Thứ Ba, 28 tháng 8, 2007

Nguyên tắc hoạt động chợ nông sản

BÀN VỀ NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CHỢ TRUNG TÂM NÔNG SẢN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG


Thủ tướng chính phủ đã ban hành quyết định 223/QĐ-TTg ngày 6/3/2001 về việc tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng đã giao nhiệm vụ: “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo Tổng Công ty Lương thực miền Nam với UBND các tỉnh xây dựng thí điểm các chợ trung tâm nông sản, trước mắt ở các tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa lớn, để giúp nông dân tiêu thụ lúa, gạo và thực hiện các dịch vụ khác cho sản xuất nông nghiệp như cung ứng giống, phân bón, vật tư nông nghiệp, dịch vụ tưới tiêu, tư vấn sản xuất...”. Căn cứ vào quyết định này, Tổng công ty Lương thực Miền Nam đã thí điểm xây dựng 3 chợ trung tâm nông sản ở Đồng Bằng Sông Cửu Long: thứ nhất, chợ trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông ở tỉnh Long An, có mức đầu tư 14,9 tỷ đồng, rộng 3,8 ha, lượng lúa hàng hóa qua chợ 60.000 tấn/năm, thứ hai, chợ trung tâm nông sản Phú Cường ở tỉnh Tiền Giang, vốn đầu tư 17,5 tỷ đồng, rộng 5,9 ha, lúa hàng hóa qua chợ 75.000 tấn/năm và thứ ba, chợ trung tâm nông sản Thanh Bình ở tỉnh Đồng Tháp, với diện tích 7,6 ha, tổng mức đầu tư 31,6 tỷ đồng, lúa hàng hóa qua chợ 114.000 tấn/năm. Cho đến nay cả 3 chợ trung tâm nông sản này đã khai trương đưa vào hoạt động phục vụ vụ lúa đông xuân 2004-2005.
Chợ trung tâm nông sản là một cụm dịch vụ tổng hợp với chức năng làm dịch vụ cho người mua và người bán. Chợ sẽ cung cấp dịch vụ phơi, xay xát, chế biến và bảo quản nông sản cho nông dân, thương lái hoặc các tổ chức có nhu cầu. Cá nhân và tổ chức có nhu cầu mua bán lúa gạo có thể đăng ký nhu cầu về chủng loại, chất lượng, số lượng lúa gạo cần mua bán tại chợ. Ngoài ra, chợ còn cung cấp dịch vụ thông tin giá cả và dịch vụ thanh toán giữa người mua và người bán. Nhiệm vụ của chợ là hợp tác với nhà nước giữ và ổn định giá cả, tổ chức mua bán công khai bằng đấu giá hay thỏa thuận và thông báo giá mua, giá bán trong ngày.

Với chức năng và nhiệm vụ được nêu trên, 3 chợ trung tâm nông sản ở Đồng bằng sông cửu long có thể được xem là sàn giao dịch hàng hóa tập trung mặc dù còn rất sơ khai. Để chợ trung tâm nông sản vận hành một cách có hiệu quả và sôi động đòi hỏi phải có đầy đủ thành tố cấu tạo nên thị trường – đó là hàng hóa, cung, cầu, giá cả và phương thức giao dịch. Một trong 5 yếu tố này không đúng và đủ điều kiện thì mô hình chợ trung tâm nông sản sẽ thất bại mà điển hình là chợ trung tâm giao dịch thủy sản Cần giờ đã đóng cửa sau 3 năm hoạt động vì lý do “chợ vắng người đến họp”.

Chính vì vậy, để cho các thành phần tham gia vào thị trường đúng và đủ điều kiện thì hoạt động của chợ phải đảm bảo các nguyên tắc sau:
1. Nguyên tắc trung gian: việc mua bán hàng hóa phải thông qua trung gian nhà môi giới. Theo kinh nghiệm quốc tế, kể từ khi sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) ra đời vào năm 1848 đến nay, các sàn giao dịch hàng hóa chỉ hoạt động sôi nổi và hiệu quả khi có sự tham gia tích cực của thành phần môi giới. Điều này đã thể hiện rất rõ khi người ta vận dụng vào hoạt động của thị trường chứng khoán.
2. Nguyên tắc công khai hóa thông tin: việc mua bán tại chợ đòi hỏi phải được công khai hóa. Chợ có nghĩa vụ công khai số cung, số cầu từng loại hàng hóa; công khai về giá đặt mua, giá chào bán; công khai cuộc đấu giá hình thành giá cả trong từng phiên giao dịch; trang bị các thiết bị thông tin và tổ chức công bố thông tin rộng rãi.
3. Nguyên tắc đấu giá: giá cả hàng hóa tại chợ phải được hình thành thông qua đấu giá công khai, hoàn toàn tùy thuộc vào cung cầu, không ai quyết định giá hay can thiệp vào việc hình thành giá.
Các nguyên tắc trên là nguyên tắc căn bản phải được thể hiện bằng văn bản pháp luật từ cấp cao như luật thương mại, nghị định, thông tư đến cấp thấp như điều lệ, quy chế, quy tắc hoạt động của chợ.
Bên cạnh những nguyên tắc chung cho hoạt động của chợ, chúng ta cũng cần có nguyên tắc riêng cho hoạt động giao dịch như:
1. Đăng ký hàng hóa: hàng hóa để có thể mua bán tại chợ cần phải có đăng ký tại bộ phận đăng ký hàng hóa. Các chỉ tiêu cần kê khai như số lượng, chất lượng, chủng loại, nguồn gốc, thời gian giao hàng, phương thức thanh toán, giao nhận….
2. Giám định hàng hóa: cần phải có cơ quan giám định độc lập nằm ngoài chợ, nhưng có đăng ký thành lập văn phòng tại chợ. Họ là người chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước người mua, người bán hàng hóa do họ giám định.
3. Đăng ký bán - đấu giá bán và đăng ký mua - đấu giá mua: chợ trung tâm nông sản phải là chợ sỉ, hàng hóa phải được bán theo lô với số lượng lớn. Người mua và người bán sẽ phải đăng ký và tham dự các phiên đấu giá để quyết định có mua hay không.
4. Giao kết hợp đồng: Khi các thỏa thuận mua bán đã được thu xếp xong sau phiên giao dịch, thì bước tiếp theo là những giao kết này phải thể hiện trên hợp đồng. Những hợp đồng này có thể là hợp đồng giao ngay (Spot contract), hợp đồng tương lai (future contract) hay hợp đồng quyền chọn (option contract).
5. Thanh toán và giám sát thực hiện hợp đồng: Những hợp đồng trên sau khi ký kết sẽ được thực hiện theo đúng như hợp đồng. Tuy nhiên, đối với hợp đồng giao sau (hợp đồng tương lai, kỳ hạn và quyền chọn) thì đòi hỏi phải được giám sát từ khâu ký kết hợp đồng cho đến khi thực hiện hợp đồng. Hợp đồng giao sau là phương thức giao dịch kỳ hạn rất phổ biến trên thế giới. Tuy nhiên, việc phát triển và ứng dụng thành công giao dịch kỳ hạn như là công cụ bảo hiểm giá, phòng ngừa rủi ro là quá trình phức tạp. Khi người mua và người bán thỏa thuận trao đổi hàng hóa trong tương lai với giá nhất định, sẽ có nhiều rủi ro. Người mua và người bán có thể hối tiếc, có gắng từ chối thực hiện hợp đồng, hoặc họ không có khả năng tài chính để thực hiện hợp đồng. Để tránh tình trạng trên, việc mua bán các hợp đồng giao sau phải thực hiện qua cơ quan thanh toán bù trừ và người mua và người bán phải ký quỹ ban đầu.
Qua nghiên cứu thực tế hoạt động tại Chợ trung tâm nông sản Phú Cường và Chợ trung tâm nông sản Thanh Bình, và tham khảo điều lệ, quy chế hoạt động tạm thời của chợ, chúng tôi có một số nhận xét và đề xuất như sau:
1. Theo quy chế tạm thời hoạt động Chợ trung tâm nông sản Phú Cường đã phản ánh được 2 nguyên tắc chung của hoạt động chợ là công khai thông tin và đấu giá. Để 2 nguyên tắc này được thực hiện trong thực tế, Ban quản lý chợ cần phải trang bị thiết bị thông tin điện tử để giúp người mua và người bán có thể theo dõi được tình hình thị trường. Riêng nguyên tắc trung gian chưa được phản ánh trong quy chế hoạt động. Đặc điểm quan trọng của sàn giao dịch hàng hóa là vai trò của người môi giới. Vấn đề đưa ra vai trò người môi giới kề cận nhà sản xuất và thương nhân nhằm phối hợp đáp ứng những cung - cầu theo trật tự nhất định trên nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi, giảm thiểu đến thấp nhất rủi ro trong kinh doanh. Chính vì vậy, Ban quản lý chợ cần nghiên cứu xây dựng quy chế hoạt động của nhà môi giới trung gian.
2. Đối với hoạt động giao dịch, trong quy chế tạm thời hoạt động của chợ đã đề cập đến các vấn đề như đăng ký hàng hóa, nộp tiền ký quỹ, đăng ký đấu giá bán, giá mua và kiểm tra chất lượng lúa gạo. Tuy nhiên, các quy định này chưa phản ánh được đầy đủ 5 nguyên tắc riêng của hoạt động giao dịch được nêu trên, đặc biệt là nguyên tắc “giao kết hợp đồng” và nguyên tắc “thanh toán và giám sát thực hiện hợp đồng”. Để hoạt động của chợ trung tâm nông sản hoạt động đúng theo các nguyên tắc giao dịch của sàn giao dịch hàng hóa tập trung, chúng ta cần phải bổ sung và điều chỉnh một số nội dung sau:
- Thứ nhất, bộ phận giám định hàng hóa phải là một tổ chức giám định bên ngoài như SGS, FCC, Vinacontrol…, ban quản lý chợ cần thu hút các tổ chức giám định này đến lập văn phòng tại chợ.
- Thứ hai, ban quản lý chợ cần xây dựng quy chế về giao kết hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng giao sau. Hiện nay, trong quy chế mới đề cập đến giao dịch giao ngay: người mua và người bán tham gia đấu giá, thực hiện giao hàng và thanh toán tiền ngay. Điều này chưa tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư.
- Thứ ba, xây dựng quy chế cụ thể để giám sát việc thực hiện hợp đồng và thanh toán. Mặc dù trong quy chế có đề cập đến vấn đề ký quỹ nhưng chưa đủ cho việc đảm bảo cho hợp đồng.
3. Để cho 3 chợ trung tâm nông sản Hậu Thạnh Đông, Phú Cường và Thanh Bình hoạt động sôi động và có hiệu quả. Ngoài việc hoàn thiện quy chế để đảm bảo đúng các nguyên tắc đã nêu, chúng ta cần có một số giải pháp khác như sau:
- Thứ nhất, Nhà nước cần hoàn thiện khung pháp lý về hợp đồng và sàn giao dịch hàng hóa.
- Thứ hai, cần đào tạo một đội ngũ nhà quản lý, nhà chuyên môn đủ hiểu biết về hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa.
- Thứ ba, nâng cao nhận thức cho mọi tầng lớp trong xã hội về hoạt động của sàn giao dịch hàng hóa tập trung.
Tóm lại, sự ra đời của 3 chợ trung tâm nông sản tại Đồng bằng sông cửu long giống như sàn giao dịch hàng hóa trên thế giới là bước đi đúng đắn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Hiện nay, chúng ta chưa thể đánh giá được sự thành công hay thất bại của 3 chợ này vì mới bắt đầu hoạt động mang tính chất thí điểm. Điều lệ và quy chế hoạt động của chợ đang trong quá trình hoàn thiện. Để cho chợ hoạt động bền vững, góp phần ổn định thị trường nông sản, điều quan trọng là hoạt động của chợ phải tuân thủ các nguyên tắc theo thông lệ quốc tế. Chợ trung tâm nông sản được hình thành không chỉ vì mục tiêu đưa người nông dân tham gia vào thị trường, xóa bỏ bớt đầu mối trung gian mà hoạt động của chợ còn phải vì mục tiêu của những thành phần khác tham gia vào thị trường. Đây là mấu chốt quan trọng đảm bảo cho chợ trung tâm nông sản hoạt động. Cuối cùng, chợ trung tâm nông sản không phải được hình thành nhằm tăng năng lực thu mua chế biến xuất khẩu và tiêu thụ nội địa của 3 công ty đang quản lý chợ, vì nếu như vậy thì có lẻ chúng ta đang lãng phí một số tiền lớn của nhà nước thay vì xây dựng chợ trung tâm nông sản giống như sàn giao dịch hàng hóa trở thành đầu tư xây dựng kho, cửa hàng và máy móc thiết bị cho 3 công ty đang quản lý chợ. Điều này, mất ý nghĩa của một chợ trung tâm nông sản – sàn giao dịch hàng hóa.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

bạn có tài liệu nào về phương thức và các bước giao dịch nông sản trên LIFFE, NYBOT hay CME ko? Nếu đc cho mình xin 1 bản tham khảo do mình cũng đang tìm hiểu nhưng vẫn chưa tới đâu hết. Thanks!
mail: buiquangus@yahoo.com

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM