Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

Chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường Thái Lan

TS. Bảo Trung

Mía đường là một trong những cây trồng chính của Thái Lan. Tổng diện tích trồng mía của Thái Lan lớn thứ 5 trên thế giới, sau Brazil, Ấn Độ, Cu Ba và Trung Quốc. Vùng canh tác chính thuộc các tỉnh Karnjanaburi, Suphanburi, Udonthani, Chaiyaphoom, Nakornratchasima, Konkaen, Kampangpeth và Nakornsawan chiếm tới 60% tổng diện tích canh tác của cả nước.Trong năm 2005, Thái Lan là nước xuất khẩu thứ 2 về mía đường, tổng giá trị xuất khẩu là 29,541 triệu Baht. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia và Malaysia.
Trong niên vụ 2010 – 2011, Thái Lan có 47 nhà máy chế biến mía đường với tổng công suất của các nhà máy khoảng 620.000 tấn/ngày. Hiện tại, Thái Lan có khoảng 1,03 triệu ha mía nằm rãi rác trên 49 tỉnh thuộc 4 vùng của cả nước, với khoảng 190.000 hộ gia đình trồng mía. Hàng năm ngành công nghiệp mía đường Thái Lan tạo công ăn việc làm cho khoảng 1,5 triệu lao động của nước này.
Năm 1984, Thái Lan đã ban hành Luật về mía đường và đường (Cane and Sugarcane Act) với mục đích tổ chức và kiểm soát việc sản xuất – tiêu thụ mía đường đảm bảo duy trì sự ổn định trong nền kinh tế của đất nước, bảo vệ quyền lợi của người nông dân trồng mía và đảm bảo sự công bằng giữa nông dân, nhà máy chế biến và người tiêu dùng trong việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ mía đường.
Căn cứ vào Luật mía đường và đường, một Ủy ban quản lý ngành mía đường được thành lập bao gồm đại diện Nhà nước, nông dân trồng mía, các nhà máy chế biến đường và các nhà thương mại được thành lập. Ủy ban này với tên gọi là Văn phòng Hội đồng mía đường và đường (Office of the cane and sugarcane Board), đặt trụ sở tại Bộ Công nghiệp Thái Lan. Thành phần Ban quản trị của Văn phòng Hội đồng mía đường và đường bao gồm 5 thành viên từ các Bộ trong đó có Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Thương mại; 9 đại diện cho nông dân trồng mía và 7 đại diện cho các doanh nghiệp chế biến và thương mại. Ban quản trị bầu ra 1 Chủ tịch, 2 Phó chủ tịch và 1 Tổng thư ký. Tổng thư ký là người trực tiếp điều hành hoạt động của Văn phòng Hội đồng mía đường và đường. Nhiệm vụ và trách nhiệm của Văn phòng Hội đồng mía đường và đường:
(1) Thực hiện các công việc hành chính của Hội đồng mía đường và đường
(2) Xây dựng các chính sách và kế hoạch phát triển ngành mía đường
(3) Giám sát sản xuất và phân phối mía và đường tuân thủ theo quy ta18vc và quy định của Luật mía đường và đường
(4) Điều phối hoạt động hợp tác liên quan đến xúc tiến và phát triển ngành giữa các tổ chức trong nước với nước ngoài
(5) Thúc đẩy nghiên cứu và phát triển giống mía, các sản phẩm đường và các sản phẩm phụ cũng như phát triển công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành mía đường.
Trên cơ sở của Luật mía đường và đường năm 1984, Chính phủ Thái Lan quy định về tổ chức quản lý ngành mía đường từ đầu vào đến đầu ra một cách chặt chẽ bao gồm 3 nội dung chính:
Thứ nhất, Chính phủ đưa ra một hệ thống phân phối thu nhập ròng mà theo đó nông dân sẽ nhận được 70% và chủ các nhà máy nhận được 30% trong tổng thu nhập từ đường. Tổng thu nhập từ đường là giá trị thu được dựa trên việc bán đường tính theo giá đường trắng (white sugar). Trên cơ sở này, Văn phòng Hội đồng mía đường và đường sẽ xác định giá mía cây. Giá mía cây nông dân trồng mía bán cho các nhà sản xuất đường của Thái Lan được xác định giá trị dựa trên chữ đường (CCS) và số lượng do đại diện của Văn phòng mía đường và đường tại nhà máy chế biến đường đo lường theo Hệ thống mía và đường thương mại Thái (Thai Commercial Cane & Sugar System). Hàng năm, Văn phòng Hội đồng mía đường và đường sẽ xác định giá mía cây tạm tính đầu vụ để ứng tiền cho nông dân khi giao mía cho nhà máy chế biến đường. Mức giá này sẽ được điều chỉnh vào cuối vụ và giá này là giá cuối cùng của sản phẩm mía đường và đường. Nếu giá mía kết thúc lớn hơn giá khởi điểm, phần chênh lệch sẽ được trả lại cho người nông dân trồng mía. Nếu ngược lại, Chính phủ Thái Lan sẽ hỗ trợ phần chênh lệch cho các nhà máy bằng Quỹ hỗ trợ mía đường của Chính phủ.
Thứ hai, Chính phủ quy định hạn ngạch xuất khẩu và chính sách quản lý xuất khẩu đường rất cụ thể và công khai. Hàng năm, khoảng tháng 10, tháng 11, Bộ Thương mại Thái Lan công bố kế hoạch và số lượng đường xuất khẩu cho cả năm sau. Giấy phép hạn ngạch (quota) xuất khẩu đường được cấp cho các nhà máy sản xuất và một số doanh nghiệp xuất khẩu đường của Thái Lan.
Thứ ba, Chính phủ quy định về việc xây dựng và quản lý hạn ngạch A, B, C. Hạn ngạch A, khoảng 2,5 triệu tấn, là số lượng đường được quy định dành cho tiêu thụ trong nước. Hạn ngạch B là hạn ngạch dành cho xuất khẩu, ấn định là 0,8 triệu tấn hàng năm được phân bổ cho Cty Thai Cane Cooperation (Cty liên doanh giữa Nhà nước và tư nhân 50/50) để xuất khẩu. Hạn ngạch C là hạn ngạch dành cho các nhà sản xuất mía đường xuất khẩu trực tiếp. Năm 2010, số lượng đường dành cho các nhà máy này là 3,92 triệu tấn. Quyền xuất khẩu được phân bố cho 7 công ty xuất khẩu của Thái Lan vào thời điểm 6 tháng trước khi vào mùa vụ sản xuất. Các nhà máy được yêu cầu phải ưu tiên thực hiện xong hạn ngạch A và B, rồi mới đến hạn ngạch xuất khẩu C.
Nhằm ổn định và phát triển ngành mía đường, Chính phủ Thái Lan thành lập Quỹ bình ổn giá đường. Quỹ này được thành lập để thực hiện chiến lược đảm bảo nguồn cung đường và bảo vệ người tiêu dùng, nông dân và doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ đường trước sự biến động của thị trường đường thế giới. Ngoài ra, Quỹ bình ổn mía đường được lập ra còn cung cấp một chương trình tín dụng cho phép nhà sản xuất vay một số tiền tương ứng với khoản họ nhận trước từ các nhà máy với mức lãi suất thị trường.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan còn thành lập một Uỷ ban hoạch định chính sách mía đường để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành đường. Ủy ban này bao gồm Bộ Nông nghiệp và HTX với trách nhiệm giám sát sản lượng mía với mục tiêu nâng cao năng suất cũng như chất lượng mía; Bộ Thương mại có trách nhiệm mở rộng thị trường nước ngoài và Bộ Công nghiệp quản lý việc nâng cao hiệu quả sản xuất và tìm cách hỗ trợ người trồng mía chuyển sang lao động trong các ngành khác như giấy, điện năng.
Kể từ khi ban hành Luật mía đường và đường, ngành mía đường phát triển ổn định không còn hiện tượng tranh mua nguyên liệu; thu nhập của người nông dân trồng mía được nâng lên. Katanavadee Kosumbongkoch (2004) nghiên cứu “Tác động kinh tế của chính sách đường Thái Lan kể từ khi ban hành Luật mía đường và đường năm 1984” đã kết luận xét trên khía cạnh thặng dư người sản xuất và thặng dư người tiêu dùng thì thặng dư của người sản xuất trong giai đoạn 1984-2003 đạt được 352.726 triệu baht gấp 2,8 lần so với tổn thất của người tiêu dùng 126.752 triệu baht. Điều này chứng minh rằng chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường được ban hành trong Luật mía đường và đường năm 1984 của Thái Lan đã đạt được mục tiêu.
Tóm lại, ngành mía đường là một trong ngành kinh tế quan trọng của Thái Lan. Để giải quyết vấn đề bất ổn định của ngành mía đường, Thái Lan đã ban hành chính sách liên kết sản xuất – tiêu thụ mía đường thông qua Luật mía đường và đường năm 1984. Kể từ khi Luật này được ban hành, ngành mía đường của Thái Lan đã góp phần phân bổ lợi ích công bằng hơn giữa người nông dân trồng mía và người chế biến đường. Điều này góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thái Lan.

Tài liệu tham khảo:
1. Luật mía đường và đường của Thái Lan năm 1984.
2. Katanadee Kosumbongkoch (2004), Tác động kinh tế của chính sách đường Thái Lan kể từ khi ban hành Luật mía đường và đường năm 1984, Luận văn thạc sĩ kinh tế, Đại học Chulalongkorn, Bangkok, Thái Lan.
3. Văn phòng Hội đồng mía đường và đường, Giới thiệu Văn phòng Hội đồng mía đường và đường, http://en.ocsb.go.th/

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM