Chủ Nhật, 20 tháng 2, 2011

ĐỊNH HƯỚNG CHỈNH SỬA, BỔ SUNG QUYẾT ĐỊNH SỐ 80/2002/QĐ-TTG NGÀY 24 THÁNG 6 NĂM 2002 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH TIÊU THỤ NÔNG SẢN THÔNG QUA HỢP ĐỒNG

TS. Bảo Trung


 

Quyết định 80/2002/QĐ-TTg (QĐ 80) của Thủ tướng Chính phủ ban hành cho đến nay gần 9 năm. Quyết định này đã được các nhà khoa học, các nhà quản lý nghiên cứu và thảo luận nhiều lần và có nhiều bài báo khoa học đề cập đến Quyết định này. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã chủ trì chỉnh sửa, bổ sung nhưng cho đến nay các dự thảo thay thế QĐ 80 vẫn chưa được thông qua. Bên cạnh đó, môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi, đặc biệt QĐ 80 ban hành trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), do vậy nhiều điều khoản trong QĐ 80 không còn phù hợp. Để tiếp tục góp phần vào dự thảo chỉnh sửa, bổ sung QĐ 80, bài báo này tiếp tục đanh giá những hạn chế của QĐ 80 và đề xuất một số định hướng chỉnh sửa, bổ sung với hy vọng rằng một Quyết định mới ban hành phù hợp với thực tiễn sản xuất – kinh doanh ở Việt Nam.

  1. Phân tích, đánh giá Quyết định 80/2002/QĐ-TTg

    1. Các hình thức và bản chất của các hình thức tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng theo QĐ 80

Ngày 24/6/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành QĐ 80 về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng. Điều 1 của quyết định này có nêu:

Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá (bao gồm nông sản, lâm sản, thuỷ sản) và muối với người sản xuất (hợp tác xã, hộ nông dân, trang trại, đại diện hộ nông dân) nhằm gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá để phát triển sản xuất ổn định và bền vững.

Hợp đồng sau khi đã ký kết là cơ sở pháp lý để gắn trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp giữa người sản xuất nguyên liệu và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, chế biến và xuất khẩu theo các quy định của hợp đồng.

Điều 2 của Quyết định 80/2002/QĐ-TTg quy định: "Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá phải được ký với người sản xuất ngay từ đầu vụ sản xuất, đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất"

Nếu căn cứ vào Bộ Luật dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005, bản chất của hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa ký kết giữa doanh nghiệp và người sản xuất theo QĐ 80 là một loại hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên, do quy định tại Điều 2 thì hợp đồng này không phải là hợp đồng mua bán giữa người sản xuất và doanh nghiệp trên thị trường giao ngay. Vậy hợp đồng theo QĐ 80 có thể thuộc 3 dạng sau: hợp đồng sản xuất, hợp đồng bao tiêu và hội nhập dọc.

Cũng theo Điều 2 của QĐ 80 đã quy định:

"Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa được ký giữa các doanh nghiệp với người sản xuất theo các hình thức:

  • Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hoá;
  • Bán vật tư mua lại nông sản hàng hoá;
  • Trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hoá;
  • Liên kết sản xuất: hộ nông dân được sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết với doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp thuê đất sau đó nông dân được sản xuất trên đất đã góp cổ phần, liên doanh, liên kết hoặc cho thuê và bán lại nông sản cho doanh nghiệp, tạo sự gắn kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp".

Đối với các hình thức "Ứng trước vốn, vật tư, hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ và mua lại nông sản hàng hóa", xét về bản chất đây có thể xem là hình thức "hợp đồng sản xuất" vì doanh nghiệp có đầu tư về vốn, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật, công nghệ và mua nông sản theo hợp đồng đã ký với nông dân.

Đối với hình thức "bán vật tư mua lại nông sản hàng hóa""trực tiếp tiêu thụ nông sản hàng hóa", về bản chất, đây là hợp đồng bao tiêu sản phẩm.

Hình thức "liên kết sản xuất" là hình thức hình thức góp vốn đầu tư hoặc hợp đồng cho thuê tài sản.

Do bản chất của các hình thức này khác nhau cho nên quyền và nghĩa vụ của người mua và người bán có khác nhau. Tuy vậy, QĐ 80 chưa nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người mua và người bán đối với từng hình thức. QĐ 80 đồng nhất giữa khái niệm hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với khái niệm sản xuất theo hợp đồng. Về mục tiêu của QĐ 80 là Nhà nước mong muốn phát triển hình thức sản xuất theo hợp đồng nhưng trong QĐ 80 lại đưa ra các hình thức không phù hợp. Việc không phân biệt rõ bản chất của các hình thức tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng nên khi vận dụng QĐ 80 và thực tiễn gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí cách hiểu bản chất của các hình thức này trong thực tiễn khác nhau. Qua phỏng vấn các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước có người cho rằng hợp đồng ký kết theo QĐ 80 không phải là hợp đồng mua bán mà chỉ mới là một "Biên bản thỏa thuận" hay "Bản ghi nhớ". Cách hiểu này hiện nay sẽ không đúng với cách diễn đạt ở Điều 2: "… Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa phải đảm bảo nội dung và hình thức quy định pháp luật." và Điều 4: "Việc ký kết và thực hiện hợp đồng tiêu thụ nông sản giữa người sản xuất với doanh nghiệp phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật hợp đồng". Nếu căn cứ vào "Pháp lệnh hợp đồng kinh tế năm 1989" thì hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa theo QĐ 80 không phải là hợp đồng kinh tế. Tuy nhiên theo Bộ Luật dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 thì các hình thức ký kết hợp đồng này là phù hợp.

  1. Đánh giá một số chính sách chủ yếu khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng nông sản với người sản xuất theo QĐ 80

  2. Chính sách đất đai

Theo Mục 1, Điều 3 của QĐ 80 đã quy định về chính sách đất đai để tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa. Tuy nhiên, các nội dung này được QĐ 80 nêu: "Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tạo điều kiện thuận lợi để nông dân thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật các quyền về sử dụng đất, sử dụng giá trị quyền sử dụng đất để góp vốn cổ phần hoặc liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu nông sản; chỉ đạo việc xây dựng và hoàn chỉnh quy hoạch các vùng sản xuất nông sản hàng hoá tập trung, tạo điều kiện cho người sản xuất và doanh nghiệp tổ chức sản xuất, ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá; chỉ đạo thực hiện việc dồn điền, đổi thửa ở nơi cần thiết".

Đối với doanh nghiệp thì QĐ 80 có nêu: "Các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản có nhu cầu đất đai để xây dựng nhà máy chế biến hoặc kho tàng, bến bãi bảo quản và vận chuyển hàng hoá thì được ưu tiên thuê đất. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy định cụ thể tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, giá cả để hỗ trợ các doanh nghiệp nhận đất đầu tư".

Việc quy định về chính sách đất đai như QĐ 80 đã nêu không có giá trị thực tiễn. Thứ nhất, các điều khoản này chưa được cụ thể hóa nên không thể áp dụng vào thực tiễn. Thứ hai, QĐ 80 là văn bản dưới luật nên giá trị pháp lý không cao, trong khi đó để phát triển hình thức sản xuất theo hợp đồng thì việc tích tụ và tập trung đất đai là một trong những điều kiện cần để tăng quy mô sản xuất hàng hóa, nhưng nội dung này phải do Quốc Hội quyết định.

  1. Chính sách đầu tư

Đối với chính sách đầu tư, mục 2 Điều 3 đã quy định: "Vùng sản xuất nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá có hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một phần về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (đường giao thông, thuỷ lợi, điện,...), hệ thống chợ bán buôn, kho bảo quản, mạng lưới thông tin thị trường, các cơ sở kiểm định chất lượng nông sản hàng hoá. Cơ chế tài chính và hỗ trợ ngân sách thực hiện như quy định tại Điều 3, Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày 7 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ". Tuy nhiên, theo Quyết định 132/QĐ-TTg có nêu: "Các dự án xây dựng đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn phải được thực hiện bằng việc huy động đóng góp của nhân dân là chủ yếu (bằng tiền, hiện vật, ngày công,…), nhà nước xem xét để hỗ trợ một phần;…". Với chính sách này so với nhiều chính sách trước đây về việc "xã hội hóa" cơ sở hạ tầng nông thôn không có khác. Chính sách này không tạo động lực cho nông dân và doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản.

  1. Chính sách tín dụng

Đối với chính sách tín dụng, QĐ 80 đã ban hành nhiều chính sách để giúp cho nông dân và doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Tuy nhiên trong thực tiễn, cả doanh nghiệp và nông dân, nhất là nông dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng thương mại. Đối với chính sách hỗ trợ dự án sản xuất, chế biến hàng xuất khẩu theo Nghị định số 43/1999/NĐ-CP ngày 29 tháng 6 năm 1999 của Chính phủ về Tín dụng đầu tư của Nhà nước và Quyết định số 02/2001/QĐ-TTg ngày 2 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ hiện nay không còn hiệu lực vì không phù hợp với quy định của WTO. Đối với chính sách hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ xuất khẩu cho dự án sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu theo Quyết định số 133/2001/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tín dụng hỗ trợ xuất khẩu. Hiện nay văn bản này cũng không còn phù hợp.

  1. Chính sách chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ

Đối với chính sách chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và công nghệ, QĐ 80 có nêu "Hàng năm, ngân sách nhà nước dành khoản kinh phí để hỗ trợ các doanh nghiệp và người sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nông sản: áp dụng, phổ cập nhanh (kể cả nhập khẩu) các loại giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới trong bảo quản, chế biến nông, lâm, thuỷ sản; đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp các cơ sở sản xuất và nhân giống cây trồng, giống vật nuôi; đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, giáo dục (chương trình VIDEO, truyền thanh, truyền hình, Internet,...) nhằm phổ cập nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới, thông về tin thị trường, giá cả đến người sản xuất, doanh nghiệp.

Các vùng sản xuất hàng hoá tập trung có hợp đồng tiêu thụ nông sản được ưu tiên triển khai và hỗ trợ về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư".

Với chính sách này việc thực hiện trong thực tiễn rất khó khăn vì không cụ thể và hiện nay ở Việt Nam đã có hệ thống khuyến nông từ trung ương đến địa phương thực hiện công tác chuyển giao tiến bộ kỹ th công nghệ, nhưng hiệu quả công tác này chưa cao.

  1. Chính sách thị trường và xúc tiến thương mại

Đối chính sách thị trường và xúc tiến thương mại, QĐ 80 có nêu: "Ngoài các chính sách hiện hành, đối với vùng sản xuất hàng hoá tập trung các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các thành phần kinh tế có hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá với nông dân ngay từ đầu vụ được ưu tiên tham gia thực hiện các hợp đồng thương mại của Chính phủ và các chương trình xúc tiến thương mại do Bộ Thương mại, Bộ, ngành có liên quan, Hiệp hội ngành hàng và địa phương tổ chức". Chính sách này chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản nhưng số lượng doanh nghiệp này tiếp cận được với nông dân là thiểu số. Phần lớn người mua nông sản của nông dân là thương lái/hàng xáo. Lực lượng này khó có thể tham gia vào hợp đồng của chính phủ hoặc các chương trình xúc tiến thương mại. Do vậy, tính hiệu lực của chính sách này không cao.

  1. Đánh giá về quyền và nghĩa vụ các bên và cơ chế giải quyết tranh chấp hợp đồng

Trong điều 4, điều 5 và điều 6 của Quyết định 80/2002/QĐ-TTg liên quan đến nội dung, hình thức, quyền và nghĩa vụ giữa các bên tham gia hợp đồng hiện nay không còn phù hợp với Bộ Luật dân sự ngày 14/6/2005 và Luật Thương mại ngày 14/6/2005. Ví dụ, Quyết định này có nêu: "Hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá được Ủy ban nhân dân xã xác nhận hoặc Phòng công chứng huyện chứng thực". Bộ Luật dân sự ngày 14/6/2005 và Luật Thương mại ngày 14/6/2005 không quy định về việc phải công chứng, chứng thực hợp đồng mua bán.

Về cơ chế giá, theo điểm 5, điều 8 QĐ 80 có nêu: "Cơ quan quản lý nhà nước về giá của Chính phủ hướng dẫn nguyên tắc xác định giá sàn nông sản hàng hoá mà doanh nghiệp mua của người sản xuất để bảo đảm người sản xuất có lợi, doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả". Do vậy, ở đây có thể hiểu rằng hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân phải căn cứ vào giá sàn. Về bản chất, giá sàn là giá nhà nước sử dụng để bảo hộ sản xuất nông nghiệp mà trực tiếp là bảo hộ cho nông dân. Về mặt lý luận và thực tiễn, giá sàn chỉ áp dụng một bên là Nhà nước và một bên là người sản xuất. Giá sàn là hình thức Nhà nước hỗ trợ cho người sản xuất để tránh tình trạng thua lỗ khi giá thị trường xuống quá thấp. Việc áp dụng giá sàn trong hợp đồng ký kết giữa doanh nghiệp và nông dân không phù hợp với cơ chế thị trường. Do vậy, hợp đồng mang nhiều sắc thái của giải quyết chính sách xã hội, chưa phải là một đòn bẩy kinh tế trong kinh tế thị trường.

  1. Đánh giá vai trò của nhà nước trong QĐ 80

  2. Vai trò của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Điều 7 quy định: "UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính trong việc chỉ đạo thực hiện các biện pháp thúc đẩy quá trình tổ chức sản xuất tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng tại địa phương". Tuy nhiên, Qua phỏng vấn lãnh đạo Chi cục PTNT tỉnh Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang và Cần Thơ, sau khi QĐ 80 ra đời, tất cả các tỉnh này đều thành lập ban chỉ đạo thực hiện QĐ 80 do Phó chủ tịch tỉnh phụ trách nông nghiệp hoặc công thương đảm nhận. Từ việc thành lập ban chỉ đạo thực hiện QĐ 80, hầu hết UBND các tỉnh đều chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước đóng trên địa bàn thực hiện ký hợp đồng với nông dân để tiêu thụ nông sản. Điều này đã "dấy lên phong trào" mà thường được gọi là "sản xuất theo hợp đồng" và "liên kết 4 nhà". Tuy nhiên do nhận thức chưa đầy đủ về sản xuất theo hợp đồng, cũng như các nội dung trong QĐ 80 nên sau thời gian hăng hái thực hiện thì tình trạng tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp và nông dân diễn ra thường xuyên và bên này "đổ lỗi" cho bên kia; từ đó, cả nông dân và doanh nghiệp đều không mặn mà với QĐ 80 mà nếu có thực hiện cũng chỉ mang tính hình thức. Điều này có thể thấy rằng UBND các tỉnh chưa đủ khả năng định hướng nông dân và doanh nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản trước khi tiến hành sản xuất như phần lớn các nước trong nền kinh tế thị trường đều ít nhiều áp dụng. Ở mục 2 của điều 7 nêu trên đến nay không còn phù hợp với Luật doanh nghiệp năm 2005. Theo Mục 3, Điều 8, Luật doanh nghiệp 2005 về Quyền doanh nghiệp: "Chủ động tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng". Do vậy, UBND tỉnh, thành phố không thể "lựa chọn, quyết định" các doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ cho nông dân. Đây là quyền của doanh nghiệp.

Qua khảo sát các hộ nông dân có tham gia ký kết hợp đồng với doanh nghiệp, nhóm nghiên cứu thấy rằng phần lớn nông dân hiểu biết rất ít về QĐ 80. Điều này chứng tỏ vai trò vận động, tuyền truyền, giáo dục pháp luật cho người dân của các cấp chính quyền địa phương rất yếu. Ngoài ra theo nội dung đã nêu trong điều 1 và điều 2 thì QĐ 80 là một quyết định liên quan đến việc khuyến khích doanh nghiệp và người sản xuất ký hợp đồng trước để mua bán nông sản. Tuy nhiên, trong thực tiễn QĐ 80 đã được "suy diễn" thành "liên kết 4 nhà". Đây là nhận định chưa hoàn toàn chính xác và việc nhận định không đúng dẫn đến cách tiếp cận những giải pháp khó thực hiện trong thực tiễn.

  1. Vai trò của Bộ, Ngành Trung ương

Điều 8 của QĐ 80 quy định trách nhiệm của các Bộ, ngành và tổ chức có liên quan. Căn cứ vào quy định này, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Thông tư Số 77/2002/BNN-TT, ngày 28 tháng 8 năm 2002 Về mẫu hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thông tư số 05/2002/TT-NHNN
ngày 27 tháng 9 năm 2002 về việc hướng dẫn việc cho vay vốn đối với người sản xuất, doanh nghiệp ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hoá theo Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ; Bộ Tài chính ban hành Thông tư 04/2003/TT-BTC ngày 10 tháng 1 năm 2003 hướng dẫn một số vấn đề về tài chính thực hiện Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24/6/2002 của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay đã hơn 8 năm kể từ khi QĐ 80 ban hành Bộ Tài chính vẫn chưa xây dựng được cơ chế chính sách lập Quỹ bảo hiểm ngành hàng và Cơ quan quản lý giá của Chính phủ chưa đưa ra nguyên tắc xác định giá sàn nông sản.

  1. Định hướng bổ sung, chỉnh sửa, khắc phục những hạn chế về chính sách tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng

    1. Định hướng bổ sung, chỉnh sửa một số nội dung cơ bản QĐ 80

Định hướng chỉnh sửa tên văn bản:

Về mặt lý luận và thực tiễn đã chứng minh tên gọi của QĐ 80 là không phù hợp. Theo điều 24, Luật thương mại năm 2005, thì hầu hết giao dịch giữa nông dân với thị trường đều là quan hệ hợp đồng. Do vậy, nếu đặt tên "Chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng" không phù hợp. Mục tiêu của chính sách này là khuyến khích các doanh nghiệp ký hợp đồng với nông dân trước khi nông dân bắt đầu sản xuất. Về bản chất và mong muốn của Nhà nước là thúc đẩy hình thức "sản xuất theo hợp đồng" (contract farming) hoặc có thể gọi cho rõ hơn là "sản xuất theo hợp đồng trong nông nghiệp" hoặc "sản xuất nông sản theo hợp đồng". Do đó, tên gọi của QĐ 80 sửa đổi là: "Chính sách khuyến khích sản xuất nông sản theo hợp đồng" hoặc "Chính sách khuyến khích sản xuất theo hợp đồng trong nông nghiệp".

Định hướng chỉnh sửa hình thức văn bản pháp quy:

Về mặt hình thức của văn bản thì Quyết định này nên nâng lên thành Nghị định của Chính phủ.

Định hướng chỉnh sửa hình thức ký kết hợp đồng:

Về mặt hình thức sản xuất theo hợp đồng, Nhà nước sẽ khuyến khích doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ký kết hợp đồng trực tiếp với người sản xuất bao gồm HTX, tổ hợp tác, hộ nông dân dưới các hình thức sau:

  • Hợp đồng gia công
  • Hợp đồng giao khoán đất đai, vườn cây, mặt nước, chuồng trại để người sản xuất trực tiếp sản xuất
  • Hợp đồng đa chủ thể
  • Hợp đồng qua trung gian

Định hướng chỉnh sửa nguyên tắc xác định giá trong hợp đồng:

Nguyên tắc xác định giá trong hợp đồng sản xuất – tiêu thụ nông sản trên cơ sở phân bổ lợi ích, rủi ro và quyền quyết định.

Định hướng chỉnh sửa quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng:

  • Nội dung về "Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng gia công sản phẩm nông nghiệp" sử dụng các điều khoản "Hợp đồng gia công thương mại" của Luật Thương mại ngày 14/6/2005" có bổ sung những nội dung đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp ví dụ như "Bên đặt gia công có nghĩa vụ xây dựng quy trình sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho bên nhận gia công", "Bên đặt gia công có quyền giám sát quá trình sản xuất của bên nhận gia công", "Bên nhận gia công có nghĩa vụ thực hiện đúng quy trình và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất do bên đặt gia công đưa ra"…
  • Nội dung về "Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng khoán đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng sản xuất, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản" sử dụng các nội dung trong nghị định 135/2005/NĐ-CP.
  • Nội dung về "Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng đa chủ thể trong nghiên cứu khoa học, sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản" cần quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ đối với từng chủ thể tham gia trong hợp đồng này.
  • Nội dung về "Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng trung gian sản xuất – tiêu thụ nông sản" sử dụng các điều khoản trong "chương V. Hoạt động trung gian thương mại" của Luật Thương mại ngày 14/6/2005, có chỉnh sửa bổ sung cho phù hợp với sản phẩm nông nghiệp.
  1. Bổ sung, chỉnh sửa và khắc phục hạn chế về chính sách khuyến khích sản xuất theo hợp đồng của QĐ 80

Về chính sách đất đai:

  • Sửa đổi Luật đất đai: Cần cho tư nhân tích tụ ruộng đất để giảm sự manh mún trên đồng ruộng, mới có thể khuyến khích đầu tư cho nông nghiệp. Nội dung cụ thể sẽ được trình bày phần sau.
  • Triển khai thực hiện miễn giảm thuế theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Về chính sách tài chính - tín dụng:

  • Thực hiện theo Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và nông thôn.
  • Thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi theo Nghị định số 151/2006/NĐ-CP về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu và Nghị định số 106/2008/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung Nghị định 151/2006/NĐ-CP.
  • Miễn giảm thuế VAT cho đầu vào nông sản.
  • Xây dựng cơ chế, chính sách để lập Quỹ bảo hiểm ngành hàng.

Về chính sách đầu tư:

  • Thực hiện chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 61/2010/NĐ-CP ngày 04/06/2010 về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
  • Nhà nước cần đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng nối liền nông thôn với thị trường. Thị trường cần đường xá, cầu cống, thông tin liên lạc, phương tiện vận chuyển,...

Về chính sách chuyển giao khoa học và công nghệ:

  • Thực hiện chính sách khuyến nông theo Nghị định số 02/2010 của Chính phủ ngày 08/01/2010 về Khuyến nông.
  • Hàng năm ngân sách nhà nước bố trí hỗ trợ cho doanh nghiệp và người sản xuất có hợp đồng tiêu thụ nông sản: cụ thể theo mục 4, Điều 3 QĐ 80 hiện hành.

Về chính sách thị trường và xúc tiến thương mại

  • Thực hiện đề án "Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến năm 2020" theo Quyết định Số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6 tháng 1 năm 2010.
  • Ưu tiên cho các doanh nghiệp ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân được tham gia hợp đồng thương mại của Chính phủ và các chương trình xúc tiến thương mại.

Tóm lại, việc ban hành một văn bản pháp quy để thay thế QĐ 80 là điều hết sức cần thiết. Tuy nhiên, một chính sách chỉ phù hợp với thực tiễn khi nó được dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Bài báo này hy vọng đóng góp một ý kiến nhỏ vào việc định hướng chỉnh sửa, bổ sung QĐ 80.

Tài liệu tham khảo:

  1. Bảo Trung (2009), Phát triển thể chế giao dịch nông sản ở Việt Nam, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM.
  2. Vũ Trọng Khải (2009), Liên kết "bốn nhà": chủ trương đúng vẫn tắc!, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, ngày 16/6/2009.

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM