu thụ trái cây như sau: Công ty cung cấp giống và theo dõi suốt quá trình trồng trọt của người được bao tiêu hợp đồng và cuối cùng là thu mua thành phẩm theo giá thị trường. Công ty cũng đồng ý cho người trồng bán mít tươi ra bên ngoài, khi không bán được thì nhà máy sẽ bao hết với giá tối thiểu là 2.000 đồng/kg múi mít. Trên 1ha đất trồng được trên 200 cây mít. Sau thời gian từ 3 đến 5 năm tuổi, mỗi cây mít sẽ cho thu hoạch 80 - 100 trái/năm, với trọng lượng khoảng 10 kg/quả. Như vậy, 1ha trồng mít thu hoạch 140 tấn quả/năm. Với giá tối thiểu công ty mua đã đảm bảo cho người trồng mít thu gần 300 triệu đồng/ha/năm. Hiện nay công ty có khả năng tiêu thụ bình quân khoảng 40 tấn mít múi (200 tấn mít trái)/ngày.

Bên cạnh việc xây dựng nguồn nguyên liệu tập trung, Công ty Vinamit phối hợp với các viện, trường tuyển chọn các giống mít nghệ, mít dừa của Việt Nam thành các bộ sưu tập. Ngoài ra công ty cũng đầu tư vào nghiên cứu khoa học tạo ra giống mới và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho nông dân. Công ty xem đây là khâu then chốt tạo ra năng suất và chất lượng sản phẩm.

Sự thành công của trong mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của công ty Vinamit được đánh giá ở 3 khía cạnh:

  • Thứ nhất là doanh nghiệp bắt tay với nhà khoa học, viện nghiên cứu và trường đại học nhằm đưa ra những loại giống cây trồng có năng suất cao và kiểm soát được chất lượng giống.
  • Thứ hai là doanh nghiệp thuê mướn toàn bộ đất của nông dân với mức giá có lợi cho dân, quy hoạch lại, thậm chí thuê mướn nông dân canh tác trên chính mảnh đất đó. Cách làm này sẽ giải quyết được bài toán chuyên canh cho nông dân.
  • Thứ ba là có sự can thiệp của Nhà nước. Nhà nước quy hoạch những khu đất, rừng nghèo, kiệt và khoán hẳn cho các công ty tổ chức canh tác,

    Vinamit đã thực hiện sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung và mô hình đa chủ thể. Vinamit đóng vai trò hạt nhân trong liên kết tiêu thụ trái cây theo hợp đồng. Thành công của Vinamit trong việc thực hiện liên kết 4 nhà là doanh nghiệp đã đặt hàng với nông dân sản xuất nguyên liệu cho mình. Doanh nghiệp làm cầu nối dẫn dắt nhà khoa học và nông dân đến với nhau. Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

    Tóm lại, giống như trường hợp doanh nghiệp tư nhân chế biến và xuất khẩu trái cây Hoàng Gia, hình thức tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của Vinamit xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp. Vinamit đóng vai trò đặt hàng cho nông dân sản xuất, đặt hàng cho các nhà khoa học để họ giải quyết các vấn đề khoa học và kỹ thuật nảy sinh. Ngoài ra nhà nước đã thực hiện được quy hoạch vùng chuyên canh để doanh nghiệp tổ chức sản xuất. Đây là một mô hình phát triển bền vững.


     

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang

Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang tiền thân là xí nghiệp rau quả Long Định và nông trường Tân Lập được thành lập từ năm 1977. Năm 1986, xí nghiệp rau quả Long Định và nông trường Tân Lập được sáp nhập trở thành Xí nghiệp liên hiệp rau quả Tiền Giang và đến năm 1999 đổi tên thành Công ty rau quả Tiền Giang. Năm 2005, công ty rau quả Tiền Giang thực hiện cổ phần hóa và đổi tên thành công ty cổ phần rau quả Tiền Giang. Sản phẩm chính của công ty là dứa hộp và dứa cô đặc xuất khẩu. Sản lượng của công ty 10.000 tấn/năm với doanh thu ước đạt 100 tỷ đồng. Hiện nay công ty có dây chuyền đông lạnh IQF với công suất 1.500 tấn/năm và dây chuyền nước quả cô đặc với công suất 5.000 tấn/năm.

Trước năm 2003, do công ty quản lý Nông trường Tân Lập nên công ty đã hình thành vùng nguyên liệu với diện tích 3500 ha. Thực hiện chủ trương khoán trong nông lâm, trường quốc doanh theo nghị định 01/CP ngày 04/01/1995, công ty ký kết hợp đồng với các hộ nhận khoán thông qua nông trường làm đại diện. Nội dung cơ bản của hợp đồng trong giai đoạn này là: nông trường cung cấp cho các hộ nhận khoán các vật tư, tiền vốn, hướng dẫn qui trình kỹ thuật, tổ chức quản lý sản xuất và thu mua dứa. Các hộ nhận khoán sản xuất dứa trên diện tích đất nhận khoán và giao nộp sản phẩm dứa cho nông trường theo định mức giao khoán đã được nông trường tính toán (trong thời gian này đất đai hoàn toàn thuộc quyền quản lý của nông trường). Theo hợp đồng, các hộ nhận khoán không được bán sản phẩm ra ngoài nông trường. Giá cả dứa dùng để hạch toán hoàn toàn do công ty quyết định. Hàng năm, công ty cân đối giữa giá trị sản phẩm dứa hộ cung cấp với các khoản hộ đã ứng trước và các khoản nghĩa vụ giao nộp, phần còn lại (nếu có) hộ được nhận thêm, phần thâm hụt (nếu có) bị trừ vào vụ tiếp theo.

Hình thức khoán ở công ty rau quả Tiền Giang phản ánh đúng bản chất hình thức sản xuất theo hợp đồng mô hình trang trại hạt nhân. Trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp này là đảm bảo toàn bộ các yếu tố đầu vào và đầu ra cho các hộ nhận khoán. Các hộ nhận khoán của công ty chỉ đóng vai trò người làm công ăn lương. Tuy nhiên qua nhiều năm hợp đồng với nông trường, các hộ nhận khoán nhận thấy rằng việc tính toán của nông trường không được công khai rõ ràng, giá cả dứa nông trường tính toán thấp hơn giá thị trường làm cho các hộ nhận khoán bị thiệt. Do mâu thuẫn lợi ích giữa người nhận khoán và công ty nên dần dần hợp đồng giao khoán bị phá vỡ và công ty mất quyền quản lý đất đai.

Sau năm 2003, đất đai của Nông trường Tân Lập đã chuyển giao quyền sử dụng cho các hộ nhận khoán. Công ty không còn quyền sử dụng diện tích đất này. Do đó, các hộ nhận khoán trước đây không tiếp tục ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang chuyển sang ký hợp đồng trực tiếp với các thương lái, hoặc hợp tác xã trồng dứa. Như vậy từ chỗ công ty ký hợp đồng với hàng trăm nông hộ trồng dứa (thông qua đại diện là nông trường) thì hiện chỉ còn khoảng 70-80 hợp đồng được ký giữa công ty và thương lái, sản lượng dứa tươi nguyên liệu cung ứng đạt 25.000-35.000 tấn/năm. Theo nội dung hợp đồng, Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang (gọi tắt là bên A) ký hợp đồng mua bán dứa với thương lái (gọi tắt là bên B), trong đó bên B bán dứa cho bên A theo số lượng, qui cách, giá cả và tiến độ sản lượng bán theo thời gian được qui định trong hợp đồng. Bên A có trách nhiệm thanh toán tiền bán dứa cho bên B theo số lượng, giá cả và cách thức thanh toán đã thoả thuận trong hợp đồng và theo thực tế. Bên A không đầu tư về vật tư tiền vốn cho bên B, bên A có trách nhiệm kiểm tra giám sát và nhắc nhở bên B thực hiện đúng hợp đồng và kiểm tra chất lượng sản phẩm bên B giao. Trước khi ký hợp đồng giữa công ty và thương lái đều có bàn bạc thảo luận về giá cả, tiêu chuẩn dứa, sản lượng dứa theo loại và thời gian giao nhận sản phẩm cũng như cách thức thanh toán. Việc định giá trong hợp đồng (6 tháng tới) căn cứ vào giá thực tế 6 tháng qua và qui luật biến động giá cả hàng năm, có sự thoả thuận và thống nhất giữa Bên A và Bên B. Mặc dù, giữa hai bên có ràng buộc nhau bằng văn bản, giá cả đã được xác định trước, cố định nhưng công ty hoàn toàn không đóng vai trò gì trong khâu sản xuất. Bản chất của hợp đồng này không phải là hình thức sản xuất theo hợp đồng mà là hợp đồng mua bán thông thường.

Mô hình liên kết tiêu thụ trái cây giữa thương lái và nông dân là hình thức sản xuất theo hợp đồng mô hình phi chính thức. Giữa thương lái và nông dân chủ yếu dựa trên thỏa thuận miệng.

Ngoài cây dứa, năm 2005, công ty cổ phần rau quả Tiền Giang còn triển khai hợp đồng bao tiêu cây nha đam. Vào tháng 8/2005, Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang đã ký hợp đồng với 13 hộ dân thuộc huyện Châu Thành trồng cây nha đam trên diện tích hơn 5 ha. Theo hợp đồng, Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang sẽ đầu tư giống (600 đồng/cây giống, 25.000 cây giống/ha) và chi phí trồng (5 triệu đồng/ha). Phần sản phẩm thu được người dân sẽ hưởng 70%, còn lại 30% công ty sẽ trừ vào chi phí đầu tư ban đầu; bên hộ chịu phần chăm sóc thu hoạch và giao bán sản phẩm. Tuy nhiên, hình thức này thất bại do công ty không có thị trường tiêu thụ, nên không thu mua và công ty buộc phải bồi thường hợp đồng cho nông dân.

Công ty cổ phần rau quả Tiền Giang đã thất bại khi thực hiện sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung. Mô hình hiện nay không phải mô hình sản xuất theo hợp đồng và cũng không đúng theo nội dung của quyết định 80/2002/QĐ-TTg. Công ty đã chuyển sự liên kết nông dân – công ty sang liên kết nông dân – thương lái – công ty. Điều này có nghĩa chuyển từ liên kết chặt chẽ không có trung gian sang liên kết lỏng lẻo và có trung gian. Công ty hiện nay không đóng bất cứ vai trò gì trong quá trình sản xuất của nông dân và cũng hoàn toàn không kiểm soát được việc thu mua của thương lái. Do đó chất lượng nguyên liệu khó kiểm soát và tình trạng vi phạm hợp đồng cũng sẽ xảy ra khi giá thị trường biến động mạnh.

Tóm lại, hình thức tiêu thụ trái cây theo hợp đồng của công ty cổ phần rau quả Tiền Giang không bền vững. Doanh nghiệp chưa có thị trường vững chắc và doanh nghiệp chưa đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu. Do đó, doanh nghiệp không thể có nguồn nguyên liệu có chất lượng và ổn định.


 

  1. Trường hợp tiêu thụ trái cây theo hợp đồng ở HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa

HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa thành lập tháng 7/2006 với 30 xã viên trên diện tích 40 ha. Ngày 30/6/2007, HTX chính thức đi vào hoạt động. Vào cuối tháng 5/2007, HTX đã ký kết hợp đồng nguyên tắc với Metro Cash & Carry Việt Nam sản xuất 31 ha bưởi theo tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt châu Âu (EurepGap). Theo nội dung ký kết, Metro Cash & Carry Việt Nam sẽ tài trợ khoảng 40.000 USD để thuê chuyên gia phối hợp cùng nông dân thực hiện các công việc như: phân tích đất, nước vùng sản xuất, xây dựng tài liệu, chuyển giao kỹ thuật sản xuất, kỹ thuật bảo quản, xây dựng nhà kho. Metro chịu trách nhiệm hướng dẫn nông dân làm đúng theo GAP và mời công ty SGS chứng nhận EurepGAP.

HTX ký hợp đồng với các hộ nông dân sản xuất bưởi năm roi theo đúng tiêu chuẩn: trọng lượng trái 1kg trở lên, bưởi không hạt, màu vàng bóng, tép múi vàng, vị chua ngọt, trái không bị trầy xước, u nám, không bị da cám, da lu. Để đảm bảo mẫu mã đẹp, HTX ứng trước vốn cho nông dân để mua túi bao trái với giá 1000 đ/túi.

HTX thực hiện 2 cách bao tiêu bưởi cho xã viên: Cách thứ nhất là mua hết bưởi với giá luôn cao hơn 200 đồng/kg so với giá thị trường tại thời điểm thu mua; cách thứ 2, đánh giá năng suất, mua mão, trả tiền theo lần hái trái. Sau gần 2 năm ra đời, HTX bưởi Năm Roi Mỹ Hòa bao tiêu 23ha bưởi. Theo kế hoạch năm 2009, HTX định bao tiêu lên đến vài trăm ha.

Về khâu tiêu thụ, HTX đã tổ chức được điểm mua bán bưởi sỉ, lẻ tại chợ đầu mối Bình Điền, TP Hồ Chí Minh và đã có mối quan hệ với các doanh nghiệp tiêu thụ và xuất khẩu trái cây như công ty Metro, công ty Giai Việt, công ty Đạt Vinh.

HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa đã áp dụng hình thức sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung. Trong đó, HTX đóng vai trò hạt nhân, là người trực tiêu tiêu thụ trái cây theo hợp đồng với nông dân. Ngoài ra, sự thành công của HTX cũng nhờ vào vai trò hỗ trợ của Công ty Metro. Công ty Metro đã hỗ trợ cho nông dân sản xuất trái cây theo GAP. Đây là cơ hội để HTX thu mua được sản phẩm có chất lượng để bán với giá cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay số hộ nông dân tham gia HTX và sản xuất theo GAP chưa nhiều nên HTX không đủ hàng để bán, còn nông dân thì có sản phẩm nhưng chất lượng thấp nên chỉ bán được cho thương lái với giá thấp.

Tóm lại, hình thức tiêu thụ trái cây theo hợp đồng ở HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa xuất phát từ nhu cầu của một số hộ nông dân. Họ tham gia HTX và cùng nhau sản xuất sản phẩm theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Điều này tạo nên sản phẩm có chất lượng, bán với giá cao hơn. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức của nông dân về HTX và về GAP chưa cao. Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương cần phải hỗ trợ để nâng cao nhận thức cho nông dân và khuyến khích họ tham gia HTX và sản xuất theo GAP. Chỉ có tham gia HTX thì người nông dân sản xuất bưởi năm roi ở Mỹ Hòa mới có thể phát triển bền vững được.


 

  1. Mô hình Liên kết Gap Sông tiền

Ngày 21/3/2005 Ban điều hành "Liên kết sản xuất, tiêu thụ trái cây an toàn khu vực sông Tiền" được thành lập, gọi tắt là Liên kết GAP sông Tiền. Liên kết GAP sông Tiền bước đầu bao gồm các thành viên sản xuất trái cây chủ lực 6 tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Bến Tre, Tiền Giang, Long An và TP.HCM; sau đó thêm một tỉnh là Trà Vinh. Liên kết GAP Sông Tiền là một tổ chức xã hội nghề nghiệp tự nguyên, phi chính phủ, tự trang trải kinh phí, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Mục tiêu trọng tâm của liên kết là xây dựng và tổ chức thực hiện mối liên kết giữa các nhà, nhất là nhà sản xuất và doanh nghiệp nhằm phát triển sản xuất và kinh doanh trái cây an toàn theo quy trình thực hiện sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới. Hiện nay liên kết GAP sông Tiền có 60 thành viên, trong đó có 15 HTX sản xuất và kinh doanh trái cây, 20 nhà vườn, 12 công ty sản xuất và kinh doanh trái cây, 7 Sở nông nghiệp và PTNT, 3 tổ chức phi chính phủ. Liên kết GAP sông Tiền đã hình thành các tổ kỹ thuật ở các HTX để chịu trách nhiệm kỹ thuật cho HTX; đào tạo huấn luyện kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ăn trái; hoạch định chiến lược và xây dựng thương hiệu. Mô hình liên kết GAP đã triển khai thực nghiệm sản xuất trái cây tại 5 tổ sản xuất của 5 HTX:

  • Tổ GAP thanh long của HTX Dương Xuân (Long An) có 27/55 xã viên.
  • Tổ GAP thanh long HTX Chợ Gạo (Tiền Giang) có 13/22 xã viên.
  • Tổ GAP bưởi da xanh HTX Mỹ Thạnh An (Bến Tre) có 22/42 xã viên.
  • Tổ GAP xoài cát Hòa Lộc (Tiền Giang) có 21/70 xã viên.
  • Tổ măng cụt-cam sành HTX 14/10 (Vĩnh Long) có 42/54 xã viên.

    Sau 3 năm thực hiện liên kết GAP sông Tiền, mô hình này còn gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết các HTX đều mới thành lập với số vốn rất ít. Vốn điều lệ của HTX Dương Xuân là 56 triệu đồng; HTX thanh long Chợ Gạo là 38 triệu đồng. Các HTX tham gia sản xuất theo GAP đều không có thị trường đầu ra ổn định. Vai trò của doanh nghiệp tham gia hết sức mờ nhạt. Không có doanh nghiệp nào ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho HTX. Ban điều hành liên kết GAP sông Tiền chủ yếu mới tập trung vào tổ chức hội thảo, hội nghị. Điều này đã nâng cao nhận thức của nông dân trong sản xuất theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt. Tuy nhiên, để sản xuất theo GAP nông dân cần phải bỏ tiền đầu tư, mua sắm thiết bị…Do đó, nông dân chưa thấy được lợi ích khi tham gia vào liên kết sông Tiền nên số hộ tham gia rất ít.

    Tóm lại, mô hình Liên kết GAP sông Tiền chỉ mới tập trung vào khâu sản xuất mà chưa xuất phát từ thị trường. Liên kết GAP sông Tiền chưa phát huy được vai trò hạt nhân của doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Mô hình này không thể phát triển được nếu các doanh nghiệp không đầu tư, đặt hàng cho các HTX sản xuất sản phẩm theo đúng yêu cầu của mình.


     

  1. Đánh giá chung và những vấn đề nảy sinh trong hợp đồng tiêu thụ trái cây

    1. Đánh giá cơ sở pháp lý tác động đến việc tiêu thụ trái cây theo hợp đồng

Kể từ khi triển khai thực hiện quyết định 80/2002/QĐ-TTg đến nay, tình trạng không thực hiện theo hợp đồng đã được ký kết diễn ra khá phổ biến. Doanh nghiệp đổ lỗi cho nông dân và ngược lại. Một số chuyên gia cho rằng do chế tài chưa đủ mạnh nên dẫn đến tình trạng vi phạm hợp đồng chưa xử lý được. Hiện nay, Việt Nam đã ban hành các văn bản pháp luật để điều chỉnh mối quan hệ hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp như Bộ Luật dân sự năm 2005, Luật thương mại năm 2005, Nghị định 135/2005/NĐ-CP, Quyết định 80/2002/QĐ-TTg,…

Bộ Luật dân sự năm 2005 đã điều chỉnh tương đối đầy đủ các quan hệ giao dịch dân sự. Hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa nông dân và doanh nghiệp có thể xem là một hợp đồng dân sự cho nên khi có tranh chấp hai bên có thể kiện nhau ra tòa dân sự. Ví dụ, trường hợp hai nông dân ký hợp đồng trồng cây nha đam cho công ty cổ phần rau quả Tiền Giang, nhưng công ty không mua hàng gây thiệt hại cho nông dân và họ đã kiện ra tòa dân sự và tòa đã xử doanh nghiệp phải bồi thường cho nông dân. Tuy nhiên, trong thực tiễn khi nông dân vi phạm hợp đồng thì rất ít doanh nghiệp kiện nông dân ra tòa. Mặc dù, Bộ Luật dân sự đã quy định chặt chẽ quyền và nghĩa vụ dân sự giữa các chủ thể tham gia vào giao dịch dân sự, tuy vậy, xét trên khía cạnh hợp đồng tiêu thụ nông sản thì Bộ Luật dân sự còn có một số hạn chế như sau:

  • Thứ nhất, theo quy định ở mục 9, chương XVIII từ điều 547 đến điều 566 đã quy định về "Hợp đồng gia công". Hợp đồng gia công là trường hợp sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung. Tuy nhiên các quy định của Bộ Luật chưa quy định rõ trường hợp đặc biệt là hợp đồng gia công trong nông nghiệp.
  • Thứ hai, "hợp đồng giao khoán" có bản chất mô hình trang trại hạt nhân sản xuất theo hợp đồng trong nông nghiệp, nhưng Bộ Luật dân sự năm 2005 chưa đề cập. Trong Bộ Luật này từ điều 501 đến điều 511 có quy định về "hợp đồng thuê khoán tài sản". Đối tượng hợp đồng này có liên quan đất đai, rừng, mặt nước, súc vật,…Tuy nhiên, bản chất hợp đồng này "thuê mua – Leasing", khác với sản xuất theo hợp đồng (contract farming).
  • Thứ ba, Bộ Luật dân sự chưa làm rõ quyền sở hữu tài sản trong trường hợp giữa doanh nghiệp và nông dân cùng đầu tư sản xuất nông sản. Về mặt lý luận, sản xuất theo hợp đồng chỉ thành công khi xây dựng được cơ chế phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định một cách rõ ràng. Để phân bổ 3 yếu tố này thì điều kiện quan trọng nhất là phải xác lập quyền sở hữu tài sản của mỗi bên mà ở đây chính là quyền sở hữu nông sản sau khi thu hoạch. Nông sản được sản xuất theo hợp đồng thuộc quyền sở hữu chung của doanh nghiệp và nông dân. Do vậy, cần phải có quy định cụ thể trong trường hợp này để giữa doanh nghiệp và nông dân có thể cùng chia sẻ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định.

    Luật Thương mại năm 2005 ở mục 1 và mục 2 chương II đã quy định về hoạt động mua bán hàng hóa, quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa và mục 1 chương VI quy định về gia công thương mại. Luật thương mại đã quy định cụ thể quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các chủ thể tham gia giao dịch. Theo điều 178, "Gia công trong thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận gia công sử dụng một phần hoặc toàn bộ nguyên liệu, vật liệu của bên đặt gia công để thực hiện một hoặc nhiều công đoạn trong quá trình sản xuất theo yêu cầu của bên đặt gia công để hưởng thù lao" [8]. Vậy, sản xuất hợp đồng theo mô hình tập trung là một dạng hợp đồng gia công thương mại vì theo hình thức này người nông dân nhận giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… để sản xuất ra sản phẩm theo yêu cầu của doanh nghiệp để hưởng thù lao. Điều 181 và điều 182, cũng quy định về quyền và nghĩa vụ của hai bên. Tuy vậy, trong thực tiễn hiện nay các bên tham gia hợp đồng chưa xem hợp đồng tiêu thụ nông sản là là hợp đồng gia công thương mại nông sản.

    Nghị định của Chính phủ số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005, về "giao khoán đất nông nghiệp, đất rừng sản xuất và đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản trong các nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh" có quy định một số nội dung liên quan đến quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng giao khoán.

    Mục d và đ khoản 1 điều 9 có quy định nghĩa vụ của bên giao khoán như sau:

    "d) Tiêu thụ sản phẩm cho bên nhận khoán theo hợp đồng đã ký;

    đ) Quản lý, chỉ đạo quá trình sản xuất, kinh doanh, thực hiện các hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; dịch vụ kịp thời vật tư, tiền vốn phục vụ cho quá trình sản xuất theo các định mức kinh tế, kỹ thuật và hợp đồng đã ký;" [1].

    Mục a, khoản 2 điều 9 quy định quyền của bên giao khoán:

    "a) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng khoán, đảm bảo thực hiện đúng pháp luật về đất đai, pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, pháp luật về thủy sản;" [1].

    Mục a và b khoản 1 điều 10 quy định nghĩa vụ bên nhận khoán như sau:

    "a) Sử dụng đất, rừng nhận khoán đúng mục đích, đúng quy hoạch; chịu sự hướng dẫn, kiểm tra, giám sát của bên giao khoán về kế hoạch sản xuất, quy trình kỹ thuật và chất lượng sản phẩm trong quá trình nhận khoán;

    b) Thanh toán các khoản chi phí sản xuất, dịch vụ cho bên giao khoán theo hợp đồng đã ký;" [1].

    Mục a và b khoản 2 điều 10 quy định quyền của bên nhận khoán như sau:

    "a) Nhận đủ hồ sơ hợp đồng giao khoán, tiếp nhận các hoạt động dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, vật tư, tiền vốn theo hợp đồng giao khoán đã ký;

    b) Nhận giá trị sản phẩm khi thu hoạch hoặc khai thác tương ứng với vốn, lao động đã đầu tư và 100% giá trị sản phẩm vượt khoán theo hợp đồng đã ký;" [1].

    Như vậy, theo quy định này thì hợp đồng giao khoán chính là sản xuất theo hợp đồng – mô hình trang trại hạt nhân. Tuy vậy, trong thực tiễn hiện nay các doanh nghiệp, trang trại và nhà nước chưa xem "khoán" là hình thức sản xuất theo hợp đồng.

    Nghị định 135/2005/NĐ-CP có quy định về quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong hợp đồng giao khoán nhưng thực tế nhiều doanh nghiệp chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, như trường hợp công ty cổ phần rau quả Tiền Giang trước năm 2003. Ngoài ra, các doanh nghiệp này cũng không thực hiện việc cung cấp đầu vào cho hộ nhận khoán.

    Ngày 24/6/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định của số 80/2002/QĐ-TTg về Chính sách khuyến khích tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng. Quyết định này bao gồm 10 điều quy định về các hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản, các chính sách khuyến khích doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân như chính sách về đầu tư, đất đai, tín dụng, xúc tiến thị trường, thương mại…Xét về tổng thể, việc ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg là một chủ trương đúng đắn của chính phủ. Tuy vậy, Quyết định này có một số hạn chế khó khả thi trong thực tế như sau:

    "Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá ký giữa các doanh nghiệp với người sản xuất theo các hình thức:

  • Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá;
  • Bán vật tư mua lại nông sản hàng hoá;
  • Trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hoá;
  • Liên kết sản xuất: hộ nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê đất sau đó nông dân được sản xuất trên đất đã góp cổ phần, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê và bán lại nông sản cho doanh nghiệp, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp" [10].

    Như vậy, về cấu trúc thì Quyết định này mới đưa ra một quan hệ hợp đồng là giữa doanh nghiệp và người sản xuất nông nghiệp. Đối với các hình thức ký hợp đồng được nêu thì bản chất có 3 dạng: dạng thứ nhất, hình thức đầu tiên là sản xuất theo hợp đồng; dạng thứ hai, hình thức thứ 2 và thứ 3 là hợp đồng tiêu thụ sản phẩm (marketing contract); và dạng thứ ba, hình thức cuối cùng chính là hình thức góp vốn đầu tư hoặc hợp đồng cho thuê tài sản. Bản chất của các hình thức này khác nhau cho nên quyền và nghĩa vụ của người mua và người bán có khác nhau. Do vậy khi triển khai Quyết định 80/2002/QĐ-TTg trong thực tế không khả thi.

    Trong điều 4, điều 5 và điều 6 của Quyết định 80/2002/QĐ-TTg liên quan đến nội dung, hình thức, quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng hiện nay không còn phù hợp với Bộ Luật dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005. Ví dụ Quyết định này có nêu: "Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá được Ủy ban nhân dân xã xác nhận hoặc phòng công chứng huyện chứng thực" [10]. Bộ Luật dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 không quy định về việc phải công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán. Một số chuyên gia cho rằng: "Quyết định 80 của Thủ tướng Chính phủ quy định tương đối chi tiết những vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện, nhưng "hợp đồng" ấy lại chỉ cần UBND xã hoặc Phòng Công chứng huyện chứng thực nên không đủ uy lực ràng buộc các bên cùng liên đới" [2]. Điều này không đúng vì không thể lý giải được tại sao rất nhiều hợp đồng tiêu thụ nông sản không cần xác nhận của chính quyền cấp xã nhưng vẫn được thực hiện một cách nghiêm túc.

    Tóm lại, cơ sở pháp lý để xác lập quan hệ hợp đồng nói chung và quan hệ hợp đồng trong tiêu thụ trái cây nói riêng đã hình thành và ngày càng hoàn thiện. Tuy vậy, các văn bản pháp luật hiện nay chưa rõ ràng, cụ thể và đồng bộ để giải quyết quan hệ hợp đồng trong tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân. Thực tiễn đã chứng minh tình trạng phá vỡ hợp đồng diễn ra khá phổ biến nhưng cơ sở pháp lý chưa đủ mạnh để giải quyết. Ngoài ra, tình trạng phá vỡ hợp đồng một phần do nhận thức về pháp luật còn yếu của các chủ thể tham gia hợp đồng, đặc biệt là nông dân. Hợp đồng tiêu thụ nông sản dù có chặt chẽ đến đâu, pháp lý có đầy đủ đến đâu nhưng việc không tuân thủ pháp luật của các chủ thể tham gia thì hợp đồng này vẫn không thể thực thi được trong thực tế.


     

  1. Đánh giá chung về tiêu thụ trái cây theo hợp đồng trong nông thôn Việt Nam

    1. Đánh giá về chủ thể tham gia tiêu thụ trái cây theo hợp đồng

Hình thức sản xuất theo hợp đồng đã xuất hiện trước và sau khi có quyết định 80/2002/QĐ-TTg. Hình thức này rất đa dạng nếu xét theo cách phân loại trên thì Việt Nam có đầy đủ tất cả các mô hình như tập trung, trang trại hạt nhân, phi chính thức, đa chủ thể và trung gian.

Mô hình tập trung phần lớn xuất phát từ nhu cầu của các doanh nghiệp chế biến như doanh nghiệp Hoàng Gia, Công ty cổ phần thương mại Vinamit. Chủ thể tham gia hợp đồng chủ yếu là doanh nghiệp và nông dân. Trong đó, trách nhiệm của doanh nghiệp rất lớn từ khâu xuống giống đến khâu thu hoạch. Trong mô hình này quyền quyết định của nông dân đối với việc sản xuất bị giảm đi nhưng lợi ích sẽ được đảm bảo. Mô hình này phù hợp trong trường hợp tài sản có tính chuyên biệt hay nói khác đi là sản phẩm có tính đặc thù.

Mô hình trang trại hạt nhân ở Việt Nam chủ yếu được hình thành do quá trình đổi mới nông, lâm trường quốc doanh như mô hình khoán ở công ty cổ phần rau quả Tiền Giang. Những nông dân tham gia hợp đồng phần lớn trước kia là người lao động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, mô hình khoán ở công ty rau quả Tiền Giang thất bại do trách nhiệm và quyền lợi trong giao, nhận khoán chưa rõ ràng.

Mô hình phi chính thức chủ yếu là mối quan hệ giữa nông dân và thương lái. Nông dân tham gia trong mô hình phần lớn là những nông nghèo không đủ khả năng đảm bảo các yếu tố đầu vào cần thiết cho sản xuất nông nghiệp, do đó họ phải thực hiện sản xuất hợp đồng với thương lái. Tuy nhiên, mô hình này không phát triển trong phạm vi lớn, vượt quá giới hạn cộng đồng.

Mô hình đa chủ thể chủ yếu xuất hiện từ khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg. Chủ thể tham gia trong mô hình bao gồm nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà nông và nhà khoa học. Việt Nam thường gọi là mô hình "liên kết 4 nhà". Mô hình này chưa phát huy hiệu quả vì chưa xác định được vai trò hạt nhân của các chủ thể trong quan hệ hợp đồng. Phần lớn các mô hình đa chủ thể chưa gắn liền với thị trường tiêu thụ vì những chủ thể chính của mô hình chủ yếu nằm ở khâu sản xuất. Liên kết GAP sông Tiền chỉ tập trung ở khâu sản xuất. Trong khi đó đầu ra mới quyết định sự thành công của mô hình. Thực tiễn đã chứng minh, công ty cổ phần thương mại Vinamit và doanh nghiệp tư nhân chế biến và xuất khẩu trái cây Hoàng Gia thành công trong việc tiêu thụ trái cây theo hợp đồng là do các doanh nghiệp này có tiềm lực kinh tế mạnh, có thị trường tiêu thụ. Họ chính là người tổ chức lại quá trình sản xuất cho nông dân. Các doanh nghiệp yếu kém, thị trường không ổn định thì không thể tiêu thụ trái cây theo hợp đồng thành công như công ty cổ phần rau quả thực phẩm Tân Bình, công ty cổ phần rau quả Tiền Giang.

Mô hình trung gian, chủ thể trung gian chủ yếu là HTX nhưng bản thân những HTX phần lớn chưa đủ khả năng thực hiện vai trò của mình, chưa thực sự là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân. Các HTX tham gia vào Liên kết GAP sông Tiền đều mới thành lập, vốn điều lệ ít, chưa đủ khả thu hút các nhà vườn tham gia. Mô hình qua trung gian thương lái cũng là mô hình không bền vững vì thương lái không quan tâm nhiều đến chất lượng sản phẩm và mối quan hệ giữa thương lái với nông dân rất lỏng lẻo, không có gì đảm bảo chắc chắn họ sẽ tiêu thụ hết sản phẩm cho nông dân.

Như vậy, thực tế đã chứng minh hiệu quả sản xuất theo hợp đồng sẽ tùy thuộc vào việc áp dụng mô hình nào trong trường hợp nào là phù hợp. Tuy nhiên, dù bất cứ mô hình nào thì vai trò hạt nhân của doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cũng quyết định sự thành công của sản xuất theo hợp đồng.


 

  1. Đánh giá về cơ chế thực hiện hợp đồng

Phần phân tích ở trên chỉ là một cố gắng tách biệt ra từng mô hình để làm rõ bản chất của nó. Trong thực tế, các mô hình lồng ghép lẫn nhau, ngay cả vừa áp dụng hình thức giao dịch theo hợp đồng, vừa áp dụng hình thức giao dịch giao sau hoặc giao ngay. Chính vì vậy cơ chế hoạt động cũng rất đa dạng và phong phú. Sản xuất theo hợp đồng thành công hoặc thất bại do sự phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định.

Đối với mô hình tập trung, doanh nghiệp hoặc HTX với tư cách người mua trực tiếp là người khởi xướng việc sản xuất theo hợp đồng. Xét về khía cạnh phân bổ lợi ích thì người sản xuất được nhận toàn bộ tiền công lao động và phần khấu hao tài sản do đóng góp đất đai, chuồng trại vào sản xuất; đối với người mua được nhận lại toàn bộ giá trị đã đầu tư cho người sản xuất. Về khía cạnh rủi ro, hai bên cùng chia sẻ rủi ro cho trách nhiệm mà mình đảm nhận. Đối với người sản xuất thì chịu rủi ro trong quá trình sản xuất và người mua chịu rủi ro về thị trường. Tuy nhiên, thường người mua còn hỗ trợ một phần rủi ro về sản xuất cho người sản xuất. Về khía cạnh quyền quyết định thì trong mô hình này quyền quyết định phần lớn thuộc về người mua. Người sản xuất có quyền quyết định tham gia hoặc không tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp.

Đối với mô hình trang trại hạt nhân, việc phân bổ rủi ro và quyền quyết định giống như mô hình tập trung, nhưng việc phân bổ lợi ích có khác. Trong mô hình này người sản xuất nhận được giá trị đối với toàn bộ công lao động và giá trị thu được vượt hơn so với dự kiến ban đầu.

Đối với mô hình đa chủ thể, mỗi chủ thể tham gia vào mô hình sẽ được phân bổ về mặt lợi ích, rủi ro và quyền quyết định đối với trách nhiệm mà mình đảm nhận.

Đối mô hình phi chính thức, người sản xuất toàn quyền quyết định đối với việc sản xuất, người mua ít tham gia vào khâu sản xuất. Người mua sẽ gặp rủi ro lớn hơn khi người bán không thực hiện trách nhiệm của mình. Về việc phân bổ lợi ích thì người mua chỉ nhận lại phần giá trị mà mình đã đầu tư còn người sản xuất nhận toàn bộ giá trị còn lại.

Đối với mô hình trung gian, người sản xuất, người mua và người trung gian cùng chia sẻ lợi ích mà do công việc của mình mang lại. Về khía cạnh quyền quyết định, người trung gian đại điện cho người mua và người bán để thực hiện quyền quyết định cho người người mua và người bán. Về phân bổ rủi ro tập trung vào người sản xuất và người mua, còn người trung gian thường ít chịu rủi ro.

Trong tất cả các mô hình thì quyền quyết định phân bổ lợi ích chủ yếu do người mua đảm nhận. Chính vì thế, những doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nào đủ khả năng phân phối lợi ích tốt nhất cho người sản xuất thì người sản xuất sẵn sàng thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công của mô hình sản xuất theo hợp đồng.


 

  1. Đánh giá về điều kiện phát triển

Phần lớn nông dân tham gia sản xuất theo hợp đồng ở Việt Nam đều có quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Điều này đã cản trở sự phát triển của mô hình sản xuất theo hợp đồng. Doanh nghiệp tư nhân sản xuất và xuất khẩu trái cây Hoàng Gia phải thuê nhiều nhân công và thuê cộng tác viên khuyến nông ở địa phương theo dõi từng nhà vườn. Điều này là tăng thêm chi phí dẫn đến khó đảm bảo việc mua sản phẩm cho nông dân với giá cao hơn. Do đó để phát triển mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng thì các nhà vườn phải liên kết lại thành lập HTX.

Mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng chỉ có thể phát triển được khi doanh nghiệp chế biến tiêu thụ có thị trường ổn định và có tiềm lực kinh tế mạnh để đầu tư cho nông dân sản xuất. Đồng thời doanh nghiệp cũng chính là người thuê các nhà khoa học giải quyết vấn đề kỹ thuật công nghệ nảy sinh vì bản thân nông dân không đủ khả năng thuê các nhà khoa học.


 

  1. Những nguyên nhân thành công và thất bại tiêu thụ trái cây theo hợp đồng trong nông thôn Việt Nam

Về cơ cấu tổ chức, sản xuất theo hợp đồng trong thời gian qua chỉ thành công khi vai trò của các doanh nghiệp với tư cách là người mua được xác định rõ ràng như trường hợp Công ty cổ phần thương mại Vinamit, doanh nghiệp Hoàng Gia. Sự thất bại của hình thức sản xuất theo hợp đồng trong thời gian qua chủ yếu là do chưa xác định được vai trò của các bên tham gia giao dịch. Trong trường hợp giao dịch giữa doanh nghiệp và nông dân có xác nhận của UBND cấp xã thì vai trò của cơ quan này cũng không được xác định một cách rõ ràng. Chính vì thế việc xác nhận trong hợp đồng của chính quyền cấp xã chỉ mang tính hình thức. Trong giao dịch theo hình thức sản xuất theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân thì vai trò của nhà nước rất quan trọng vì nó sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ giữa hai bên, nhưng trong thực tế điều này chưa thực hiện được.

Về cơ chế vận hành, nguyên nhân của thất bại của mô hình sản xuất theo hợp đồng trong thời gian qua chủ yếu là do thiếu cơ chế nhà nước đủ mạnh. Quyết định 80/2002/NĐ-CP chưa phân loại được các hình thức khác nhau trong sản xuất theo hợp đồng. Ngoài ra các văn bản pháp lý hiện nay chưa xem hình thức khoán trong nông, lâm trường quốc doanh là một dạng của hình thức sản xuất theo hợp đồng. Một nguyên nhân quan trọng mà dẫn đến việc sản xuất theo hợp đồng không thành công chính là cơ chế giá linh hoạt theo kiểu "thuyền lên thì nước lên" để bảo vệ cho người nông dân. Đó là khi giá thị trường cao hơn giá hợp đồng thì mua theo giá thị trường còn giá thị trường thấp hơn giá hợp đồng thì mua theo giá hợp đồng. Đây là hình thức mua theo giá sàn để bảo hộ cho người nông dân. Cơ chế này chỉ thực hiện bởi cơ quan nhà nước chứ không thể giao cho doanh nghiệp thực hiện vì doanh nghiệp là một đơn vị sản xuất kinh doanh, không có chức năng bảo hộ cho nông dân.

Về điều kiện vật chất, hình thức sản xuất theo hợp đồng thành công ở những doanh nghiệp có đủ thị trường tiêu thụ nông sản và có tiềm lực về tài chính để cung cấp các yếu tố đầu vào cho người sản xuất. Đây là yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của mô hình sản xuất theo hợp đồng. Sự thất bại của mô hình sản xuất theo hợp đồng trong thời gian qua chủ yếu là do nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam có quá manh mún, nhỏ lẻ nên số lượng nông sản hàng hóa ít. Do đó nông dân không quan tâm đến sản xuất theo hợp đồng. Trong khi đó HTX chưa phát triển mạnh để tập hợp nông dân hình thành vùng sản xuất hàng hóa lớn.


 

  1. Những vấn đề nảy sinh trong tiêu thụ trái cây theo hợp đồng trong nông thôn Việt Nam

Vấn đề thứ nhất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ chưa thể hiện vai trò hạt nhân trong các mô hình sản xuất theo hợp đồng.

Kinh nghiệm thành công của mô hình sản xuất theo hợp đồng chính là do các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đã thực hiện tốt vai trò của mình. Để thực hiện việc sản xuất theo hợp đồng, doanh nghiệp cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân và thực hiện tốt việc cung cấp đầu vào, tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, kiểm tra và giám sát sản xuất. Chính việc cùng tham gia trong quá trình sản xuất với nông dân đã đảm bảo cho việc thực thi hợp đồng đạt hiệu quả cao. Kinh nghiệm các nước trên thế giới dù sản xuất theo hợp đồng theo mô hình nào thì vai trò hạt nhân vẫn là doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Điều này có nghĩa doanh nghiệp đã giải quyết được 3 vấn đề cơ bản mà bản thân người nông dân không giải quyết được, đó là "thị trường – vốn – công nghệ" [5]. Một trong những nguyên nhân mà các doanh nghiệp chưa quan tâm đến sản xuất theo hợp đồng chính là do bản thân doanh nghiệp chưa quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đặc biệt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Thực tiễn đã chứng minh, doanh nghiệp Hoàng Gia và công ty cổ phần Vinamit muốn chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu để chế biến xuất khẩu nên các doanh nghiệp này đã tích cực tham gia sản xuất theo hợp đồng với nông dân.

Vấn đề thứ hai, quan hệ hợp đồng không bình đẳng và cơ chế phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định giữa các chủ thể chưa được xác lập rõ ràng.

Quan hệ hợp đồng phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và đôi bên cùng có lợi. Trong giao dịch nông sản thông qua hình thức sản xuất theo hợp đồng, các bên phải xác lập được cơ chế phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Đây là 3 yếu tố quan trọng giúp cho sản xuất theo hợp đồng có hiệu quả và hiệu lực. Ở Việt Nam, việc thực hiện sản xuất theo hợp đồng không xuất phát từ việc phân bổ 3 yếu tố lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Điều này có thể lý giải được vì sao tình trạng phá vỡ hợp đồng diễn ra khắp nơi. Trong thời gian qua nhiều doanh nghiệp ký hợp đồng theo hình thức giá sàn và mua theo giá thị trường là không phù hợp với cơ chế thị trường. Theo kinh nghiệm các nước, việc mua theo giá sàn là nhiệm vụ của nhà nước, không phải của doanh nghiệp. Đây không phải là mô hình bền vững vì đã vi phạm nguyên tắc bình đẳng trong việc phân chia lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Bộ Luật dân sự, Luật Thương mại, Nghị định 01/CP, Nghị định 135/2005/NĐ-CP và Quyết định 80/2002/QĐ-TTg được ban hành, nhưng chưa đầy đủ và không thống nhất trong xử lý các quan hệ hợp đồng dẫn đến cùng một hành vi có sự điều chỉnh khác nhau. Ví dụ, một doanh nghiệp tư nhân có hàng trăm héc ta "giao khoán" cho hộ nông dân thì không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định 135/2005/NĐ-CP, nhưng bản chất của việc giao khoán này không khác trường hợp doanh nghiệp nhà nước giao khoán. Ngoài ra, bản chất của hình thức giao dịch sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản hoàn toàn khác với giao dịch giao ngay (buôn bán trực tiếp hàng hóa ở chợ) hoặc giao dịch "giao sau" (buôn bán nông sản qua Sở giao dịch hàng hóa). Do đó không thể sử dụng cơ chế của hai hình thức giao dịch này áp dụng cho hình thức sản xuất theo hợp đồng. Tuy nhiên, trong thực tiễn hiện nay, các nhà hoạch định chính sách, các doanh nghiệp và nông dân chưa nhận thức đầy đủ sự khác biệt này. Trong quá trình xác lập cơ chế giao dịch, họ không dựa trên sự phân bổ 3 yếu tố lợi ích, rủi ro và quyền quyết định mà chủ yếu dựa trên cơ chế giá. Cơ chế giá chỉ phù hợp trong điều chỉnh giao dịch giao ngay và giao sau. Như vậy, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản là do cơ chế phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định giữa người mua và người bán chưa được xác lập một cách rõ ràng.

Vấn đề thứ ba, điều kiện vật chất chưa đảm bảo cho việc thực hiện sản xuất theo hợp đồng.

Kinh nghiệm ở Hoa Kỳ cho chúng ta thấy trong số những trang trại sản xuất hàng hóa lớn thì tỷ lệ sản xuất hợp đồng chiếm tỷ lệ rất lớn 42,9% số trang trại và 89,7 % giá trị sản xuất (2003). Những nông dân ký hợp đồng chăn nuôi gia công gà với công ty CP ở Thái Lan hầu hết đã đầu tư một hệ thống chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn. Điều này có nghĩa điều kiện vật chất cần thiết để đảm bảo sản xuất theo hợp đồng là quy mô trang trại lớn. Ở Việt Nam, phần lớn các trang trại quy mô nhỏ nên việc sản xuất theo hợp đồng gặp nhiều khó khăn. Để giải quyết bài toán quy mô, Việt Nam đã triển khai mô hình khuyến khích phát triển HTX để liên kết nông dân lại với nhau. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, kế cả do yếu tố lịch sử để lại nên các HTX chưa phát huy vai trò của mình. Đối với những nông dân có đủ khả năng tích tụ ruộng đất để làm ăn lớn thì không thể thực hiện được mong muốn của mình do vướng chính sách hạn điền của Nhà nước. Bản thân các doanh nghiệp không muốn ký hợp đồng với những hộ nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ vì sẽ dẫn đến tăng chi phí giao dịch. Kinh nghiệm hợp đồng tiêu thụ dứa ở Thành phố Hồ Chí Minh đã chứng minh rằng các doanh nghiệp chế biến dứa dù nguồn nguyên liệu cho chế biến thiếu hụt nghiêm trọng nhưng các doanh nghiệp này không tích cực tham gia ký hợp đồng với nông dân mà chủ yếu chỉ muốn ký hợp đồng với nông trường Lê Minh Xuân và Nông trường Phạm Văn Hai vì diện tích lớn. Như vậy, các điều kiện vật chất ở Việt Nam chưa đủ để thúc đẩy mô hình sản xuất theo hợp đồng phát triển.


 


 

ĐỊNH HƯỚNG HOÀN THIỆN CÁC MÔ HÌNH TIÊU THỤ TRÁI CÂY THEO HỢP ĐỒNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM


 

  1. Định hướng hoàn thiện các mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng ở Việt Nam

    1. Hoàn thiện mô hình tập trung

Mô hình tập trung trong sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng sẽ góp phần tạo nên vùng nguyên liệu lớn cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ trong điều kiện doanh nghiệp không đủ khả năng tập trung đất đai, chuồng trại. Mô hình này chỉ có thể phát triển khi các doanh nghiệp có nhu cầu hình thành vùng nguyên liệu chất lượng cao, ổn định và nông dân có nhu cầu bán nông sản trước khi sản xuất. Để mô hình này phát triển ở Việt Nam, chúng ta cần định hướng hoàn thiện như sau:

  • Thứ nhất, các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cần phải đầu tư từ khâu thiết kế đến khâu thu hoạch để đảm bảo sản phẩm do nông dân sản xuất đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khâu thiết kế, doanh nghiệp phải tham gia thiết kế đồng ruộng; xây dựng quy trình sản xuất; xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật và công khai hóa tất cả các tiêu chuẩn đầu vào và đầu ra cho nông dân. Trong khâu sản xuất, doanh nghiệp cần cử cán bộ theo dõi quá trình sản xuất của nông dân và trực tiếp xử lý những vấn đề nảy sinh trong khâu sản xuất, giúp cho người nông dân hạn chế tối đa rủi ro. Trong khâu thu hoạch, doanh nghiệp cần phải nhận lại toàn bộ sản phẩm và thanh toán cho nông dân.
  • Thứ hai, nông dân phải cung cấp cơ sở vật chất (đất đai), toàn bộ công lao động; làm đúng theo quy trình sản xuất do doanh nghiệp đưa ra; thông báo những trường hợp bất thường trên cây trồng, vật nuôi cho doanh nghiệp để hai bên cùng phối hợp xử lý.
  • Thứ ba, giá cả trong hợp đồng là giá gia công. Giá này bao gồm toàn bộ tiền công lao động theo giá thị trường bình quân tại địa phương (căn cứ vào định mức kinh tế - kỹ thuật); tiền khấu hao tài sản được sử dụng vào sản xuất nông sản hoặc giá trị quyền sử dụng đất được tính theo giá thuê quyền sử dụng đất tại thời điểm ở địa phương.

    Tóm lại, sản xuất theo hợp đồng mô hình tập trung hiệu quả sẽ giúp cho các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu trái cây có nguồn hàng dồi dào đáp ứng yêu cầu của khách hàng và người nông dân không phải lo lắng về thiếu nguồn lực để phát triển. Tuy vậy, mô hình này phải xuất phát từ nhu cầu và lợi ích của các chủ thể thì mới thành công.


     

  1. Hoàn thiện mô hình trang trại hạt nhân

Mô hình trang trại hạt nhân ở Việt Nam được hình thành và phát triển trong quá trình thực hiện công tác khoán ở nông, lâm trường quốc doanh. Do đó việc hoàn thiện mô hình này sẽ gắn liền với việc hoàn thiện cơ chế khoán. Một số định hướng hoàn thiện mô hình trang trại hạt nhân như sau:

  • Thứ nhất, đối với các doanh nghiệp đang thực hiện cơ chế giao khoán không có đầu tư cần phải chuyển sang hình thức giao khoán gắn liền với việc đầu tư trong suốt thời gian giao khoán. Điều này có nghĩa là trách nhiệm của doanh nghiệp phải là người đảm bảo đầy đủ các yếu tố đầu vào cho hộ nhận khoán và nhận lại toàn bộ sản phẩm do hộ nhận khoán sản xuất.
  • Thứ hai, hoàn thiện cơ chế phân phối lợi ích giữa bên giao khoán và bên nhận khoán. Việc phân phối và xây dựng phương thức phân phối lợi ích là một trong những nội dung quan trọng của hợp đồng sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại hạt nhân. Việc phân phối lợi ích sẽ có hai phương án: (1) phân phối bằng giá trị theo cơ cấu giá thành dự toán và (2) phân phối bằng hiện vật theo tỷ lệ đầu tư mỗi bên. Theo phương án (1), các doanh nghiệp giao vườn cây, chuồng trại cho hộ nông dân. Nông dân được tự chủ tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trên vườn cây của mình nhận khoán. Đồng thời, họ có trách nhiệm giao nộp đầy đủ các khoản về tài chính theo quy định cho Nhà nước, cho doanh nghiệp. Tuy nhiên phương án này chưa thể hiện rõ cơ chế cùng đầu tư, cùng chia sẻ rủi ro; và chưa phản ánh được lợi ích của các bên sẽ hưởng theo mức đóng góp về công sức tiền của, vật tư và công quản lý của họ. Theo phương án (2), trên cơ sở dự toán đầu tư trong toàn bộ chu kỳ, xác định được tổng mức đầu tư và mức đầu tư của mỗi bên. Việc đầu tư bằng hiện vật và doanh nghiệp nhận lại toàn bộ sản phẩm được giao khoán; phần sản phẩm vượt khoán thuộc quyền sở hữu của hộ nhận khoán. Phương án này thể hiện rõ ràng cơ chế cùng đầu tư, cùng chia sẻ lợi ích theo tỷ lệ vốn đầu tư, tôn trọng cơ chế thị trường, khắc phục được hạn chế của phương án (1). Do đó, các doanh nghiệp cần phải thực hiện việc phân phối lợi ích bằng hiện vật theo tỷ lệ đầu tư mỗi bên.

    Tóm lại, sản xuất theo hợp đồng mô hình trang trại tập trung là xu hướng tất yếu khách quan của các trang trại có quy mô lớn, có nhiều cấp quản lý trung gian. Khác với các doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác, các doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô lớn rất khó quản lý được quá trình sinh học vì vậy việc tái lập trang trại gia đình trong lòng trang trại doanh nghiệp sẽ mang lại hiệu quả cao hơn. Kinh nghiệm thực tiễn đã chứng minh rằng việc giao đất cho nông dân trực tiếp thực hiện quá trình sinh học, còn doanh nghiệp thực hiện dịch vụ đầu vào và đầu ra cho nông dân đã mang lại hiệu quả cho các nông, lâm quốc doanh. Do vậy, đây là mô hình hiệu quả đối với trang trại có quy mô lớn.


     

  1. Hoàn thiện mô hình đa chủ thể

Thực tiễn mô hình đa chủ thể ở Việt Nam rất đa dạng. Sự thành công của mô hình này phụ thuộc vào vai trò của doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ vì thị trường luôn là yếu tố quyết định đến mối quan hệ giữa các chủ thể và quyết định đến sản xuất nông nghiệp. Để hoàn thiện mô hình đa chủ thể tham gia vào hợp đồng sản xuất nông nghiệp, chúng ta cần thực hiện nội dung sau:

  • Thứ nhất, xác định lại vai trò của Nhà nước. Nhà nước không phải là chủ thể tham gia vào quá trình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp; giữa nông dân, doanh nghiệp với ngân hàng; giữa nông dân, doanh nghiệp với nhà khoa học. Thay vào đó, nhà nước đóng vai trò thúc đẩy các quá trình liên kết.
  • Thứ hai, doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân, là chủ thể chính trong mối quan hệ hợp đồng với tất cả các bên tham gia liên kết sản xuất nông nghiệp. Trong trường hợp HTX là chủ thể chính thì đứng đằng sau HTX cũng phải là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.
  • Thứ ba, nhà nước cần chuyển đổi các tổ chức khoa học - công nghệ và các cơ quan khuyến nông trở thành các đơn vị chuyên cung cấp dịch vụ khoa học - công nghệ cho nông dân và doanh nghiệp.
  • Thứ tư, xác định vai trò hỗ trợ, thúc đẩy của các trung tâm tư vấn và hỗ trợ sản xuất theo hợp đồng. Các trung tâm này sẽ tham gia xây dựng mô hình liên kết giữa các chủ thể tham gia; đào tạo nâng cao nhận thức về sản xuất theo hợp đồng cho nông dân, doanh nghiệp; tư vấn hợp đồng cho nông dân và giải thích cho nông dân những yêu cầu, khó khăn, thuận lợi khi thực hiện sản xuất theo hợp đồng.

    Tóm lại, trong điều kiện sản xuất còn lạc hậu, kiến thức của nông dân về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp và quản lý trang trại còn nhiều hạn chế thì phát triển mô hình đa chủ thể là phù hợp. Thông qua mô hình này, người nông dân sẽ dần dần nâng cao kiến thức và kỹ năng cần thiết đủ khả năng đương đầu với thị trường và có thể hòa nhập vào môi trường kinh doanh toàn cầu.


     

  1. Hoàn thiện mô hình phi chính thức

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam còn manh mún, phân tán và trình độ của người nông dân còn thấp, mô hình phi chính thức sẽ còn tiếp tục phát triển. Để hoàn thiện mô hình này, chúng ta cần thực hiện nội dung sau:

  • Thứ nhất, nhà nước cần phải giáo dục tuyên truyền cho các chủ thể tham gia mô hình nhận thức được các thỏa thuận không bằng văn bản cũng được xem như hợp đồng chính thức giữa người bán và người mua.
  • Thứ hai, cần thực hiện chế độ đăng ký bắt buộc đối với các hộ mua gom có tham gia mua nông sản của nông dân. Tuy nhiên, việc đăng ký này được thực hiện ở cấp xã, hoàn toàn miễn phí, thủ tục rất đơn giản và không thu bất kỳ khoản thuế hoặc đóng góp nào khác từ những người mua gom này.
  • Thứ ba, khuyến khích nông dân thực hiện thỏa thuận với các HTX thay vì với các người mua gom nhỏ lẻ.

    Tóm lại, trong giai đoạn hiện nay tiếp tục duy trì mô hình phi chính thức để giải quyết nhu cầu trước mắt cho nông dân và doanh nghiệp. Tuy vậy, khi nền sản xuất nông nghiệp phát triển, đặc biệt việc xuất khẩu trái cây ra nước ngoài thì mô hình này thể hiện tính thiếu chuyên nghiệp trong tổ chức sản xuất và tiêu thụ trái cây. Trong trường hợp này, chúng ta cần hạn chế phát triển mô hình phi chính thức.


     

  1. Hoàn thiện mô hình trung gian

Trong nền kinh tế thị trường, mối quan tâm chủ yếu của các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ. Do đó, họ không thể quan tâm đáp ứng các nhu cầu nhỏ lẻ của các trang trại/hộ nông dân. Điều này dẫn đến họ rất cần các tổ chức hợp tác của các chủ trang trại/hộ nông dân để thay mình đáp ứng nhu cầu dịch vụ đầu vào và đầu ra của sản xuất nông nghiệp. Các tổ chức hợp tác này là một trợ thủ hay một cầu nối giữa doanh nghiệp và trang trại. Mô hình trung gian hợp đồng sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay chủ yếu thông qua các hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc hội nông dân. Tuy nhiên các tổ chức này chưa đủ khả năng để đảm đương vai trò của mình. Chính vì vậy, để hoàn thiện mô hình trung gian trong hợp đồng nông nghiệp, chúng ta cần phải phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ hợp tác và hợp tác xã. Phần sau sẽ trình bày giải pháp một số giải pháp phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ hợp tác và hợp tác xã.


 

  1. Giải pháp phát triển các mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng ở Việt Nam

    1. Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp

Hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp là một trong giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy mô hình sản xuất theo hợp đồng phát triển. Như đã phân tích ở trên các văn bản pháp luật để xử lý các mối quan hệ trong sản xuất theo hợp đồng ở Việt Nam còn thiếu, chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực là điều hết sức cần thiết. Để hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta cần phải thực hiện một số nội dung sau:

  • Thứ nhất, hoàn thiện Bộ Luật dân sự và Luật thương mại theo hướng dành một chương riêng để điều chỉnh quan hệ hợp đồng tiêu thụ nông sản. Bộ Luật và Luật cũng cần phải xác định rõ hợp đồng tiêu thụ nông sản là hợp đồng dân sự hay hợp đồng kinh tế. Ngoài ra, Luật cũng cần phải điều chỉnh cụ thể quyền sở hữu nông sản trong trường hợp hai bên cùng đầu tư sản xuất nông sản vì nông sản được sản xuất theo mô hình này là tài sản thuộc quyền sở hữu chung của doanh nghiệp và người sản xuất.
  • Thứ hai, trên cơ sở Quyết định 80/2002/QĐ-TTg và Nghị định 135/2005/NĐ-CP, chúng ta có thể xây dựng một Nghị định chung về sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản. Trong nghị định này cần phải làm rõ sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản bao gồm 5 hình thức: mô hình tập trung, mô hình trang trại hạt nhân, mô hình đa chủ thể, mô hình phi chính thức và mô hình trung gian. Mỗi hình thức này cần xác định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng. Nhà nước cần ban hành các mẫu hợp đồng cụ thể cho mỗi hình thức sản xuất theo hợp đồng. Trong mỗi loại hợp đồng cần quy định cụ thể trách nhiệm mỗi bên về yếu tố kỹ thuật, về tài chính, về quản lý và phương pháp định giá. Ví dụ, mô hình tập trung là một dạng hợp đồng gia công nên người mua phải chịu trách nhiệm cung cấp đầy đủ các yếu tố đầu vào đúng theo định mức kinh tế kỹ thuật và nhận lại toàn bộ sản phẩm. Người bán chỉ là người cho thuê đất và cung cấp công lao động cho nên sẽ nhận được khoản tiền công, giá trị quyền sử dụng đất và khấu hao tài sản (nếu có). Về chính sách khuyến khích phát triển mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong tiêu thụ nông sản theo hợp đồng, ngoài những chính sách khuyến khích cho doanh nghiệp đã được đề cập trong quyết định 80/2002/QĐ-TTg, Chính phủ cần áp dụng các chính sách này cho các trang trại có ký hợp đồng và tuân thủ hợp đồng đã ký với doanh nghiệp. Việc triển khai thực hiện tiêu thụ trái cây theo hợp đồng đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thành công cho mô hình sản xuất theo hợp đồng. Kinh nghiệm thực tiễn đã chỉ ra rằng việc triển khai ký hợp đồng rộng khắp theo phong trào như thời gian qua dẫn đến các hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân chỉ mang tính hình thức. Số lượng ký hợp đồng nhiều nhưng hầu như không được thực hiện trong thực tế. Do đó, để đảm bảo mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, chính phủ phải chỉ đạo UBND các tỉnh, thành lựa chọn một vài doanh nghiệp, HTX có khả năng tiêu thụ hết trái cây cho nông dân thực hiện việc ký kết hợp đồng. Trong giai đoạn đầu, Nhà nước cần bảo hiểm cho các doanh nghiệp và nông dân tham gia sản xuất theo hợp đồng.
  • Thứ ba, về lâu dài chúng ta xây dựng Luật Nông nghiệp trong đó có một chương liên quan đến hợp đồng tiêu thụ nông sản.

    Tóm lại, hoàn thiện hệ thống pháp luật về hợp đồng trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ chế phân bổ 3 yếu tố: lợi ích, rủi ro và quyền quyết định. Chỉ khi nào 3 yếu tố này được phân bổ rõ ràng thì tiêu thụ trái cây theo hợp đồng mới phát triển bền vững.


     

  1. Đẩy mạnh sản xuất trái cây đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu

Chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao giá trị trái cây và phát triển thị trường xuất khẩu. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Tân Bình và công ty cổ phần rau quả Tiền Giang không tuân thủ hợp đồng tiêu thụ dứa cho nông dân có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là chất lượng trái cây không đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp sử dụng nguồn nguyên liệu này để sản xuất dứa đóng hộp xuất khẩu thì doanh nghiệp sẽ mất khách hàng hoặc khách hàng không mua. Điều này gây tổn thất cho doanh nghiệp. Chính vì vậy doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận bị phạt vi phạm hợp đồng nếu nông dân khởi kiện. Trường hợp bưởi năm roi ở Bình Minh cũng đã minh chứng rằng HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa không có đủ hàng để đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đó, nông dân đang thừa bưởi, chất lượng không đạt yêu cầu xuất khẩu đang phải bán rẻ cho thương lái.

Để đẩy mạnh sản xuất trái cây chất lượng đạt yêu cầu xuất khẩu, chúng ta cần thực hiện một số giải pháp sau:

  • Bộ Nông nghiệp và PTNT thành lập Ban chỉ đạo thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) ở cấp quốc gia để triển khai GAP trên phạm vi toàn quốc.
  • UBND các tỉnh, thành thành lập Trung tâm tư vấn và hỗ trợ phát triển GAP. Trung tâm này là một đơn vị sự nghiệp có thu trực thuộc Sở nông nghiệp và PTNT.
  • Chính phủ cần phải bố trí ngân sách hàng năm để đào tạo cho nông dân về GAP và quản lý chất lượng trái cây.
  • Các hiệp hội và các tổ chức phi chính phủ vận động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân trong việc sản xuất trái cây đạt chất lượng theo yêu cầu.
  • Bộ Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng tiêu chuẩn bắt buộc áp dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây về quy trình xử lý, đóng gói, bảo quản trái cây phù hợp với tiêu chuẩn của thế giới. Ví dụ, xử lý chiếu xạ trái thanh long để xuất khẩu sang Hoa Kỳ hoặc đóng gói trái cây theo BRC (British Retail Consortium) để xuất sang châu Âu.

    Tóm lại, chất lượng trái cây sẽ quyết định đến việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ sẽ buộc các doanh nghiệp xuất khẩu gắn kết với nông dân từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Do đó, tiêu thụ trái cây theo hợp đồng mới có đủ điều kiện phát triển.


     

  1. Hoàn thiện chính sách tích tụ ruộng đất cho sản xuất nông nghiệp

"Tích tụ ruộng đất là một dạng tích tụ tư bản dưới hình thức hiện vật trong nông nghiệp" [3]. Tích tụ ruộng đất để lập trang trại sản xuất nông sản hàng hóa là một tất yếu khách quan của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp theo cơ chế thị trường. Kinh nghiệm nhiều nước trên thế giới, cũng như thực tiễn sản xuất theo hợp đồng ở Việt Nam, chỉ có các trang trại sản xuất hàng hóa quy mô lớn mới cần và có thể thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Chính vì vậy, Nhà nước cần hoàn thiện chính sách tích tụ ruộng đất để phát triển những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn. Để hoàn thiện chính sách tích tụ ruộng đất, chúng cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần xóa bỏ hạn điền đối với hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vào mục đích nông nghiệp theo quy định của Luật đất đai năm 2003 và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 ngày 21/6/2007. Mặc dù, Nhà nước có quy định hạn điền, nhưng trong thực tế hiện tượng "xé rào" diễn ra khắp nơi. Thực tiễn cũng chứng minh rằng những người tích tụ ruộng đất "chui" làm ăn rất hiệu quả và quá trình tích tụ này không dẫn đến "bần cùng hóa nông dân". Do đó, Nhà nước cần chỉnh sửa, bổ sung pháp luật về đất đai để nông dân, nhà đầu tư an tâm phát triển trang trại sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn.

Thứ hai, Nhà nước cần xóa bỏ quy định về "đất sử dụng có thời hạn" của Luật đất đai năm 2003. Theo điều 67 của Luật đất đai, thời hạn giao đất, thuê đất đối với các hộ nông dân, cá nhân từ 20-50 năm tùy theo đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất rừng. Trong khi đó thời hạn giao đất, thuê đất đối với tổ chức kinh tế là 50-70 năm tùy dự án. Điều này có nghĩa các nhà hoạch định chính sách đang vi phạm nguyên tắc "không phân biệt đối xử giữa các chủ thể cùng thực hiện một hành vi" [4]. Ngoài ra, việc giao đất và thuê đất đối với trồng cây hàng năm 20 năm hoặc thấp hơn là quá ngắn, nông dân không thể mạnh dạn tích tụ ruộng đất và đầu tư cho sản xuất để mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 2005 và Luật đất đai năm 2003 về "thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp". Nhà nước cần hạn chế việc chia nhỏ đất đai cho tất cả thành viên có quyền thừa kế. Trang trại phải được giao cho 1 người thừa kế có khả năng quản lý và trở thành thành viên hợp danh, và những người thừa kế khác chỉ là thành viên góp vốn, đồng sở hữu chủ trang trại, không có quyền quản lý, tạo ra trang trại hợp danh. Quyền quyết định ai là người thừa kế có quyền quản lý có thể do người chủ quyết định bằng di chúc, nếu không, do các đồng sở hữu chủ quyết định và pháp luật thừa nhận [3].

Tóm lại, Nhà nước phải có chính sách thúc đẩy tích tụ đất đai. Việc tích tụ đất đai sẽ góp phần hình thành những trang trại trái cây chuyên canh, sản xuất đủ số lượng lớn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khách hàng nước ngoài, mang lại nguồn thu ngoại tệ cho phát triển đất nước.


 

  1. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động tổ hợp tác và hợp tác xã

HTX hoặc tổ hợp tác chính là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Bài học thực tế đã chứng minh rằng các doanh nghiệp chỉ muốn ký hợp đồng với HTX chứ không muốn ký hợp đồng trực tiếp với nông dân vì đơn giản là chi phí giao dịch giảm xuống đáng kể khi ký với HTX. Tuy nhiên, làm thế nào phát triển HTX và tổ hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động của chúng để HTX đủ sức đảm đương vai trò của mình. Một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Việc thành lập HTX và tổ hợp tác phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tránh chạy theo thành tích. HTX và tổ hợp tác phải thực sự là đại diện của nông dân và hình thành trên nguyên tắc tự nguyện. Cơ cấu xã hội ở nông thôn Việt Nam đã từng được hình thành trong quá trình hợp tác hóa đã đơn giản hóa đến mức tối đa; chỉ còn lại một bên là những nông dân với tư cách là hộ gia đình xã viên, bên kia là Ban chủ nhiệm HTX, Đảng ủy, Ủy ban và các đoàn thể, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc đều đã được "nhà nước hóa". Các hình thức tự quản vốn có hầu như bị xóa sạch. Không một lực lượng xã hội nào được tồn tại có tính tự trị, tự quản tương đối độc lập ngoài những đoàn thể tổ chức đã "nhà nước hóa" hay là những "cánh tay nối dài" của tổ chức Nhà nước. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển HTX và tổ hợp tác sau này. Để HTX và tổ hợp tác phát triển thì phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm.

Thứ hai, Phương thức vận động thành lập HTX và tổ hợp tác phải phù hợp với môi trường văn hóa xã hội của từng vùng và từng địa phương khác nhau. Sự thành công hay thất bại của việc phát triển HTX và tổ hợp tác trong thời gian phần lớn phụ thuộc vào phương thức tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương. Để phát triển HTX và tổ hợp tác theo hướng bền vững, Cục kinh tế hợp tác và PTNT cần phối hợp với các Viện, Trường và các Chi cục ở địa phương nghiên cứu xác định rõ những nhân tố văn hóa – xã hội đã dẫn đến sự hợp tác của nông dân. Từ đó, đề xuất những phương thức vận động và hỗ trợ phù hợp với từng địa phương. Ở Việt Nam, có những nét văn hóa khác biệt giữa các vùng, miền nên khó có mô hình chung để áp đặt lên trên cả nước. Chính vì vậy, việc vận động và hỗ trợ cho phát triển HTX và tổ hợp tác phải phù hợp văn hóa địa phương [11].

Thứ ba, Vận động người mua gom tham gia vào HTX. Người mua gom có kinh nghiệm thương mại và có quan hệ gần gũi với nông dân. Vì thế, tập họp họ vào trong một tổ chức và trở thành trung gian sản xuất theo hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân là điều cần thiết.

Thứ tư, Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thông qua chính sách tích tụ đất đai và giáo dục – đào tạo.

Kinh nghiệm trên thế giới, các HTX thành công phần lớn là HTX của những chủ trang trại quy mô lớn. Ở Việt Nam, nhiều mô hình thành công cũng nhờ vào chủ trang trại quy mô lớn. Ví dụ, HTX Cổ đông (Xã Cổ Đông, Thành phố Sơn Tây, Tỉnh Hà Tây) là một trường hợp thành công nhờ xã viên HTX là những ông chủ trang trại chăn nuôi quy mô lớn nên. Chính vì vậy, Nhà nước cần có chính sách tích tụ đất đai, để từ đó hình thành nên các trang trại quy mô lớn. HTX được hình thành từ những trang trại này mới phát triển được.

Nhà nước cần có chính sách tài trợ 100% kinh phí giáo dục – đào tạo từ tiểu học đến trung học nghề cho con em nông dân để hình thành một đội ngũ 'thanh nông tri điền". Đặc biệt cần phải đào tạo nghề nông cho con em nông dân để họ đủ khả năng quản lý các trang trại quy mô lớn, các HTX đích thực quy mô lớn. Kinh nghiệm ở Đan Mạch, Nhà nước tài trợ 100% cho thanh niên nông thôn học 4 năm để trở thành chủ trang trại. Chính phủ Đan Mạch quy định người điều hành các trang trại có quy mô lớn từ 30 ha trở lên phải có chứng chỉ đào tạo nghề nông. Các HTX được hình thành từ những trang trại được quản lý bởi những thanh niên trẻ, chủ trang trại giỏi, nên các HTX này rất thành công.

Tóm lại, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX và tổ hợp tác sẽ góp phần thúc đẩy hình thức sản xuất theo hợp đồng phát triển.


 

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ


 

  1. Kết luận

Trong cơ chế thị trường người sản xuất luôn luôn lựa chọn sản xuất ra mặt hàng nào mang lại nhiều lợi nhuận nhất. Nông dân cũng là người sản xuất nên họ sẽ chọn cây trồng, vật nuôi nào mang lại lợi ích lớn nhất cho họ. Chính điều này dẫn đến tình trạng "lúc trồng, lúc chặt" gây nên tổn thất lớn cho bản thân nông dân, cũng như cho xã hội. Việc gắn kết nông dân với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu hướng tất yếu khách quan trong nền nông nghiệp hiện đại. Sản xuất hợp đồng trong tiêu thụ nông sản là một trong những hình thức giao dịch nông sản, góp phần gắn kết nông dân với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ.

Diện tích cây ăn quả cả nước năm 2005 đạt 766,9 ngàn ha cho sản lượng 6,5 triệu tấn (trong đó chuối có sản lượng lớn nhất với khoảng 1,4 triệu tấn, tiếp đến quả có múi: 800 ngàn tấn, nhãn: 590 ngàn tấn). Mỗi năm xuất khẩu trái cây có thể mang về khoảng 150-180 triệu USD. Tuy nhiên, trong thời gian qua, sản xuất và tiêu thụ trái cây ở Việt Nam còn nhiều hạn chế. Sản xuất và tiêu thụ trái cây theo hợp đồng đã xuất hiện nhiều nơi nhưng hiệu quả chưa cao. Việc tiêu thụ trái cây theo hợp đồng chỉ thành công khi các doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo như công ty cổ phần thương mại Vinamit hay doanh nghiệp tư nhân sản xuất va xuất khẩu trái cây Hoàng Gia. Ngoài ra chỉ có những trang trại sản xuất trái cây quy mô lớn như trang trại Thanh Thủy hoặc trang trại Anh Mỹ mới có nhu cầu liên kết với doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sản xuất nhỏ muốn tiêu thụ trái cây theo hợp đồng phải liên kết thành lập các HTX đủ mạnh như HTX bưởi năm roi Mỹ Hòa.

Qua phân tích các mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng ở Việt Nam, chúng ta đã đề xuất một số định hướng hoàn thiện các mô hình tiêu thụ trái cây theo hợp đồng như mô hình tập trung, mô hình trang trại hạt nhân, mô hình đa chủ thể, mô hình phi chính thức và mô hình trung gian. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp để phát triển tiêu thụ trái cây theo hợp đồng.

Tóm lại, phát triển hình thức tiêu thụ trái cây theo hợp đồng là xu hướng tất yếu khách quan. Việc tiêu thụ trái cây theo hợp đồng sẽ góp phần tạo ra vùng chuyên canh trái cây lớn, đảm bảo việc thực hiện quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP). Đây là cơ sở để sản xuất và tiêu thụ trái cây bền vững ở Việt Nam.


 

  1. Kiến nghị

  • Nhà nước cần xây dựng Luật Nông nghiệp. Luật này phải điều chỉnh toàn bộ hoạt động sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản. Những nội dung của Luật Nông nghiệp cần điều chỉnh bao gồm các loại hình tổ chức kinh doanh nông sản; các quy định về trợ cấp cho nông nghiệp (Việt Nam vẫn còn có thể trợ cấp cho nông nghiệp); các quy định về cho vay tín dụng; các quy định về hỗ trợ cho từng ngành sản xuất; các quy định về thương mại nông sản,…
  • Cần sớm hoàn chỉnh, bổ sung Quyết định của Thủ tướng Chính phủ số 80/2002/NĐ-CP về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng và Nghị định 135/2005/NĐ-CP. Về lâu dài cần đưa nội dung sản xuất theo hợp đồng vào điều chỉnh trong Luật Nông nghiệp. Một số nội dung quan trọng cần phải chính sửa như phải làm rõ bản chất của sản xuất theo hợp đồng và sự khác biệt giữa các mô hình; các chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo hợp đồng phải cụ thể; phải có cơ chế xử lý tranh chấp hợp đồng và phòng chống rủi ro khi thực hiện sản xuất theo hợp đồng.
  • Nhà nước cần bãi bỏ thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế VAT cho tất cả các chủ thể ở khâu trung gian, trực tiếp mua gom nông sản cho nông dân.
  • Nhà nước cần điều chỉnh lại Luật đất đai liên quan đến đất nông nghiệp và các nghị định, thông tư có liên quan.
  • Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược liên doanh, liên kết tạo vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến và tiêu thụ. Việc liên doanh, liên kết với người sản xuất nguyên liệu có thể thực hiện thông qua việc thành lập công ty cổ phần và người sản xuất trở thành cổ đông của công ty.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Anh Bảo Trung ơi,
Đề tài của anh hay quá!

Em Thu.

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM