Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2010

Gần 98% nhân lực ngành nông nghiệp chưa qua đào tạo

Tác giả: Đ.Nghi


 

Cập nhật lúc 18:40, Thứ Năm, 15/04/2010 (GMT+7), http://vietnamnet.vn/giaoduc/201004/Gan-98-nhan-luc-nganh-nong-nghiep-chua-qua-dao-tao-904546/


 

 - Trong số 21,2 triệu lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động trên cả nước, có 20,7 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn...

Thông tin do TS. Nguyễn Thắng, Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2 nêu ra tại hội thảo về đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực cho lĩnh vực Nông nghiệp phát triển nông thôn được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 10/4 tại Hà Nội.

Theo đó, trong số 21,2 triệu lao động nông nghiệp trong độ tuổi lao động trên cả nước, có 20,7 triệu người (chiếm 97,65%) chưa qua đào tạo và không có chứng chỉ chuyên môn; người có bằng sơ cấp, công nhân kỹ thuật chiếm 1,26%; bằng trung cấp chiếm 0,87%;

Tỷ lệ lao động có bằng CĐ, ĐH chỉ chiếm 0,22%.

Theo số liệu ông Thắng đưa ra, trong tổng số 60,7 triệu nông dân, chỉ có 4.847 cán bộ khuyến nông chuyên trách hưởng lương từ ngân sách nhà nước; 10.543 cán bộ khuyến nông không chuyên trách và 15.744 cộng tác viên thôn bản.

Hiện cả nước có 13 trường ĐH, CĐ có đào tạo về nông lâm nghiệp; 60% trường TCCN, CĐ nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề về nông lâm nghiệp.

Theo thống kê của Trường ĐH Lâm nghiệp, hàng năm trường này có khoảng 1.500 sinh viên hệ chính quy tốt nghiệp ra trường.

Nguyên nhân của tình trạng "cung" không ứng "cầu", nhiều đại biểu nhận định, do chưa nắm được nhu cầu nguồn nhân lực nông lâm nghiệp về số lượng và cơ cấu ngành nghề, chưa dự báo được thị trường nguồn nhân lực nông lâm nghiệp, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Chiến lược phát triển lâm nghiệp năm 2006 – 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông xác định, đào tạo chính quy bình quân mỗi năm khoảng 5.000 sinh viên, học sinh và đào tạo nâng cao cho các cán bộ chủ chốt trong lĩnh vực nông lâm nghiệp.

Trong khi đó, lại có nghịch lý khối ngành Nông – Lâm – Ngư có những ngành đào tạo đang lâm vào tình trạng "thoi thóp"

"Nhìn chung, tuyển sinh rất khó khăn, chất lượng đầu vào thấp, số lượng không đảm bảo", ông Đặng Kim Vui, Hiệu trưởng trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, khẳng định.

Mùa tuyển sinh năm 2009, Trường ĐH Nông Lâm Thái Nguyên có 13.000 thí sinh đăng ký dự thi nhưng chỉ có khoảng 1.600 thí sinh đạt từ điểm sàn trở lên. Điểm chuẩn NV1 của trường hầu như không có ngành nào vượt lên trên điểm sàn của Bộ. Lấy điểm thấp nhưng trường vẫn đau đầu, không tuyển đủ chỉ tiêu do tỷ lệ đỗ "ảo" lớn. "Chúng tôi gọi 100 em nhập học nhưng có khi chỉ được vài chục em tới, thậm chí cá biệt có ngành không được em nào".

Trường ĐH Tây Nguyên cũng trong cảnh tương tự. Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Thao nói: "Tuyển sinh các ngành này năm nào cũng khó khăn và gần như không năm nào đủ chỉ tiêu. Cụ thể, các ngành ít thí sinh nhất là Bảo vệ thực vật, Chăn nuôi thú y. Một ngành tưởng như rất được ưa chuộng là Bảo quản chế biến nông sản cũng ế ẩm không kém. Trường mở mỗi ngành một lớp với 80 sinh viên nhưng thường chỉ có khoảng 20 – 30 em. Cá  biệt có ngành Chăn nuôi thú y chỉ có 10 sinh viên theo học".

Là một trong những trường hàng đầu về lĩnh vực này, nhưng trường ĐH Nông nghiệp I Hà Nội cũng không khá khẩm hơn. Năm 2009, ngành Khoa học đất chỉ có hơn 10 thí sinh đăng ký, ngành Sư phạm kỹ thuật tuyển 100 chỉ tiêu nhưng chỉ được 50 em, ngành Cơ khí tuyển 3 lớp nhưng chỉ được 1 lớp.

Đặc biệt, ngành Công thôn của trường này đã phải "khai tử" sau 4 năm liền không mở nổi lớp do quá ít sinh viên. Ngành này đã mở hơn chục năm nhưng số lượng sinh viên teo tóp dần. Năm 2007 chỉ có ba thí sinh nhập học. Năm 2008, duy nhất một em tới làm thủ tục. Năm 2009, trường quyết định đóng cửa ngành. Theo ông Nguyễn Văn Dung, Trưởng phòng Đào tạo của trường thì trong số các ngành Nông – Lâm – Ngư, chỉ có Kinh tế phát triển nông thôn, Công nghệ sinh học là dễ tuyển sinh nhất.

(Theo Sinh viên Việt Nam)

 
 

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM