Thứ Năm, 25 tháng 12, 2008

Nông dân lên sàn không dễ

Chủ Nhật,  21/12/2008, 11:19 (GMT+7)

Nông dân lên sàn không dễ


 

Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải gõ chiêng cho phiên giao dịch đầu tiên của sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột -Ảnh: Hồng Văn.

(TBKTSG Online) - Là người nông dân trồng 3 héc ta cà phê ở ngoại ô thành phố Buôn Ma Thuột, tôi tự hào khi văn hóa cà phê được vinh danh ở Festival cà phê, mà trong đó một sự kiện của lễ hội mà nông dân chúng tôi quan tâm nhất chính là sàn giao dịch cà phê đi vào hoạt động.

Tôi đọc bài báo "Nông dân lên sàn giao dịch cà phê", đăng ngày 11-12, đã mô tả khá chi tiết cách thức mà nông dân chúng tôi có thể lên sàn mua bán cà phê hiện đại, thay vì bán trực tiếp hay gửi cho các đại lý thu mua như lâu nay.

Lâu nay, cứ tới mùa thu hoạch, hoặc là tôi (hàng xóm ai cũng vậy) bán hết cho đại lý lấy tiền một cục trả nợ phân, thuốc, công cán thuê thu hái, trả tiền vay ngân hàng; hoặc gửi cả cho đại lý theo kiểu khi nào cần bán thì chốt giá. Gia đình tôi chọn phương cách này, cứ con đi học thì chốt giá bán nửa hay một tấn, nhà có giỗ quải, ma chay, cưới xin thì chốt giá bán tiếp. Cứ như vậy dù phương pháp mua bán không hiện đại nếu so với sàn giao dịch nhưng lại tiện cho nông dân như tôi.

Nhưng liệu rồi đây nông dân trồng cà phê nhưng tôi ở Tây Nguyên, trong đó có đồng bào dân tộc ít người, liệu có đủ hiểu biết và quy mô đủ 3 héc ta để bước chân vào sàn này không khi mà sàn quy định nông dân muốn đăng ký giao dịch tối thiểu phải chứng minh mình có 3 héc ta trồng cà phê và mỗi lô giao dịch là 5 tấn cà phê nhân. Nhà tôi trồng 2 héc ta, thu mỗi mùa 6-8 tấn nếu tính theo diện tích thì tôi không đủ điều kiện giao dịch. Thôi cứ cho là tôi góp chung diện tích với ông bạn hàng xóm để đủ tiêu chuẩn 3 héc ta thì 6-8 tấn cà phê của tôi lại hơn một lô nhưng lại không đủ 2 lô cho giao dịch.

Dù trong bài báo, ông Nguyễn Tuấn Hà, Giám đốc sàn, có cho biết là quy định nói trên cũng là cách giúp nông dân như tôi và những hàng xóm nhà tôi liên kết với nhau trong giao dịch mua bán nhưng ngay cả khi tôi và ông bạn hàng xóm đã liên kết với nhau thì liệu rằng những cách thức giao dịch quá hiện đại, mua bán khớp lệnh, những thuật ngữ bước nhảy giá, biên độ giao dịch, T+1, T+ 3…  thì có bao nhiêu nông dân như tôi đủ khả năng đăng ký tham gia, hay đó chỉ là sân chơi cho doanh nghiệp, các đại lý thu mua?

Ngay cả việc dùng máy vi tính với nông dân cũng đã khó huống hồ sử dụng vi tính vào những việc khác như mua bán cà phê ở sàn giao dịch. Tôi có may mắn là có mấy đứa con rành vi tính chỉ vẽ mấy năm nay nhưng liệu có bao nhiêu phần trăm nông dân nhà có máy vi tính, có nối mạng internet?

Liệu rằng rồi đây có bao nhiêu nông dân ở huyện, xã chân lấm tay bùn, mang dép lê, chạy xe công nông như tôi "dám" bước chân hay mang xe công nông vào sàn, khi nền gạch men bóng lộn cùng với những người mặc đồng phục, máy vi tính nối mạng hiện đại bên trong?

Phan Hồng Vinh (Buôn Ma Thuột)

Không có nhận xét nào:

Techz.vn đánh giá Khoa Marketing, UFM