Đăng bởi bvnpost on 24/09/2010
Hoàng Kim (Đồng Tháp) Theo tôi, “liên kết bốn nhà” là “chiếc bánh vẽ” lớn nhất mà những nhà lý luận phi thực tế trong lĩnh vực nông nghiệp Việt Nam nghĩ ra được. Từ trước đến nay, tôi thường nghe có một chỉ thị của chính phủ về "liên kết bốn nhà": nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông; nghe nhiều người giải thích những yếu kém trong sản xuất lúa và trong việc mua bán lúa gạo là do không thực hiện đúng chủ trương "liên kết bốn nhà". Tôi cũng đã từng tìm hiểu và nghiên cứu xem các mối liên kết của bốn nhà ra sao? Trong đó mối liên kết nào là chủ yếu? Một hôm, tình cờ đọc trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn (1) tôi biết rằng "liên kết bốn nhà" là suy diễn từ QĐ số 80/2002/QĐ-TTg (gọi tắt là quyết định số 80). Vào Thư viện Pháp Luật Online tôi tìm được quyết định số 80/2002/QĐ-TTg. (2) |
Đọc xong quyết định 80, nhận thấy có sự ngộ nhận tai hại, tôi xin được có đôi điều trao đổi.
Quyết định số 80 là quyết định của Thủ tướng Chính phủ "về chính sách khuyến khích [người viết nhấn mạnh] tiêu thụ hàng hóa thông qua hợp đồng".
Khi dùng từ "khuyến khích" thì Quyết định này chỉ có tính định hướng, mà không bắt buộc doanh nghiệp và nông dân phải thi hành.
Điều 1 quy định Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Điều 2 quy định thời gian ký kết hợp đồng. Từ điều 3 đến điều 8 là những chính sách của Chính phủ hỗ trợ cho việc thực hiện Điều 1 và Điều 2.
Thế nhưng không biết vì sao, một quyết định rất nhất quán thực hiện một mục tiêu duy nhất, lại được suy diễn thành "liên kết bốn nhà" quá rộng lớn. Rồi chiếc bóng của "liên kết bốn nhà" che phủ cả quyết định số 80.
Để rồi, thay vì thực hiện một chính sách đã được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dày công nghiên cứu, người ta lại thực hiện một suy diễn gượng ép, phóng đại, vô căn cứ, là "liên kết bốn nhà".
Không ai định nghĩa chính xác "liên kết bốn nhà" là gì? Các mối quan hệ của từng nhà với nhau ra sao? Vai trò của Nhà nước như thế nào? Cần những điều kiện hỗ trợ nào để "liên kết bốn nhà" khả thi? Thế nhưng nó nghiễm nhiên được cho là một mô hình tiên tiến.
Dần dần chiếc bánh vẽ “liên kết bốn nhà” trở thành chiếc đũa thần của nền nông nghiệp. Nông dân bị VFA độc quyền ép giá người ta cũng cho là tại không chịu “liên kết bốn nhà”, VFA bán gạo xuất khẩu với giá rẻ như cho, người ta cũng cho rằng không chịu “liên kết bốn nhà” nên không có thương hiệu.
Theo cách nói của các nhà lý luận phi thực tiễn này, nếu thực hiện đúng “liên kết bốn nhà”, việc trồng lúa của nông dân sẽ khởi sắc, đạt thắng lợi trên mọi mặt. Thế nhưng nếu hỏi “liên kết bốn nhà” là gì, ai đề ra “liên kết bốn nhà” thì chẳng có một ai trả lời được.
Cho nên, cần phải khẳng định dứt khoát rằng "liên kết bốn nhà" không có cơ sở lý luận và thực tiễn, không được bất cứ cơ quan có thẩm quyền nào ban hành, chỉ là “nói lâu” và “nói theo” thành quen miệng.
Tác hại của sự suy diễn quyết định số 80 thành "liên kết bốn nhà" là làm cho cơ quan được phân công thực hiện (UBND các tỉnh, Điều 7) không tập trung sức nghiên cứu cách thực hiện quyết định số 80, cơ quan được phân công giám sát (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Điều 8 khoản 1) không rút kinh nghiệm từ thực tế phản ảnh lên Chính phủ để hoàn thiện Quyết định số 80, mà lan man với những lý luận không đâu vào đâu về "liên kết bốn nhà".
Tác hại của sự suy diễn này là dùng "liên kết bốn nhà" như một chính sách hợp lý có thật, để giải thích cho nhũng yếu kém trong sản xuất lúa và xuất khẩu gạo, thay vì tìm ra một chính sách hợp lý thật sự.
Vì vậy, theo tôi, dù "liên kết bốn nhà" có thể là một suy nghĩ tiến bộ, có vẻ hợp lý hơn trong sản xuất nông nghiệp nhưng không được phép xem nó là động lực của phát triển nông nghiệp, không được phép dựa vào nó để giải thích cho các yếu kém trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, không được phép sử dụng nó trong lý luận, cho đến khi “liên kết bốn nhà” được chứng minh cụ thể, và được ban hành bởi cấp có thẩm quyền.
Thực ra để giúp nông dân và để hợp lý hóa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nông dân chúng tôi chỉ cần Chính phủ có những chính sách phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hiệu quả.
Mọi liên kết nếu muốn có của nông dân với doanh nghiệp và với nhà khoa học đều phải xuất phát từ những chính sách hợp lý của Chính phủ, chứ những liên kết này không thể tự dưng mà có, hay được tạo ra bằng những chính sách có tính “định hướng”, những chính sách có tính “ khuyến khích” của Chính phủ.
Tại sao Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg không khả thi?
Trở lại vấn đề chính, câu hỏi đặt ra là tại sao Quyết định số 80 của Chính phủ dù ban hành đã 8 năm vẫn bế tắc trong thực thi.
Theo tôi, nguyên nhân duy nhất là do Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) không muốn thực hiện quyết định này.
Hiện nay VFA độc quyền trong mua bán lúa gạo: VFA muốn bán gạo xuất khẩu giá bao nhiêu thì bán, muốn mua lúa của nông dân chúng tôi thì mua, muốn ngừng mua lúa của nông dân lúc nào thì ngừng. Vậy tại sao VFA lại thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho nông dân để tự ràng buộc mình?
Việc kinh doanh của VFA hiện nay rất khỏe. Mua lúa chở về nhà máy xay, xay thành gạo thô có thương lái lúa, đánh bóng gạo thô vô bao dán nhãn có thương lái gạo, VFA chỉ thực hiện việc chở đi ra cảng, xuống tàu xuất khẩu.
Vậy tại sao VFA lại ký hợp đồng tiêu thụ lúa với nông dân để phải đến tận ruộng thu mua lúa? Rồi phương tiện đâu để vận chuyển lúa về nhà máy xay lúa? Rồi nhà máy đâu mà xay lúa? Rồi kho đâu mà chứa lúa? Chẳng lẽ tự nhiên lại tốn tiền đầu tư phương tiện, nhà máy và kho bãi?
Hiện nay VFA ăn chênh lệch đầu tấn lại được toàn quyền muốn để lại lợi nhuận bao nhiêu thì để, điều kiện xuất khẩu thuận lợi thì mua bán gạo lấy lời, điều kiện xuất khẩu gạo bất lợi thì ngừng mua, mọi bất lợi của thị trường nông dân chịu hết. Vậy tại sao VFA lại ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm để gánh chịu rủi ro khi giá lúa gạo trên thị trường thế giới lên xuống?
Quyết định số 80 chỉ lợi cho nông dân; còn VFA không có lợi gì, đôi khi còn có hại. Thế mà Chính phủ chỉ "khuyến khích" thì làm sao VFA chịu thực hiện?
H. K.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN
(1) Bài: “Liên kết “bốn nhà”: chủ trương đúng vẫn tắc” Thesaigontimes
(2) Thuvienphapluat
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét