Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2007

Quản lý chất lượng nông sản


MỘT SỐ SUY NGHĨ VỀ VẤN ĐỀ QUẢN LÝ
CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP XUẤT KHẨU

Th.S. Bảo Trung
Khoa Quản trị doanh nghiệp


Ngày nay chất lượng sản phẩm là một yếu tố quan trọng để cạnh tranh không những trên thị trường thế giới mà ngay cả thị trường nội địa. Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì trong số các mặt hàng có khả năng cạnh tranh của Việt Nam thì 4 vị trí đầu đều thuộc sản phẩm nông nghiệp, đó là cà phê, điều, gạo và tiêu. Còn trong số các mặt hàng có khả năng cạnh tranh có điều kiện thì chè, cao su và rau chiếm 3 vị trí đầu, một số loại trái cây nhiệt đới như chuối và dứa chiếm vị trí thứ 6 và gia cầm chiếm vị trí thứ 8. Như vậy cơ cấu xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam trong thời gian tới vẫn chiếm tỉ lệ đáng kể. Theo số liệu thống kê năm 2000, ngoài các mặt hàng nông sản xuất khẩu truyền thống như gạo, cà phê, cao su, tiêu, điều thì mặt hàng rau quả tăng lên đáng kể đạt mức 205 triệu USD, tăng so với năm 1999 khoảng 95 %. Trong tương lai để giải quyết vấn đề đầu ra cho nông dân thì ngoài việc tiếp tục duy trì và phát triển các mặt hàng trên, chúng ta cần phải thiết lập thêm thị trường cho một số sản phẩm nông nghiệp khác, đặc biệt là thịt heo và thịt gà. Theo số liệu thống kê, sản lượng đầu heo năm 2000 đạt 19,527 triệu con mặc dù đồng bằng sông cửu long phải chịu cảnh lũ lụt trong năm qua. Trong khi đó nhu cầu thị trường trong nước không tăng làm cho giá thịt heo hơi bình quân ở Cần thơ năm 2000 chỉ còn 11.600 đ/kg, giảm 25 % so năm 1999. Sản lượng cao nhưng do chất lượng thịt heo của ta không đáp ứng nhu cầu khách hàng nước ngoài cho nên chúng ta chưa thể xuất khẩu được. Vì thế vấn đề nâng cao và kiểm soát chất lượng các sản phẩm nông nghiệp cần phải được quan tâm đúng mức để ổn định và phát triển thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Qua nghiên cứu vấn đề quản lý chất lượng, chúng tôi có một vài suy nghĩ như sau :

Thứ nhất, đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001 phiên bản 2000 để đáp ứng yêu cầu của khách hàng nhằm duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp chưa qua chế biến hay đã qua chế biến.

Thực trạng hiện nay việc áp dụng ISO 9000 trong ngành chế biến trực tiếp các sản phẩm từ nông nghiệp chưa được quan tâm. Đối với ngành chế biến cà phê nhân xuất khẩu thì hiện nay chưa có một doanh nghiệp nào trong ngành có chứng nhận ISO 9000. Trong khi đó chất lượng cà phê Việt Nam đang được xem chất lượng thấp so với cà phê các nước khác. Vấn đề chất lượng thấp dẫn đến việc bán giá thấp gây thiệt hại to lớn đến nguồn thu ngoại tệ còn ít ỏi của chúng ta. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong ngành cà phê do chất lượng cà phê thấp nên giá thấp hơn giá thị trường thế giới khoảng 70-100 USD/tấn. Như vậy riêng trong năm 2000, chúng ta xuất khẩu được khoảng 694.000 tấn cà phê chúng ta đã mất đi hơn 60 triệu USD, đây là một số không nhỏ để xây dựng và phát triển kinh tế đất nước. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là thời gian qua chúng ta chỉ lo tăng diện tích và sản lượng còn chưa chú trọng đến chất lượng cà phê, chưa coi trọng yêu cầu của khách hàng. Khách hàng nước ngoài thường phàn nàn về độ ẩm, kích cỡ sàng, hạt lỗi, tạp chất và mốc của cà phê Việt Nam, nhưng họ vẫn tiếp tục mua bởi vì thường chúng ta chỉ bán qua trung gian để họ sơ chế lại, chứ chưa bán được trực tiếp đến nhà rang, xay cà phê.

Đối với ngành chế biến rau quả thì hiện nay mới có công ty Vegetexco Tiền Giang đã có chứng nhận ISO 9000. Theo đề án "Phát triển rau, hoa quả và cây cảnh đến năm 2010" đã được phê duyệt thì ngành rau quả được đặc biệt quan tâm. Riêng việc chế biến rau quả đã có đến 20 dự án đã dược phê duyệt với công suất đạt đến 80.000 tấn /năm. Vì vậy ngay từ bây giờ chúng ta cần phải quan tâm vấn đề quản lý chất lượng mà trong đó việc chú trọng đến khách hàng là cần thiết để có thể đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ra sản phẩm thỏa mãn nhu cầu khách hàng.

Theo yêu cầu của tiêu chuẩn ISO 9001:2000, việc thiết lập, thực hiện, lập văn bản và duy trì hệ thống quản lý chất lượng, tổ chức phải xác định được yêu cầu của khách hàng và đáp ứng các yêu cầu này để nâng cao sự thỏa mãn của khách hàng. Trong "mô hình hệ thống quản lý chất lượng dựa trên cách tiếp cận theo quá trình", đầu vào của quá trình kinh doanh của tổ chức là yêu cầu của khách hàng và đầu ra của quá trình là thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Việc áp dụng ISO 9001:2000, đòi hỏi doanh nghiệp phải năng động hơn để có thể xác định được yêu cầu và mong đợi của khách hàng và tìm cách cải tiến để thoả mãn yêu cầu và mong đợi đó thông qua việc phân tích và đo lường sự thỏa mãn của khách hàng một cách đúng đắn và xác thực. Việc xác định yêu cầu và mong đợi của khách hàng sẽ giúp cho doanh nghiệp biết được mình nên sản xuất cái gì và không nên sản xuất cái gì hay nói theo ngành nông nghiệp là chúng ta nên trồng cây gì và nuôi con gì chứ không phải chỉ biết trồng và nuôi theo cảm nhận chủ quan của mình hay theo phong trào mà không cần biết có thỏa mãn khách hàng hay không. Chính vì thế việc đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng cho các tổ chức sản xuất - kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu là cần thiết để có thể giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp của chúng ta.

Thứ hai là áp dụng hệ thống "PHÂN TÍCH MỐI NGUY VÀ ĐIỂM KIỂM SOÁT TRỌNG YẾU" (HACCP) để đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm.

Ngày nay vấn đề an toàn và vệ sinh thực phẩm không chỉ là vấn đề sức khoẻ của người tiêu dùng, hay là vấn đề đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp mà nó còn quyết định đến sự tồn tại, phát triển hay phá sản của doanh nghiệp.

Có hai câu chuyện đã xảy ra vào đầu năm 1997 ở hai doanh nghiệp khác nhau tại thành phố Hồ Chí Minh nhưng vẫn còn là bài học đáng giá cho những doanh nghiệp nào coi thường khách hàng. Thứ nhất là "đồ hộp lên đời" của Chi nhánh Công ty đồ hộp Hạ long và thứ hai là "gà chết" của Công ty gia cầm Việt Thái.

Ngày 19/3/1997, các cơ quan chức năng đã phát hiện chi nhánh công ty đồ hộp Hạ long cho "lên đời" 8.996 lon hết hạn dùng vào tháng 12/1996 thành hết hạn dùng tháng 12/2000. Tuy nhiên số lượng này chỉ là số lượng bị phát hiện tại hiện trường còn thực tế bao nhiêu thì người tiêu dùng lãnh đủ. Việc làm sai trái của chi nhánh này gây thiệt hại cho uy tín của công ty bao nhiêu thì không xác định được.

Chuyển qua vụ thứ hai là "gà chết" của công ty gia cầm Việt Thái, vụ này gây thiệt hại đáng kể không những riêng công ty mà còn ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi gia cầm còn non kém của chúng ta. Theo số liệu của công ty gia cầm Việt Thái, năm 1996 công ty đã mở rộng mạng lưới nuôi gia công lên đến 400 hộ và công suất nuôi là 2 triệu con, cung cấp cho thị trường trên 12.000 tấn thịt gà. Thế nhưng, đầu năm 1997 để "tận thu", công ty đã bán gà chết cho tư nhân và từ đây bán ra người tiêu dùng. Việc làm này đã dẫn đến tình trạng khách hàng lo sợ phải ăn nhằm gà chết nên nhu cầu tiêu thụ gà giảm mạnh làm cho không những công ty gia cầm Việt Thái lâm vào tình trạng khủng hoảng mà tất cả các nhà chăn nuôi gà cũng bị ảnh hưởng mạnh. Theo số liệu của công ty quí 4-1996, ngày cao nhất công ty bán ra 22.000-23.000 con gà sống, 5.000-6.000 con gà làm sẵn thì tháng 4 năm 1997 giảm xuống còn 10.000 con gà sống và gà làm sẵn chỉ dưới 1.000 con. Đồng thời còn khoảng 400.000 gà thịt quá tuổi chưa bán được và phải hủy hơn 200.000 con gà giống 1 ngày tuổi trị giá khoảng 1 tỉ đồng. Việc sai phạm của công ty gia cầm Việt Thái đã khiến cho một bộ phận người chăn nuôi bị thiệt hại do sản phẩm không bán được nên công ty phải thu hẹp mạng lưới chăn nuôi gia công ở thành phố và các tỉnh. Ngay cả công ty Gia cầm thành phố, đối tác của công ty gia cầm Việt - Thái cũng bị thiệt hại 100 triệu đồng do không bán được gà con phải hủy và chuyển trứng giống thành trứng thường. Nhiều người tiêu dùng đã từ bỏ thói quen mua gà làm sẵn và hàng loạt xe bán gà quay Việt Thái tại thành phố Hồ Chí Minh phải dẹp tiệm.

Hai câu chuyện trên xảy ra ở Việt Nam chưa phải là thiệt hại đáng kể cho nền kinh tế mà chủ yếu là thiệt hại chủ yếu thuộc về doanh nghiệp, nhưng có hai câu chuyện dưới đây xảy ra tại Anh đã tác động mạnh đến nền kinh tế nước và mức độ thiệt hại là một số không nhỏ.

Thứ nhất, bệnh bò điên ở Anh diễn ra cao điểm trong thời kỳ năm 1995-1997, gây thiệt hại to lớn đến ngành chăn nuôi bò ở nước này và ảnh hưởng đến hầu hết các nước châu Au. Chỉ tính riêng các chi phí trực tiếp liên quan đến việc giải quyết các đàn bò ở Anh đã là một con số đáng kể : chi phí để giết 800.000 con bò bị nghi ngờ nhiễm bệnh mất khoảng 36 triệu bảng Anh, chi phí để làm vệ sinh lò giết mổ mỗi tuần hết 1,5 triệu bảng, chi phí giết bê con 10 ngày tuổi khoảng 50 triệu bảng và chi phí bồi thường cho nông dân là 35 triệu bảng. Ngoài ra các ngành có liên quan cũng bị ảnh hưởng nặng như 660 cửa hàng của MacDonalds và 380 cửa hàng của Burger King phải ngưng cung cấp Hamburger trong vòng 3 ngày kể từ ngày thông tin về bệnh bò điên được công bố ngày 26/3/1996. Hậu quả của bệnh bò điên vẫn còn kéo dài đến ngày nay.

Thứ hai, bệnh lở mồm long móng hiện nay đang diễn ra đã làm Anh làm cho nền kinh tế Anh thiệt hại đáng kể do hàng loạt các nước ra lệnh cấm nhập khẩu thịt heo từ Anh. Theo thống kê của EU năm 2000 Anh đã xuất khẩu 160.000 tấn thịt heo vào thị trường châu Au với doanh số 111 triệu bảng. Việc cấm nhập khẩu thịt heo từ Anh của các nước đã gây ra thiệt hại đáng kể cho nông dân mà theo Bộ Nông nghiệp Anh mỗi tuần mất khoảng 12 triệu USD.

Qua đó chúng ta mới thấy rằng vấn đề quản lý chất lượng sản phẩm để đảm bảo vệ sinh và an toàn thực phẩm là vấn đề hết sức quan trọng. Hiện nay chúng ta mới xuất khẩu một vài sản phẩm nông nghiệp có nguy cơ kém an toàn và vệ sinh thực phẩm cao như rau sống và trái cây tươi và một số sản phẩm đóng hộp khác. Nếu trong tương lai chúng ta đủ khả năng xuất khẩu thêm một sản phẩm khác đặc biệt là các loại thịt gia cầm thì vấn đề đảm bảo an toàn và vệ sinh thực phẩm là hết sức quan trọng. Chính vì vậy chúng tôi thiết nghĩ cần phải tuân thủ phương châm "phòng bệnh hơn chữa bệnh". Chúng ta đừng vì mối lợi trước mắt mà phải trả học phí quá cao. Để chuẩn bị tốt cho thị trường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp tươi sống như rau, trái cây, thịt heo, thịt gà... hay các sản phẩm đã qua chế biến đóng hộp như nấm rơm, dứa, bắp non..., chúng ta cần đẩy mạnh việc áp dụng HACCP.

HACCP là viết tắt của từ Hazard Analysis and Critical Control Points, có nghĩa là Phân Tích Mối Nguy Và Điểm Kiểm Soát Trọng Yếu. HACCP là phương pháp tiếp cận có tính khoa học, hợp lý và có tính hệ thống cho việc nhận biết, xác định và kiểm soát mối nguy trong sản xuất thực phẩm để đảm bảo an toàn khi tiêu dùng.

Nguyên tắc cơ bản dùng cho việc áp dụng HACCP là :

1/ Tiến hành phân tích những mối nguy. Những mối nguy ở đây có thể xuất phát từ sinh vật như vi khuẩn, vi trùng, côn trùng gây hại; có thể là các tạp chất như đá, sỏi, mảnh vỡ của thủy tinh hay xuất phát từ hóa học như dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...

2/ Xác định những điểm kiểm soát trọng yếu – mỗi điểm kiểm soát trọng yếu là một bước mà việc kiểm soát có thể áp dụng và cần thiết để ngăn chặn hoặc loại trừ một mối nguy an toàn thực phẩm hay giữ nó đến mức độ cần thiết.

3/ Thiết lập một ranh giới tới hạn (một ranh giới tới hạn là một tiêu chí cần phải phù hợp cho mỗi điểm kiểm soát trọng yếu)

4/ Thiết lập một hệ thống kiểm soát các điểm kiểm soát trọng yếu

5/ Tiến hành các hành động khắc phục khi hệ thống kiểm soát phát hiện một điểm kiểm soát trọng yếu nào đó không nằm dưới sự kiểm soát.

6/ Thiết lập những qui trình xác nhận nhằm bảo đảm hệ thống HACCP đang làm việc hiệu quả

7/ Thiết lập tài liệu dẫn chứng liên quan đến tất cả các thủ tục và các hồ sơ phù hợp với những nguyên tắc này và việc áp dụng chúng

Hệ thống HACCP đòi hỏi phải kiểm soát phải bắt đầu từ cơ sở sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Tại nông trường, trang trại trồng trọt hay chăn nuôi cần phải tiến hành các hoạt động ngăn ngừa sự mất vệ sinh an toàn thực phẩm như kiểm tra qui trình phun thuốc trừ sâu, kiểm tra thức ăn cho vật nuôi, bảo vệ hệ thống vệ sinh nông trường, tạo thói quen quản lý tốt thực phẩm hay sức khỏe vật nuôi. Tại nơi sản xuất phải ngăn chặn sự nhiễm bẩn trong suốt quá trình chế biến. Trong khâu lưu thông phải đảm bảo kiểm soát vệ sinh tại địa điểm chuyên chở, cất giữ và phân phối.

Tuy nhiên hiện nay tại Việt Nam chỉ có khoảng gần 50 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản áp dụng HACCP do yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu mặt hàng thủy hải sản vào thị trường châu Au và Bắc Mỹ, còn các ngành khác thì chưa được quan tâm. Đối với cà phê xuất khẩu thì điểm yếu nhất của chúng ta là cà phê bị mốc và lẫn đá sỏi hay tạp chất mà đây là lỗi nặng nhất đối với chất lượng cà phê. Việc áp dụng HACCP trong việc sản xuất và chế biến cà phê có thể loại bỏ những yếu tố này.

Tóm lại, việc xuất khẩu các sản phẩm từ nông nghiệp của Việt Nam vẫn còn là nguồn thu đáng kể cho đất nước. Chính vì vậy các doanh nghiệp chế biến hàng xuất khẩu từ sản phẩm nông nghiệp cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức và đào tạo vấn đề quản lý chất lượng không những cho đội ngũ nhân viên của mình mà còn phải nâng cao nhận thức và đào tạo đến các trang trại, nông dân cung cấp sản phẩm. Chúng tôi hy vọng rằng chúng ta đừng bao giờ gặp phải tình trạng "gánh cỏ ba năm, đốt một giờ!".

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM