Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng

BÁO CÁO HỘI THẢO

"Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản theo ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân – mô hình Hợp tác xã, tổ kinh tế hợp tác"

(Trung tâm thông tin và thống kê của Bộ nông nghiệp và PTNT tổ chức ngày 31/7/2006)


ThS. Bảo Trung


Kể từ khi thực hiện chính sách đổi mới kinh tế, Việt Nam từ một nước có nền nông nghiệp tự cấp, tự túc đã vươn lên trở thành một nước xuất khẩu hàng hóa nông sản lớn trên thế giới. Trong thời gian qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể nhưng so sánh với yêu cầu thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế thì nền nông nghiệp nước ta vẫn còn nhiều yếu kém và thách thức gay gắt, đặc biệt là vấn đề tiêu thụ nông sản hàng hóa.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế song phương, khu vực và quốc tế, thị trường nông sản trong nước và quốc tế ngày càng gắn kết chặt chẽ với nhau, không thể tách rời nhau, trở thành một hệ thống vận hành theo cùng một "luật chơi". Xu hướng vận động và phát triển của thị trường nông sản ngày càng tự do hóa và trên cơ sở ứng dụng những thành tựu khoa học – công nghệ tiên tiến. Đây là một thách thức to lớn đối với Việt Nam, đặc biệt là đối với nông dân.

Trong thời gian qua, chúng ta đã thực hiện mô hình sản xuất theo hợp đồng và liên kết 4 nhà trong tiêu thụ nông sản. Sản xuất theo hợp đồng (Contract farming) và liên kết dọc giữa doanh nghiệp và nông dân (Vertical Coordination) được xem như là cầu nối giữa nông dân sản xuất nhỏ với thị trường. Hợp đồng sản xuất được ký kết giữa doanh nghiệp với nông dân với một mức giá xác định. Hai bên thỏa thuận một mức giá cố định trước khi tiến hành sản xuất. Doanh nghiệp sẽ cung cấp thông tin về công nghệ, dịch vụ khuyến nông và một số yếu tố đầu vào cho sản xuất. Liên kết dọc là sự liên kết toàn bộ quá trình từ cung cấp nguyên liệu đến sản xuất và cung cấp sản phẩm cho thị trường. Doanh nghiệp lựa chọn chiến lược liên kết dọc sẽ tìm cách tự sản xuất lấy các nguồn lực đầu vào hoặc lo liệu các đầu ra của mình. Tùy theo chiến lược kinh doanh, doanh nghiệp sẽ quyết định mức độ liên kết với nông dân. Sản xuất theo hợp đồng và liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sẽ giảm được rủi ro về thị trường và sản xuất. Doanh nghiệp sẽ đảm bảo có đủ nguồn nguyên liệu cần thiết để sản xuất, chế biến tiêu thụ; nông dân có thể tiêu thụ được sản phẩm. Đây được xem là phương thức giao dịch nông sản tiên tiến. Tuy nhiên, chương trình sản xuất theo hợp đồng thường bị thất bại do nhiều lý do như hợp đồng không được thực hiện, quyền lực thương lượng không công bằng giữa nông dân và doanh nghiệp và hành vi độc quyền của doanh nghiệp. Ngoài ra, nếu doanh nghiệp ký kết tiêu thụ sản phẩm với nhiều nông dân sản xuất nhỏ thì chi phí cho việc ký kết hợp đồng này tương đối cao. Bên cạnh đó, nhận thức của nông dân còn yếu trong việc đáp ứng những yêu cầu về chất lượng hoặc an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều này sẽ dẫn đến xu thế là các doanh nghiệp không muốn ký hợp đồng với nông dân sản xuất nhỏ, lúc này người nông dân sản xuất nhỏ bị loại khỏi chương trình sản xuất theo hợp đồng. Nguyên tắc căn bản ai cũng biết là "Sản xuất cái gì thị trường cần", nhưng để làm điều này, người nông dân không thể làm được. Trong khi đó, vai trò gắn sản xuất với thị trường của doanh nghiệp chưa phát huy tính tích cực. Quyết định 80/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 24/6/2002 đã đưa ra cơ sở pháp lý đầu tiên để hình thành mối liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp. Mặc dù một số doanh nghiệp không đợi đến Quyết định 80 ra đời nhưng họ đã thực hiện việc ký kết hợp đồng với nông dân từ lâu và rất thành công như Công ty mía đường Lam Sơn, Công ty mía đường Bourbon, Công ty Bông Việt Nam....Điều này chứng tỏ Quyết định 80 là chủ trương đúng. Sau khi quyết định này ra đời, hầu hết các địa phương trong cả nước đều lập ban chỉ đạo thực hiện quyết định 80 với nhiều hình thức đa dạng. Điều này đã "dấy lên một phong trào" mà chúng ta thường gọi là "Sản xuất theo hợp đồng và liên kết 4 nhà". Sau hai năm thực hiện, nhiều doanh nghiệp đã thất bại không mua được hàng hóa, hoặc không thu hồi được vốn đầu tư ứng trước cho nông dân, tình trạng vi phạm hợp đồng xảy ra khắp nơi. Nông dân cho đổ lỗi cho doanh nghiệp và ngược lại. Từ đó các doanh nghiệp này dần dần lờ đi việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với nông dân và họ tỏ ra nghi ngờ Quyết định 80.

Kinh nghiệm các nước đã cho thấy rằng việc sản xuất theo hợp đồng phụ thuộc vào quy mô của nông trại. Ví dụ như tại Hoa Kỳ, gần 2/3 nông trại lớn sử dụng phương thức sản xuất theo hợp đồng trong khi đó nông trại nhỏ rất ít sử dụng phương thức này (Xem bảng).)

Bảng Sản xuất theo hợp đồng phân theo quy mô tính theo doanh thu của Hoa Kỳ năm 2001 và 2003


Quy mô (tính theo doanh thu)

(USD)

Tỷ lệ trang trại sản xuất theo hợp đồng trên tổng số trang trạng (%)

Tỷ lệ giá trị sản xuất theo hợp đồng trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp (%)

Năm 2001

Năm 2003

Năm 2001

Năm 2003

Dưới 250.000

7,7

6,2

19,1

19,9

250.000-4999.999

47,9

43,5

31,2

31,3

500.000-999.999

60,9

59,1

45,7

42,6

1 triệu hay hơn

61,5

64,2

46,6

53,4

Nguồn: Theo sự tính toán của ERS của Bộ Nông nghiệp Mỹ, đăng trong tài liệu Agricultural Contracting Update: Contracts in 2003/EIB-9, www.ers.usda.gov

Điều này cho chúng ta thấy rằng để đẩy mạnh tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng đòi hỏi chúng ta phải có những nông trại lớn. Tuy nhiên trong điều kiện nước ta hiện nay để hình thành được các nông trại hàng hóa có quy mô là rất khó. Do đó, việc hình thành các tổ chức đại diện cho nông dân như HTX và tổ hợp tác sẽ khắc phục được hạn chế về diện tích sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán, với tập quán sản xuất thường dựa vào kinh nghiệm. HTX hay tổ hợp tác chính là cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp. Bài học thực tế đã chứng minh rằng các doanh nghiệp chỉ muốn ký hợp đồng với HTX chứ không muốn ký hợp đồng trực tiếp với nông dân vì đơn giản là chi phí giao dịch giảm xuống đáng kể khi ký với HTX. Ví dụ năm 2003 Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp An Giang – Antesco ký hợp đồng mua bắp non vớn hơn 11.000 hộ nông dân, nhưng nhờ thành lập HTX và tổ hợp tác mà hiện nay công ty chỉ còn ký 15 hợp đồng. Tuy nhiên, làm thế nào phát triển HTX và tổ hợp tác và nâng cao hiệu quả hoạt động của chúng để HTX đủ sức đảm đương vai trò của mình. Trong báo cáo này tôi đề xuất một số gợi ý một số chính sách như sau:

  • Thứ nhất, việc thành lập HTX và tổ hợp tác phải hết sức cẩn trọng tránh chạy theo thành tích. HTX và tổ hợp tác phải thực sự là đại diện của nông dân và hình thành trên nguyên tắc tự nguyện. Cơ cấu xã hội ở nông thôn Việt Nam đã từng được hình thành trong quá trình hợp tác hóa đã đơn giản hóa đến mức tối đa, chỉ còn lại một bên là những nông dân với các hộ gia đình xã viên, bên kia là Ban Chủ nhiệm HTX, Đảng ủy, Ủy ban và các đoàn thể, bao gồm cả Mặt trận Tổ quốc đều đã được "nhà nước hóa". Các hình thức tự quản vốn có hầu như bị xóa sạch. Không một lực lượng xã hội nào được tồn tại có tính tự trị, tự quản tương đối độc lập ngoài những đoàn thể tổ chức đã "nhà nước hóa" hay là những "cánh tay nối dài" của tổ chức Nhà nước. Chính điều này đã ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển HTX và tổ hợp tác sau này. Để HTX và tổ hợp tác phát triển thì điều quan trọng là chúng ta cần phải thay đổi được "não trạng" của cán bộ chính quyền cơ sở và người dân ở nông thôn.
  • Thứ hai, phương thức vận động thành lập HTX và tổ hợp tác phải phù hợp với môi trường văn hóa xã hội của từng vùng và từng địa phương khác nhau. Sự thành công hay thất bại của việc phát triển HTX và tổ hợp tác trong thời gian phần lớn phụ thuộc vào phương thức tuyên truyền vận động của chính quyền địa phương. Để phát triển HTX và tổ hợp tác theo hướng bền vững, Cục HTX và PTNT cần phối hợp với các Viện, Trường và các Chi Cục ở địa phương nghiên cứu xác định rõ những nhân tố văn hóa – xã hội đã dẫn đến sự hợp tác của nông dân. Từ đó đề xuất những phương thức vận động và hỗ trợ phù hợp với từng địa phương. Ở Việt Nam, có những nét văn hóa khác biệt giữa các vùng, miền nên khó có mô hình chung để áp đặt lên trên cả nước. Chính vì vậy, việc vận động và hỗ trợ cho phát triển HTX và tổ hợp tác phải phù hợp văn hóa địa phương.

Tóm lại, mô hình HTX, tổ hợp tác làm cầu nối tiêu thụ hàng nông sản bằng hợp đồng ký kết giữa nông dân và doanh nghiệp phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của Việt Nam. HTX và tổ hợp tác đã khắc phục hạn chế của việc sản xuất nhỏ, manh mún, phân tán. Tuy nhiên, để HTX, tổ hợp tác phát triển bền vững thì chúng ta cần chú ý đến các yếu tố văn hóa để xây dựng phương thức vận động phù hợp và HTX và tổ hợp tác thực sự là tổ chức tự nguyện của nông dân.

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM