Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Contract Farming: Game Theoretical Approach

Sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản nhìn từ lý thuyết trò chơi

ThS. Bảo Trung

Sản xuất nông nghiệp gắn với tiêu thụ sản phẩm làm ra luôn là thách thức và là mối quan tâm, lo lắng của chính phủ các quốc gia trên thế giới. Bởi lẽ sản phẩm nông nghiệp do các hộ nông dân, phần lớn thuộc đối tượng nghèo trong xã hội làm ra, nếu không được tiêu thụ tốt và có lợi cho họ, thì thu nhập và đời sống của họ sẽ bị ảnh hưởng xấu, trách nhiệm sẽ có phần thuộc về Chính phủ.

Ở Việt Nam, trong tiêu thụ nông sản của mình, người nông dân cũng thường rơi vào tình trạng "được mùa thì mất giá và mất mùa thì được giá". Hiện tượng người nông dân "lúc trồng, lúc chặt" diễn ra khắp nơi gây nên tình trạng bất ổn về đời sống của chính họ và tạo ra khó khăn cho Chính phủ trong điều hành sản xuất nông nghiệp. Để giải quyết những mẫu thuẫn hiện nay trong tiêu thụ nông sản, ngày 24/6/2002 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng. Kể từ đó đã dấy lên phong trào gọi là "sản xuất theo hợp đồng và liên kết 4 nhà". Tuy nhiên, sau gần 7 năm áp dụng sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản, phần lớn các doanh nghiệp thất bại trong trong quan hệ hợp đồng với nông dân, không mua được nông sản do nông dân làm ra, hoặc không thu hồi được vốn đã ứng trước cho nông dân, tình trạng vi phạm hợp đồng xảy ra khắp nơi. Nông dân đổ lỗi cho doanh nghiệp và ngược lại.

Vậy, tại sao sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản lại khó hoặc không thành công trong thực tiễn, bài viết này sẽ phân tích sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản dưới góc nhìn của lý thuyết trò chơi.

Eaton và Shepherd (2001) định nghĩa sản xuất theo hợp đồng là "thoả thuận giữa những người nông dân với các doanh nghiệp chế biến hoặc doanh nghiệp kinh doanh trong việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm nông nghiệp dựa trên thỏa thuận giao hàng trong tương lai, giá cả đã được định trước". Theo Sykuta và Parcell (2003), sản xuất theo hợp đồng trong nông nghiệp đưa ra những luật lệ cho việc phân bổ ba yếu tố chính: lợi ích, rủi ro, và quyền quyết định. Điều này có nghĩa là kết quả mùa màng thu hoạch được sẽ được phân chia giữa nông dân và doanh nghiệp theo một tỷ lệ nhất định theo 3 yếu tố trên. Việc ký hợp đồng phân chia như vậy được xem là giải pháp tối ưu cho cả hai bên. Tuy nhiên, ở Việt Nam thì quan hệ hợp đồng này sẽ không thành công vì cả hai đều có động cơ "ăn gian". Vấn đề này có thể lý giải dưới góc độ lý thuyết trò chơi.

Lý thuyết trò chơi là một nhánh của toán học ứng dụng, nghiên cứu các tình huống chiến thuật trong đó các đối thủ lựa chọn các hành động khác nhau để cố gắng làm tối đa kết quả nhận được.

Nếu xét hình thức sản xuất theo hợp đồng là một trò chơi thì trò chơi này không giống các trò chơi khác ở chỗ, nó cho phép cả hai cùng thắng hoặc cả hai cùng thua. Ngoài ra, sản xuất theo hợp đồng còn có điểm khác biệt cơ bản là trò chơi này không bao giờ đứng yên. Các yếu tố trong trò chơi bị thay đổi theo thời gian do đặc điểm sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào điều kiện thời tiết – khí hậu. Vì vậy, kết quả phân chia lợi ích giữa các người chơi bị thay đổi và tất yếu người chơi tìm cách thay đổi trò chơi sao cho có lợi nhất cho mình.

Để hiểu trò chơi thay đổi như thế nào, chúng ta giả sử có 2 người nông dân A và B đều ký hợp đồng bán lúa cho một doanh nghiệp C với giá cố định là 5.000 đồng/kg và 3 tháng sau thu hoạch sẽ giao hàng cho doanh nghiệp. Điều gì sẽ xảy ra sau 3 tháng?

Sau 3 tháng lúc thu hoạch, giả sử giá thị trường tăng lên 6.000 đồng/kg, nông dân A và B sẽ hành xử như thế nào? Họ sẽ đứng trước một sự lựa chọn là vi phạm hợp đồng hoặc không vi phạm hợp đồng? Do hai người này cùng ký hợp đồng với doanh nghiệp C nên lựa chọn của người này sẽ ảnh hưởng đến người kia và mỗi người sẽ xem xét hành động của đối phương để chọn phương án tốt nhất cho mình. Kết quả hai người nhận được tương ứng với các lựa chọn của mình và người kia. (Điều này có thể lý giải được vì sao trong thực tiễn một số hợp tác xã thực hiện tốt việc ký hợp đồng một số không). Theo lý thuyết trò chơi chúng ta có thể thiết lập bài toán như sau: (trong mỗi ô: bên trái là kết quả của người B, bên phải là kết quả của người A):


 


 

Hợp đồng bán lúa cho doanh nghiệp C

Nông dân B

Vi phạm hợp đồng

Không vi phạm hợp đồng

Nông dân A

Vi phạm hợp đồng

-1; -1

2; -2

Không vi phạm hợp đồng

-2; 2

1; 1

Kết quả này sẽ không xảy ra khi hệ thống pháp lý vững chắc, lúc đó cả 2 nông dân không có lựa chọn nào khác là phải thực thi hợp đồng. Tuy nhiên, ở Việt Nam mọi người đều biết rằng kiện nhau ra tòa sẽ không hiệu quả nên họ sẽ chọn cách hành xử khác.

Nếu cả hai đều không vi phạm hợp đồng thì lợi ích của hai người đều như nhau và thấp (1; 1) (vì bán giá thấp hơn giá thị trường). Cả hai nông dân A và B đều cố gắng tìm hiểu lẫn nhau là người kia có vi phạm hợp đồng không? Nếu nông dân A không vi phạm hợp đồng và nông dân B vi phạm thì nông dân A sẽ thu được lợi ích ít hơn nông dân B (do giá bán thấp hơn) và ngược lại nếu nông dân B không vi phạm và nông dân A vi phạm thì A sẽ thu được lợi ích nhiều hơn B. Như vậy, theo những kết cục đã biết trước, đứng ở góc độ người A: nếu người B vi phạm anh ta sẽ chọn vi phạm vì thiệt hại thấp hơn, nếu người B không vi phạm anh ta sẽ vi phạm vì lợi ích lớn hơn, tóm lại là đường nào cũng vi phạm. Nếu cả hai cùng vi phạm thì lợi ích của hai người đều giảm như nhau (-1; -1) vì cả hai đều phải bỏ chi phí tìm kiếm, thương lượng với đối tác khác, uy tín giảm và cạnh tranh lẫn nhau. Trong điều kiện sản xuất nông sản hàng hóa lớn, người nông dân sẽ không chọn lựa tình huống này giống như trường hợp hệ thống pháp luật hiệu quả và hiệu lực. Tuy nhiên, ở Việt Nam sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ nên sẽ dẫn đến lợi ích của hai người nông dân A và B sẽ lớn hơn chi phí mà họ bỏ ra. Trong điều kiện hệ thống pháp lý kém hiệu quả và sản xuất nông nghiệp phân tán, manh mún, nhỏ lẻ như Việt Nam thì các giao dịch giữa nông dân và doanh nghiệp trở thành kiểu trò chơi một lần (one-shot game). Trong trò chơi này, không bên nào dự định giao dịch lần thứ hai nên tất cả các bên đều có động cơ để "ăn gian". Nông dân có động cơ không giao hàng khi giá lên; doanh nghiệp sẽ có động cơ là không nhận hàng khi giá xuống. Theo lý thuyết về sản xuất theo hợp đồng, doanh nghiệp phải đầu tư và hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân thì lúc này doanh nghiệp có thêm một trò chơi mới là nhìn vào cách hành xử của doanh nghiệp khác để quyết định đầu tư hay không đầu tư.

Dưới góc độ của lý thuyết trò chơi, sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản chỉ có thể phát triển được nếu cả nông dân và doanh nghiệp đều không có hành vi cơ hội, tức là không có lựa chọn nào khác. Để hạn chế hành vi cơ hội thì Việt Nam cần phải:

  • Thứ nhất, xây dựng hệ thống pháp luật hiệu lực và hiệu quả. Hệ thống pháp luật hiệu lực và hiệu quả có nghĩa là mọi người chơi đều biết và hành xử theo pháp luật như có thể kiện ra tòa và những hành vi gây thiệt hại được bồi thường thỏa đáng. Tuy nhiên điều này chưa có ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, để giải quyết một tranh chấp hợp đồng đơn giản cần toà án mất trung bình là 295 ngày. Chi phí để giải quyết tranh chấp tương đương với 31% giá trị hợp đồng, đây là nguyên nhân để các tòa án hoạt động thiếu hiệu quả. Thậm chí nếu như đã có giải pháp của tòa án thì mức độ tin tưởng vào kết quả cũng không cao. Theo một khảo sát của UNDP, chỉ có 20% số người trả lời phỏng vấn ở các vùng nông thôn cho rằng phán quyết của toà án là đúng và công bằng (UNDP 2004). Quan điểm chung và rõ ràng ở đây là hệ thống pháp lý chính thức có nhiều tham nhũng và không đáng tin cậy; 74% số người trả lời cho rằng sự trung thực của quan tòa là điều quan trọng đối với các thủ tục quy trình tố tụng, nhưng chỉ có 65% cho rằng luật pháp và cơ sở lập luận của một bên là quan trọng. Theo kết quả khảo sát của tác giả, hầu hết nông dân, thậm chí cán bộ quản lý doanh nghiệp khi được hỏi, đều không biết đến Bộ Luật dân sự và Luật Thương mại; một số cho rằng có biết nhưng chưa đọc bao giờ? Khi người dân không biết luật pháp có tồn tại thì hệ thống pháp lý này hoàn toàn vô hiệu lực. Luật pháp không có hiệu lực thì không thể có hiệu quả được. Như vậy, cải cách hệ thống pháp luật, cải cách tư pháp và giáo dục pháp luật cho người dân là điều cần phải làm trước khi có thể phát triển hình thức sản xuất theo hợp đồng trong tiêu thụ nông sản.
  • Thứ hai, xây dựng chính sách thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa quy mô lớn. Nông dân có những trang trại sản xuất nông sản hàng hóa lớn sẽ hạn chế hành vi cơ hội vì nguy cơ chấm dứt hoạt động kinh doanh trong tương lai là khá lớn. Trong trường hợp này người nông dân có động cơ mạnh mẽ là chuyển giao dịch một lần thành giao dịch nhiều lần với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ. Điều này sẽ hình thành hợp đồng sản xuất dài hạn giữa nông dân và doanh nghiệp. Trong điều kiện hệ thống pháp lý còn kém hiệu lực và hiệu quả thì uy tín là cơ sở để các bên chế tài lẫn nhau. Uy tín tốt là dấu hiệu cho các đối tác tiềm năng biết được sự sẵn sàng và khả năng thực hiện tốt hợp đồng, đồng thời cho biết khả năng đối tác xấu có thể tác động không tốt đến uy tín đó và đến khả năng tạo thu nhập trong tương lai. Để giải quyết bài toán này thì Việt Nam phải xây dựng được chính sách thúc đẩy hình thành những trang trại sản xuất hàng hóa lớn.

    Tóm lại, dưới góc độ của lý thuyết trò chơi, muốn phát triển hình thức sản xuất nông sản theo hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ thì Việt Nam cần phải xây dựng hệ thống pháp luật có hiệu lực và hiệu quả và có chính sách thúc đẩy sản xuất nông sản hàng hóa lớn.

    TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Akerlof, George A. (1970), "The market for "lemons": Quality uncertainty and the market mechanism", Quarterly Journal of Economics, 84 (3).
  2. Brandenburger, A.M. và B.J. Nalebuff (2006), Lý thuyết trò chơi trong kinh doanh, Nhà xuất bản Tri thức, Hà Nội.
  3. Eaton, Charles and Andrew W. Shepherd (2001), Contract Farming Parnership for Growth, FAO Agricultural Services Bullentin 145.
  4. Quinn, Brian JM., P. Eli Mazur và Vũ Thành Tự Anh (2006), Structuring Transactions Around Opportunism: Fruit Markets in the Mekong Delta, http://www.law.columbia.edu.


 

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM