Tiến sĩ Kinh tế ngành QTKD, Giảng viên cơ hữu Đại học Tài chính - Marketing và Giảng viên thỉnh giảng các trường Đại học phía Nam
Thứ Ba, 28 tháng 12, 2010
Doanh nghiệp và hàng xáo: "liên" nhưng chưa "kết"
Hồ Hùng
Thời báo kinh tế Sài Gòn, Thứ Năm, 23/9/2010, 10:05 (GMT+7)
(TBKTSG) - Vai trò của hàng xáo đã được nhìn nhận, nhưng để họ phát huy tốt vai trò và đảm bảo tính liên kết với doanh nghiệp, vẫn còn nhiều chuyện phải làm.
Doanh nghiệp bắt tay hàng xáo
"Chúng tôi đã hơi mát dạ vì đã được "tôn vinh". Chứ trước đây, khi tiêu thụ thuận lợi thì không ai nhắc gì đến, nhưng hễ giá xuống là lại râm ran nói do hàng xáo ép giá", ông Đoàn Hữu Gặp, một hàng xáo ở tỉnh Tiền Giang, nói vậy tại cuộc họp sơ kết "Tổ chức thí điểm mô hình tổ chức hàng xáo liên kết với doanh nghiệp kinh doanh lương thực", do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) tổ chức tại An Giang đầu tuần này.
Ông Gặp nói: "Thực ra hàng xáo làm sao ép giá! Thông tin giờ đây đầy khắp, giá lên buổi sáng thì trễ lắm buổi trưa nông dân đã hay. Chỉ có tụi tui bị "bẻ chỉa" thì có". Và ông kể, không ít lần đi mua lúa, đến tận nhà nông dân bỏ tiền đặt cọc, nhưng ngay sau đó giá nhóng lên thì nông dân làm eo liền, thậm chí không bán. "Họ nói, vợ tui không chịu rồi chú ơi! Nhà kế bên mới bán lúa cao hơn 50 đồng/ki lô gam kìa. Chú làm ơn nhận tiền đặt cọc lại dùm. Nghe vậy, đành thua!", ông Gặp dẫn chứng.
Một hàng xáo khác ở An Giang cũng thừa nhận, chuyện bị nông dân bẻ kèo xảy ra như cơm bữa. Đó cũng là lời giải thích không phải hàng xáo nào cũng cố tình ém lúa gạo, khi nhiều doanh nghiệp tổ chức thí điểm mô hình liên kết với hàng xáo đã ca thán khi giá lúa lên thì hàng xáo không giao hoặc giao không đủ số lượng lúa, gạo theo thỏa thuận, nhằm chờ giá nhóng tiếp.
Từ tháng 3-2010 đến nay, đã có 15 doanh nghiệp thành viên của VFA tổ chức thí điểm việc liên kết với hàng xáo và nhà máy xay xát. Theo đó, đã có tổng cộng 1.426 hàng xáo và 87 nhà máy xay xát tham gia ký kết biên bản thỏa thuận mua bán lúa gạo cho doanh nghiệp.
Phía doanh nghiệp cung cấp thông tin thị trường, giá cả và chủng loại, phẩm chất, thời gian giao hàng, còn hàng xáo có trách nhiệm cung ứng theo hình thức mua đứt bán đoạn, giao hàng đến đâu trả tiền đến đó. Ngoài ra, để đảm bảo lợi nhuận cho nông dân, hàng xáo cũng phải có bảng kê mua lúa của nông dân để doanh nghiệp có thể kiểm tra giá mua khi cần thiết.
Đại diện một số doanh nghiệp tham gia thí điểm thừa nhận, khi bắt tay với hàng xáo thì nguồn nguyên liệu chủ động hơn, chất lượng lúa gạo có cải thiện nhờ hàng xáo làm thay nông dân việc gom trữ và sấy, đồng thời thông tin mùa vụ, giống lúa cũng được cập nhật nhanh nhờ hàng xáo... Do doanh nghiệp cam kết giữ giá mua từ 3-7 ngày dù giá có hạ, còn nếu giá tăng thì sẽ nâng theo, nên phía hàng xáo cũng được đảm bảo lợi nhuận, thoát cảnh hồi hộp ngóng giá như trước đây.
Như vậy, nhiều hàng xáo đã tránh được những ánh mắt thiếu thiện cảm thời gian qua, thậm chí có ý kiến đòi dẹp bỏ lực lượng này để doanh nghiệp tự mua trực tiếp của nông dân. Chính ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cũng thừa nhận: "Các nước như Thái Lan, Pakistan... cũng sử dụng hàng xáo làm vệ tinh mua lúa gạo. Ở Thái Lan, hiện 80% lúa gạo mua được của nông dân là nhờ hàng xáo". Còn tại Việt Nam, vai trò quan trọng và cần thiết của hàng xáo trong lưu thông phân phối lúa gạo cũng đã được nhìn nhận, khi ước tính khoảng 90% sản lượng lúa hàng hóa của nông dân tiêu thụ được là nhờ họ.
Nên tính chuyện lâu dài
Tuy vậy, một số doanh nghiệp cho rằng, thời gian thực hiện thí điểm đã cho thấy mối gắn kết này còn nhiều lỏng lẻo. Giá mua của nông dân, doanh nghiệp khó kiểm tra bởi không có chức năng, không có chứng từ với nông dân và cự ly mua lúa tại nhiều ruộng cũng khác nhau nên rất khó hạch toán. Nhiều hàng xáo không tôn trọng thỏa thuận, nhất là khi giá lên, mục đích chính là ghim hàng hoặc giao nhiều nơi để hưởng chênh lệch, khiến doanh nghiệp nhiều phen lúng túng.
"Do tính pháp lý của biên bản thỏa thuận và phiếu đăng ký không chặt chẽ như các hợp đồng kinh tế thông thường nên không thể chế tài...", ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Sông Hậu, phân tích.
Nhưng theo ông Trượng, nếu triển khai ký hợp đồng lại khó khả thi. Bởi hợp đồng phải có số liệu hàng hóa cụ thể, giá tiền... và tất nhiên hàng xáo sẽ phải nộp thuế. "Nếu hàng xáo không nộp thuế, buộc doanh nghiệp phải đóng nên cả hai phía đều e dè với chuyện hợp đồng", ông nói.
Ngoài ra, quy định khi thanh toán từ 20 triệu đồng trở lên, doanh nghiệp phải chuyển khoản cho hàng xáo, vốn ít ai có tài khoản ngân hàng, cũng là một trở ngại. "Tụi tui ở suốt ngoài đồng, chẳng lẽ phải chạy ra Cao Lãnh (Đồng Tháp) rút tiền? Lúc có tiền trở về, lúa có còn không mà mua?", ông Gặp nói.
Và theo ông Nguyễn Văn Châu, Phó phòng Kế hoạch kinh doanh-Xuất nhập khẩu, Công ty Lương thực Tiền Giang, nếu chuyển khoản thì hàng xáo buộc phải có hóa đơn, tức phải nộp 5% thuế giá trị gia tăng. "Tụi tui đâu có điểm kinh doanh mà "nước sông gạo chợ" là chính. Vậy làm sao có hóa đơn? Còn nếu đến cơ quan thuế liên hệ xin hóa đơn, phải chịu 5% thuế, sẽ đẩy giá thành lên", ông Gặp nói thêm.
Do đó, VFA kiến nghị Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ điều chỉnh việc thu thuế giá trị gia tăng và thu nhập cá nhân đối với hàng xáo cũng như hình thức thanh toán sao cho tiện lợi. Bởi nếu duy trì những quy định hiện nay, cả hai phía khó lòng ngồi với nhau ký kết hợp đồng với những điều khoản, chế tài cụ thể, nhằm tránh tình trạng "bẻ kèo" vẫn xảy ra trong thời gian qua. Phía doanh nghiệp, do chỉ với hợp đồng "miệng", nên cũng không cách nào ứng vốn cho hàng xáo, dù biết họ chỉ lấy công làm lời, vốn ít, không thể đáp ứng mỗi khi doanh nghiệp có nhu cầu lớn về lúa, gạo.
Ông Trượng đề xuất thêm, nên nghiên cứu áp dụng hình thức mỗi hàng xáo chỉ giao dịch với một doanh nghiệp và phân chia địa bàn cụ thể, tránh tình trạng phá vỡ hợp đồng. Bởi thị trường lúa gạo luôn biến động, giá cả bất ổn, khi giá xuống doanh nghiệp vẫn chấp nhận rủi ro để giữ giá mua cho hàng xáo, nhưng nếu giá lên thì không cách nào "kìm" hàng xáo bán hàng cho mình.
Nhưng đây cũng là một trở ngại chưa có cách giải quyết, vì như vậy khó tránh tình trạng doanh nghiệp ép lại chính hàng xáo. Như đại diện Công ty Nông súc sản An Giang thừa nhận rằng, việc hàng xáo phá vỡ cam kết trong thời gian qua một phần cũng do chính doanh nghiệp, khi mỗi doanh nghiệp quy định khác nhau về ẩm độ, tỷ lệ tấm, thời gian thanh toán... nên khó trách hàng xáo đem nơi khác bán để có lợi hơn.
Thứ Ba, 30 tháng 11, 2010
GS.TS Peter Timmer, chuyên gia cao cấp của Trung tâm Hội nhập toàn cầu Hoa Kỳ:
Người hưởng lợi nhất trong cuộc Cách mạng xanh trên thế giới 40 năm qua là người tiêu dùng chứ không phải người trồng lúa. Nông dân quy mô nhỏ không được hưởng lợi nhiều khi giá lúa gạo tăng cao. Nông dân không thể làm giàu được nhờ trồng lúa.
|
+ Theo nhóm nghiên cứu MDI, bình quân nông hộ ở ĐBSCL có diện tích lúa 2,6ha/hộ, lớn nhất là Kiên Giang 5,8ha/hộ, An Giang 2,6ha, Sóc Trăng 1,3ha và thấp nhất là Long An 0,89ha. Phần lớn đất đai nông hộ có nhiều thì không liền thửa, ruộng bị chia cắt. Năng suất trồng lúa khá cao và ổn định. Lợi nhuận trồng lúa nhiều nhất là vụ ĐX với bình quân 11,4 triệu đồng/ha, kế đến là vụ TĐ 11 triệu đồng/ha và sau cùng là vụ HT với 3,6 triệu đồng/ha. Lợi nhuận trên 1kg lúa sản xuất so với chi phí đầu tư là 43%, vụ HT chỉ 17%.
+ PGS TS Nguyễn Văn Huỳnh – Trường ĐH Cần Thơ: "Cty BVTV An Giang thực hiện chương trình cùng NDRĐ. Mỗi kỹ sư bám sát địa bàn, giám sát qui trình sản xuất, từ giống lúa, sử dụng phân bón, thuốc BVTV…trên một cánh đồng. Đó là một cách làm có phương pháp quản lý qui trình sản xuất dễ tiếp cận, ứng dụng công nghệ cao. Tuy vậy, muốn nông dân nâng cao giá trị hạt lúa cần có sự liên kết chặt chẽ với DN, có ký kết thu mua sản phẩm đạt chất lượng".
|
Thứ Tư, 24 tháng 11, 2010
Loay hoay liên kết bốn nhà
Ngọc Hùng
Kinh tế Sài Gòn, Thứ Bảy, 24/4/2010, 11:44 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – "Lâu nay, có đã có nhiều hội thảo bàn về giải pháp liên kết bốn nhà nhưng sau phát biểu của nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước thì nhà nào đi về nhà đó chứ việc làm sao để liên kết bốn nhà thì ..."
Đó là nhận xét của tiến sĩ Võ Mai, Chủ tịch Hội làm vườn Việt Nam tại hội thảo "Liên kết 4 nhà- Giải pháp cơ bản để nâng cao giá trị trái cây Việt Nam" ngày 22-4, tại Tiền Giang.
Biết rồi khổ lắm nói mãi
Theo tiến sĩ Võ Mai, chuyện liên kết bốn nhà trong nông nghiệp đã được đề cập từ rất lâu nhưng nói thì nhiều nhưng làm chẳng được bao nhiêu.
"Tại sao trong tất cả các báo cáo đều nhấn mạnh rằng, tiềm năng sản xuất rau quả Việt Nam rất lớn đủ đáp ứng nhu cầu trong nước và sớm trở thành một cường quốc xuất khẩu rau củ quả nhiệt đới của thế giới nhưng người nông dân lại không thể làm giàu và cứ rơi vào điệp khúc được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa", bà Mai đặt câu hỏi. Thiếu sự liên kết giữa bốn nhà, tiềm năng nói trên khó mà biến thành hiện thực.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài gòn Online, giáo sư Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho rằng, nông sản của nước ta được mùa mất giá cũng là điều dễ hiểu vì hoạt động sản xuất nông nghiệp đi theo hướng kinh tế thị trường, theo quy luật cung cầu nên chuyện được mùa giá bán giảm là chuyện bình thường. Tuy nhiên, theo ông Bửu để tránh trường hợp nói trên chỉ còn cách là phải tìm cách nâng cao chuỗi giá trị cho nông sản. "Một ki-lô-gam trái cây tươi bán trên thị trường giá khoảng 20.000 đồng nhưng nếu được chế biến thì giá bán có thể cao gấp 5 lần", ông cho hay. Vấn đề là Nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp phải làm sao giúp nông dân nâng cao được giá trị của nông sản.
Trong khi đó, thực tế sản xuất và kinh doanh nông sản cho thấy, bốn nhà chẳng những ít liên kết mà còn làm khó nhau. Ông Huỳnh Văn Đấu, Giám đốc dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang cho biết, khó có thể kêu gọi sự hợp tác vì quyền lợi chung giữa bốn nhà được. Đơn giản vì ngay giữa các doanh nghiệp với nhau cũng có sự canh tranh làm giá để làm khó nhau.
Ông đưa ra ví dụ, để chủ động được nguồn nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, công ty ông đã liên kết và ký kết hợp đồng đầu tư bán chịu giống cho nông dân và mua lại sản phẩm với giá cố định. Tuy nhiên, khi đến vụ thu hoạch thì một doanh nghiệp khác nhảy vào mua với giá cao hơn 1.000 đồng/kg so với hợp đồng ký kết, nông dân bán ngay cho doanh nghiệp đó, khiến công ty ông vừa không mua được sản phẩm vừa mất luôn cả số tiền đầu tư ban đầu. "Khó có thể liên kết bốn nhà nếu còn tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh như hiện nay", ông Đẩu bức xúc.
Thep ông Nguyễn Văn Ngàn, Chủ nhiệm Hợp tác xã vú sữa Lò Rèn - Vĩnh Kim để tránh tình trạng manh mún trong sản xuất và chủ động được số lượng trái cây xuất khẩu, nhiều nông dân liên kết thành hợp tác xã nhưng khi có hợp tác xã rồi những vấn đề mới lại phát sinh. "Về cơ bản hợp tác xã là sự liên kết nông dân với nông dân chứ không thể là một doanh nghiệp theo đúng nghĩa nhưng khi bán trái cây chúng tôi phải chịu thuế giá trị gia tăng 5% đầu ra và thuế thu nhập doanh nghiệp 25 %. Năm 2009, hợp tác xã bán ra thị trường 10 tấn vú sữa thì phải nộp 15 triệu đồng tiền thuế, trong khi đó, một chủ vựa trái cây bên cạnh chỉ mất 1,7 triệu đồng tiền thuế" ông Ngàn cho biết.
Thiếu kênh phân phối, thiếu vốn, thiếu cả uy tín...
Bà Võ Mai cho rằng, lâu nay chúng ta muốn nông dân đầu tư vào sản xuất "sản phẩm nông nghiệp an toàn" thường hô hào rằng sản phẩm an toàn sẽ có giá cao hơn từ 10% đến 30% so với sản phẩm thông thường. Song, khi sản phẩm an toàn ra đời lại không có kênh phân phối chính thức nên rau ,củ, quả an toàn phải bán chung với những sản phẩm sản xuất theo truyền thống. Nhiều hợp tác xã sản xuất nông nghiệp an toàn thường giải thể sau khi những dự án hỗ trợ hết hiệu lực.
"Nếu sản xuất rau củ quả an toàn thì chi phí đầu vào như thuốc trừ sâu, phân bón ít hơn nên giá bán phải rẻ hơn chứ không thể có giá cao hơn. Giá rẻ hơn thì người tiêu dùng sẽ mua nhiều hơn vì lợi ích về kinh tế lẫn sức khỏe. Nếu chúng ta tư duy như vậy, sản phẩm nông nghiệp an toàn mới có thể tồn tại trên thị trường" bà Mai cho hay.
Theo bà Lưu Nguyễn Trà Giang, Giám đốc công ty chế biến rau quả xuất khẩu Hoàng Gia, khi doanh nghiệp ký được hợp đồng xuất khẩu thì ngoài việc tìm kiếm đủ số lượng hàng còn phải tìm kiếm nguồn vốn để mua hàng vì nông dân chỉ bán hàng khi được trả tiền ngay, trong khi đó, phía doanh nghiệp xuất hàng đi thì phải chờ 30-45 ngày mới được thanh toán. Muốn vậy, doanh nghiệp phải vay ngân hàng nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể dễ dàng huy động vốn từ kênh ngân hàng.
Còn ông Nguyễn Văn Ngàn cho biết, nguồn vốn của hợp tác xã chỉ có 120 triệu đồng từ đóng góp của 120 xã viên. Nếu dựa vào số vốn đó, hợp tác xã không thể mua đủ vú sữa để xuất khẩu nên bắt buộc phải vay nóng ở ngoài với lãi suất 20-30%/ tháng vì hợp tác xã không có tài sản thế chấp để vay ngân hàng.
"Năm 2010 hợp tác xã có hơn 50 héc ta vúa sữa được chứng nhận GlobalGap, số lượng vú sữa có thể xuất khẩu vào khoảng 500 tấn. Vay nóng ở ngoài thị trường để xuất khẩu 10 tấn vú sữa như năm 2009 còn làm được chứ muốn xuất khẩu trên 100 tấn thì khó làm được vì thiếu vốn để mua vú sữa của bà con" ông Ngàn chia sẻ.
Theo tiến sĩ Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Cần Thơ, hợp tác xã là mô hình khá phù hợp cho sự liên kết nhà vườn có quy mô nhỏ và thích hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp hiện nay. Tuy vậy, quyền lợi và trách nhiệm của những người tham gia hợp tác xã không rõ ràng, khó khuyến khích được tính năng động, sáng tạo và dám quyết định của những người đứng đầu. Bên cạnh đó, hợp tác xã có thể làm tốt công việc của mình khi họ hầu như không đủ uy tín để các định chế tài chính cho vay vốn như một công ty.
Theo ông Đấu cho dù Nhà nước và nhà khoa học đã tạo cho doanh nghiệp và nông dân một chiếc thuyền (nhà nước giúp cơ chế, nhà khoa học giúp kỹ thuật) nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nhà nông còn nhiều bấp cập. Mối liên kết bốn nhà chỉ hình thành nếu tất cả đều cùng mong muốn đưa ngành trái cây Việt Nam đi lên, mọi người đều làm giàu từ ngành nông nghiệp.
Chủ Nhật, 31 tháng 10, 2010
Chính sách công ở Việt Nam: Lý luận và thực tiễn
(TS. Đặng Ngọc Lợi - Tạp chí kinh tế và dự báo)
Trên các ấn phẩm ở Việt Nam những năm gần đây, thuật ngữ "Chính sách công" được sử dụng với nhiều góc độ khác nhau. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về chính sách công ở nước ta vẫn còn khá khiêm tốn; nhiều vấn đề liên quan đến chính sách công cần phải tiếp tục được làm rõ cả về lý luận và thực tiễn. Trong khuôn khổ có hạn, bài viết dừng lại ở góc độ nhận thức khái lược bước đầu về lý luận và thực tiễn "Chính sách công" ở nước ta.
Chính sách công
Ở các nước phát triển và các tổ chức kinh tế quốc tế, thuật ngữ "Chính sách công" được sử dụng rất phổ biến. Có thể nêu ra một số quan niệm sau:
Chính sách công bao gồm các hoạt động thực tế do chính phủ tiến hành (Peter Aucoin, 1971).
Chính sách công là một tập hợp các quyết định có liên quan lẫn nhau của một nhà chính trị hay một nhóm các nhà chính trị gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và các giải pháp để đạt các mục tiêu đó (William Jenkin, 1978).
Chính sách công là cái mà chính phủ lựa chọn làm hay không làm (Thomas R. Dye, 1984).
Chính sách công là toàn bộ các hoạt động của nhà nước có ảnh hưởng một cách trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân (B. Guy Peter, 1990).
Chính sách công là một kết hợp phức tạp những sự lựa chọn liên quan lẫn nhau, bao gồm cả các quyết định không hành động, do các cơ quan nhà nước hay các quan chức nhà nước đề ra (William N. Dunn, 1992).
Chính sách công bao gồm các quyết định chính trị để thực hiện các chương trình nhằm đạt được những mục tiêu xã hội (Charle L. Cochran and Eloise F. Malone, 1995).
Nói cách đơn giản nhất, chính sách công là tổng hợp các hoạt động của chính phủ/chính quyền, trực tiếp hoặc thông qua tác nhân bởi vì nó có ảnh hưởng tới đời sống của công dân (B. Guy Peters, 1999).
Thuật ngữ chính sách công luôn chỉ những hành động của chính phủ/chính quyền và những ý định quyết định hành động này; hoặc chính sách công là kết quả của cuộc đấu tranh trong chính quyền để ai giành được cái gì (Clarke E. Cochran, et al, 1999).
Chính sách là một quá trình hành động có mục đích mà một cá nhân hoặc một nhóm theo đuổi một cách kiên định trong việc giải quyết vấn đề (James Anderson, 2003).
Chính sách công là một quá trình hành động hoặc không hành động của chính quyền để đáp lại một vấn đề công cộng. Nó được kết hợp với các cách thức và mục tiêu chính sách đã được chấp thuận một cách chính thức, cũng như các quy định và thông lệ của các cơ quan chức năng thực hiện những chương trình (Kraft and Furlong, 2004).
Từ các quan niệm trên, chính sách công có thể được nhìn nhận như sau:
Trước hết, là một chính sách của nhà nước, của chính phủ (do nhà nước, do chính phủ đưa ra), là một bộ phận thuộc chính sách kinh tế và chính sách nói chung của mỗi nước.
Thứ hai, về mặt kinh tế, chính sách công phản ánh và thể hiện hoạt động cũng như quản lý đối với khu vực công, phản ánh việc đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cộng cho nền kinh tế.
Thứ ba, là một công cụ quản lý của nhà nước, được nhà nước sử dụng để: (i) Khuyến khích việc sản xuất, đảm bảo hàng hóa, dịch vụ công cho nền kinh tế, khuyến khích cả với khu vực công và cả với khu vực tư; (ii) Quản lý nguồn lực công một cách hiệu quả, hiệu lực, thiết thực đối với cả kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường, cả trong ngắn hạn lẫn trong dài hạn. Nói cách khác chính sách công là một trong những căn cứ đo lường năng lực hoạch định chính sách, xác định mục tiêu, căn cứ kiểm tra, đánh giá, xác định trách nhiệm trong việc sử dụng nguồn lực công như ngân sách nhà nước, tài sản công, tài nguyên đất nước.
Thực tiễn chính sách công ở một số quốc gia và ở Việt Nam
Qua thực tế hoạt động của khu vực công ở nhiều quốc gia, qua đánh giá của nhiều chuyên gia ở nhiều tổ chức liên quan của nhiều nước, nhiều tổ chức kinh tế quốc tế, có thể thấy:
Thứ nhất, ở các quốc gia, chính sách công và quản lý đối với khu vực công là chưa tốt, chưa hiệu quả. Bởi vì, mọi chính sách công đều liên quan tới sử dụng nguồn lực công (như tiền, tài sản, tài nguyên,...); các nước, trong hoạch định chính sách công chưa phản ánh đúng mục tiêu và những ràng buộc hữu hiệu đối với việc sử dụng nguồn lực công. Các thiếu sót, sai lầm thường thể hiện ở các góc độ sau: Xây dựng, hoạch định, đề ra chính sách công chưa đúng thực tế, nhiều tham vọng lớn, kỳ vọng quá cao; Trong tổ chức thực thi chính sách công, quản lý chính sách công còn yếu kém; Đánh giá hiệu quả, hiệu lực của chính sách công chưa thuyết phục, khách quan.
Nói chung chính sách công còn thiếu tính rõ ràng, chưa có căn cứ thỏa đáng, thuyết phục. Đối với khu vực tư còn bị gò bó, cản trở, thậm chí có tính kìm hãm, đối với khu vực công có tính chất còn lạm dụng, gây thất thoát, lãng phí, kém hiệu quả.
Quy trình soạn thảo chính hiện nay ở Việt Nam
Thứ hai, đối với các tổ chức nghiên cứu về chính sách công.
Các tổ chức nghiên cứu, các tổ chức có tính chuyên môn cao liên quan về chính sách công ở nhiều quốc gia, quốc tế đã có nhiều hoạt động, nhiều đóng góp về mặt lý thuyết. Về thực tiễn, thông qua các dự án khác nhau, các tổ chức nghiên cứu trên đã hỗ trợ các nước kém và đang phát triển, trong đó có Việt Nam, để nâng cao năng lực hoạch định, quản lý, thực thi, đánh giá chính sách công của nước mình, song tốn kém và hiệu quả hỗ trợ còn hạn chế. Lý do là do sự tiếp cận cả về lý thuyết lẫn kỹ thuật, công nghệ hoạch định, thực thi, đánh giá chính sách công còn nhiều hạn chế.
Hiện nay, nhiều vấn đề chính sách ở Việt Nam đang được các đại biểu Quốc hội mổ xẻ. Trong diễn đàn Quốc hội, đã có những ý kiến bàn về vai trò của các nhóm tư vấn, nghiên cứu độc lập, có đề xuất về việc các đại biểu quốc hội nên được trao quyền trình các dự án luật... Tuy nhiên, theo GS. Kenichi Ohno, Việt Nam đang có một quy trình hoạch định chính sách có một không hai. Hầu hết chính sách được xây dựng với sự can dự hạn chế của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chỉ được phép có ý kiến sau hoặc khi có vấn đề phát sinh. Chính sách được xây dựng trên cơ sở các phân tích và mục tiêu không thực tế, không được giới doanh nghiệp ủng hộ. Hơn nữa, các chính sách không có sự phối hợp giữa các Bộ, chỉ là bản liệt kê các chính sách mà thiếu kế hoạch hành động cụ thể. Mỗi Bộ ngành có nhiều kế hoạch nhưng lại không xác định được lĩnh vực ưu tiên. Vì vậy, Việt Nam nên bắt đầu một quy trình hoạch định chính sách mới, với sự tham gia cả tất cả các bên liên quan, bao gồm: Chính phủ, doanh nghiệp, người tiêu dùng, người nước ngoài, các nhà tài trợ, các nhà khoa học, chuyên gia. Đôi khi, các doanh nghiệp hoặc các nhà khoa học có thể vạch ra một chiến lược trình Chính phủ. Chính sách không đơn thuần chỉ là một văn bản hành chính của Nhà nước.
Qua nghiên cứu và vận dụng chính sách công ở Việt Nam, có thể thấy: (1) Đây là vấn đề là khá mới ở nước ta, vì trước đây vẫn có quan niệm về tài sản công, sử dụng nguồn lực công, nhưng theo quan niệm, theo nhận thức công hữu, sở hữu công cộng, của chung đất nước, của toàn dân. Do nhận thức chưa đúng đắn, chưa đầy đủ về chính sách công theo quan niệm mới, hiện đại nên trên thực tế việc tổ chức thực thi chính sách quản lý còn nhiều yếu kém, lãng phí. Vì vậy, cần phải làm rõ nội hàm chính sách công, cả từ khái niệm, các phạm trù, nội dung, các đặc điểm, các yếu tố tác động, chi phối chính sách công. (2)Nghiên cứu về chính sách công ở Việt Nam cần đặt trong bối cảnh đang trong quá trình chuyển đổi, vừa xóa cũ, vừa tiếp thu cái mới, tính đan xen giữa cơ hội và thách thức như một tất yếu, có thành, có bại, do đó phải có niềm tin, có định hướng cơ bản về vấn đề nghiên cứu. Đồng thời, cần phải có cách tiếp cận hệ thống, cơ bản, tổ chức nghiên cứu, đào tạo, thu hút chuyên gia về chính sách công, hợp tác quốc tế với các trung tâm, các viện nghiên cứu ở các nước về lĩnh vực chính sách công, nhất là với các nước phát triển./.
Thứ Tư, 20 tháng 10, 2010
Liên kết bốn nhà là gì ? Tại sao Quyết định số 80/QĐ-TTg không khả thi?
Đăng bởi bvnpost on 24/09/2010
Hoàng Kim (Đồng Tháp) Theo tôi, “liên kết bốn nhà” là “chiếc bánh vẽ” lớn nhất mà những nhà lý luận phi thực tế trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam nghĩ ra được. Từ trước đến nay, tôi thường nghe có một chỉ thị của chính phủ về "liên kết bốn nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; nghe nhiều người giải thích những yếu kém trong sản xuất lúa và trong việc mua bán lúa gạo là do không thực hiện đúng chủ trương "liên kết bốn nhà". Tôi cũng đã từng tìm hiểu và nghiên cứu xem các mối liên kết của bốn nhà ra sao? Trong đó mối liên kết nào là chủ yếu? Một hôm, tình cờ đọc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (1) tôi biết rằng "liên kết bốn nhà" là suy diễn từ QĐ số 80/2002/QĐ-TTg (gọi tắt là quyết định số 80). Vào Thư viện Pháp Luật Online tôi tìm được quyết định số 80/2002/QĐ-TTg. (2) |
Đọc xong quyết định 80, nhận thấy có sự ngộ nhận tai hại, tôi xin được có đôi điều trao đổi.
Quyết định số 80 là quyết định của Thủ tướng Chính phủ "về chính sách khuyến khích [người viết nhấn mạnh] tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng".
Khi dùng từ "khuyến khích" thì Quyết định này chỉ có tính định hướng, mà không bắt buộc doanh nghiệp và nông dân phải thi hành.
Điều 1 quy định Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Điều 2 quy định thời gian ký kết hợp đồng. Từ điều 3 đến điều 8 là những chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho việc thực hiện Điều 1 và Điều 2.
Thế nhưng không biết vì sao, một quyết định rất nhất quán thực hiện một mục tiêu duy nhất, lại được suy diễn thành "liên kết bốn nhà" quá rộng lớn. Rồi chiếc bóng của "liên kết bốn nhà" che phủ cả quyết định số 80.
Để rồi, thay vì thực hiện một chính sách đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dày công nghiên cứu, người ta lại thực hiện một suy diễn gượng ép, phóng đại, vô căn cứ, là "liên kết bốn nhà".
Không ai định nghĩa chính xác "liên kết bốn nhà" là gì? Các mối quan hệ của từng nhà với nhau ra sao? Vai trò của Nhà nước như thế nào? Cần những điều kiện hỗ trợ nào để "liên kết bốn nhà" khả thi? Thế nhưng nó nghiễm nhiên được cho là một mô hình tiên tiến.
Dần dần chiếc bánh vẽ “liên kết bốn nhà” trở thành chiếc đũa thần của nền nông nghiệp. Nông dân bị VFA độc quyền ép giá người ta cũng cho là tại không chịu “liên kết bốn nhà”, VFA bán gạo xuất khẩu với giá rẻ như cho, người ta cũng cho rằng không chịu “liên kết bốn nhà” nên không có thương hiệu.
Theo cách nói của các nhà lý luận phi thực tiễn này, nếu thực hiện đúng “liên kết bốn nhà”, việc trồng lúa của nông dân sẽ khởi sắc, đạt thắng lợi trên mọi mặt. Thế nhưng nếu hỏi “liên kết bốn nhà” là gì, ai đề ra “liên kết bốn nhà” thì chẳng có một ai trả lời được.
Cho nên, cần phải khẳng định dứt khoát rằng "liên kết bốn nhà" không có cơ sở lý luận và thực tiễn, không được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào ban hành, chỉ là “nói lâu” và “nói theo” thành quen miệng.
Tác hại của sự suy diễn quyết định số 80 thành "liên kết bốn nhà" là làm cho cơ quan được phân công thực hiện (UBND các tỉnh, Điều 7) không tập trung sức nghiên cứu cách thực hiện quyết định số 80, cơ quan được phân công giám sát (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Điều 8 khoản 1) không rút kinh nghiệm từ thực tế phản ảnh lên Chính phủ để hoàn thiện Quyết định số 80, mà lan man với những lý luận không đâu vào đâu về "liên kết bốn nhà".
Tác hại của sự suy diễn này là dùng "liên kết bốn nhà" như một chính sách hợp lý có thật, để giải thích cho nhũng yếu kém trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo, thay vì tìm ra một chính sách hợp lý thật sự.
Vì vậy, theo tôi, dù "liên kết bốn nhà" có thể là một suy nghĩ tiến bộ, có vẻ hợp lý hơn trong sản xuất nông nghiệp nhưng không được phép xem nó là động lực của phát triển nông nghiệp, không được phép dựa vào nó để giải thích cho các yếu kém trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không được phép sử dụng nó trong lý luận, cho đến khi “liên kết bốn nhà” được chứng minh cụ thể, và được ban hành bởi cấp có thẩm quyền.
Thực ra để giúp nông dân và để hợp lý hóa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông dân chúng tôi chỉ cần Chính phủ có những chính sách phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Mọi liên kết nếu muốn có của nông dân với doanh nghiệp và với nhà khoa học đều phải xuất phát từ những chính sách hợp lý của Chính phủ, chứ những liên kết này không thể tự dưng mà có, hay được tạo ra bằng những chính sách có tính “định hướng”, những chính sách có tính “ khuyến khích” của Chính phủ.
Tại sao Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg không khả thi?
Trở lại vấn đề chính, câu hỏi đặt ra là tại sao Quyết định số 80 của Chính phủ dù ban hành đã 8 năm vẫn bế tắc trong thực thi.
Theo tôi, nguyên nhân duy nhất là do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không muốn thực hiện quyết định này.
Hiện nay VFA độc quyền trong mua bán lúa gạo: VFA muốn bán gạo xuất khẩu giá bao nhiêu thì bán, muốn mua lúa của nông dân chúng tôi thì mua, muốn ngừng mua lúa của nông dân lúc nào thì ngừng. Vậy tại sao VFA lại thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân để tự ràng buộc mình?
Việc kinh doanh của VFA hiện nay rất khỏe. Mua lúa chở về nhà máy xay, xay thành gạo thô có thương lái lúa, đánh bóng gạo thô vô bao dán nhãn có thương lái gạo, VFA chỉ thực hiện việc chở đi ra cảng, xuống tàu xuất khẩu.
Vậy tại sao VFA lại ký hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân để phải đến tận ruộng thu mua lúa? Rồi phương tiện đâu để vận chuyển lúa về nhà máy xay lúa? Rồi nhà máy đâu mà xay lúa? Rồi kho đâu mà chứa lúa? Chẳng lẽ tự nhiên lại tốn tiền đầu tư phương tiện, nhà máy và kho bãi?
Hiện nay VFA ăn chênh lệch đầu tấn lại được toàn quyền muốn để lại lợi nhuận bao nhiêu thì để, điều kiện xuất khẩu thuận lợi thì mua bán gạo lấy lời, điều kiện xuất khẩu gạo bất lợi thì ngừng mua, mọi bất lợi của thị trường nông dân chịu hết. Vậy tại sao VFA lại ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để gánh chịu rủi ro khi giá lúa gạo trên thị trường thế giới lên xuống?
Quyết định số 80 chỉ lợi cho nông dân; còn VFA không có lợi gì, đôi khi còn có hại. Thế mà Chính phủ chỉ "khuyến khích" thì làm sao VFA chịu thực hiện?
H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Bài: “Liên kết “bốn nhà”: chủ trương đúng vẫn tắc” Thesaigontimes
(2) Thuvienphapluat
Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2010
BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM VỀ SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG VÀ LIÊN KẾT "4 NHÀ"
Kinh nghiệm sản xuất theo hợp đồng và liên kết "4 nhà" ở một số nước
Kinh nghiệm ở Thái Lan
Mô hình sản xuất theo hợp đồng đầu tiên ở Thái Lan do Tập đoàn CP (Charoen Pokphand) thực hiện. CP bắt đầu ký hợp đồng với nông dân để chăn nuôi gà gia công vào đầu thập niên 1970. Đây là mô hình thành công và được nhân rộng khắp Thái Lan. Đến cuối thập niên 1990, gần 100% hộ chăn nuôi gà ở Thái Lan đều sản xuất gia công cho các doanh nghiệp chế biến. Ngoài ra, CP cũng triển khai nhiều mô hình khác nhưng đều thất bại như giữa thập niên 1980, được sự hỗ trợ của Ngân hàng nông nghiệp và hợp tác xã nông nghiệp (Bank of Agriculture and Agricultural Cooperatives – BAAC), CP ký hợp đồng nuôi tôm và sản xuất lúa nhưng đều thất bại do nông dân không chấp nhận giá cố định do CP đưa ra. Ngoài ra, các tổ chức của chính phủ, các ngân hàng, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài hỗ trợ tích cực việc thực hiện sản xuất theo hợp đồng, nên mô hình sản xuất theo hợp đồng đã lan tỏa sang nhiều sản phẩm khác như đường, rau quả. Hiện nay, sản xuất rau an toàn theo quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) để xuất khẩu sang Hà Lan và Nhật Bản đều dưới hình thức sản xuất theo hợp đồng [6].Việc sản xuất theo hợp đồng ở Thái Lan phần lớn xuất phát từ nhu cầu của doanh nghiệp chế biến. Cấu trúc sản xuất theo hợp đồng của Thái Lan chủ yếu theo mô hình tập trung, giữa một bên là doanh nghiệp chế biến và một bên là các trang trại. Trong mô hình này người nông dân chủ yếu sản xuất gia công cho doanh nghiệp chế biến. Các doanh nghiệp chế biến đầu tư giống cây trồng, vật nuôi, cung cấp đầu vào, hướng dẫn kỹ thuật và kiểm soát chất lượng. Mô hình này được Công ty CP áp dụng đầu tiên ở Thái Lan. Năm 1985 Công ty Frito-lay International Co., Ltd. (một công ty con của Pepsi Cola) mở rộng thị trường khoai tây chiên (Potato chips) ở Thái Lan nên họ cũng đẩy mạnh việc sản xuất khoai tây theo hợp đồng. Công ty Frito-lay cũng cung cấp giống, kỹ thuật, đầu vào và nhận lại sản phẩm từ nông dân. Hiện nay 4 nhà chế biến khoai tây chiên lớn ở Thái Lan (Frito-lay, Testo, Kob và Pringle) đều thực hiện sản xuất theo hợp đồng với nông dân.Năm 1995, Frito-Lay mua lại Công ty TNHH Trang trại NS (NS Farm Co., Ltd) của Tập đoàn United Foods ở San Sai. Họ tiếp nhận các nhóm nông dân của NS Farm và thành lập thêm nhóm nông dân khác để thực hiện sản xuất theo hợp đồng dưới mô hình trang trại hạt nhân [8]. Mô hình trang trại hạt nhân cũng phổ biến ở các doanh nghiệp kinh doanh trang trại ở Thái Lan như Công ty CP trong sản xuất giống lúa và bắp; Euro Asian Seeds Co. Ltd., Saha Farm Co. Ltd. [1], [8].Hợp đồng miệng giữa nông dân và người mua gom, hợp tác xã (HTX) và doanh nghiệp ở địa phương cũng khá phổ biến ở Thái Lan. Nông dân trồng rau, hoa ở Đông Bắc Thái Lan chủ yếu dựa trên thỏa thuận miệng với người mua để thực hiện sản xuất.Đối với mô hình trung gian, hai công ty chế biến rau quả ở Miền Bắc Thái Lan ký hợp đồng trực tiếp với người mua gom và mỗi người mua gom chịu trách nhiệm giám sát 200-250 nông dân và được hưởng hoa hồng [2].Để phát triển hình thức sản xuất theo hợp đồng, nhiều tổ chức của nhà nước đã tham gia vào xúc tiến việc sản xuất theo hợp đồng như Ủy ban Đầu tư (BOI- Board of Investment), Ủy ban Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia (NESDB – National Economic and Social Development Board),… Tuy nhiên, có hai tổ chức hỗ trợ phát triển mạnh sản xuất theo hợp đồng là Cục khuyến nông (DOAE – Department of Agricultural Extension) thuộc Bộ Nông nghiệp và HTX và BAAC thuộc Bộ Tài chính. Hai cơ quan này xúc tiến phát triển mô hình lồng ghép giữa mô hình đa chủ thể, mô hình trung gian và mô hình phi chính thức. Để đảm bảo công bằng cho các bên, năm 1999, Cục Nội thương đã ban hành quy định về các điều khoản trong thỏa thuận sản xuất theo hợp đồng.Theo kinh nghiệm của Thái Lan, sản xuất theo hợp đồng – mô hình tập trung chỉ thực hiện đối với sản phẩm có yêu cầu về chất lượng cao và sản phẩm có tính độc quyền của người mua. Mô hình trang trại hạt nhân cũng giống như mô hình tập trung. Mô hình phi chính thức, mô hình đa chủ thể và mô hình trung gian là những mô hình phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp phân tán, lạc hậu; việc kinh doanh những sản phẩm này không có tính chuyên biệt hóa. Đối với mô hình đa thành phần, nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, phối hợp, tín dụng và khuyến nông.Kinh nghiệm ở Trung Quốc
Sản xuất theo hợp đồng là hình thức hợp đồng tiêu thụ nông sản khá mới ở Trung Quốc. Trong chương trình hiện đại hóa nông nghiệp, Chính phủ Trung Quốc đã xây dựng chính sách hỗ trợ và khuyến khích sản xuất theo hợp đồng nhằm mục đích giúp cho ngành sản xuất nông nghiệp thu được nhiều lợi nhuận và có sức cạnh tranh. Sản xuất theo hợp đồng được xem là hình thức hiệu quả để liên kết nông dân sản xuất nhỏ với các doanh nghiệp chế biến lớn. Chính quyền địa phương cũng nhận thấy tiềm năng của sản xuất theo hợp đồng trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho trang trại. Do đó, chính quyền địa phương thực hiện nhiều chính sách khuyến khích như hỗ trợ tín dụng, giảm thuế nếu thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Theo Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, diện tích trồng trọt thực hiện sản xuất theo hợp đồng năm 2001 là 18,6 triệu ha, tăng 40% so năm 2000 [3].Sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc theo các hình thức: hợp đồng trực tiếp giữa nông dân và "doanh nghiệp đầu rồng" (Dragon-head-firms)(), giữa nông dân và người mua gom; giữa nông dân và chính quyền địa phương và một số hình thức khác.Bảng 1: Tỷ lệ sản xuất theo hợp đồng theo các hình thức tổ chức ở Trung Quốc năm 1996, 1998 và 2000STTHình thức tổ chức1996199820001Doanh nghiệp đầu rồng45,5149,8341,02Người mua gom trung gian28,6226,4433,03Chính quyền địa phương12,2615,8812,04Khác13,617,8514,0Nguồn: Guo Hongdong, Jolly Robert W., Zhu Jianhua (2005) [3].Để thúc đẩy sản xuất theo hợp đồng, Chính phủ Trung Quốc đã lựa chọn và chỉ định các doanh nghiệp trung ương hoặc địa phương có tiềm lực kinh tế, quy mô lớn, có kỹ thuật và công nghệ ký kết hợp đồng trực tiếp với nông dân. Ủy ban phối hợp phát triển công nghiệp hóa nông nghiệp quốc gia (The National Agricultural Industrialisation Development Joint Committee) đưa ra tiêu chuẩn và giám sát việc thực hiện của các doanh nghiệp này. Nhờ đó việc sản xuất theo hợp đồng giữa nông dân và doanh nghiệp chiếm tỷ lệ khá cao. Tuy nhiên, hình thức hợp đồng giữa nông dân và người mua gom trung gian cũng chiếm tỷ lệ tương đối lớn. Các hình thức khác là tổ chức hợp tác của nông dân (Village cooperative organization) và HTX.Sản xuất theo hợp đồng giữa nông dân với người mua gom trung gian, chính quyền địa phương, tổ chức hợp tác và HTX chủ yếu là hợp đồng miệng. Giá cả thỏa thuận có 3 hình thức: giá cố định, giá sàn và giá theo thị trường. Các ngành hàng thực hiện sản xuất theo hợp đồng là chế biến rau, chế biến thịt, nuôi trồng thủy sản, chế biến dầu ăn, tơ tằm, bông vải, nấm và sữa. Tuy nhiên tỷ lệ ký hợp đồng nhiều nhất là ngành chế biến thịt, nuôi trồng thủy sản và chế biến sữa [5].Nhìn chung, sản xuất theo hợp đồng ở Trung Quốc thực hiện nhờ vào chính sách công nghiệp hóa nông nghiệp. Nông dân và doanh nghiệp nhận thức được tầm quan trọng sản xuất theo hợp đồng nên ngày càng có nhiều doanh nghiệp và nông dân tham gia sản xuất theo hợp đồng. Sản xuất theo hợp đồng thành công còn tùy thuộc vào loại sản phẩm. Các sản phẩm đòi hỏi chế biến ngay và yêu cầu vệ sinh thực phẩm dễ dàng thực hiện sản xuất theo hợp đồng hơn những sản phẩm khác.Kinh nghiệm Hoa Kỳ
Sản xuất theo hợp đồng xuất hiện ở Hoa Kỳ từ rất sớm và đây cũng là nền tảng phát triển giao dịch giao sau. Trước khi hình thành Sở giao dịch hàng hóa Chicago thì những nông dân ở Chicago đã áp dụng sản xuất theo hợp đồng đối với mặt hàng lúa mỳ và bắp. Sản xuất theo hợp đồng (contract farming/production contract) ngày càng phổ biến ở Hoa Kỳ. Năm 1969, sản xuất theo hợp đồng chỉ chiếm 11% tổng giá trị sản xuất; năm 1991, 28%; năm 2001, 36% và đến năm 2003 tăng lên 39% [4]. Sản xuất theo hợp đồng chủ yếu là hợp đồng trực tiếp giữa trang trại và nhà chế biến (processor). Ở Hoa Kỳ cũng có mô hình hợp đồng giữa trang trại và HTX, nhưng HTX của Hoa Kỳ thực hiện chức năng chế biến và tiêu thụ trực tiếp, không phải là chủ thể trung gian giữa doanh nghiệp và nông dân. HTX đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ nông sản. Năm 1998, HTX tiêu thụ 86% giá trị sản xuất của trang trại đối với sản phẩm sữa; 41% bông vải; 40% ngũ cốc và hạt có dầu và 20% rau quả [7]. Đối với trang trại lớn sản xuất hàng hóa thì tỷ trọng trang trại ký hợp đồng trên tổng số trang trại năm 2001 chiếm 41,7% và năm 2003 chiếm 46,7%. Đối với trang trại có quy mô doanh số hơn 1 triệu USD, tỷ trọng trang trại ký hợp đồng là 64,2% (2003) và giá trị sản xuất 53,4% (2003). Tỷ trọng giá trị sản xuất theo loại hợp đồng và loại hàng hóa có khác nhau. Ví dụ, ngành chăn nuôi gia cầm và trứng, giá trị sản phẩm được sản xuất theo hợp đồng chiếm 87,2% (2003) trong tổng giá trị sản xuất của ngành, nhưng ngành rau củ thấp nhất chỉ chiếm 1,1% (2003).Khác với nhiều quốc gia đang phát triển, việc sản xuất theo hợp đồng đều do người mua và người bán quyết định theo cơ chế thị trường. Nhà nước không có chính sách hỗ trợ để người mua và người bán ký kết hợp đồng.Mặc dù thị trường nông sản dựa trên giao dịch giao ngay còn chiếm tỷ lệ đáng kể khoảng 50% giá trị sản xuất nông nghiệp nhưng xu hướng sản xuất theo hợp đồng ở Hoa Kỳ đang tăng lên. Kết cấu hạ tầng giao thông đã quyết định sự thay đổi của hệ thống phân phối thúc đẩy chuyển giao dịch giao ngay sang sản xuất theo hợp đồng và tiêu thụ sản phẩm. Các tập đoàn bán lẻ xây dựng các "siêu trung tâm" (supercenter) cũng thúc đẩy việc sản xuất theo hợp đồng. Ngoài ra, quy mô trang trại và nhà máy chế biến lớn nên các nhà sản xuất và chế biến phải thực hiện sản xuất theo hợp đồng để đảm bảo nông sản sản xuất ra tiêu thụ được và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho chế biến.Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam
Bài học thứ nhất, doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân quyết định sự thành công của hình thức sản xuất theo hợp đồng.Do đặc điểm sản xuất nông nghiệp nên dù trang trại lớn như Hoa Kỳ thì nông sản cũng do rất nhiều chủ thể sản xuất để cung ứng cho một chủ thể chế biến, tiêu thụ. Kinh nghiệm các nước cho chúng ta thấy sản xuất theo hợp đồng chỉ có thể thành công khi các doanh nghiệp đủ khả năng tiêu thụ hết nông sản cho nông dân. Họ đóng vai trò hạt nhân trong mối quan hệ với nhà nước, các tổ chức tín dụng, nhà khoa học và nhà sản xuất. Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tiêu thụ nông sản nên họ định hướng cho người sản xuất quyết định sản xuất nông sản nào, chất lượng ra sao và sản xuất như thế nào để có hiệu quả.Bài học thứ hai, Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ và thúc đẩy trong nền sản xuất nông nghiệp phân tán, lạc hậu.Ở các nước đang phát triển vai trò nhà nước quan trọng hơn các nước phát triển. Ở Hoa Kỳ, pháp luật về hợp đồng hoàn toàn dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, tự nguyện của các bên tham gia hợp đồng. Nhà nước không có bất kỳ chính sách nào khuyến khích hoặc hỗ trợ để trang trại hoặc doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Đạo luật nông nghiệp năm 2002 của Hoa Kỳ chỉ quy định hợp đồng với chính phủ nhằm bảo hộ cho người sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, hình thức sản xuất theo hợp đồng cũng được phát triển ở Hoa Kỳ và việc sản xuất theo hợp đồng là hoàn toàn tự nguyện giữa nông dân và doanh nghiệp. Sở dĩ như vậy là vì các trang trại sản xuất hàng hóa lớn cần phải có người tiêu thụ ổn định và doanh nghiệp chế biến cần có nguồn nguyên liệu ổn định. Do đó vì lợi ích hai bên mà sản xuất theo hợp đồng phát triển. Tuy nhiên, đối với Trung Quốc và Thái Lan, vai trò nhà nước rất quan trọng trong việc sản xuất theo hợp đồng. Ở Thái Lan nhà nước hỗ trợ cho nông dân về tín dụng và khuyến nông và hỗ trợ, thúc đẩy cho doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân. Nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn kém phát triển, nông dân sản xuất hàng hóa chưa nhiều nên họ dễ dàng bán trên thị trường, còn doanh nghiệp nếu ký kết từng hộ nông dân sản xuất nhỏ thì sẽ làm chi phí giao dịch gia tăng nên không hấp dẫn họ thực hiện sản xuất theo hợp đồng. Trường hợp ở Trung Quốc, chính mô hình "Dragon-head firms" do chính phủ khởi xướng đã thúc đẩy mô hình sản xuất theo hợp đồng.Ở Việt Nam, nền sản xuất nông nghiệp phân tán lạc hậu hơn cả Thái Lan và Trung Quốc thì đây là bài học mà chúng ta cần vận dụng để thực hiện sản xuất theo hợp đồng.Bài học thứ ba, sự thành công của các mô hình sản xuất theo hợp đồng tùy thuộc vào những điều kiện vật chất nhất định và đặc điểm của chủng loại hàng hóa.Không có mô hình sản xuất theo hợp đồng nào phù hợp cho tất cả. Kinh nghiệm sản xuất theo hợp đồng của Tập đoàn CP là một bài học có giá trị. CP rất thành công trong mô hình chăn nuôi gia công, nhưng thất bại khi áp dụng cho lúa và tôm. Nguyên nhân ở đây là do CP có đủ tiềm lực trong việc cung cấp con giống, thức ăn, chế biến và xuất khẩu gia cầm nhưng không đủ tiềm lực để cho lúa và tôm. Đối với các ngành chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi heo thường mức độ sản xuất theo hợp đồng thành công hơn. Ví dụ, ở Hoa Kỳ trừ những trang trại có cơ sở giết mổ, chế biến còn lại gần như 100% các trang trại chăn nuôi heo đều sản xuất theo hợp đồng [5]. Điều này cũng dễ hiểu là vì đầu tư cho trang trại chăn nuôi heo đòi hỏi vốn lớn cho nên để đảm bảo sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ được, các trang trại ở Hoa Kỳ phải tìm kiếm các doanh nghiệp chế biến để thỏa thuận hợp đồng trước. Các mô hình tập trung của hình thức sản xuất theo hợp đồng vừa nêu chỉ thành công khi quan hệ hợp đồng có liên quan đến "tính đặc thù về tài sản" (asset specificity).Sản xuất theo hợp đồng – mô hình trung gian, kết hợp quan hệ hợp đồng chính thức và phi chính thức như ở Thái Lan và Trung Quốc là mô hình phù hợp trong điều kiện sản xuất nông nghiệp phân tán, lạc hậu. Những người trung gian như HTX, người mua gom, ngay cả doanh nghiệp thương mại ở địa phương chính là lực lượng quan trọng làm cầu nối trung gian giữa nông dân và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Mối quan hệ hợp đồng giữa người trung gian và nông dân chỉ là hợp đồng miệng vì trình độ của nông dân thấp và sản xuất ở quy mô nhỏ. Người trung gian làm đại lý cho doanh nghiệp trong việc mua gom nông sản từ nông dân và hưởng hoa hồng cho công việc do doanh nghiệp ủy thác. Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam hiện nay thì mô hình này là bài học kinh nghiệm để vận dụng.Tài liệu tham khảo
- Delforge, Isabelle (2007), Contract Farming in Thailand: A view from the farm, Global South CUSRI, Chulalongkorn University, Thailand.
- Eaton, Charles and Andrew W. Shepherd (2001), Contract Farming Parnership for Growth, FAO Agricultural Services Bullentin 145.
- Guo, Hongdong, Robert W. Jolly and Jianhua Zhu (2005), "Contract Farming in China: Supply Chain or Ball and Chain?", Presented at Minnesota International Economic Development Conference, University of Minnesota, April 29-30, 2005, [www.ifama.org/conferences/2005Conference/Papers&Discussions/1151_Paper_Final.pdf].
- McDonald, James và Penni Korb (2003), Agricultural contracting update contracts in 2003, USDA.
- Pan, Chenjun and Jean Kinsey (2002), The supply chain of pork : U.S. and China, The Food Industry Center, University of Minnesota, USA.
- Singh, Sukhpal (2005), "Role of State in Contract Farming in Thailand – Experience and Lessons", ASEAN Economic Bullentin 22 (2).
- Warman, Marc and L. Kennedy Tracey (1998), "Agricultural marketing Cooperatives", Rural business cooperative service, USDA, [www.rurdev.usda.gov/rbs/pub/cir4515.pdf].
- Wimonkan Kosumas (2006), "Thailand's potato industry: highlights on contract farming", Workshop on promoting the participation of SMEs from the Greater Mekong Subregion in global and regional potato value chains, Union of Myanmar, July 5, 2006.
Thứ Tư, 25 tháng 8, 2010
TIÊU CHUẨN HỢP ĐỒNG KỲ HẠN GẠO 5% TẤM
Ngày niêm yết
|
2/4/2007
|
Sản phẩm cơ sở
|
Gạo trắng 5%
|
Tiêu chuẩn chất lượng giao hàng
|
Gạo trắng 5% theo tiêu chuẩn gạo trắng 5% của Bộ Thương Mại
|
Đơn vi giao dịch
|
15,000 Kg. (15 tấn)/đơn vị giao dịch
|
Đơn vị giao hàng
|
15,000 Kg. (15 tấn/đơn vị giao hàng.
|
Phương thức giao dịch
|
Khớp lệnh liên tục thông qua hệ thống máy tính
|
Cách yết giá
|
THB/Kg.
|
Đơn vị yết giá
|
0,01 THB/Kg.
|
Biên độ giá
|
1.00 THB/Kg.
(Có thể thay đổi tùy theo quy chế hoạt động của Sở) |
Giới hạn trạng thái giao dịch
|
Không được quá 600 hợp đồng trong tháng giao hàng
Không được quá 3.000 hợp đồng trong tất cả tháng giao hàng (Người bảo hộ rủi ro có thể yêu cầu cho phép tích trữ hơn giới hạn này)
|
Ký quỹ duy trì
|
4,000 baht/hợp đồng
(Có thể thay đổi tùy theo quy chế hoạt động của Phòng thanh toán bù trừ) |
Ký quỹ ban đầu
|
5,400 baht/hợp đồng
(Có thể thay đổi tùy theo quy chế hoạt động của Phòng thanh toán bù trừ) |
Giờ giao dịch
|
10:00 giờ đến 15:45 giờ.
|
Tháng giao hàng
|
Đến 12 tháng từ tháng giao hàng gần nhất
|
Ngày giao dịch cuối cùng
|
Ngày làm việc thứ 10 của tháng giao hàng
|
Những chọn lựa hợp lý thanh lý hợp đồng
|
- Người mua và người bán đưa đề nghị dự định giao hàng ở Sở từ 8:30 đến 12:00 giờ ngày làm việc sau ngày giao dịch cuối cùng.
- Đối với người mua và người bán không có ý định giao hàng hoặc những dự định của họ không phù hợp, Sở sẽ tất toán hợp đồng bằng cách thanh toán tiền mặt theo giá thanh toán cuối cùng.
|
Giá thanh toán cuối cùng
|
Giá trung bình 3 ngày của giá trị giữa gạo trắng 5% theo công bố của Cục Nội thương cộng thêm cho hàng có chất lượng tốt hơn 0,30 baht/kg.
|
Ngày giao hàng cuối cùng
|
Ngày làm việc cuối cùng của tháng giao hàng
|
Điều kiện và điều khoản giao hàng
|
Kho được chỉ định của người mua hoặc nhà máy ở Bangkok, Ayutthaya, Nakhon Pathom, Nonthaburi, Samut Sakhon, Samut Prakan, Pathum Thani, Nakhon Nayok, or Chachoengsao.
|
-
TS. Bảo Trung 1. Khái niệm giá trị cảm nhận của khách hàng Từ những năm cuối thế kỷ 20 khái niệm “giá trị cảm nhận” đã được các...
-
LÝ THUYẾT CHI PHÍ GIAO DỊCH: ÁP DỤNG VÀO NGHIÊN CỨU SẢN XUẤT THEO HỢP ĐỒNG VÀ SỰ LIÊN KẾT DỌC GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN TS. Bảo Trung Lý...
-
LUẬN CỨ KHOA HỌC SẢN XUẤT NÔNG SẢN THEO HỢP ĐỒNG TS. Bảo Trung 1. GIỚI THIỆU Sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hợp đồng ngày càng đóng vai ...