Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Nông dân lên sàn giao dịch cà phê

Thứ Năm,  11/12/2008, 21:48 (GMT+7)


(TBKTSG Online) - Khai trương phiên giao dịch đầu tiên vào sáng ngày 11-12 với 10 doanh nghiệp và 2 hộ nông dân, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột rồi đây sẽ là điểm hẹn chung của nông dân trồng cà phê ở Đắk Lắk và cả Tây Nguyên.

Ông Nguyễn Đình Đối, một nông dân ở nội thành Buôn Ma Thuột có trồng 2 héc ta cà phê ở ngoại thành, rất muốn đăng ký tham gia sàn giao dịch nhưng theo quy định hiện nay của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (BCEC), nông dân muốn đăng ký làm thành viên giao dịch của BCEC phải có tối thiểu 3 héc ta cà phê.

"Tiếc quá, tôi sẽ rủ mấy ông bạn trồng cà phê chung nhau đăng ký 1 thành viên", ông nói sau khi tham quan cách thức giao dịch cà phê qua sàn và hỏi tỉ mỉ nhân viên của sàn về cách giao dịch.

Một chặng đường dài  

Hiếm có dự án chợ, trung tâm thương mại hay sàn giao dịch nào ở Việt Nam trải qua một chặng đường dài như BCEC. Trung tâm được phê duyệt vào giữa năm 2003 nhưng mãi tới gần cuối năm 2006 mới khởi công xây dựng vì phải trải qua nhiều lần điều chỉnh quy mô diện tích, vốn đầu tư...

Không chỉ chính quyền Đắk Lắk mà cả các bộ ngành trung ương cũng đặt nhiều kỳ vọng vào BCEC khi xác định trung tâm này là nơi đầu tiên của Việt Nam làm thí điểm xây dựng và vận hành một sàn giao dịch hàng hóa, cụ thể ở đây là cà phê. Nơi đây, nông dân và doanh nghiệp không chỉ ở Tây Nguyên mà cả nước có thể trực tiếp đến chợ hoặc thông qua mạng Internet để đặt mua, đặt bán cà phê, mang cà phê đến đây giới thiệu ở showroom, tổ chức các phiên đấu giá cà phê, với sự trợ giúp của ngân hàng ủy thác thanh toán đặt tại sàn, hệ thống kiểm soát chất lượng sản phẩm, kho chứa hàng, nhà máy chế biến tại chỗ.

Mục tiêu là tránh thiệt hại về giá cho nông dân và doanh nghiệp do mọi thông tin giá cả, sản lượng đều công khai, rõ ràng như mua bán cổ phiếu trên sàn chứng khoán.  

Ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc BCEC, kể lại là trong lúc các nhà thầu đang xây dựng sàn thì ông cùng nhân viên của sàn lặn lội xuống TPHCM quan sát cách thức hoạt động của sàn giao dịch chứng khoán, thậm chí nhờ các chuyên gia chứng khoán tư vấn kỹ thuật như tòa nhà trung tâm dành ra mặt bằng làm sàn giao dịch, bảng điện tử thể hiện diễn biến giao dịch ra sao…

Mô hình sàn giao dịch này còn học hỏi kinh nghiệm sàn giao dịch nông sản của Trung Quốc, Brazil, cả thị trường kỳ hạn cà phê London. Trong lúc trung tâm đang lúng túng thì Quỹ hỗ trợ phát triển của Pháp (AFD) đồng ý tài trợ hơn 800.000 euro chủ yếu cho trang bị các phần mềm kỹ thuật và đưa nhân viên của sàn đi đào tạo cách thức giao dịch hiện đại ở nước ngoài.

Vậy là mất gần 6 năm, sàn giao dịch cà phê mới hình thành. Ông Lương Lê Phương, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho rằng việc xây dựng và vận hành một sàn giao dịch nông sản hiện đại ở Việt Nam cũng khó khăn, dò dẫm từng bước tương tự như quá trình tập dần cho nông dân từ bỏ dần phương thức mua bán truyền thống sang mua bán, giao dịch hiện đại.

Chứng khoán… cà phê  


 

Bây giờ bước chân vào sàn giao dịch cà phê không ai nghĩ rằng nó dành để giao dịch… cà phê, vì tòa nhà 2 tầng quá hiện đại.

Tầng một là sàn giao dịch, có hơn chục máy vi tính cá nhân để tra cứu thông tin, đặt lệnh mua, bán cho nông dân và doanh nghiệp, kèm theo một màn hình LCD loại lớn để những người tham gia giao dịch có thể xem thông tin sản lượng, giá cả cà phê thế giới, trong nước làm cơ sở lựa chọn giá đặt mua, bán của mình.

Còn tầng hai có hội trường lớn để tập huấn cách thức giao dịch, phổ biến thông tin đến nông dân, doanh nghiệp và cũng là nơi đặt Cafecontrol, tổ chức được BCEC ủy thác kiểm tra chất lượng cà phê giao dịch và Techcombank, ngân hàng được ủy thác thanh toán.

Phía sau sàn là hệ thống 4 kho chứa có công suất chứa lên tới 30.000-35.000 tấn cà phê nhân của Công ty cổ phần cà phê An Giang cùng với 1 xưởng chế biến cà phê nhân, để nông dân có nhu cầu đưa cà phê tươi vào BCEC chế biến ra nhân và mang ra giao dịch ngay.

Cũng tương tự như sàn giao dịch ở các công ty chứng khoán ở TPHCM, những thông tin giá cả cà phê trong nước, thế giới được in thành bản tin khổ giấy A4 phát cho "nhà đầu tư".

Phía trong tầng 1 là "quả tim" của sàn giao dịch, ở đó có những nhân viên làm công việc cập nhật thông tin giao dịch như Sở giao dịch chứng khoán TPHCM. Trước mặt họ là 3 màn hình điện tử cỡ lớn, một bảng thể hiện thông tin thị trường giao dịch cà phê thế giới ở London, New York, một bảng thể hiện diễn biến của giao dịch như mã thành viên nào mua bao nhiêu, bán bao nhiêu, khớp lệnh ra sao. Bảng còn lại mang tính tổng kết chỉ số VNCOFFEE-INDEX, chẳng khác gì chỉ số chứng khoán.

Khác với chứng khoán, cà phê là hàng hóa thật nên giao dịch được tính theo lô, mỗi lô 5 tấn cà phê. Ông Hà cho biết, loại cà phê giao dịch trên sàn trước mắt là cà phê vối (Robusta) và nông dân có thể đặt một lệnh bán nhiều lô trong một lần giao dịch; thành viên giao dịch mua phải ký quỹ với mức ký quỹ bằng 10% giá trị khối lượng hàng hóa.

Giao dịch được thực hiện bằng tiền đồng, còn bước nhảy giá (ticksize) là 50 đồng/kg. Biên độ dao động giá không vượt quá 10% giá tham chiếu.

Sau khi khớp lệnh và có kết quả giao dịch, các thành viên giao dịch nộp hoặc chuyển tiền vào tài khoản tại Ngân hàng ủy thác của BCEC hiện nay là Techcombank. Thời gian chậm nhất là một ngày làm việc (gọi là T+1) kể từ sau ngày có kết quả giao dịch.

Bên bán sẽ thực hiện hợp đồng và xác nhận chuyển giao quyền sở hữu lô hàng cà phê tại hệ thống kho hàng của BCEC. Còn việc chuyển giao sản phẩm sẽ được hoàn tất trong ba ngày làm việc (gọi là T+3) kể từ sau ngày có kết quả giao dịch.

Với cách thức giao dịch như trên, nông dân trồng cà phê và doanh nghiệp kinh doanh cà phê ban đầu có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên, ông Hà cho biết trước khi sàn đi vào hoạt động, BCEC đã tổ chức tập huấn, giới thiệu cách thức giao dịch cho hơn 200 hộ nông dân trồng cà phê lớn trên địa bàn tỉnh và khoảng chục doanh nghiệp cà phê. "Dần dà rồi cũng sẽ quen", ông nói.

Theo ông Hà, việc yêu cầu nông dân đăng ký tham gia giao dịch phải có tối thiểu 3 héc ta cà phê trở lên (có giấy chứng nhận sử dụng đất và xác nhận của địa phương là trồng cà phê) cũng nhằm khuyến khích nông dân liên kết với nhau trong mua bán, để nhiều người "chung" diện tích rồi đứng tên một người đăng ký, như trường hợp ông Đối nêu ở trên.

HỒNG VĂN

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM