Thứ Ba, 20 tháng 12, 2011

Thể chế với sự thịnh vượng của quốc gia

PGS.TS.Trần Văn Tùng*

Nhiều nhà nghiên cứu gần đây cho rằng thể chế mới là yếu tố cơ bản quyết định cho tăng trưởng kinh tế.
Nếu như các mô hình kinh tế về tích tụ các yếu tố sản xuất thay đổi công nghệ nội sinh chỉ cung cấp những lời giải thích gần đúng cho tăng trưởng kinh tế tương đối, thì những mô hình nào đưa ra lời giải thích đáng tin cậy hơn cả? Nhiều nhà nghiên cứu gần đây cho rằng thể chế mới là yếu tố cơ bản quyết định cho tăng trưởng kinh tế. Khi nhấn mạnh tầm quan trọng của lý thuyết thể chế và các thể chế kinh tế, để có các đánh giá khách quan hơn, cần xem xét tới yếu tố địa lý, văn hoá, các thành tố dẫn đến việc hình thành các động cơ kinh tế và một số cơ may có được từ một số xã hội.

Thể chế kinh tế

Có giả thiết cho rằng sự khác biệt về thể chế kinh tế là nguyên nhân cơ bản của các mẫu hình khác nhau trong tăng trưởng kinh tế. Cốt lõi của giả thiết này dựa trên luận điểm cách thức con người tổ chức xã hội của họ quyết định xã hội đó có thịnh vượng hay không. Một cách tổ chức xã hội khuyến khích mọi người đổi mới, chấp nhận rủi ro, tiết kiệm cho tương lai, học tập, giải quyết những vấn đề chung và cung cấp các hàng hoá công cộng… là một xã hội đạt tới mức thu nhập cao hơn. Ngược lại với cách tổ chức này thì xã hội đó sẽ rơi vào tình cảnh nghèo đói.

Ý tưởng về sự phồn vinh của một xã hội phụ thuộc vào các thể chế kinh tế, ít nhất đã được Adam Smith đề cập trong các cuộc thảo luận về chủ nghĩa trọng thương và vai trò của thị trường, và nổi bật hơn với luận điểm xã hội thành công về kinh tế khi họ có được thể chế kinh tế tốt. Chúng ta có thể cho rằng, thể chế kinh tế tốt bao gồm một số các sự vật có liên quan đến nhau. Đó là, quyền sở hữu phải được thực thi trên diện rộng trong một xã hội, để cho tất cả các cá nhân có cơ hội đầu tư, đổi mới công nghệ và các đổi mới đó tham gia vào các hoạt động kinh tế, có một mức độ hình đẳng về xã hội (kể cả bình đẳng trước pháp luật), ngăn chặn người có quyền lực thâu tóm các cơ hội đầu tư.

Một loại hình khác của thể chế kinh tế là thị trường. Các quan điểm truyền thống của các nhà sử học về tăng trưởng kinh tế nhấn mạnh tới sự lan toả của thị trường, đại diện tiêu biểu của những quan điểm này là Pirenne (1937). Các mô hình về bẫy nghèo đói của Acemoglu (1995,1997), của Murphy và Shleifer (1989), dựa trên ý tưởng cho rằng thị trường không hoàn hảo có thể dẫn đến sự tồn tại của điểm cân bằng tối ưu Pareto. Kết quả là một quốc gia có thể gặp khó khăn trong một trạng thái cân bằng Pareto kém, gắn liền với nghèo đói. Nhưng để nhận ra bẫy nghèo đói, đòi hỏi phải có sự hợp tác các hoạt động mà thị trường không cung cấp. Các nghiên cứu được khởi xứng bởi Banerjee và Newman (1993), Glor và Zeira (1993) dựa trên ý tưởng thị trường không hoàn hảo, vấn đề phân phối của cải cho những người có cơ hội đầu tư, cùng với việc phân phối thu nhập sai lệch thì xã hội đó sẽ bị mắc kẹt trong nghèo đói, nói khác đi là rơi vào bẫy nghèo đói.

Các lý thuyết này đưa ra một số mô hình thú vị về động cơ mong muốn phụ thuộc vào hành vi của một nhóm người khác hoặc phân phối của cải cho một nhóm người nào đó khi mà thị trường không hoàn hảo. Tuy nhiên, cấu trúc của thị trường là nội sinh, và được xác định bởi quyền sở hữu. Một khi cá nhân có quyền sở hữu an toàn và bình đẳng trước các cơ hội, động cơ sẽ tồn tại để tạo ra và cải thiện thị trường (mặc dù rất khó đạt tới một thị trường hoàn hảo). Vì vậy, sự khác biệt về thị trường là một kết quả của các hệ thống khác nhau về quyền sở hữu và thể chế chính trị tạo nên sự khác biệt giữa các nước về hoạt động kinh tế. Như vậy, vấn đề trọng tâm của thể chế kinh tế là những nội dung có liên quan tới việc thực thi các quyền sở hữu trên diện rộng trong các nhóm xã hội, tạo ra sự khác nhau về thu nhập.

Yếu tố địa lý

Trong khi các lý thuyết thể chế nhấn mạnh tầm quan trọng của các yếu tố do con người tạo ra, để hình thành các động cơ thì một lý thuyết khác lại tập trung vào vai trò tự nhiên có nghĩa là môi trường vật chất và vị trí địa lý. Trong bối cảnh hiểu biết về sự khác biệt giữa các quốc gia trong hoạt động kinh tế, cách tiếp cận này nhấn mạnh tới sự khác biệt địa lý, khí hậu, sinh thái quyết định các sở thích và cơ hội của từng tác nhân kinh tế ở các xã hội khác nhau. Phương pháp tiếp nhận này gọi là giả thuyết địa lý. Hiện tại, có ít nhất ba phiên bản về giả thuyết địa lý, mỗi giả thiết nhấn mạnh một cơ chế khác nhau của yếu tố địa lý ảnh hưởng thế nào tới sự thịnh vượng của một quốc gia.

Thứ nhất, khí hậu có thể là một yếu tố quan trọng quyết định tới nỗ lực làm việc, động cơ và năng suất. Nhiệt độ quá cao, làm cho cơ thể giảm sức mạnh. Vì vậy, sự kiệt sức sẽ làm giảm tinh thần hăng say, giảm sức sáng tạo, thậm chí làm cho con người không còn rộng lượng với nhau. Thực tế cho thấy con người ở xứ lạnh táo bạo và dũng mạnh hơn. Một trong những nhà kinh tế học nổi tiếng là Marshall đã cho rằng thể chất phụ thuộc phần nào vào chất lượng của chủng tộc, một phần khác quan trọng hơn là phụ thuộc vào khí hậu.

Thứ hai, địa lý là yếu tố quyết định cho công nghệ phát triển tại một xã hội, đặc biệt là trong nông nghiệp. Khi bắt đầu của thời kỳ tăng trưởng kinh tế hiện đại, công nghệ của các vùng ôn đới có năng suất cao hơn so với vùng nhiệt đới. Khẳng định của nhà kinh tế học Sachs (2001) cũng giải thích sự chinh phục ồ ạt của người Châu Âu vào Châu Mỹ là do sự khác biệt về công nghệ. Châu Âu truyền thống là nơi tập trung dân cư đông đúc, công nghệ trong nông nghiệp nhằm vào mục tiêu cung cấp thực phẩm. Tiến bộ công nghệ đã giúp cho Châu Âu khai phá các vùng đất mới tại các quốc gia Bắc và Nam Mỹ trong các thế kỷ trước.

Thứ ba, các giả thuyết địa lý đặc biệt phổ biến trong thập kỷ qua, liên quan tới gánh nặng bệnh tật. Tỷ lệ mắc bệnh sốt rét ở Châu Phi cận Sahara, HIV đang làm giảm tốc độ tăng trưởng của Châu Phi.

Yếu tố văn hoá

Nghiên cứu nổi bật nhất về quan hệ giữa văn hoá và phát triển là của Weber (1930), ông lập luận rằng, nguồn gốc của công nghiệp hoá ở Tây Âu, xuất phát từ cải cách đạo Tin Lành. Theo quan điểm của ông, nhóm niềm tin về thế giới trong đạo Tin Lành, có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của chủ nghĩa tư bản. Đạo Tin Lành, nhấn mạnh tới ý tưởng của lý thuyết định mệnh ở chỗ, một số cá nhân được Chúa chọn và được ưu ái, trong khi những người khác thì không, và một phần của nhân loại được cứu rỗi, còn phần khác thì bị nguyền rủa. Những ai được chọn, còn ai thì không? Weber đã giải thích điều này là do thuyết định mệnh. Đạo Tin Lành dẫn đến một tập hợp các niềm tin, trong đó nhấn mạnh tới thành công về kinh tế là nơi phù hợp với sự lựa chọn của Chúa. Nếu so sánh với Đạo Tin Lành thì Công giáo và các tôn giáo khác thúc đẩy chủ nghĩa tư bản phát triển yếu hơn. Đạo Tin Lành khoan dung hơn với sự đổi mới.

Gần đây Landes (1998), cũng cho rằng nguồn gốc của sự thống trị kinh tế của phương Tây là do có một tập hợp tín ngưỡng về thế giới, và họ biết cách chuyển các niềm tin đó thành nỗ lực của con người. Ý tưởng về văn hoá ảnh hưởng như thế nào đến tăng trưởng kinh tế bị giới hạn bởi tôn giáo. Thường thì các nghiên cứu độc lập cố gắng giải thích sự phát triển là do các đặc điểm văn hoá ban đầu của một quốc gia, chủng tộc. Thí dụ, Mỹ Latinh nghèo bởi vì áp dụng di sản của Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, trong khi Bắc Mỹ thịnh vượng là do áp dụng di sản Anglo-Saxon của nó. Ngoài ra, cũng có một số nghiên cứu khác về nhân chủng học lập luận rằng, các xã hội có thể trở nên năng động khác thường với hoàn cảnh là do họ có một hệ thống niềm tin và cách thức hoạt động để phát huy thành công, tiến tới thịnh vượng. Ngược lại, các xã hội không thích nghi với hoàn cảnh thì rơi vào nghèo đói. Thí dụ, người nghèo ở vùng miền Nam nước Italia do chịu ảnh hưởng niềm tin vào các thành viên gia đình và từ chối hợp tác với người khác. Những xã hội như thế là thiếu hụt vốn xã hội. Mối tương quan giữa xã hội và tăng trưởng kinh tế là chặt chẽ, cùng chiều. Mức độ chặt chẽ khác nhau tạo ra các tỷ lệ tăng trưởng khác nhau.

Thể chế chính trị dân chủ và tăng trưởng

Quan điểm trung tâm cho rằng dân chủ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dựa trên các thể chế chính trị dân chủ, và các thể chế đó vận hành có hiệu quả dưới chế độ dân chủ. Thể chế này bao gồm chế độ pháp quyền, bảo vệ quyền sở hữu, tự do cá nhân nhằm phát huy sáng tạo năng lực hoạt động trong các ngành công nghiệp, thương mại, dịch vụ... Trong công trình nghiên cứu của Iqbal, Jong-Ilyou (2001), tiến hành khảo sát 115 quốc gia trong thời kỳ 1960 – 1980 đã cho thấy các nước có mức độ chính trị dân chủ, mở cửa cao, đạt tỷ lệ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 2,5 – 3%, so với mức tăng trưởng 1,4% của những nước có nền kinh tế thiếu dân chủ và đóng cửa với bên ngoài.

Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa dân chủ và tăng trưởng kinh tế đã được một số tác giả tập trung nghiên cứu, dựa vào các yếu tố về pháp quyền, chế độ chính trị tác động tích cực đến mức nào tới tăng trưởng. Đại diện tiêu biểu nhất lý giải cho mối quan hệ này là North (1990). Theo ông thì pháp quyền được hiểu là quyền lực tối cao của định chế pháp luật, được củng cố nhờ bộ máy tư pháp độc lập thường là tam quyền phân lập, và thiết chế quan trọng để bảo đảm các quyền sở hữu. North cho rằng, các thiết chế dân chủ phải được xem là một phần của cơ sở chính trị pháp quyền. Hoạt động của thể chế dân chủ sẽ bảo đảm cho cạnh tranh chính trị công bằng hơn và không cho phép thế lực chính trị nào giành được quyền lực hơn để áp đảo thế lực khác. Nghiên cứu của ông đã đi đến kết luận rằng, thứ nhất thể chế dân chủ đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một chính quyền tốt, hạn chế tham nhũng. Thứ hai, những nước có thể chế chính trị dân chủ và quyền tự do dân sự có lợi cho phát triển kinh tế. Thứ ba, những thành quả kinh tế đạt được to lớn hơn là do có môi trường kinh tế tự do hơn. Các kết luận này đã giúp cho các tổ chức quốc tế đưa ra một số giải pháp giúp đỡ cho các nước nghèo. Theo quan điểm của các tổ chức này, ưu tiên hàng đầu không phải là đẩy mạnh cải cách dân chủ ngay tức thì mà phải cải cách các thể chế hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Không nên hy vọng quá nhiều vào cải cách chính trị, do đó cải cách chính trị theo hướng dân chủ phải được tiến hành đồng thời với cải cách kinh tế. Nhiều nước quá vội vàng thực hiện cải cách chính trị đã thất bại trong cải cách kinh tế, thí dụ là nước Nga trong đầu thập niên 1990 dưới thời Eltsin làm tổng thống.

Các bằng chứng hiện tại

Các nghiên cứu thực nghiệm cho thấy giả thuyết thể chế kinh tế khác nhau tạo ra tỷ lệ tăng trưởng khác nhau và mức thu nhập bình quân đầu người khác nhau.

Dựa vào chuỗi số liệu trong thời kỳ 1985-1995 về thu nhập bình quân đầu người và số liệu về quyền sở hữu chống lại rủi ro do quốc hữu hoá hoặc xung công. Các nước có quyền sở hữu an toàn (nghĩa là có thể chế kinh tế tốt hơn) sẽ có thu nhập bình quân đầu người cao hơn. Thí dụ đầu tiên về những thử nghiệm rõ ràng nhất về thể chế là trường hợp Hàn Quốc (Nam Triều Tiên).

Trước khi đi theo hai con đường phát triển khác nhau thì Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đều chung một nguồn gốc văn hoá. Bắc Triều Tiên được thiên nhiên ưu đãi hơn về tài nguyên có các mỏ than trữ lượng lớn, vonfram, kẽm, magie, sắt, đường, vàng, muối, thuỷ điện… Hàn Quốc cũng có một số khoáng sản. Nếu so sánh thì thấy rằng cả hai đều có cùng khả năng về vị trí địa lý và tiếp cận thị trường, chi phí vận tải, nhưng về bất cứ phương diện gì khác thì Bắc Triều Tiên vẫn vượt trội hơn. Thí dụ, đã đạt tới trình độ công nghiệp hoá tương đối khi các công ty Nhật Bản mở rộng hoạt động trên miền Băc. Điển hình là nhà máy thuỷ điện trên sông Yalu lớn thứ hai thế giới lúc đó do tập đoàn Suiho xây dựng. Nippon Chisso, một tổ hợp hoá chất lớn thứ hai thế giới cũng hoạt động trên Bắc Triều Tiên, ngoài ra Chongjin là một cảng lớn trên biển Nhật Bản cũng ở đất Bắc. Mặc dù, miền Bắc có một số tiềm năng, Maddison (2001), ước tính rằng tại thời điểm chia cắt thì hai miền đều có mức thu nhập tương đương nhau. Nhưng đến cuối thập niên 1960 Hàn Quốc trở thành nền kinh tế thần kỳ ở châu Á, một quốc gia nổi lên nhanh nhất về sự thịnh vượng tại Đông Á, trong khi đó Triều Tiên vẫn ở trong tình trạng kinh tế trì trệ. Năm 2000 thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc là 18.000USD, trong khi Triều Tiên là 1.000USD, tương đương với mức thu nhập của các quốc gia Châu Phi cận Xahara.Hàng triệu người thiếu đói lương thực.

Có thể lãnh đạo Kim Nhật Thành và các cộng sự của ông tin rằng các chính sách kinh tế theo mô hình Xô Viết tốt hơn cho đất nước. Tuy nhiên, những năm 1980 đã cho thấy các chính sách kinh tế của Chính phủ Triều Tiên là không hiệu quả. Tiếp tục đi theo đường lối kinh tế này, theo Acemoglu (2009) là do các nhà lãnh đạo muốn duy trì quyền lực và lợi ích riêng của mình mà quay lưng với lợi ích chung của đại đa số nhân dân. Khi mà thể chế kinh tế chỉ phục vụ cho một nhóm người có quyền lực thì hầu hết các quốc gia đi theo mô hình thể chế đó đều có kết cục thất bại.

Hàn Quốc đã áp dụng thể chế kinh tế thị trường tự do cùng với quá trình dân chủ hóa đã đầu tư cho giáo dục, khoa học công nghệ ở mức cao, hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, nhanh chóng trở thành quốc gia có nền công nghiệp hiện đại. Nhiều ngành công nghiệp như điện tử, ô tô, đóng tàu, hóa dầu…có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường thế giới.

Nền văn minh duy nhất đáng lẽ có thể vượt qua châu Âu là Trung Quốc. Bảng liệt kê danh sách các phát minh của Trung Quốc khá dài như la bàn, giấy và mực in, kỹ thuật in, thuốc nổ, dệt lụa, sành sứ, xe ngựa... Vào thế kỷ 12, công nghiệp dệt của Trung Quốc đã vượt xa nước Anh, luyện thép tại Trung Quốc đã biết sử dụng than đá. Nhưng lịch sử công nghiệp hoá của Trung Quốc là những bước lùi do không có công nghệ mới. Bởi vì, Trung Quốc thiếu vắng thị trường tự do, nhà nước luôn can thiệp vào thị trường và hoạt động kinh doanh của tư nhân. Thứ hai, nhà nước đã cấm đoán nhiều hoạt động kinh tế, thao túng giá cả, tham nhũng và không muốn để cho tư nhân làm giàu. Thứ ba, cung cách làm việc theo kiểu truyền thống, bóp chết sáng kiến, làm tăng các chi phí giao dịch, loại bỏ các tài năng về công nghệ và kinh doanh khỏi lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Không có một biểu hiện nào của đời sống công cộng thoát khỏi sự kiểm soát của nhà nước, thể chế chính trị mất dân chủ đã ngăn chặn quá trình phát triển của Trung Quốc.

----

* Viện nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Acemoglu, Daron (2009), Modern Economic Growth, Princeton Iniversity press.

2. Acemoglu, Daron (1995), Reward Structures and the Allocation of Talent, European Economic Review, 39, 17-33

3. Acemoglu, Daron (1997), Training and Innovation in an Inperfect Labor Market, Review of Economic Studies, 64, 445-464

4. Acemoglu, Daron, Simon Johnson and James A. Robinson (2002), Reversal of Fortune: Geography and Institutions in the Making of Modern World Incom Distribution, Quarterly of Journal of Economics 118, 1231-1294

5. Banerjee, Abihyit and Adrew F. Newman (1993), Ocupational choice and the Process of Development, Journal of Political Economy 101,274-198

6. Davis, Ralph (1973), The Rise of the Atlantic Economics, Cornell University Press

7. Galor Oded and Joseph Zeina (1993), Income Distribution and Macroeconomics, Review of Economic Studies 40, 35-52

8. Greif, Avner (1994), Cultural Beliefs and the Organization of Society, Journal of Political Economy 102, 912-950

9. Iqbal, Jong – Ilyou (2001), Democracy, Market Economics and Deverlopment: An Asian Perspctive, World Bank Press.

10. Knack, Steven and Philip Keefer (1997), Does Social capital have an Economic Impact? A cross – Country Investigation? Quarterly Journal of Economics 112, 1252-1288

11. Landes, Davids (1998), The wealth and The Poverty of Nations: Why some are so rich and some so poor, Norton & Co, New York

12. Maddision, A17. Maddision, Angus (2001), The world Economy: A Millenial perspective, OECD Paris

13. Murphy, Kevin J, Andrei Shleifer and Robert W. Vishny (1989) Industrialization and the Big Push, Journal of Political Economy, 97, 1003-1026

14. North, Douglas (1990), Institution, Instutution change, and Economic performance, Cambridge University Press

15. Pirenne, Henri (1937), Economic and Social History of Medieval Europe, New York, Brace & Co press

16. Trần Văn Trùng (2003), Quan hệ giữa thiết chế dân chủ với tăng trưởng kinh tế, Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 11-2002

17. Tân tử Lăng (2007), Mao Trạch Đông ngàn năm công tội, NXB Thư tác Phường Hồng Kông. Thông tấn xã Việt Nam xuất bản.

18. Weber, Max (1930), The protestal Ethic and the Spirit of Capitalism, Allen and Unwin, London.

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường Thái Lan

TS. Bảo Trung

Mía đường là một trong những cây trồng chính của Thái Lan. Tổng diện tích trồng mía của Thái Lan lớn thứ 5 trên thế giới, sau Brazil, Ấn Độ, Cu Ba và Trung Quốc. Vùng canh tác chính thuộc các tỉnh Karnjanaburi, Suphanburi, Udonthani, Chaiyaphoom, Nakornratchasima, Konkaen, Kampangpeth và Nakornsawan chiếm tới 60% tổng diện tích canh tác của cả nước.Trong năm 2005, Thái Lan là nước xuất khẩu thứ 2 về mía đường, tổng giá trị xuất khẩu là 29,541 triệu Baht. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.
Trong niên vụ 2010 – 2011, Thái Lan có 47 nhà máy chế biến mía đường với tổng công suất của các nhà máy khoảng 620.000 tấn/ngày. Hiện tại, Thái Lan có khoảng 1,03 triệu ha mía nằm rãi rác trên 49 tỉnh thuộc 4 vùng của cả nước, với khoảng 190.000 hộ gia đình trồng mía. Hàng năm ngành công nghiệp mía đường Thái Lan tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động của nước này.
Năm 1984, Thái Lan đã ban hành Luật về mía đường và đường (Cane and Sugarcane Act) với mục đích tổ chức và kiểm soát việc sản xuất – tiêu thụ mía đường đảm bảo duy trì sự ổn định trong nền kinh tế của đất nước, bảo vệ quyền lợi của người nông dân trồng mía và đảm bảo sự công bằng giữa nông dân, nhà máy chế biến và người tiêu dùng trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ mía đường.
Căn cứ vào Luật mía đường và đường, một Ủy ban quản lý ngành mía đường được thành lập bao gồm đại diện Nhà nước, nông dân trồng mía, các nhà máy chế biến đường và các nhà thương mại được thành lập. Ủy ban này với tên gọi là Văn phòng Hội đồng mía đường và đường (Office of the cane and sugarcane Board), đặt trụ sở tại Bộ Công nghiệp Thái Lan. Thành phần Ban quản trị của Văn phòng Hội đồng mía đường và đường bao gồm 5 thành viên từ các Bộ trong đó có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thương mại; 9 đại diện cho nông dân trồng mía và 7 đại diện cho các doanh nghiệp chế biến và thương mại. Ban quản trị bầu ra 1 Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch và 1 Tổng thư ký. Tổng thư ký là người trực tiếp điều hành hoạt động của Văn phòng Hội đồng mía đường và đường. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Văn phòng Hội đồng mía đường và đường:
(1) Thực hiện các công việc hành chính của Hội đồng mía đường và đường
(2) Xây dựng các chính sách và kế hoạch phát triển ngành mía đường
(3) Giám sát sản xuất và phân phối mía và đường tuân thủ theo quy ta18vc và quy định của Luật mía đường và đường
(4) Điều phối hoạt động hợp tác liên quan đến xúc tiến và phát triển ngành giữa các tổ chức trong nước với nước ngoài
(5) Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển giống mía, các sản phẩm đường và các sản phẩm phụ cũng như phát triển công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường.
Trên cơ sở của Luật mía đường và đường năm 1984, Chính phủ Thái Lan quy định về tổ chức quản lý ngành mía đường từ đầu vào đến đầu ra một cách chặt chẽ bao gồm 3 nội dung chính:
Thứ nhất, Chính phủ đưa ra một hệ thống phân phối thu nhập ròng mà theo đó nông dân sẽ nhận được 70% và chủ các nhà máy nhận được 30% trong tổng thu nhập từ đường. Tổng thu nhập từ đường là giá trị thu được dựa trên việc bán đường tính theo giá đường trắng (white sugar). Trên cơ sở này, Văn phòng Hội đồng mía đường và đường sẽ xác định giá mía cây. Giá mía cây nông dân trồng mía bán cho các nhà sản xuất đường của Thái Lan được xác định giá trị dựa trên chữ đường (CCS) và số lượng do đại diện của Văn phòng mía đường và đường tại nhà máy chế biến đường đo lường theo Hệ thống mía và đường thương mại Thái (Thai Commercial Cane & Sugar System). Hàng năm, Văn phòng Hội đồng mía đường và đường sẽ xác định giá mía cây tạm tính đầu vụ để ứng tiền cho nông dân khi giao mía cho nhà máy chế biến đường. Mức giá này sẽ được điều chỉnh vào cuối vụ và giá này là giá cuối cùng của sản phẩm mía đường và đường. Nếu giá mía kết thúc lớn hơn giá khởi điểm, phần chênh lệch sẽ được trả lại cho người nông dân trồng mía. Nếu ngược lại, Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ phần chênh lệch cho các nhà máy bằng Quỹ hỗ trợ mía đường của Chính phủ.
Thứ hai, Chính phủ quy định hạn ngạch xuất khẩu và chính sách quản lý xuất khẩu đường rất cụ thể và công khai. Hàng năm, khoảng tháng 10, tháng 11, Bộ Thương mại Thái Lan công bố kế hoạch và số lượng đường xuất khẩu cho cả năm sau. Giấy phép hạn ngạch (quota) xuất khẩu đường được cấp cho các nhà máy sản xuất và một số doanh nghiệp xuất khẩu đường của Thái Lan.
Thứ ba, Chính phủ quy định về việc xây dựng và quản lý hạn ngạch A, B, C. Hạn ngạch A, khoảng 2,5 triệu tấn, là số lượng đường được quy định dành cho tiêu thụ trong nước. Hạn ngạch B là hạn ngạch dành cho xuất khẩu, ấn định là 0,8 triệu tấn hàng năm được phân bổ cho Cty Thai Cane Cooperation (Cty liên doanh giữa Nhà nước và tư nhân 50/50) để xuất khẩu. Hạn ngạch C là hạn ngạch dành cho các nhà sản xuất mía đường xuất khẩu trực tiếp. Năm 2010, số lượng đường dành cho các nhà máy này là 3,92 triệu tấn. Quyền xuất khẩu được phân bố cho 7 công ty xuất khẩu của Thái Lan vào thời điểm 6 tháng trước khi vào mùa vụ sản xuất. Các nhà máy được yêu cầu phải ưu tiên thực hiện xong hạn ngạch A và B, rồi mới đến hạn ngạch xuất khẩu C.
Nhằm ổn định và phát triển ngành mía đường, Chính phủ Thái Lan thành lập Quỹ bình ổn giá đường. Quỹ này được thành lập để thực hiện chiến lược đảm bảo nguồn cung đường và bảo vệ người tiêu dùng, nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đường trước sự biến động của thị trường đường thế giới. Ngoài ra, Quỹ bình ổn mía đường được lập ra còn cung cấp một chương trình tín dụng cho phép nhà sản xuất vay một số tiền tương ứng với khoản họ nhận trước từ các nhà máy với mức lãi suất thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn thành lập một Uỷ ban hoạch định chính sách mía đường để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường. Ủy ban này bao gồm Bộ Nông nghiệp và HTX với trách nhiệm giám sát sản lượng mía với mục tiêu nâng cao năng suất cũng như chất lượng mía; Bộ Thương mại có trách nhiệm mở rộng thị trường nước ngoài và Bộ Công nghiệp quản lý việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm cách hỗ trợ người trồng mía chuyển sang lao động trong các ngành khác như giấy, điện năng.
Kể từ khi ban hành Luật mía đường và đường, ngành mía đường phát triển ổn định không còn hiện tượng tranh mua nguyên liệu; thu nhập của người nông dân trồng mía được nâng lên. Katanavadee Kosumbongkoch (2004) nghiên cứu “Tác động kinh tế của chính sách đường Thái Lan kể từ khi ban hành Luật mía đường và đường năm 1984” đã kết luận xét trên khía cạnh thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng thì thặng dư của người sản xuất trong giai đoạn 1984-2003 đạt được 352.726 triệu baht gấp 2,8 lần so với tổn thất của người tiêu dùng 126.752 triệu baht. Điều này chứng minh rằng chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường được ban hành trong Luật mía đường và đường năm 1984 của Thái Lan đã đạt được mục tiêu.
Tóm lại, ngành mía đường là một trong ngành kinh tế quan trọng của Thái Lan. Để giải quyết vấn đề bất ổn định của ngành mía đường, Thái Lan đã ban hành chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường thông qua Luật mía đường và đường năm 1984. Kể từ khi Luật này được ban hành, ngành mía đường của Thái Lan đã góp phần phân bổ lợi ích công bằng hơn giữa người nông dân trồng mía và người chế biến đường. Điều này góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thái Lan.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật mía đường và đường của Thái Lan năm 1984.
2. Katanadee Kosumbongkoch (2004), Tác động kinh tế của chính sách đường Thái Lan kể từ khi ban hành Luật mía đường và đường năm 1984, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thái Lan.
3. Văn phòng Hội đồng mía đường và đường, Giới thiệu Văn phòng Hội đồng mía đường và đường, http://en.ocsb.go.th/

Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2011

Hội thảo: “Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác”

Ngày 17/9/2011, tại Văn phòng Cơ quan phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn phối hợp với Dự án cạnh tranh nông nghiệp tổ chức hội thảo: “Xây dựng chính sách thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa nông dân và các thành phần kinh tế khác”. Hội thảo được tổ chức dưới sự chủ trì của ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn. Đến dự hội thảo có đại diện các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, các hợp tác xã, các Viện, Trường, các Chi cục Phát triển nông thôn và các Hiệp hội ngành hàng.
Mục tiêu của hội thảo là thu thập ý kiến góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng về “Chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất chế biến tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và người sản xuất”. Dự thảo này dự kiến sẽ thay thế Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ về “Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng”
Về tính cấp thiết phải ban hành Quyết định thay thế Quyết định 80, hầu hết các đại biểu đều nhất trí và đề nghị cần phải ban hành sớm. Trong báo cáo đề dẫn của Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn đã chỉ ra mặc dù Quyết định 80 trong thời gian đã có tác động hình thành nhiều vùng sản xuất nông sản nguyên liệu gắn với chế biến; nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp đã làm quen và từng bước hình thành các hợp đồng hợp tác liên kết sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, Quyết định 80 cũng đã bộc lộ nhiều hạn chế. Tỷ lệ nông sản hàng hóa tiêu thụ qua liên kết sản xuất – chế biến tiêu thụ nông sản giữa nông dân với các thành phần kinh tế khác còn thấp, chưa phát triển sâu rộng ở các địa phương, ngành hàng và sản phẩm. Nhiều mô hình liên kết còn thiếu tính bền vững, tình trạng phá vỡ hợp đồng khá phổ biến. Một số nông dân cố tình bán ra bên ngoài để lẫn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước. Nhiều doanh nghiệp chưa tôn trọng lợi ích nông dân, không quan tâm vùng nguyên liệu, lợi dụng thế độc quyền ép giá, ép cấp,...Nói chung, Quyết định 80 chưa tạo được mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân trên cơ sở lợi ích. Trong báo cao đề dẫn và thảo luận của các đại biểu tham dự đều cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên xuất phát từ nguyên nhân khách quan về tình trạng sản xuất nhỏ lẻ; trình độ kỹ năng nghề nghiệp của nông dân thấp; năng lực hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp còn thấp. Nhưng bên cạnh đó, nguyên nhân chủ quan từ cơ chế, chính sách và chỉ đạo của chính quyền địa phương hiện nay, cụ thể:
Thứ nhất, tư duy và nhận thức về vị trí, vai trò của các thể nhân, tác nhân trong liên kết kinh tế còn bất cập so với yêu cầu nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế
Thứ hai, một số cơ chế chính sách chưa hợp lý, thiếu đồng bộ hoặc chậm được điều chỉnh như:
- Thiếu cơ chế, chính sách đồng bộ, nhất quán theo hướng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư lâu dài phát triển vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn.
- Thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích các hợp tác xã tham gia tổ chức dịch vụ chế biến, tiêu thụ nông sản cho xã viên.
- Các cơ quan, tổ chức khoa học hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, ít quan tâm tìm nguồn kinh phí qua liên kết với doanh nghiệp, nông dân.
- Thiếu chế tài hoặc chưa đủ mạnh để điều chỉnh giữa các bên tham gia quan hệ liên kết; thiếu lực lượng tư vấn pháp lý cho các hợp đồng liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp.
- Thiếu các hiệp hội ngành hàng mạnh có khả năng tập hợp, phối hợp các doanh nghiệp, không điều hành được các doanh nghiệp thành viên hướng vào lợi ích chung.
- Thiếu các thể chế thị trường: chợ bán buôn, sàn giao dịch, hợp đồng giao sau, thanh toán qua ngân hàng.
Thứ ba, công tác tổ chức thực hiện còn nhiều yếu kém: công tác chỉ đạo sản xuất hiệu quả chưa cao, đặc biệt là công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, dồn điền đỗi thửa, tích tụ và tập trung ruộng đất. Chỉ đạo đổi mới hoạt động của các tổ hợp tác, hợp tác xã; việc kiểm tra giám sát thực thi pháp luật, chính sách còn hạn chế.
Xuất phát từ các nguyên nhân nhân trên, các đại biểu thảo luận và đã có thống nhất bước đầu một số nội dung sau:
Thứ nhất, chính sách thúc đẩy liên kết không thực hiện tràn làn, nên tập trung vào 2 nhóm ngành hàng:
- Ngành hàng đặc biệt ưu tiên là ngành hàng chiến lược, phục vụ xuất khẩu hoặc có sản lượng hàng hóa lớn cho tiêu dùng nội địa đồng thời có giá trị gia tăng cao.
- Nhóm ngành hàng ưu tiên là nhóm ngành hàng có giá trị gia tăng cao đồng thời phục vụ xuất khẩu, có giá trị sản lượng hàng hóa lớn, có ý nghĩa nâng cao thu nhập và tạo việc làm.
Thứ hai, về cơ chế, chính sách (ngoài các quy định trong Nghị định 61 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư về nông thôn và Nghị định 41 về tín dụng nông thôn và các chính sách khác đã ban hành), các đại biểu tham dự hội thảo cũng đã thảo luận một số chính sách cụ thể như sau:
Về pháp lý, quy định rõ chế tài trong Luật dân sự theo hướng xây dựng mức xử phạt vi phạm hợp đồng nhưng tối đa không qua 50% giá trị hợp hổng, hoặc tối đa 100% giá trị vật tư, vốn ứng trước của doanh nghiệp cho nông dân; bổ sung Luật trợ giúp pháp lý để nông dân được hưởng tư vấn pháp lý miễn phí khi tham gia các hộp đồng kiến kết kinh tế; mỗi xã có cán bộ tư vấn pháp lý cho nông dân.
Về chính sách bảo hộ đầu tư của doanh nghiệp với vùng nguyên liệu, các đại biểu thảo luận và đề nghị bổ sung hướng dẫn luật đầu tư theo hướng: (i) Doanh nghiệp chế biến bắt buộc phải gắn với xây dựng vùng nguyên liệu, (ii) cơ chế chống độc quyền và (iii) cần quy định khoảng cách giữa các nhà máy cùng sử dụng chung nguyên liệu nông sản.
Về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, dự thảo cũng đề xuất chính sách hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng như (i) giao thông trục chính nội đồng, (ii) hệ thống tưới tiêu. Mức hỗ trợ tốt đa 20% tổng kinh phí công trình và chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho công nhân nông nghiệp.
Về chính sách thuế, giảm tối đa 20% thuế cho doanh nghiệp khi liên kết với nông dân và miễm 100% thuế thu nhập doanh nghiệp cho hợp tác xã làm cầu nối tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp.
Về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác, củng cố hiệp hội ngành hàng gồm hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý hợp tác xã, tổ hợp tác; hỗ trợ 10% chi phí quảng cáo, xây dựng thương hiệu, triển lãm hội chợ.
Về chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức khoa học tham gia phát triển liên kết sản xuất và phát triển vùng nguyên liệu bao gồm hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay để thực hiện các hợp đồng nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đã ký với doanh nghiệp hợp tác xã, tổ hợp tác.
Một chính sách mới liên quan đến khuyến khích chính quyền địa phương hỗ trợ phát triển liên kết sản xuất và xây dựng vùng nguyên liệu như trích 10% thuế giá trị gia tăng (VAT) thu được đối với nông sản để bổ sung ngân sách xã và 5% VAT cho ngân ách huyện và 1% lãi trước thuế của các doanh nghiệp trong vùng nguyên liệu để xây dựng Quỹ dự phòng chống rủi ro trong liên kết.
Phần lớn các đại biểu tham dự hội thảo đều đánh giá cao các chính sách này. Các chính sách này tương đối cụ thể đủ sức thúc đẩy các thành phần tham gia liên kết. Tuy nhiên, điều mà các đại biểu băn khoăn nhất là các chính sách không được thực thi trong thực tế. Ví dụ, trường hợp Nghị định 61 và Nghị định 41, đã có quy định về vay thế chấp để phát triển nông nghiệp nhưng hầu như các doanh nghiệp, nông dân và hợp tác xã đều không thể tiếp cận được ngân hàng để vay vốn. Do vậy, trong phần tổ chức thực hiện, các đại biểu đề nghị phải quy định cụ thể để các Bộ, Ban ngành xây dựng hướng dẫn chi tiết và có cơ chế giám sát việc thực hiện Quyết định.
Tóm lại, chính sách thúc đẩy liên kết sản xuất – tiêu thụ nông sản là chủ trương đúng đắn. Tuy nhiên, làm thế nào xây dựng được cơ chế thực thi là đều hết sức khó khăn. Đây là vấn đề khó khăn nhất trọng thực tiễn phát triển nông nghiệp Việt Nam hiện nay.

Thứ Tư, 31 tháng 8, 2011

Chiêu sinh lớp "Anh văn giao tiếp hội nhập quốc tế"


Chương trình Anh ngữ giao tiếp hội nhập quốc tế được Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học – DMA thiết kế dựa trên chương trình Anh ngữ giao tiếp quốc tế (English for International Communication) nhằm tạo điều kiện cho người có thêm cơ hội để trao dồi kỹ năng tiếng Anh và có thể sử dụng ngôn ngữ một cách thành thạo, tự tin trong môi trường giao tiếp quốc tế hội nhập.

1.      Mục đích bồi dưỡng:
Giúp người học có cơ hội ôn luyện, trao dồi và cải thiện thêm không những cho các  kỹ năng như Nghe- Nói- Đọc- Viết tổng quát mà còn có thể sử dụng ngôn ngữ nhằm phục vụ cho chuyên ngành như nông nghiệp, công nghiệp, kinh tế, ngân hàng, kế toán, hoặc kinh doanh để có thể theo kịp với sự phát triển hội  nhập kinh tế  toàn cầu.
2.      Mục tiêu bồi dưỡng:
Sau khi tham gia khóa học, học viên  sẽ có đủ điều kiện để tham gia kỳ thi chứng chỉ quốc gia trình độ B trở lên hoặc kỳ thi TOEIC với thang điểm 500-700.
Trung tâm có tổ chức thi và cấp chứng chỉ tiếng Anh trình độ A, B và C.
3.      Đối tượng:
Tất cả học viên có nhu cầu và đã biết tiếng Anh cơ bản.
4.      Giáo trình:
+   Ken Wilson, Smart Choice Student’s book 1, 2, 3, Oxford University Press 2007.
+   David Cotton, David Falvey, Simon Kent, New Edition 2007, Market Leader, Pre-intermediate Business Englsih Course Book, Pearson Education Limited.
+   C. St. Yates, English for Academic Purposes Series, Economics, Phoenix ELT.
+   Compiled by Associate Professor Phan Thi Cuc, Ph.D. Ho Nguyet Thanh, M.A. Edited by Scott Brantley, M.S.O.M., English For Banking And Finance, Course Book, Ho Chi Minh City University of Industry Faculty of Banking And Finance.


5.      Nội dung:
STT
Các chuyên đề


1
Chào hỏi, giới thiệu về bản thân

2
Giới thiệu công việc, mô tả chi tiết công việc của bản thân

3
Nói về sở thích trong ăn uống

4
Miêu tả ngoại hình, tính cách, đặc điểm

5
Nói về những nơi chốn, về danh lam thắng cảnh của thành phố và đất nước

6
Miêu tả hoạt động của kỳ nghỉ

7
Trao đổi ý kiến về phim ảnh và âm nhạc

8
Nói về các hoạt động thể thao

9
Đi mua sắm

10
Chuyên ngành kinh doanh

11
Chuyên ngành tài chánh-ngân hàng

12
Chuyên ngành kinh tế

13
Chuyên ngành công nghiệp

14
Chuyên ngành nông nghiệp

15
Thi hết học phần


6.      Thời gian, địa điểm và phương tiện học tập:
Thời gian học tập:
+   Tổng thời gian: 200 tiết
+   Kế hoạch học: tuần học 3 buổi thứ ba, năm và bảy từ 14:00 đến 17:00
+   Dự kiến khai giảng: ngày 19/09/2011 và kéo dài khoảng 4 tháng.
Địa điểm: Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II,
Số 45 Đinh Tiên Hoàng (đối diện Đài Truyền hình TP.HCM),
phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.
7.      Kinh phí học tập: Chi phí học tập, tài liệu: 6.800.000đ/học viên.
Rất mong được đón tiếp các quý vị tham gia khóa bồi dưỡng.
Trân trọng kính chào.

Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2011

Chiêu sinh lớp "Ứng dụng phần mềm MS.Excel trong Quản lý tài chính - kế toán

TRUNG TÂM NGOẠI NGỮ, TIN HỌC – DMA
Tổ chức khóa tập huấn
“Ứng dụng phần mềm MS.Excel trong Quản lý tài chính – kế toán”

TT
Nội dung chương trình
Số ngày
1
Khấu hao tài sản cố định và sử dụng Excel để lập kế hoạch khấu hao
0,5
2
Ứng dụng Excel trong các bài toán về dòng tiền (bảo hiểm, thuê mua tài chính, xác định lãi suất, đảo nợ)
2,0
3
Ứng dụng Excel trong đánh giá các phương án đầu tư
1,0
4
Ứng dụng Excel trong tính toán giá trị đầu tư chứng khoán
0,5
CỘNG
4,0

  • Thời gian học tập: 4 ngày, dự kiến từ ngày 29/09/2011 đến ngày 02/10/2011.
  • Địa điểm: Trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và PTNT II, số 45 Đinh Tiên Hoàng (đối diện Đài Truyền hình TP.HCM), phường Bến Nghé, quận 1, TP. HCM.
  • Phương tiện: học viên học trực tiếp trên máy vi tính kết hợp với phương tiện nghe nhìn.
  • Chi phí học tập, tài liệu: 940.000đ/học viên.

Rất mong được đón tiếp các quý vị tham gia khóa tập huấn.
Trân trọng kính chào.
Địa chỉ liên hệ:
Trung tâm Ngoại ngữ, Tin học – DMA
45 Đinh Tiên Hoàng, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP.HCM
(Đối diện Đài truyền hình Tp.HCM)
ĐT: (08) 39110651- 39115589-39102770-39102771
Fax : (08) 39110057
Liên hệ: Phòng marketing, tư vấn và chăm sóc khách hàng
(Cô Vân, ĐT: 0938176479)

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM